Nội dung bài viết
Quẻ bỉ
Thiên địa bất giao, phủ; quân tử dĩ kiệm đức bích nan, bất khả vinh dĩ lộc.
Kỳ vong kì vong, hệ vu bao tang.
Khuynh bĩ, tiên bĩ hậu hỉ.
Quẻ Đại Hữu
Quân tử dĩ kiệt ác dương thiện.
Quẻ khiêm
Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm, địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm, quỷ thần hại doanh nhi phúc khiêm, nhân đạo ác doanh nhi hảo khiêm.
Quẻ bỉ
“Bỉ” bao gồm hai nghĩa là sự phủ định và sự bế tắc. Nếu nói về mặt thời gian thì quẻ này ứng với tháng 7, cũng tức là tháng mà âm và dương không giao hòa với nhau, vạn vật không sinh sôi nảy nở. Nếu nói về đạo làm người thì đây là thời kỳ bất thường, kẻ tiểu nhân đang đắc thế, còn người quân tử đang bị bài trừ, tiêu diệt. Quẻ Bỉ giải thích thời kỳ đen tối từ thái bình chuyển sang loạn lạc, từ thông suốt chuyển sang bế tắc, thế lực của kẻ tiểu nhân ngày càng bành trướng, còn thế lực của người quân tử thì bị suy yếu, hãm hại.
Thiên địa bất giao, phủ; quân tử dĩ kiệm đức bích nan, bất khả vinh dĩ lộc.
Ý nghĩa của quẻ Bỉ là: Trời đất không tương giao với nhau nên mới dẫn đến sự bế tắc, tối tăm. Người quân tử trong tình cảnh này phải biết cách che giấu tài năng, không nên bộc lộ hay phát huy tài năng của mình để tránh khỏi sự hãm hại của những kẻ tiểu nhân. Không theo đuổi vinh hoa phú quý để tránh khỏi bị kẻ tiểu nhân đố kỵ, ghen tức.
Khổng Tử đã từng nói: “Bang hữu đạo tắc chi, bang vô đạo tắc húy”, “thiên hệ hữu đạo tắc kiến, vô đạo tắc ẩn”,… Nghĩa là: “Khi trời đất thông tỏ thì nên xuất hiện để làm việc, cống hiến giá trị của bản thân; khi trời đất còn u u mê mê thì nên rút lui về nghỉ ngơi, tu dưỡng đạo đức”.
Tại sao phải làm như vậy? Bởi vì khi bất kỳ doanh nghiệp hay một tổ chức nào bị đóng cửa thì đó cũng là lúc “tiểu nhân đạo trường, quân tử đạo tiêu” hay cũng có thể nói lúc đó là thời cơ để kẻ tiểu nhân thể hiện lợi thế.
Với những người làm doanh nghiệp, ai cũng hy vọng có thể đạt được một sự nghiệp. Vì vậy, nên tránh xa những doanh nghiệp “vô đạo” để tìm kiếm những doanh nghiệp “có đạo’’ phát triển phù hợp với bản thân mình.
Ngày nay, việc chọn lựa sự nghiệp của chúng ta khác nhiều so với những bậc quân tử cổ đại. Với những bậc quân tử, khi quân vương vô đạo, chỉ còn cách lựa chọn con đường lui. Nhưng với cuộc sống hiện đại ngày nay, khi chúng ta phát hiện ra những nhược điểm trong quản lý của doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra được phương pháp giải quyết vấn đề phù hợp nhất, chỉ cần tôn chỉ và mục đích hoạt động của doanh nghiệp đó phù hợp với sự phát triển của bản thân mình.
Anh Cung Tuyên Trạch nguyên là Giám đốc thương hiệu của một doanh nghiệp thực phẩm, nhưng từ năm 2004, anh bắt đầu thấy bản thân mình thâm nhập vào nội bộ và những kế hoạch chính sách phát triển của công ty. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc công ty chia làm hai bè phái, mỗi bè phái lại có một lượng lớn nhân viên. Là một trong những nhân viên ưu tú của công ty, Cung Tuyên Trạch trở thành đối tượng được cả hai phái nhòm ngó.
