Nội dung bài viết
Quẻ Di
Quan di, tự cầu khẩu thực.
Quẻ Đại Quá
Tạ dụng bạch mao, vô cữu
Quẻ Hằng
Quân tử dĩ lập bất dịch phương.
Quẻ Di
“Di” cũng có nghĩa là dưỡng. Cấu tạo quẻ Di gồm quẻ dưới là quẻ Cấn, dùng để chỉ sự dừng lại, quẻ trên là quẻ Chấn, tượng trưng cho sự vận động. Khi ăn thì hàm trên thường không cử động, còn hàm dưới thì vận động để nghiền thức ăn. Vì thế, từ “khẩu” cũng là một trong những ý nghĩa của quẻ Di.
Quan di, tự cầu khẩu thực.
“Di” có nghĩa là dưỡng, dưỡng dục. Ý nghĩa của câu này được hiểu đơn giản là: Quan sát cách nuôi dưỡng, nên tự mình tìm thức ăn phù hợp cho mình.
“Tự cầu khẩu thực” cho chúng ta biết: Mỗi người đều cần phải dựa vào năng lực của bản thân để sinh tồn. Với môi trường doanh nghiệp ngày nay, chúng ta cần “tự cầu khẩu thực” như thế nào? Trời đất nuôi dưỡng vạn vật, thánh nhân nuôi dưỡng người tài và bao trùm lên vạn vật. Có thể thấy rằng phương pháp dưỡng dục trong mỗi thời kì, một giai đoạn khác nhau cũng sẽ khác nhau để phù hợp với từng hoàn cảnh.
Hiện nay, rất nhiều thanh niên không đủ khả năng tự nuôi sống bản thân, ỷ lại vào cha mẹ, lãnh đạo và những người xung quanh, thiếu khả năng và ý thức tự lập. Đương nhiên, không phải tất cả thanh niên thời nay đều như vậy, nhiều người trẻ không những biết “tự cầu khẩu thực” mà còn có thể tạo cho mình một sự nghiệp riêng, được nhiều người yêu mến. Vậy, nguyên nhân nào tạo ra sự khác biệt lớn như vậy? Câu trả lời là những thanh niên thuộc nhóm hai đều có thể vận dụng khả năng độc lập và tự chủ mạnh mẽ, họ có cái nhìn và đánh giá sâu sắc về cuộc sống tương lai, từ đó lập ra kế hoạch cho cuộc đời của mình - nhóm thanh niên này là những người có ước vọng. Trái lại, nhóm thứ nhất là những người thiếu khả năng tự lập, tự cường, không hề có bất kì kế hoạch nào cho tương lai, bằng lòng ngay cả khi bản thân gặp thất bại.
Phương Cường và Vương Thụy là bạn học cùng lớp đại học. Ngay từ khi còn đi học, biểu hiện của hai người đã rất khác nhau: Phương Cường có khả năng độc lập, tự chủ cao, những việc có tính chất quyết định anh cũng có thể suy nghĩ và đưa ra quyết định chắc chắn không hề do dự. Vương Thụy thì lại khác, làm bất kể việc gì cũng mong có người giúp đỡ hoặc đưa ra lời khuyên, lúc nào cũng lo lắng bản thân mình sẽ gặp thất bại…
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, Phương Cường đã vay của bố mẹ một món tiền để thành lập công ty văn hóa của mình; trong khi đó, với sự giúp đỡ của cha mẹ, cuối cùng Vương Thụy cũng tìm được một công việc văn phòng.
Năm 2009, tại buổi họp mặt đồng môn, Phương Cường đã vui mừng chia sẻ với bạn bè về thành công của mình: công ty hiện tại của Phương Cường có 50 nhân viên, doanh số hàng năm đạt được là 20 triệu tệ, lợi nhuận hàng năm thu được không thấp hơn 20 nghìn tệ, số tiền anh vay bố mẹ cũng đã trả từ lâu; trong khi đó, Vương Thụy vẫn chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường, với mức lương hàng tháng là 1400 tệ
Nếu mỗi thanh niên đều được như Phương Cường, tự lập, tự cường thì tôi tin rằng nhất định sẽ có một thế hệ doanh nhân trẻ tuổi ưu tú. Đồng thời, nếu Vương Thụy có thể thay đổi bản thân thì anh cũng có thể tiến bộ hơn.
