Quẻ Đại Tráng
“Đại” ở đây biểu thị cho tính dương, “Tráng” biểu thị cho sự thịnh vượng. Quẻ Đại Tráng đã giải thích về nguyên tắc phát triển. Có suy vong thì tất sẽ có lớn mạnh và thời kì đen tối sẽ chuyển sang thời kì phát triển thịnh vượng, dương thịnh âm suy. Khi đã phát phát triển mạnh mẽ thì có thể đảm đương được mọi trọng trách và cũng dễ rơi vào tình trạng bạo ngược. Vì thế, sự lớn mạnh phải đi kèm với chính nghĩa và cần phải nắm vững nguyên tắc trung dung ôn hòa, trong cương ngoài nhu, không nên làm gì thái quá
Quân tử dĩ phi lễ phất lý.
Người quân tử không làm những việc thất lễ.
“Lý” ý chỉ con đường, hành trình. Ý nghĩa của câu nói này là: “Người quân tử không làm những việc thất lễ”. Trong quan niệm văn hóa truyền thống Trung Quốc, “lễ” là một khái niệm rất quan trọng, là biểu tượng của “nhân”, hành vi của một người không phù hợp với “lễ” thì có nghĩa người đó là người bất “nhân”.
Nói theo quan niệm của xã hội hiện đại, “lễ” là quan niệm qui phạm cho từng người, là quan niệm chế độ, giá trị mà mọi người cần phải tuân theo và đó cũng là những nguyên tắc xử thế. Một người muốn đứng vững trong xã hội thì chỉ có thể tuân theo những quan điểm đó. Như Khổng Tử cũng đã nói: “Bất tri lễ, vô dĩ lập dã”, có nghĩa là: “Không hiểu lễ nghĩa thì không thể lập thân.”
Nếu nói theo quan niệm của doanh nghiệp, “lễ” là chế độ, quy định vận hành theo quan niệm giá trị và triết lý quản lý kinh doanh của doanh nghiệp mà bất cứ nhân viên nào cũng phải tuân theo. “Lễ” trong quản lý doanh nghiệp bao hàm hai tầng ý nghĩa: Một là lời nói, cử chỉ; hai là quan niệm giá trị và quan điểm vận hành quản lý. Trong doanh nghiệp, nếu nhân viên chỉ có lời nói, cử chỉ phù hợp với quy phạm và chế độ của doanh nghiệp mà không đủ khả năng đáp ứng quan điểm giá trị của doanh nghiệp thì cũng không được xem là nhân viên phù hợp.
Về lời nói, cử chỉ, Khổng Tử cũng đã từng nói đến “tứ cá phi lễ” nổi tiếng: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”. Nghĩa là từ bốn phương diện “thị”, “thính”, “ngôn”, “động” (nhìn, nghe, nói, hành động) để đưa ra yêu cầu, đó cũng là bốn kiểu hoạt động cần thiết của mỗi chúng ta trong cuộc sống và công việc hàng ngày. “Tứ cá phi lễ” cho chúng ta biết rằng: Bất cứ một lời nói, cử chỉ, hành động nào cũng phải tuân theo “lễ”. Trên thực tế, khi đi khảo sát quá trình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ta thường phát hiện rất nhiều nhân viên của doanh nghiệp xem những nội dung không nên xem, nói những lời nói không nên nói, nghe những lời không nên nghe, làm những việc không nên làm mà không để ý đến chế độ, quy định của doanh nghiệp. Ví dụ, một số nhân viên của các công ty, tập đoàn có thói quen bàn tán những vấn đề nội bộ của công ty hoặc những điều tế nhị của người khác; hay trong thời gian làm việc thì vào mạng để tán gẫu, chơi điện tử, không quan tâm đến công việc của chính mình,… Dần dần họ trở thành những nhân viên không phù hợp với vị trí công việc của chính họ.
Một vài nhân viên cũng nên thường xuyên xem và đánh giá lại những hành vi của bản thân mình xem đã phù hợp với những yêu cầu của công việc và công ty hay chưa? Nếu trong đó có một câu trả lời chưa phù hợp thì cần kịp thời điều chỉnh và thay đổi.