Bản thân Cung Tuyên Trạch muốn tự mình có thể đạt được thành tích cao trong lĩnh vực nghiên cứu thương hiệu nhưng việc đấu đá giữa hai phái khiến anh không thể chuyên tâm làm tốt công việc của mình. Tất cả những ý kiến liên quan đến thương hiệu của công ty, anh đều phải nhận được sự đồng ý của cả Tổng giám sát thị trường và Phó giám đốc bán hàng thì mới có thể thực hiện. Trong khi đó, hai người này lại thuộc hai phe phái khác nhau, ý kiến của họ thường xuyên thay đổi, khiến nhiều lần ý kiến của Tuyên Trạch không được thực hiện. Điều này khiến Cung Tuyên Trạch cảm thấy việc tiếp tục ở lại doanh nghiệp không còn ý nghĩa gì nữa. Do đó, anh chọn giải pháp xin thôi việc và tham gia vào một công ty mới về thiết kế thương hiệu.
Đến hôm nay, Cung Tuyên Trạch đã trở thành một nhà thiết kế hình ảnh thương mại sản phẩm nổi tiếng, phục vụ hơn 10 doanh nghiệp lớn nhỏ trong việc thiết kế và xây dựng thương hiệu.
Nếu Tuyên Trạch vẫn tiếp tục ở lại công ty cũ làm việc thì chắc chắn anh ta không thể nào đạt được những thành công sau này, thậm chí có thể trở thành vật hi sinh trong việc đấu đá giữa hai bè cánh. Trên thực tế, việc đấu tranh phe phái trong doanh nghiệp cũng tạo ra sự phân ly trong doanh nghiệp – ví dụ như ông Tổng kiểm soát thị trường đã mang đi một số gương mặt xuất sắc trong kinh doanh để thành lập một doanh nghiệp mới, không ngừng cạnh tranh thị phần với công ty cũ. Hay thậm chí, rất nhiều người vì đấu tranh bè phái mà vướng phải những rắc rối, đánh mất sự nghiệp.
Nhưng, cũng có nhiều người luôn cho rằng, công việc và mức sống hiện tại đã khá phù hợp mà không có ý thức phấn đấu. Họ cho rằng: “Chỉ cần công ty trả lương hậu hĩnh là tôi vẫn tiếp tục làm việc với công ty”. Có lẽ, thái độ làm việc này cũng là một trong những nguyên nhân khiến con đường sự nghiệp của họ bằng phẳng đến đơn điệu.
Lời khuyên thứ 19: “Không nên làm việc tại một doanh nghiệp có “tiểu nhân đương đạo”. Tại những doanh nghiệp này, chúng ta không những không có cách nào để phát huy giá trị bản thân mà còn lãng phí một khoảng thời gian lớn, cuối cùng chỉ có được một cuộc đời bằng phẳng, đơn điệu.
Kỳ vong kì vong, hệ vu bao tang.
Luôn đề phòng cảnh giác, như thế mới có thể giống như rễ cây dâu kết lại um tùm.
Ý nghĩa của câu nói này là: Luôn đề phòng cảnh giác, như thế mới có thể giống như rễ cây dâu kết lại um tùm, bảo đảm an toàn tuyệt đối, tồn tại mà không quên sự diệt vong, cai trị mà không được phép quên thời loạn lạc, phải giữ được sự an toàn cho bản thân thì mới bảo vệ được quốc gia.
Ý nghĩa của câu nói này rất sâu sắc, chủ đề mà nó muốn thể hiện rất rõ ràng: Cư an tư nguy (muốn yên ổn thì không nên quên nguy cơ). Khổng Tử đã từng có những phân tích hết sức tỉ mỉ về câu nói này: “Người như thế nào có thể bị nguy hiểm? Nhất định là người an cư. Người như thế nào có thể bị diệt vong? Nhất định phải là người tồn tại. Người như thế nào có thể bị hỗn loạn? Nhất định là người trị quốc thanh minh. Do đó, người quân tử muốn an cư thì không được phép quên nguy hiểm, tồn tại thì không được phép quên diệt vong, trị quốc thanh minh thì không được phép quên hỗn loạn. Từ những nguyên nhân đó, phải giữ được sự an toàn cho bản thân thì mới bảo vệ được Tổ quốc.