Lời khuyên thứ 33: Thành công của mỗi người chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực và phấn đấu của bản thân.
Quẻ Đại Quá
Trong quẻ Đại Quá, dương thịnh âm suy. Nhìn từ góc độ quẻ hình, ta có thể thấy trong quẻ này bốn quẻ dương được xếp liên tiếp với nhau, dương khí quá thịnh, tượng trưng cho bước quá độ.
Quẻ Đại Quá đã giải thích nguyên tắc khi thực hiện công việc phi thường. Khi đã có sự tích lũy lớn, đã có một thực lực nhất định, thì có thể thực hiện được những việc phi thường, biến lý tưởng thành hiện thực. Nhưng bên cạnh đó, nếu hành động khác thường, đã biết trước là không thể thực hiện được mà bất đắc dĩ vẫn phải làm, thì thất bại cũng là điều bất đắc dĩ, không tránh được.
Tạ dụng bạch mao, vô cữu
Chúng ta đã nhiều lần thấy Kinh Dịch nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tính cẩn thận, ví như tại Cửu Tam của quẻ Càn có viết: “Tịch dịch nhược, lệ vô cữu”, có nghĩa là: “Dù đã muộn nhưng vẫn phải duy trì cẩn trọng, đề cao cảnh giác, có như vậy mới không gặp họa khi đối mặt với hiểm nguy.” Từ đó có thể thấy tầm quan trọng của đức tính cẩn thận và đề cao cảnh giác.
“Tạ dụng bạch mao” có nghĩa là gì? Ta có thể hiểu đơn giản đó là: “Dùng màu trắng của cỏ mao phủ đầy trên mặt đất.” Điều này khiến mọi người cảm thấy khó hiểu, lẽ nào như vậy có thể “vô cữu” được chăng? Ở đây chúng ta cần tham khảo nhưng phân tích của Khổng Tử trong Kinh Dịch – hệ từ thượng truyện đại ý là: “Nếu đặt trực tiếp trên mặt đất thì cũng được, nhưng lại vẫn dùng cỏ mao phủ bên dưới, như vậy có nguy hại gì không? Ở đây muốn nói đến biểu hiện cao nhất của tính cẩn thận. Cỏ mao giống như một vật có tác dụng che phủ. Nếu tính cẩn thận cứ phát triển theo phương thức như vậy thì nhất định sẽ không có bất kỳ một tổn hại nào.”
“Vô cữu” là vì bản thân có thể đặt một vật ở trên, nhưng lại cẩn thận hơn, cảnh giác hơn khi đặt thêm cỏ mao mềm mại ở dưới, cứ theo cách này thì càng không thể làm tổn hại đồ vật bên trong được. Đây là một kiểu so sánh. Cách so sánh này muốn truyền tải một kinh nghiệm: Khi có cơ hội nắm bắt một vấn đề gì đó, càng phải tiến hành suy xét cẩn thận, đề cao cảnh giác, từ đó mới có thể làm việc gì cũng không thất bại. Được xem là: “Cung cẩn bất bại”
Trái ngược lại với cách này, rất nhiều người trước khi nắm bắt được sự vật lại tỏ ra quá tự tin, thậm chí là coi thường mọi thứ, cuối cùng làm cho sự việc vốn sẽ thành công lại lần lượt thất bại.
Gần đây, Lưu Dương đã đánh mất một khách hàng lớn, tâm trạng của cô rất không ổn định, cô thực sự rất buồn, nói đến là cô lại tự trách bản thân: “Tôi đã quá tự tin, lạc quan một cách mù quáng, nếu lúc đó tôi cẩn thận hơn một chút thì làm sao có thể xảy ra sự việc này?”
