Quẻ nhu
Đây là quẻ thứ năm trong Kinh Dịch, kết hợp bởi quẻ trên là quẻ Khảm (Nước) tượng trưng cho sự nguy hiểm và quẻ dưới là quẻ Càn (Trời) tượng trưng cho sự mạnh mẽ. Tuy mạnh mẽ nhưng phía trước lại gặp rất nhiều nguy hiểm và trở ngại nên không thể tiếp tục tiến lên, cần phải chờ đợi. Nói tóm lại, nguyên tắc tối cao trong việc ứng phó với nguy hiểm là cần phải lấy nhu để khống chế cương, phải biết cách chờ đợi có mục đích. Đây chính là nguyên tắc dùng “nhu”
Hữu phu, quang hanh, trinh cát. Lợi thiệp đại xuyên.
Quẻ Nhu mà có lòng tín thực thì sáng sủa, hanh thông. Nếu có chí kiên định là rất tốt, có lợi cho việc vượt qua sóng lớn
Quân tử dĩ ẩm thực yến lạc.
Quân tử khi cần chờ đợi thì phải học cách chờ đợi, tận hưởng niềm vui khi chờ đợi.
Tôn chỉ của quẻ Nhu chính là chờ đợi thời cơ. Quẻ này nhấn mạnh hai điều: Thứ nhất, trong lúc chờ đợi nên giữ phẩm chất tốt đẹp; thứ hai, trong lúc chờ đợi phải kiên định, không nên nóng vội, gấp gáp mong sớm thành công.
Người xưa có câu nói rất nổi tiếng: “Cơ hội chỉ đến với người biết chờ đợi”. Như vậy, thế nào mới được xem là người “biết chờ đợi”? Trong phần Quái Từ của quẻ đã có đáp án: “Hữu phu, quang hanh, trinh cát”. “Phu” chỉ sự tin phục. “Quang” chỉ sự quang minh, chính đại. “Trinh” chỉ sự kiên trì. Để được coi là người “biết chờ đợi” thì phải có niềm tin, hành động quang minh và kiên trì theo con đường mình đã chọn.
Đương nhiên, nếu bạn có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, cơ hội sẽ đến, ngược lại thì cơ hội luôn luôn đến muộn. Chính vì vậy, rất cần bạn phải có kiên trì. Bạn cần biết, cơ hội ắt sẽ đến nên trong quá trình chờ đợi không được phản ứng mù quáng, mà phải giữ được ngay thẳng, chính trực, để “ẩm thực yến lạc”. Vì vậy, những người có tâm an định chắc chắn sẽ có được đại nghiệp.
Tôi cần nhấn mạnh một chút: Tượng viết dạy chúng ta “ẩm thực yến lạc” còn có nghĩa là mọi vật để duy trì sự sống của mình thì bắt buộc phải ăn và thực phẩm là nhu yếu phẩm không thể thiếu.
Để phù hợp với tốc độ phát triển nhanh chóng của công ty, công ty đã quyết định mở rộng nội bộ quản lý và mời một vị Tổng giám đốc ở bên ngoài vào làm việc. Qua một năm đợi chờ và tuyển chọn, Di Lương đã trở thành ứng viên không có đối thủ. Mùa xuân năm nay, Di Lương đã chính thức nhậm chức Tổng giám đốc của công ty. Nhưng, không lâu sau đó, ông đã nhận ra ở công ty tồn tại một vấn đề rất nghiêm trọng: Tất cả công nhân viên của công ty vẫn chưa quen với việc có thêm một vị Tổng giám đốc, mọi việc lớn bé vẫn theo thói quen báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Giang. Và chính Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng chưa có thói quen phân định rõ ràng, ông vẫn ký tất cả giấy tờ gửi tới ông. Vì vậy, Di Lương cảm thấy vị trí Tổng giám đốc chỉ là hữu danh vô thực.
Trong lúc tâm trạng của Di Lương bấn loạn thì có người đã giảng cho ông về quẻ Nhu, làm ông hiểu được tầm quan trọng của việc chờ đợi. Từ đó, Di Lương rất ung dung tự tại. Trong mọi hoàn cảnh và tình huống tại doanh nghiệp, ông luôn luôn tự tu dưỡng tư duy và cách thức quản lý của mình, tìm hiểu và phân tích chi tiết, toàn diện từng bộ phận trong doanh nghiệp, bên cạnh đó còn phối hợp với Chủ tịch Hội đồng quản trị để thay đổi tư duy, từ đó xây dựng được một phương án hoàn chỉnh. Trung tuần tháng 5, toàn bộ các phòng ban trong công ty đã bắt tay thực hiện kế hoạch mới và Di Lương trở thành một thành phần không thể thiếu trong toàn bộ kế hoạch đó.