Cho dù là Bill Gates cũng từng nhận định: “Microsoft chỉ cách phá sản có ba tháng”, còn Nhiệm Chính Phi cho rằng: “Mùa đông của Huawei nhất định sẽ đến”, hay ông chủ của trang mạng lớn nhất Trung Quốc Baidu cũng nói: “Baidu cách phá sản chỉ có 30 ngày”. Đây được xem là những biểu hiện của “cư an tư nguy”.
Đối với những người làm lãnh đạo, “cư an tư nguy” cũng vô cùng quan trọng. Hôm nay, bạn có trong tay những kỹ năng quí báu nhưng có thể ngày mai sẽ tan biến trở thành thứ vô giá trị.
Từ mùa xuân năm 2010, Tập đoàn giáo dục Quần Phong, Giang Tô bắt đầu tiến hành thay đổi toàn diện. Sự thay đổi của tập đoàn cũng mang đến cho nhân viên những yêu cầu mới, theo một số bộ phận thì những kỹ năng đã tích lũy từ trước của họ trở nên vô giá trị, cần phải tiếp tục học tập để phù hợp với những yêu cầu của công việc. Ví dụ, với nhóm diễn giả, cách giảng cũ đã hoàn toàn lạc hậu, cần có một phương pháp giảng dạy chủ động và cuốn hút hơn, với phương pháp mới đó sẽ khiến người giảng phải được trang bị những tố chất cần thiết của một người xây dựng chương trình, đồng thời cần có khả năng đối thoại với các học viên. Có như vậy, kiến thức của người giảng và năng lực của người đứng trên bục giảng mới được nâng cao.
Những người không đáp ứng được việc thay đổi toàn diện này sẽ phải đối mặt với việc bị đào thải và chuyển đổi công tác.
Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện mang tính tích cực như Tập đoàn giáo dục Quần Phong, Giang Tô. Đối với những doanh nghiệp đó, chuyển đổi toàn diện là con đường duy nhất để thay đổi những sai lầm và vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Đối với các nhân viên, việc thích ứng với những thay đổi của công ty cũng là cơ hội quan trọng để thành công trong sự nghiệp. Nếu người nào đó không phù hợp với những thay đổi thì sẽ bị đào thải.
Với những người làm doanh nghiệp ngày nay, khoảng cách với đào thải chỉ vỏn vẹn một tuần. Có thể nói, chúng ta sinh tồn trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, thậm chí là phải hi sinh, nhưng chúng ta lại không thể đối diện với sự thật của sự hi sinh. Chính vì vậy, từ việc thích ứng với sự thật của hi sinh, chúng ta cần ghi nhớ: “cư an tư nguy” và tự nhắc bản thân: “Chúng ta chỉ cách quy luật đào thải có một tuần thôi!” Chỉ còn một cách là chúng ta phải thường xuyên học hỏi những kiến thức mới để thích ứng với những đòi hỏi của công việc và những thay đổi trách nhiệm, từ đó mới có thể ổn định và phát triển trong doanh nghiệp.
Lời khuyên thứ 20: Thường xuyên nhắc nhở bản thân: “Tôi chỉ cách quy luật đào thải có vỏn vẹn một tuần lễ.”
Khuynh bĩ, tiên bĩ hậu hỉ.
Sự bế tắc, đen tối đã đi qua, thái bình lại đến
Khi những bế tắc, đen tối đi qua thì kết quả như thế nào? Tất nhiên sẽ bước vào thời kì thái bình, hạnh phúc, do đó mới nói: “tiên bĩ hậu hỉ”. Ở đây muốn nói tới quan điểm lạc quan đầy hy vọng là “bĩ cực thái lai”.