Nguyên do là, quan hệ giữa vị Giám đốc Nhân sự của khách hàng đó với Lưu Dương rất tốt đẹp, hầu hết những kế hoạch đào tạo đều gửi cho Lưu Dương trước tiên để Lưu Dương góp ý về những sản phẩm đào tạo phù hợp. Cũng có thể nói rằng, nghiệp vụ đào tạo của khách hàng này cũng phụ thuộc nhiều vào Lưu Dương. Nhưng, không lâu sau đó, đối tác lại gửi cho Lưu Dương một bức thư, nội dung bức thư là kế hoạch đào tạo sáu tháng cuối năm 2010. Sau khi nhận được bức thư, Lưu Dương chỉ vội vàng hồi đáp lại hai chữ “đã nhận”. Sau đó do bận việc khác mà quên mất. Một tuần sau, khi đang chuẩn bị giáo trình đào tạo mà đối tác đó cần, Lưu Dương gọi điện thoại đến hỏi thêm một số chi tiết, thì nhận được câu trả lời rằng: “Chúng tôi đã hợp tác với một công ty khác. Tôi cứ nghĩ chị không hứng thú với dự án lần này của chúng tôi.”
Và kết quả là Lưu Dương đã để tuột mất dự án đào tạo trị giá 400 nghìn tệ.
Một nhân viên giỏi cần phải giải quyết mọi việc bằng năng lực của bản thân và quan trọng là cần phải có khả năng nắm bắt công việc. Lúc này, mỗi người đều phải học tính cẩn thận, tuyệt đối không vì thế mà lơ là, thiếu đầu tư, nghiên cứu. Chắc mọi người cũng biết câu chuyện “một cái móng ngựa mà mất cả một quốc gia”: Trong thời Chiến quốc trước Công nguyên, một vị quốc vương nọ đã bị giết chết chỉ vì một nguyên nhân vô cùng đơn giản – móng ngựa tuột khiến con ngựa bị thương. Nếu binh sĩ đóng móng ngựa cẩn thận hơn một chút thì quốc vương đã không thể bị giết chết, quốc gia cũng không thể bị lâm vào cảnh loạn lạc.
Do đó, bất luận nắm rõ vấn đề đến đâu, bạn cũng phải luôn giữ được tính cẩn thận, cảnh giác, để giải quyết đúng từng khâu một, tránh gặp phải thất bại không đáng có.
Lời khuyên thứ 34: Bất luận là khi nào và ở đâu, chúng ta cũng cần cẩn thận để tránh gặp thất bại không đáng có.
Quẻ Hằng
“Hằng” có nghĩa là lâu dài và thường xuyên. Quẻ Hằng được tạo thành bởi dưới là quẻ Tốn, tượng trưng cho người con gái đã trưởng thành; trên là quẻ Chấn, tượng trưng cho người con trai trưởng thành. Vì thế, quẻ Hằng tượng trưng cho đạo lí vợ chồng.
Quẻ Hằng đã giải thích về nguyên tắc của sự kiên trì. Có kiên trì mới có thể thành công. Nhưng sự kiên trì cũng cần phải có ranh giới, kiên trì mù quáng, cực đoan cũng không tốt vì nó ngược với lệ thường. Điều đó không chỉ giới hạn trong phạm vi đạo lí vợ chồng mà còn là đạo lí đối nhân xử thế của mọi người.
Quân tử dĩ lập bất dịch phương.
“Hằng” có nghĩa là lâu dài và thường xuyên, cũng có nghĩa là vững tâm và vĩnh cửu. Với mỗi cá nhân, bền lòng bền chí rất quan trọng. Khổng Tử từng nói: “Nhân nhi vô hằng, bất tri kì khả”, có nghĩa là: “Một người ngay cả bền lòng bền chí cũng không có thì không biết họ có thể làm được việc gì.” Do đó có thể thấy “bền lòng bền chí” rất quan trọng. Đương nhiên, trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, nhiều học giả cũng nhắc đi nhắc lại về tầm quan trọng của tính bền lòng bền chí. Như Tăng Tử cũng từng nói trong tác phẩm Khuyến học của ông rằng: “Nếu một người không có ý chí, quyết tâm thì đến một khúc gỗ cũng không thể chặt đứt; còn nếu bền chí bền lòng thì vàng bạc, đá quí cũng có thể cắt đứt.”