Khi cơ hội trở thành Tổng giám đốc xuất hiện, vấn đề quan trọng ở đây là người chờ đợi có thành tín, quang minh và kiên trì hay không? Bởi lẽ chờ đợi chính là quá trình khảo nghiệm toàn diện đối với bất kỳ ai có cơ hội. Đến khi người đó có đủ tiêu chuẩn đạo đức toàn diện, cơ hội tất sẽ tới. Vì vậy, khi nhìn thấy cơ hội ở trước mặt, bạn không nên quá lo lắng, vội vàng mà cần biết những biểu hiện tâm lý tiêu cực đó sẽ không giúp ích gì cho việc phát triển sự nghiệp.
Lời khuyên thứ 12: Trong quá trình chờ đợi luôn phải giữ phẩm chất đạo đức tốt đẹp, và quan trọng hơn là phải biết nhẫn nại, không vội vàng mong cầu thành công
Quẻ Tụng
Đây là quẻ thứ sáu trong Kinh Dịch. Trong quẻ Tụng, quẻ trên là quẻ Càn, tượng trưng cho sức mạnh, quẻ dưới là quẻ Khảm, tượng trưng cho sự nguy hiểm. Vừa mạnh mẽ vừa nguy hiểm tất sẽ xảy ra tranh giành, kiện tụng. Nếu nói về chuyện đối nhân xử thế của con người, quẻ trong tức là nội tâm hiểm độc, quẻ ngoại tức là biểu hiện ra bên ngoài là người tài cán, cũng dễ tranh giành, kiện tụng với người khác, do đó quẻ này mới có tên là quẻ Tụng.
Quân tử dĩ tác sự mưu thủy.
Bậc quân tử phải toan tính khi mới bắt tay vào việc.
Ý nghĩa của “Tác sự mưu thủy” là: Trước khi sự việc bắt đầu, bạn nên suy nghĩ kỹ lưỡng và nghiêm túc để tránh có những hậu quả đáng tiếc sau này.
Nội dung của quẻ Tụng có liên quan tới tranh tụng. Bởi trước khi phát sinh sự việc, nếu không suy xét thấu đáo thì cuối cùng sẽ gây ra tranh chấp và kiện tụng giữa hai bên.
Nếu đã tranh tụng thì thường không tốt, bởi cho dù là thắng hay thua thì cả hai bên sẽ đều phải đối mặt với lời bàn tán của người khác. Do đó, những người viết Kinh Dịch khuyên nhủ mọi người phương pháp xử lý tốt nhất là nên tránh phát sinh tranh luận. Cách suy nghĩ này cũng rất giống tư tưởng của Khổng Tử. Trong Luận Ngữ có câu: “Giải quyết tranh luận, bạn và người khác cũng chẳng khác gì nhau, điều mong muốn nhất là không phát sinh tranh luận”
Như vậy, làm thế nào để tránh tranh luận? Tượng viết nói: “Quân tử dĩ tác sự mưu thủy”. Người quân tử nên bắt đầu từ căn nguyên của vấn đề để kiểm soát và giải quyết vấn đề. Đương nhiên, ở đây còn cần một điều kiện tiên quyết, đó chính là sự hợp tác của hai bên cần được xây dựng trên cơ sở của sự thành tín. Quái Từ trong quẻ Tụng đã giải thích nguyên nhân việc phát sinh tranh luận đều từ việc thiếu thành tín trong quan hệ. Khi hai bên đã đánh mất thành tín thì tất sẽ phát sinh hoài nghi, từ đó phát sinh hiểu lầm và trách móc, cuối cùng sẽ dẫn tới tranh luận.
Khi bạn đã có được thành tín, đủ sáng suốt để xem xét sự việc một cách tỉ mỉ và sâu sắc thì với bất kỳ vấn đề gì phát sinh cũng đều đưa ra được ý kiến giải quyết xác đáng. Có như vậy chắc chắn sẽ không có phát sinh tranh chấp, càng không thể phát sinh tranh tụng.
Trong môi trường doanh nghiệp, quan hệ giữa các phòng ban hay quan hệ giữa các đồng nghiệp thường xuyên phát sinh tranh chấp. Nguyên nhân của tranh chấp thường do: Một là không có cam kết thực hiện từ ban đầu; hai là ngay từ ban đầu hai bên suy xét không chu đáo, dẫn đến phân công không công bằng, rõ ràng.
