Truyện kể
Kể từ 1910, Cô Bé Tý đã giầu có lớn, nhà cửa trang hoàng, trần thiết kế kiểu Đông Phương lộng lẫy như dinh phủ vương hầu đầy dẫy những bảo vật, đồ cổ Trung Hoa quý hiếm. Muốn dương danh khoe của Cô mở động cho dân chúng thong thả vào coi. Từ năm 1924, cửa mở cách một ngày một lần, nhưng từ 1930, nhà cầm quyền Pháp chỉ cho mở chủ nhật và ngày lễ. Người vào coi xếp hàng một nối đuôi trước cổng. Một hôm, có ông lão quê đến nhập bọn, lần bước sau toán người vào coi. Lối đi trong động hẹp ngang, đủ cho chuỗi người nối gót tiến lên vì 2 bên đều kê san sát tủ, xập, kỷ, án, bình phong chạm trổ, sơn thếp hoặc cẩn xà cừ, ghép ngọ ngà châu báu. Trên mặt thì bầy la liệt đồ cổ ngoạn bằng đồng thiếc, ngọ, ngà, hổ phách, san hô, bảo thạch, đồ sứ cổ Tàu từ đời Thanh đến Chu, tổng trị giá ngày đó đến nửa triệu bạc. Người vào coi – Dù sành điệu hay không – cứ chầm chậm bước một vừa đi vừa ngắm xem, không ai được xáp gần, sờ mó các đồ vật trưng bầy. Theo bén gót người phía trước, ông lão quê đang mải ngắm bộ bình đông bích đồ thứ 6 cánh cần ngọc vàng…bỗng la lên chu choa, nhăn nhó, thụp xuống ôm lấy chân làm cán ô cong kẹp nách ngoắc phải miệng một ang sứ cổ Khang Hi từ trên kỷ lộn rớt xuống bể tan tành (Ang sứ này nguyên của một đại tá Pháp dự trận Bát quốc dẹp Quyền Phi năm 1900, đột nhập Cấm Thành Bắc Kinh, đoạt được trong cung nội Mãn Thanh rồi sang tay Passignat mua được cho cô Bé Tý). Thì ra ông lão có mụn lở gót chân buộc thuốc sơ sài. Người đi sau, lúc cất bước, vô ý đá trúng phải, làm ông lão đau điếng, lóng cóng gây ra vụ bể. Ông lão run sợ, khóc lóc lạy van. Ai thấy cũng ái ngại, nhưng phải chờ Chúa Tiên về…Vì sợ trách nhiệm, viên quản gia quát tháo nhốt ông vào nhà cầu. Y trở ra xua hết người coi, đóng cửa lại rồi xuống nhà giật mình thấy cửa cầu tiêu mở, đẩy vô, không thấy ông lão. Hốt hoảng, quản gia làm um xùm, thúc gia nhân túa các ngả tìm kiếm. Ai vừa giải cứu ông lão? Gã phụ bếp giầu lòng thương, ghét quản gia phách lối, nhân lúc mọi người bận nhà trên, đã lén mở cửa nhà cầu, đưa ông thoát lối sau. Vì không thuộc phố phường Hà Nội, ông lão vừa đi vừa hỏi đường, loanh quanh đến Phố Mã Mây bỗng có tiếng thình thịch chạy sau lưng ông chưa kịp ngoái cổ thì bị gã quản gia túm tóc đánh…Người đi đường xô tới can ngăn. Gã quản gia kéo xềnh xệch lão về Hàng Bạc, hô gia nhân lấy dây trói, bỏ nằm cầu tiêu, khóa cửa lại. Ông lão tủi nhục nằm khó dấm dít đến trưa chiều, chẳng ai cho ăn uống: Mãi tối, bà Chúa đi dự đàn tứ phủ trên đền Đức Vua dốc Yên Ninh cùng 2 cô gái nuôi mới về. Cả nhà đổ ra đón, bưng các tháp quả phẩm lộc, đồ biếu vào. Quản gia trình Chúa Tiên vụ bể ang và thủ phạm, ông