Xét về phương diện hành vi, nhân viên bắt buộc phải tôn trọng “lễ”. Điều quan trọng nhất là, mỗi nhân viên phải tôn trọng quan điểm giá trị và triết lý quản lý kinh doanh của doanh nghiệp.
Jack Welch đã khái quát bốn kiểu nhân viên trong doanh nghiệp của mình như sau:
Kiểu thứ nhất: Nhân viên có khả năng thực hiện mục tiêu kỳ vọng, hơn nữa có cùng nhận thức giá trị quan với công ty. Nhóm nhân viên này không những được công ty chào đón mà còn không ngừng đạt được thăng tiến và thành công trong sự nghiệp.
Kiểu thứ hai: Nhân viên không có khả năng thực hiện những mục tiêu kỳ vọng, đồng thời cũng không cùng nhận thức và chấp nhận giá trị quan của công ty. Dễ dàng nhận ra rằng nhóm nhân viên này là những người sớm bị đào thải.
Kiểu thứ ba: Nhân viên không có khả năng thực hiện mục tiêu kỳ vọng, nhưng có thể cùng nhận thức và tuân theo những giá trị quan nghiêm khắc của công ty. Với nhóm người này, công ty vẫn thường xuyên cho họ tham gia vào các cơ hội đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực làm việc.
Kiểu thứ tư: Đây là kiểu nhân viên làm lãnh đạo phải đau đầu nhất: Họ có khả năng thực hiện những mục tiêu kỳ vọng, đạt được những thành tích kinh doanh xuất sắc, nhưng vẫn không cùng quan điểm hoặc phản đối giá trị quan của công ty. Ban đầu, lãnh đạo cố gắng nhịn nhóm nhân viên này, sau đó phát hiện ra những nguy hại của họ lớn hơn những công lao của họ. Cuối cùng, lãnh đạo quyết định cho nghỉ việc những người đó không chút do dự.
Những nhân viên tuân thủ theo lễ, không những tuân theo lời nói, cử chỉ đã được công ty quy định mà còn luôn tôn trọng những quan niệm giá trị của công ty.
Lời khuyên thứ 36: Không làm những việc trái với quy định, chế độ của công ty, càng không làm những việc trái lại giá trị quan và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp.
Quẻ Giải
Trong quẻ Giải, ở dưới có quẻ Khảm là hiểm, ở trên có quẻ Chấn là động. Đây là quẻ dùng để giải thích rõ quy luật giải trừ khó khăn. Phát sinh khó khăn thì phải tìm biện pháp giải quyết. Về nguyên tắc, nên dùng nhu và những phương pháp đơn giản mới có thể được quần chúng ủng hộ.
Quân tử dĩ xá quá hựu tội.
Người quân tử nên khoan dung với những tội lỗi của người khác.
“Xá” ý chỉ xá tội, bỏ qua. “Hựu” ý chỉ khoan dung, độ lượng. Ý nghĩa của câu nói này là: Người quân tử nên học theo tinh thần xá miễn cho những người có ý mắc lỗi, khoan dung, giảm nhẹ cho những người có ý phạm tội.
Trên thực tế, rất nhiều người dễ dàng quên đi những sai sót của bản thân, nhưng với những sai sót của người khác thì luôn ghi nhớ.
Không lâu trước đây, Tổng giám đốc Vương và Khổng Vĩ có trao đổi về một nhân viên kinh doanh giỏi của công ty là Ngô Nhất Cơ. Khổng Vĩ hiện đang đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Nhân sự nên Tổng giám đốc Vương muốn tham khảo ý kiến của Khổng Vĩ về việc đề bạt Ngô Nhất Cơ làm Tổng giám sát bán hàng của công ty
Nhưng, Khổng Vĩ đã không do dự trả lời: “Không thể được”. Khi hỏi lý do, Khổng Vĩ cũng không ngại nhắc lại một số lý do. Điều đó khiến Tổng giám đốc cảm thấy có chút không yên tâm và đi hỏi thăm ý kiến của những người khác, thì lại nhận được câu trả lời là “có thể”
Vốn là, tại một cuộc họp toàn công ty, Ngô Nhất Cơ và Khổng Vĩ đã có tranh cãi, hai bên đã rất to tiếng trong cuộc họp. Đó là sự việc khiến Khổng Vĩ đến nay vẫn không quên.