Hôm qua, công ty đã phát sinh một vụ tranh chấp. Nguyên nhân của tranh chấp rất đơn giản: Công ty có kế hoạch thay đổi loại hình nghiệp vụ nên muốn làm mới lại thông tin cũ về công ty. Đương nhiên nhiệm vụ này thuộc về Phòng Kế hoạch. Nhưng quá trình phân công tại Phòng Kế hoạch không rõ ràng, nên khi được hỏi thì nhân viên phòng này đều nói họ không được phân công, và phòng chỉ mở một cuộc họp để thảo luận về nội dung thông tin của công ty
Khi kiểm tra phần công việc này, lãnh đạo công ty đã phát hiện ra Phòng Kế hoạch hầu như không triển khai gì. Vì vậy, căn cứ vào qui định chế độ của công ty, mỗi nhân viên thuộc Phòng Kế hoạch bị phạt 100 Nhân dân tệ. Điều này đã gây ra tranh chấp trong nội bộ Phòng Kế hoạch. Tranh chấp diễn ra trong một thời gian dài, tại mỗi cuộc họp thường xuyên thấy nhân viên to tiếng. Không thể bỏ qua, lãnh đạo công ty đã phải xuất hiện để xử lý sự việc. Đầu tiên, ông yêu cầu mọi người giữ yên lặng, sau đó lắng nghe từng ý kiến của các thành viên trong phiên họp. Cuối cùng, lãnh đạo công ty cũng phát hiện ra căn nguyên của sự việc. Đó là do văn thư của công ty đã trả lời vấn đề này bằng miệng nhưng cuối cùng lại quên không thông báo lại. Đương nhiên, có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng người phụ trách Phòng Kế hoạch cũng có trách nhiệm lớn bởi một việc quan trọng như vậy mà không chú ý giám sát.
Nguyên nhân phát sinh tranh luận giữa mọi người rất rõ ràng: Đó là do ai cũng muốn trốn tránh trách nhiệm. Nhưng không ai trốn được trách nhiệm của mình. Do vậy, phương pháp giải quyết vấn đề tốt nhất là phải suy xét cẩn trọng trước khi tiến hành công việc, hơn thế nữa là phải giữ gìn thành tín trong quan hệ.
Lời khuyên thứ 13: Trước khi triển khai công việc cần suy xét chu toàn, đồng thời thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của bản thân, từ đó có thể tránh được những tranh cãi không cần thiết
Quẻ Tỷ
Quẻ Tỷ là quẻ thứ tám trong Kinh Dịch, được kết hợp bởi dưới là quẻ Khôn (Đất) và trên là quẻ Khảm (Nước). “Tỷ” có nghĩa là tương thân tương trợ, dựa vào cái thiện. Quẻ Tỷ đã giải thích cụ thể đạo lý thân ái chân thành. Vạn vật thường tụ tập theo loài, khi đã sống trong một tập thể thì bắt buộc mọi người phải tương thân tương ái với nhau, cùng chung sống một cách hòa bình dưới sự dẫn dắt của người lãnh đạo mạnh mẽ, cương trực, như thế tập thể đó mới có thể đoàn kết, mọi người mới có thể sống chân thành với nhau.
Tỷ, phụ dã, hạ thuận tòng dã
Tương thân tương ái là việc làm tốt đẹp
Tỷ chi phi nhân
Những người tiếp cận đều không nên tiếp cận
Quẻ Tỷ giải thích sự tương thân tương trợ, dựa vào cái thiện. Như vậy, Thoán viết: “Tỷ, phụ dã, hạ thuận tòng dã” có nghĩa là “tương thân tương ái là việc làm tốt đẹp”. Tương thân tương ái có nghĩa là giúp đỡ lẫn nhau, có nghĩa là kẻ bề tôi phải phục tùng, trợ giúp người lãnh đạo.
Làm một nhân viên có trách nhiệm tất phải hỗ trợ lãnh đạo, giúp lãnh đạo đạt được thành công trong sự nghiệp. Trong một doanh nghiệp, khi nhân viên giúp đỡ lãnh đạo đạt được thành công, cũng có nghĩa là tự nhân viên đó đã đạt được thành công tương tự.
Cuối năm, ông Trần Phong được đề bạt làm Phó tổng giám đốc công ty, phụ trách toàn bộ mảng kinh doanh, nhân sự và công tác hành chính văn phòng của công ty. Điều này khiến ông được rất nhiều người ngưỡng mộ.