lão, vì trốn khỏi nhà đã bị bắt lại, nhốt trong buồng vệ sinh, chờ lệnh Bà Chúa. Nghe nói ông lão đau chân loạng quạng làm bể đồ, Chúa Tiên biểu cởi trói, dẫn lên vào phòng thay áo trở ra thấy ông lão mặt mày hốc hác bị quản gia bắt quì dưới đất, Chúa Tiên không nỡ, biểu đỡ dậy, lấy ghế cho ngồi, hỏi ăn uống gì chưa? Ông lão lắc đầu xin hớp nước đỡ khát. Bà Chúa sai người đưa xuống bếp cho ăn uống tử tế xong dẫn lên. Chúa Tiên ôn tồn hỏi sao đến coi lại không cẩn thận để ý làm bể bảo vật của Bà? Ông cụ mếu máo kể từ lúc nối gót người vào coi đến lúc thình lình bị đá vào mụn, đau quá luýnh quýnh cán dù móc phải ang rớt bể rồi bị giữ. Chúa Tiên vặn hỏi đã vậy, sao còn chạy trốn? Lão thưa:
- Không phải vậy. Lão không dám tự ý trốn đi mà…do một chú tử tế thương hại mở cửa nhà cầu dắt lão ra cổng sau, trỏ đường biểu trốn. Chẳng may phố xá không rành loanh quanh hỏi thăm ra tới bến, định đi Hưng Yên thăm con, đến gần Cột Đồng Hồ thì bị thầy quản gia túm đánh, lôi kéo về nhà, cột nhốt trong nhà xí!
Lai lịch ông lão quê
Chúa Tiên nghe sinh lòng bất nhẫn nói:
-Giờ lỡ đánh vỡ đồ quý của tôi thì phải đền!
Nước mắt chạy quanh, ông lão mếu máo chắp tay xá:
-Bẩm Bà Chúa, lão quê mùa nghèo khó, sống trơ trọi, không có tiền đền Bà Chúa
-Thế con cháu đâu mà lại sống trơ trọi?
-Lão có thằng lớn gần 50, mới đây cả vợ chồng đều bị chết bệnh thời khí. Chúng có 2 con: 1 đứa đi lính Đoan 8, 9 năm nay không thấy về; còn 1 đứa 17 ở đợ làng bên. Lão còn 1 gái nữa, lấy chồng hàng Huyện, đăng lính Khố Xanh vừa đổi sang Hưng Yên. Với lương cai Khố xanh, vợ chồng nó nuôi sao nổi 7, 8 đứa con, nói chi giúp đỡ cha già?
-Vậy, lão làm cách nào sống?
-Nhờ biết năm ba chữ thảo được lá đơn, bản văn tự (giao kèo mua bán vay mượn) làm sớ trạng cúng kiếng, ngoài ra hằng ngày và dịp Tết nhất, có người mướn viết châm, liễn đối trướng hiếu hỉ, nên cũng tạm sống qua ngày.
-Ngoài hai trai, gái đó, có còn con nào khác không?
Câu hỏi khiến ông lão bùi ngùi
-Bà Chúa hỏi thêm đau lòng. Lão lận đận vất vả, mới 40 đã gà trống nuôi 3 con
Chúa Tiên bỗng đanh nét mặt
-Ông lão nói có 2 con: 1 trai, 1 gái. Con Trai và dâu mới chết dịch; con gái lấy chồng khố xanh sao lại vừa biểu nuôi 3 con? Đứa thứ ba ở đâu?
-Dạ, đứa thứ 3, chẳng rõ nó ở đâu? Còn sống hay đã chết? Nghĩ đến nó, lão cầm lòng không nổi. Nay thấy mặt nó một lần, lão nhắm mắt cũng thỏa lòng.
Chúa Tiên chớp chớp mắt nén xúc động hỏi:
-Đứa thứ 3 này trai hay gái?
-Bẩm, cháu gái.
Chúa Tiên hơi biến sắc, hỏi:
-Con gái nhỏ ở với ông Cụ, sao lại không biết nó ở đâu? Sống hay đã chết?
Ông lão tần ngần chưa kịp đáp, Chúa Tiên hỏi tiếp:
-Hay là nó bị mẹ mìn, kẻ nào bỏ bùa dỗ mang sang Tàu bán?