Sau này, Tổng giám đốc Vương tìm được cơ hội để mời hai người cùng đi ăn tối. Tại bữa ăn, Ngô Nhất Cơ cũng tỏ ý nhận lỗi trước Khổng Vĩ, từ đó đã hóa giải những bất hòa của hai người.
Giống Khổng Vĩ, nhiều người cũng không dễ dàng bỏ qua những sai sót của đối phương, thậm chí còn tìm cơ hội để “phản pháo” lại đối phương.
Trên thực tế, chúng ta cũng biết, con người không phải là thánh hiền, không dễ dàng bỏ qua mọi chuyện, cũng không phải ai cũng có thể không bao giờ phạm lỗi, nếu đối phương nắm được những sai sót của chúng ta mà không bỏ qua thì sẽ như thế nào đây? Kết quả cuối cùng tất nhiên sẽ khiến cho sự hiểu lầm và hận thù của hai bên ngày càng sâu sắc và không hề có cách nào hóa giải.
Trong số những vị Phó giám đốc đương nhiệm của công ty, Phó gám đốc Phương là người được lòng mọi người nhất. Lý do bà lấy được lòng của mọi người rất đơn giản: Bà luôn bao dung, độ lượng với sai sót của người khác. Một lần, vì sơ suất, một nhân viên đã làm thất thoát của công ty gần 800 nghìn tệ. Sau khi sự việc xảy ra, người nhân viên này đã tính đến chuyện xin nghỉ việc. Phó giám đốc Phương kịch liệt phản đối, bà nói với người nhân viên nọ: “Chúng tôi vừa thay bạn trả 800 nghìn tệ tiền học phí, vậy mà giờ bạn lại còn muốn từ bỏ. Thực sự chúng tôi vẫn rất tin tưởng bạn, một lần thất bại cũng không là vấn đề gì quá lớn…”
Sau này, Phó giám đốc Phương đã được ủng hộ khi đảm nhận vị trí Tổng giám đốc.
Để học cách bao dung người khác, đầu tiên cần phải hiểu một điểm rằng: Bất cứ người nào cũng không hy vọng mình phạm lỗi. Điều đó có nghĩa là khi một người phạm lỗi thì bản thân họ cũng rất đau khổ và hy vọng mọi người lượng thứ. Như vậy, khi bạn phạm lỗi, bạn cũng muốn người khác hiểu và thông cảm cho mình. Vậy, hà cớ gì chúng ta không thể bao dung cho người khác?
Lời khuyên thứ 37: Không ai có thể tránh được việc phạm lỗi, do đó hãy học cách bao dung với mọi người.
Quẻ Đỉnh
Trong quẻ Đỉnh có dưới là quẻ Tốn là gió, trên là quẻ Ly là hỏa, cũng chính là tượng trưng cho việc dùng củi đốt để đun đồ vật. Đỉnh không chỉ là vật dụng để đun nấu thức ăn, thời xưa nó còn được coi là bảo vật tượng trưng cho quyền uy của đấng quân vương, dùng trong tế lễ hoặc thể hiện uy nghiêm của luật pháp.
Quẻ Đỉnh nói với chúng ta những đạo lý trong bồi dưỡng nhân tài. Muốn cân nhắc người tài, nhất định phải hiểu được cách dùng người. Tiểu nhân sẽ làm hỏng việc lớn, không đảm đương được những trọng trách nặng nề, vì vậy mà phải tránh xa.
Quân tử dĩ chính vị ngưng mệnh
Người quân tử nên chính trực với công việc, cương quyết để hoàn thành sứ mệnh mà ông trời giao phó.
“Chính” có nghĩa là chính trực. “Ngưng” có nghĩa là tụ, là thành, có nghĩa là cương quyết, vững chắc.
Ý của câu này là: “Người quân tử nên chính trực với công việc, cương quyết để hoàn thành sứ mệnh mà ông trời giao phó.” Câu nói này muốn thể hiện ý nghĩa trung thành với tôn chỉ nghề nghiệp.