“Bĩ cực thái lai” có nghĩa là gì? Thực tế mọi người vẫn thường nói: “Thất bại là mẹ của thành công”, sau khi vượt qua thất bại hoặc tổn thất, chúng ta sẽ lại bước trên con đường thênh thang rộng mở, từng bước từng bước tới thành công. Đó chính là ý nghĩa cơ bản của quẻ Phủ. Quẻ Phủ giải thích qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai, sự tối tăm không thể duy trì lâu được, tất sẽ phải chuyển biến sang chiều hướng tốt đẹp, đó là một quy luật. Bởi vì, khi gặp lúc khó khăn cùng cực nhất, hoàn toàn không có phương cách để giải thoát, thì cần phải bình tĩnh đón nhận nó, tự bảo vệ bản thân, không ngừng cầu tiến, từng bước đi đến thái lai.
Sau khi lâm vào hoàn cảnh bế tắc, rất nhiều người đi trên con đường phía trước, cũng là con đường chết, trong khó khăn họ dễ dàng đánh mất niềm tin. Ví dụ, trong thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008, rất nhiều doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng, thậm chí còn có hiện tượng một số người lãnh đạo tập đoàn bỏ trốn. Ngược lại, một số nhà lãnh đạo khác đã nhìn thấy những nguy cơ của thị trường từ cuộc khủng hoảng tài chính, họ không những không bị đánh đổ mà còn đứng vững, ngoài ra còn chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục hồi và ổn định kinh tế. Điều này quẻ Phủ đã dạy chúng ta: khi gặp khó khăn, đừng quên những ngày tháng hạnh phúc đã qua, do đó cần phải chuẩn bị để vượt qua khó khăn, đón chào tương lai tốt đẹp phía trước.
Năm 2008, khi cơn bão khủng hoảng tài chính bùng phát, rất nhiều doanh nghiệp bắt đầu nghĩ đến nhiều cách thức để đối phó với khủng hoảng, thậm chí một số doanh nghiệp còn cắt bỏ những kế hoạch đào tạo đã định. Điều này khiến nhiều công ty về đào tạo rất khủng hoảng, họ bắt đầu lần lượt sa thải lao động. Tập đoàn giáo dục Quần Phong lại tìm một phương thức khác biệt với những công ty khác: Đăng tuyển cán bộ giỏi về năng lực và chuyên môn.
Trong một buổi trả lời phỏng vấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Mẫn đã phát biểu: “Mặc dù khủng hoảng tài chính khiến cho nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại kế hoạch đào tạo nhân sự, thậm chí thay đổi kế hoạch, nhưng rất nhanh chóng có thể thấy rằng, để đối phó với khủng hoảng tài chính thì phải học tập, nếu không chỉ có con đường chết. Đến khi họ nhận thức được vấn đề này thì năng lực phục vụ của tổ chức đào tạo nào tốt nhất, tổ chức đó sẽ chiếm lĩnh thị trường. Đó chính là lý do cơ bản khiến chúng tôi làm như vậy.”
Sáu tháng cuối năm 2009, những phát ngôn của ông Hoa Mẫn đã được chứng minh. Cùng với những chuẩn bị kĩ càng về đội ngũ giáo viên giỏi và nhân sự chuyên nghiệp, Tập đoàn giáo dục Quần Phong đã có nhiều lợi thế cạnh tranh và trở thành công ty đào tạo mạnh nhất trong khu vực.
Phía sau của rủi ro chính là cơ hội. Do đó, trong lúc gặp khó khăn, thất bại, không nên thất vọng, mất niềm tin, mà phải tích cực tìm kiếm cơ hội, vượt qua khó khăn. “Sau cơn mưa trời lại sáng”, nó cũng có ý nghĩa biểu đạt như “bĩ cực thái lai”. Thực tế đã chứng minh: Chỉ cần chúng ta miệt mài phấn đấu, nỗ lực vượt khó, thì tương lai tốt đẹp sẽ thuộc về chúng ta.”
Lời khuyên thứ 21: Sau rủi ro là cơ hội. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, không nên nản lòng thất vọng, mà nên tích cực tìm kiếm cơ hội, vượt lên khó khăn.