Ông lão lắc đầu:
-Không ai dụ dỗ mà tự nó ra đi
-Gì lạ vậy? Tự nó ra đi như người lớn? Quả là chuyện lạ, ít thấy!
Ông lão bèn kể đầu đuôi chuyện sai cái Tý Ba, gái út đem be ra đầu làng mua rượu chẳng may té, be bể, miểng đâm tét đùi rồi sợ đòn cha, không dám về, đi biệt tăm từ đó…nay đã tròn 28 năm.
Nghe đến đây, Chúa Tiên bèn khoác tay ra dấu cho kẻ ăn người làm, gia nhân trong phòng xuống nhà dưới để bà hỏi chuyện riêng ông lão. Khi ai nấy không còn trong phòng, Chúa Tiên mới khẽ hỏi ông lão danh tánh, quê quán nghề nghiệp? Ông nhất nhất trả lời, Bà Chúa không cầm được nước mắt ôm cha nức nở khó. Xiết bao mừng tủi, ông lão nghẹn ngào trách con bấy lâu giàu sang chẳng đoái hoài đến cha già, quê quán. Chúa Tiên nhận tội bất hiếu, trình bày không phải vì quên làng nước gia đình, mà do gặp lắm éo le, nghịch cảnh không cho nàng giữ tròn hiếu đạo: Khi bỏ nhà ra đi, gặp được vợ chồng công sứ dung dưỡng nuông chiều, lắm lúc nhớ cha, anh chị, nhưng đâu dễ mỗi chốc được về thăm. Vả lại hình ảnh cha nghiêm dữ đòn càng khiến nàng thêm e ngại. Đến khi bị bố nuôi khác máu tanh lòng làm điều ô nhục, nàng còn thấy phải xa cha hơn nữa vì lẽ không thể trở lại thôn làng trong cái vỏ nửa tây nửa ta chẳng giống ai trong làng. Nàng đành nhắm mắt đưa chân. Hà Nội như ánh đèn thu hút cánh thiêu thân, nàng bị cuộc sống lôi cuốn lên chốn phồn hoa cố đô. Thân gái bơ vơ giữa cảnh xô bồ đô hội, nàng phải từng phút vận dụng xảo năng để tranh sống, thăng hoa, nên không còn đầu óc nghĩ đến chuyện nào khác ngoài thực tại thử thời.
Chúa Tiên thú thật với cha là từ ngày tới cố đô 36 phố phường nàng không hề được ngủ trước nửa đêm, bận rộn tối ngày suốt 20 năm ròng rã. Lắm lúc muốn sai thuộc hạ hoặc đích thân về làng thăm cha, nhưng ý định chỉ thoáng qua rồi lại bỏ đó vì quá đa đoan công chuyện. Thấm thoát, ngày qua tháng lại đã gần 30 năm, nay cha con trùng phùng xum hợp. Nghe con nói xong ông lão gục gặc, tấm tắc khen với Chúa Tiên:
-Chịu Thầy bói Chợ Đường Cái đoán giỏi! Ông Lợn quyết đoán phải 20 năm xa cách cha con mới đoàn tụ. Tính đến hôm nay vừa tròn 27 năm II tháng. Bữa nào, cha con mình phải đến thưởng ông Thầy!
Liền đó, Chúa Tiên cho gọi toàn thể gia nhân, tôi tớ lên đứng đằng trước mặt, ra lệnh những ai đã có thái độ vô lễ, tàn nhẫn với cha già phải quì xuống tạ tội lễ sống 2 lạy còn người khác thì 2 vái sau khi tuyên bố cho biết đó là cha đẻ xa cách 28 năm mới gặp lại. Bà thuật cho nghe trường hợp Bà nhỏ 12, 13 đã phải lìa xa gia cảnh. Định mệnh đã an bài sự kiện tương phản giữa việc thoát ly và đoàn tụ của Chúa Tiên: Xưa thì con đánh vỡ bỏ cha nay thì “cha làm bể ang cha mới gặp con”
Mời các bạn đón xem phần tiếp theo: Hồi 7 - Hạn địa kiếp của cô Bé Tý