Tổng giám đốc đã trực tiếp khen ngợi những việc làm xuất sắc của Trần Phong: “Không có Trần Phong, chắc công ty sẽ không có ngày hôm nay. Gần nửa năm qua, Trần Phong đã có rất nhiều đóng góp và giúp đỡ tôi giải quyết những vấn đề khó khăn của công ty. Có thể nói, nói đến thành công của tôi hôm nay không thể không kể đến Trần Phong.”
Nếu bạn hỗ trợ lãnh đạo đạt được thành công, lãnh đạo sẽ không thể quên những đóng góp quý báu đó và nhất định sẽ tìm cơ hội để bạn cũng đạt được thành công cho bản thân mình.
Đương nhiên, hỗ trợ lãnh đạo cũng cần có tiền đề, đó chính là sự nỗ lực hết mình vì công việc và công ty. Đó cũng là một trong những nội dung chính mà quẻ Tỷ đề cập tới. Nhưng nếu một nhân viên lựa chọn sai đối tượng hỗ trợ của mình thì kết quả cũng không được như ý muốn. Chính vì vậy, trong hào Lục Tam của quẻ Tỷ có viết: “Tỷ chi phi nhân”, có nghĩa là “những người tiếp cận đều không nên tiếp cận”, như vậy làm sao có thể không bị tổn thương được! Hào này muốn nói rằng cũng cần phải lựa chọn kỹ càng đối tượng để có thể hợp tác, cùng nhau tương thân tương trợ.
Như vậy, nên hỗ trợ những người như thế nào? Trong quẻ Tỷ cũng có câu trả lời rằng: “Nguyên thệ, nguyên vĩnh trinh”. “Nguyên thệ” là luôn phò trợ cho người đứng đầu, người lãnh đạo. Chọn lựa đối tượng phò trợ như thế nào, có nghĩa là đã chọn lựa sự nghiệp và tương lai của mình như thế ấy; do đó, trong khi phò trợ đối tượng phải luôn có trách nhiệm. “Nguyên vĩnh trinh” lần lượt chỉ thái độ nhân ái, lâu bền và chính trực, đó là các phẩm chất đạo đức cần có của đối tượng phò trợ. Cũng có thể nói, khi lựa chọn người để phò trợ, nên chọn người hội tụ đầy đủ ba phẩm chất nhân ái, lâu bền và chính trực để làm đối tượng phò trợ.
Hiện nay, lựa chọn lãnh đạo là một việc làm không được nhiều người quan tâm, nhưng rất nhiều người lại đang không có tương lai chỉ vì lựa chọn sai lãnh đạo để phò trợ.
Năm 2006, La Bình tốt nghiệp tại một trường đại học ở Tô Châu. Sau khi tốt nghiệp, La Bình vội vàng đi tìm việc, anh không có thời gian để cân nhắc nên đã nhanh chóng chọn làm việc tại một công ty ở địa phương. Công ty này không có bất kì kế hoạch nào, càng không có tương lai phát triển, ông chủ chỉ đơn thuần là một người trung tuổi thích vui chơi hưởng lạc, một tiểu phú ông. Nhưng La Bình lại cho rằng đây là một công ty có môi trường làm việc khá tốt, không hề có áp lực công việc, có thể thoải mái, tự do làm việc. Đến ngày hôm nay, khi rất nhiều bạn học của La Bình đã thăng quan tiến chức, được bổ nhiệm ở nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng trong các công ty khác thì La Bình vẫn chỉ là nhân viên văn phòng tại công ty nọ
Người xưa có câu: Con người do tập thể chọn lựa, con vật do bầy đàn tiến cử. Một người lựa chọn lãnh đạo như thế nào thì cũng có nghĩa là họ đã chọn cuộc đời của họ như thế ấy. Nếu bạn chọn lãnh đạo của mình vì tình cảm mãnh liệt của họ thì có nghĩa là bạn đã trở thành một người đầy tình cảm; nếu bạn chọn lãnh đạo của mình vì trí tuệ của họ thì có nghĩa là bạn cũng mong muốn mình trở thành một người có trí tuệ xuất chúng. Cũng như vậy, nếu bạn chọn lãnh đạo của mình vì tác phong làm việc thoải mái, vui chơi là chính thì bạn cũng giống anh ta là một người thoải mái, chỉ thích vui chơi mà thôi…
Lời khuyên thứ 14: Phải thận trọng khi lựa chọn lãnh đạo của bạn, vì việc bạn chọn lãnh đạo như thế nào sẽ quyết định sự nghiệp và cuộc sống của bạn như thế ấy