Trung thành với tôn chỉ mục đích và vị trí công tác là nhân tố tiên quyết của người làm doanh nghiệp, là biểu hiện cơ bản của thái độ với nghề nghiệp của mình. Về điểm này, Khổng Tử cũng từng nhấn mạnh: Làm việc lấy thái độ trung thành làm trọng. Nhưng trên thực tế, rất nhiều nhân viên lại thiếu nhân tố tiên quyết này, họ không những không trung thành với vị trí công tác mà sau khi phát sinh vấn đề lại muốn tìm cách để trốn tránh trách nhiệm.
Tổng giám đốc Trương không thể chịu đựng được Lưu Văn Văn, ông chia sẻ: “Cho dù sắp xếp cô ấy làm việc gì thì đến cuối cùng, cô ấy đều có thể tìm ra mọi lý do để bảo rằng việc đó không hề liên quan đến mình. Đáng bực nhất là, cách đây hai ngày tôi đã sắp xếp cô ấy giải quyết một hợp đồng, vì cô là người tham gia cuộc họp từ đầu, cũng là thư ký cuộc họp, xem ra cô cũng ghi chép rất cẩn thận. Nhưng, hôm qua tôi muốn họp một chút về hợp đồng thì cô ấy lại nói: “Không ai nói với tôi về nội dung cụ thể của hợp đồng.”
Sau vài lần cân nhắc, Tồng giám đốc Trương cũng đã quyết định cho Lưu Văn Văn thôi việc.
Trường hợp như Lưu Văn Văn không phải là cá biệt, bởi vì hầu hết những nhà quản lý đều thừa nhận nhân viên dưới quyền của họ có nhiều người không có trách nhiệm.
Cho dù một người có được thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, đều phải là một người trung thành với vị trí công tác. Bởi vì họ biết, để trở thành một người thành công trong sự nghiệp, đầu tiên phải trở thành một người có trách nhiệm với chính bản thân mình. Một người ngay cả đến bản thân mình cũng không có trách nhiệm thì làm sao có thể có trách nhiệm với người khác hoặc với công việc của mình?
Sự thay đổi của Lưu Hải Phong khiến mọi người hết sức bất ngờ. Mọi người đều hết lời ca ngợi Lưu Hải Phong: “Biểu hiện của Hải Phong thời gian này thật xuất sắc!” “Thật không ngờ, thay đổi của anh quá nhanh!” “Tuyệt vời, tôi tin chắc rằng anh sẽ nhanh chóng được bầu chọn là nhân viên ưu tú của công ty.”
Hai tháng trước đây, Lưu Hải Phong vẫn là một nhân viên khiến ban lãnh đạo đau đầu. Khi nói đến Hải Phong, Ban giám đốc đã từng nói: “Thái độ của Hải Phong là hoàn toàn bất hợp tác, không hề có một chút trách nhiệm nào. Nếu bạn khuyên anh ta hai câu thì anh ta có thể phản bác lại bạn mười câu.”
Nguyên nhân thay đổi của Hải Phong rất đơn giản, đó chính là do trong quá trình công tác, Tổng giám đốc công ty đã làm cho anh hiểu ra một đạo lý rằng: Một người muốn thành công, đầu tiên phải trở thành một người có trách nhiệm với chính bản thân mình. Khi ban lãnh đạo muốn khai trừ Hải Phong, Tổng giám đốc đã tìm gặp Hải Phong và trao đổi thân tình với anh, hơn thế còn chia sẻ cách nghĩ của mình, để lấy bản thân làm ví dụ cho Hải Phong phát huy.
Tổng giám đốc đã nói: “Tôi biết bạn có mơ ước của riêng bạn, nhưng con đường sự nghiệp còn dài, bạn phải theo nó đến cùng. Muốn thành công, cần phải học cách có trách nhiệm với chính bản thân mình, để làm những việc nhỏ cần thiết trước mắt, từng bước, từng bước tiến lên. Mọi người sẽ nhận thấy sự trưởng thành của bạn và khi đã đủ trưởng thành, bạn sẽ đạt được một phần bạn mơ ước.”
Lời khuyên thứ 38: Hãy làm một người trung thành với vị trí công tác của mình và có trách nhiệm với chính bản thân mình.