Quẻ Đại Hữu
“Đại hữu” ở đây có nghĩa là đạt được thành tích lớn, đạt được sự nghiệp vĩ đại. Quẻ Đại Hữu bao hàm cả hai đặc điểm là: sức mạnh và sự quang minh chính đại. Một hào âm nằm ở vị trí tôn quý cùng tương ứng với trời – tức quẻ Càn ở bên dưới, điều này tượng trưng cho thiên mệnh, thu phục lòng dân, có thể lãnh đạo nhân dân hoàn thành sự nghiệp vĩ đại. Vì thế, quẻ này là đại cát, đại lợi.
Quân tử dĩ kiệt ác dương thiện.
Ý nghĩa của “át ác tán thiện” rất dễ lý giải. Đó là phải trấn át, loại trừ cái ác, tán dương, phát triển cái thiện. Thực chất, đó là qui tắc ứng xử trong cuộc sống mà chúng ta thường xuyên được dạy ngay từ khi còn tấm bé, vì đó chính là biểu hiện của chính nghĩa. Trên thực tế, bất luận là trong xã hội hay trong doanh nghiệp thì đều dễ dàng bắt gặp những sự việc của át ác tán thiện.
Quẻ Đại Hữu là chỉ ý nghĩa đạt được thành tích lớn, đạt được sự nghiệp vĩ đại. Chúng ta đều biết trước khi lập nghiệp, mọi người đều phải tận tâm tận lực, cùng nhau nỗ lực để mong đạt được tài phúc. Nhưng khi có được “đại hữu” thì lại thường nảy sinh ra một số vấn đề, như kéo bè kéo cánh, kết đảng phái mưu tư lợi, thậm chí là lạm dụng chức quyền cá nhân.
Có thể nói, đại đa số các doanh nghiệp đang tồn tại đều đã trải qua thời gian lập nghiệp đầy khó khăn, đều đã trải qua giai đoạn “đại hữu”. Người xưa thường nói: “Đánh lấy thiên hạ thì dễ, nhưng làm chủ được thiên hạ mới khó.” Thực tế, trong nội bộ doanh nghiệp sẽ có những lời nói hoặc hành động không tích cực. Điều này đã đặt ra những yêu cầu mới cho các nhân viên trong doanh nghiệp. Bởi việc trấn át lời nói và hành động không tích cực lúc này không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo mà phải là trách nhiệm của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp. Lí do ở chỗ nếu “cái ác” không ngừng lan rộng và phát triển thì nội bộ doanh nghiệp sẽ hỗn loạn.
Như vậy, chúng ta nên hành động thế nào đây? Đó chính là “át ác tán thiện”, phải nỗ lực loại trừ cái ác, tán dương, phát triển cái thiện, thuận theo quy luật của thiện mỹ trong tự nhiên.
Một doanh nghiệp chế tạo xe khách của tỉnh Giang Tô đang gặp phải nguy cơ nghiêm trọng trong nội bộ doanh nghiệp. Ngay từ ban đầu, khi mới bước chân vào thị trường chế tạo xe khách, trong nội bộ đã có một nhóm người có tính tư lợi được phân vào các bộ phận quan trọng của công ty. Họ không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng, thậm chí một số người còn lợi dụng quyền hạn của mình để kiếm lời. Ví dụ, Tổng giám đốc bộ phận mua hàng trong hơn ba năm công tác đã làm thất thoát của công ty gần 6 triệu tệ. Trong nhóm những người cũ có công xây dựng công ty cũng thường xuyên có hiện tượng đấu tranh quyền lợi với nhau, đã gây ra sự bất đồng, hiểu lầm, mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng, dẫn đến hiệu quả kinh doanh của toàn bộ công ty ngày càng xuống thấp…
Đối mặt với những vấn đề này, Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị đã quyết định: “át ác tán thiện”. Đầu tiên, họ đề bạt những người giỏi, có trách nhiệm vào những vị trí quan trọng. Sau đó, luôn quan tâm, chăm sóc để những người tài này thường xuyên có cơ hội được rèn luyện. Đồng thời thúc đẩy cơ chế giám sát của toàn bộ nhân viên công ty, khuyến khích nhân viên cùng tham gia phát giác những hành vi xấu tồn tại trong doanh nghiệp. Chưa đầy nửa năm, họ đã có trong tay những thông tin về những cán bộ cậy quyền để tư lợi, kéo bè kết đảng, và thông qua những hình thức kỷ luật để cảnh cáo và kỷ luật những đối tượng đó. Đến hôm nay, nội bộ công ty đã ổn định, kết quả kinh doanh cũng tăng cao
Qua sự việc trên, chúng ta thấy đội ngũ nhân viên đã phát huy tác dụng quan trọng và tích cực, không có họ, sự việc sẽ không thể được giải quyết một cách thuận lợi. Do đó, tại Hội nghị tổng kết toàn công ty, Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị đã lần lượt tuyên dương tập thể cán bộ công nhân viên, qua đó gửi lời cảm ơn sâu sắc:
“Nếu không có sự đồng ý và giúp đỡ của mọi người thì có lẽ doanh nghiệp cũng đã có nguy cơ phá sản, đúng là các bạn đã cứu công ty, chân thành cảm ơn các bạn!”