Tóm lại, một người không bền chí, bền lòng, cuối cùng cũng không làm được việc gì thành công
Vậy thế nào là người bền lòng bền chí? Rất nhiều người có thể trả lời rằng: “Kiên định không thay đổi” là bền lòng bền chí. Cách nói này không sai, kiên định không thay đổi là bền lòng bền chí, nhưng đó cũng chỉ là một khía cạnh mà thôi. Bền lòng bền chí là chỉ ý chí không thay đổi trong một thời gian dài, cũng giống như “lập bất dịch phương”. Cái gọi là “lập bất dịch phương” là chỉ “lập thân xử thế không thay đổi những nguyên tắc của bản thân.” Một người lập thân xử thế không thay đổi nguyên tắc của bản thân nhất định là người bền chí bền lòng.
Trong thực tế cuộc sống, đại đa số thất bại đều là do thiếu sự bền chí bền lòng gây ra, cũng có rất nhiều người khi đã có một chút thành công thì lại chọn việc nhanh chóng buông xuôi.
Phương Mạc là một thanh niên rất ưu tú. Với một nội tâm sâu sắc, cô mơ ước trở thành một nhà văn, đã nhiều lần thử viết tiểu thuyết, truyện ngắn, nhưng cô vẫn chưa thực sự may mắn. Mùa đông năm 2008, Phương Mạc đã hoàn thành tập bản thảo, nhưng do một số vấn đề ở phía nhà xuất bản nên cô không thể in được tác phẩm của mình. Thất bại lần này khiến cô rất thất vọng và không còn ý chí.
Mùa xuân năm 2009, cô nhận được lời mời tham gia sáng tác bản thảo cho một loạt sách có tầm ảnh hưởng lớn của một công ty văn hóa. Nhưng vì đã có những thất bại trong việc sáng tác trước đây nên cô luôn cảm thấy không hứng thú. Cô không thực sự chú tâm vào công việc, việc sáng tác của cô vì thế có phần bê trễ, cũng do đó đã hai lần liên tiếp cô làm chậm kế hoạch xuất bản của nhà xuất bản.
Cô đã tâm sự rằng: “Mỗi lần bắt tay làm lại từ đầu thì lại là một quá trình đau khổ, thực sự tôi không thể quên được những thất bại đã qua. Mặc dù vậy, tôi vẫn đã rất cố gắng, xem ra tôi không thích hợp với việc trở thành một nhà văn.”
Nhưng đó không phải là sự thật, thực tế là những sáng tác văn chương của cô rất xuất sắc. Biên tập viên của nhà xuất bản phụ trách thẩm định bản thảo của cô đã đánh giá: “Phương Mạc viết rất tốt, tôi rất kỳ vọng vào những sáng tác của Phương Mạc.”
Trên thực tế, Phương Mạc chỉ cần tiếp tục cố gắng là có thể có được thành công. Rất nhiều người cũng giống như Phương Mạc, trong lúc sắp có được thành công thì lại chọn cách từ bỏ. Kiểu thất bại này luôn khiến mọi người tiếc nuối.
Đương nhiên, từ những ví dụ thất bại này, chúng ta có thể rút ra được những lý giải sâu sắc về tinh thần bền chí bền lòng: Cái gọi là bền chí bền lòng chính là bất luận phải đối mặt với bất kì khó khăn, thử thách nào, đều không từ bỏ mong ước và mục tiêu của bản thân mình. Bạn cần phải biết, bất kì khó khăn, thử thách nào cũng là nhất thời, chỉ cần chúng ta kiên quyết đến cùng thì chúng nhanh chóng tan biến như mây khói.
Nếu có ai đó hỏi tôi có thể dùng lời gì để nói về thành công của mình thì tôi chỉ nói rằng: Bền chí bền lòng. Chỉ cần bạn bền chí bền lòng, chỉ cần bạn kiên định không từ bỏ mục tiêu, thì nhất định bạn sẽ đạt được thành công.
Lời khuyên thứ 35: Không bao giờ từ bỏ!