Nếu mỗi chúng ta bị cái xấu bao vây và cám dỗ thì cái xấu sẽ không ngừng phát triển, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn
Lời khuyên thứ 22: Ngăn chặn những hành động xấu dưới mọi hình thức trong nội bộ công ty, đồng thời tuyên dương những hành động ưu tú, những nghĩa cử cao đẹp
Quẻ khiêm
“Khiêm” ở đây dùng để chỉ thái độ khiêm tốn, không tự phụ về tài năng cũng như thành tích mà mình đã đạt được. Quẻ Khiêm bao gồm: quẻ nội là quẻ Cấn, tượng trưng cho núi, cho sự “ngưng lại”. Quẻ ngoại là quẻ Khôn, tượng trưng cho đất, cho sự thuận lợi. Trong lòng biết kiềm chế thì biểu hiện ra bên ngoài sẽ là sự mềm dẻo, khéo léo lựa theo. Đây chính là thái độ khiêm tốn. Khiêm tốn sẽ khiến cho mọi việc trở lên thuận lợi. Lúc đầu mọi việc có thể không suôn sẻ như ý, nhưng về sau do đức tính khiêm tốn mà sẽ nhận được sự trợ giúp của mọi người và cuối cùng sẽ có được thành công.
Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm, địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm, quỷ thần hại doanh nhi phúc khiêm, nhân đạo ác doanh nhi hảo khiêm.
Ý nghĩa của đoạn Thoán viết này chỉ thái độ khiêm tốn, không tự phụ về tài năng cũng như thành tích mà mình đạt được, và qua đó nhấn mạnh những lợi ích của đức tính khiêm tốn.
Thực tế, có rất nhiều câu nói nổi tiếng cũng biểu đạt ý nghĩa và những lợi ích của đức tính khiêm tốn và những tổn hại của tính tự mãn như: “Khiêm tốn khiến con người tiến bộ, kiêu ngạo khiến con người lạc hậu”, “tự mãn chuốc lấy tổn hại, khiêm tốn nhận được thành công”. Quẻ Khiêm dùng bốn hình tượng “thiên đạo”, “địa đạo”, “quỷ thần đạo” và “nhân đạo” để khẳng định tầm quan trọng của đức tính khiêm tốn.
Trên thực tế, trong 64 quẻ của Kinh Dịch, quẻ Khiêm là quẻ duy nhất từ Sơ Lục đến Thượng Lục và các lục hào đều đại cát đại lợi, điều đó cũng có nghĩa là ai có trong tay quẻ Khiêm tức là đã được đại cát đại lợi.
Như vậy, trong môi trường kinh doanh, những người khiêm tốn có đạo đức tốt sẽ như thế nào? Tất nhiên họ cũng sẽ nhận được sự coi trọng và tình cảm quí mến từ lãnh đạo và các nhân viên trong công ty, từ đó từng bước đạt được thành công, cuối cùng cũng sẽ thực hiện được lý tưởng sự nghiệp của bản thân mình.
Mặc dù thời gian làm việc của Trương Lương tại công ty chưa lâu nhưng hầu như ai trong công ty cũng đều dành tình cảm tốt đẹp nhất cho anh. Một lý do duy nhất đó là Trương Lương là một người rất khiêm tốn.
Một nhân viên đã nhận xét về Trương Lương như sau: “Khi anh ấy muốn hỏi bạn về một vấn đề gì, lúc nào anh ấy cũng rất nhã nhặn, anh ấy cũng rất nhẫn nại, không bao giờ ngắt lời bạn, khi phát sinh vấn đề anh ấy rất nhanh nhẹn tìm hiểu để làm rõ vấn đề.”
Có rất nhiều người nhận xét, khi làm Tổng giám đốc mới của công ty, Trương Lương lại rất tự tin, thậm chí còn duy trì khoảng cách nhất định với nhân viên, tạo được thái độ nghiêm khắc cho chính bản thân.
Trương Lương cũng đã có dịp chia sẻ ý kiến của mình: “Thái độ nghiêm khắc không tự mình thể hiện bằng vẻ bề ngoài, thái độ nghiêm khắc do mọi người tạo ra cho mình. Nếu bạn không được mọi người tôn trọng thì bạn giả như nghiêm khắc cũng chẳng có tác dụng gì. Mọi người không nghe chỉ thị của bạn, không tuân theo nhiệm vụ bạn giao phó, thì bạn giả như nghiêm khắc cũng không để làm gì. Bạn cần phải đạt được sự tôn trọng của mọi người, mà muốn làm được vậy thì trước tiên là phải tôn trọng người khác, và khiêm tốn đối đãi với mọi người, đó chính là biểu hiện tốt nhất của tôn trọng”.
Mặc dù lợi ích của việc khiêm tốn rất rõ ràng nhưng nhiều người vẫn có thái độ tự kiêu tự mãn, tự cho rằng mình cao hơn mọi người, thậm chí coi thường cả lãnh đạo và đồng nghiệp của mình.
Việc thôi việc của Vương Hoa không làm mọi người ở công ty bất ngờ. Đồng nghiệp khi nói đến Vương Hoa đều cùng chung ý kiến: “Ở công ty, anh ấy cũng không có cách gì để tiếp tục, không thôi việc cũng không biết làm thế nào.”
Thực tế, Vương Hoa là một anh chàng rất thông minh. Trong thời gian còn học đại học, anh cũng đã đạt được rất nhiều thành tích xuất sắc khiến mọi người ai nấy đều khen ngợi, như được bình chọn là “Một trong 10 thi nhân trẻ của học đường Trung Quốc”, đạt được “Giải bạc thanh niên sáng tạo của Đại học Tô Châu”, được chọn là “thanh niên ưu tú của học đường”… Nhưng, anh có một nhược điểm rất nổi bật là tính tự cao tự đại. Trong mối quan hệ với mọi người, anh không quên thể hiện bản thân ở mọi nơi mọi lúc. Khi mới tham gia phỏng vấn thi tuyển, người phỏng vấn đã đưa ra ý kiến muốn khuyên anh thay đổi thái độ đó, nhưng anh không hề tiếp nhận ý kiến.
Vào công ty chưa đầy hai tháng, anh đã được mọi người gọi là “sói tự đại”. Trong mỗi cuộc họp, anh thường có lời lẽ giáo huấn, phê bình đồng nghiệp, khiến các đồng nghiệp khác nảy sinh tâm lý phản cảm. Không lâu sau đó, anh bị các nhân viên cô lập, không ai muốn kết giao với anh. Không còn cách nào khác, anh quyết định nghỉ việc.
Nếu bạn là người có thói quen quan tâm đến mọi người xung quanh mình thì nhất định sẽ phát hiện ra xung quanh có rất nhiều người tự kiêu tự đại. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ chính là những người bạn không yêu mến. Vấn đề quan trọng nhất là: Bạn có tự cho rằng mình là người tự cao tự đại? Nếu là như vậy, bạn nên nhanh chóng thay đổi, nếu không cũng giống như Vương Hoa, bị mọi người cô lập.
Lời khuyên thứ 23: Tự mãn chuốc lấy tổn hại, khiêm tốn nhận được thành công