Nội dung bài viết
Quẻ dự
Minh dự, hung
Giới du thạch, bất chung nhật, trinh cát.
Quẻ tùy
Quân tử dĩ hưởng, hối nhập yến tức.
Hệ tiểu tử, thất trượng phu. Hệ trượng phu, thất tiểu tử
Quẻ Cổ
Tiên giáp tam nhật, hậu giáp tam nhật.
Quẻ dự
“Dự” ở đây có nghĩa là vui vẻ, tình nguyện. Quẻ Dự đã giải thích về nguyên tắc trong việc an nhàn hưởng lạc. Khi con người đã đạt được những thành công lớn, lại có tính khiêm nhường thì đương nhiên có thể tận hưởng cuộc sống an nhàn. Tuy nhiên, quẻ này luôn nhắc nhở rằng: con người thường dễ bị chìm đắm trong việc hưởng thụ cuộc sống an nhàn, nên mọi người cần phải nhìn xa trông rộng, phải luôn suy nghĩ đề phòng những trường hợp xấu có thể xảy ra cho dù đang sống trong cảnh an nhàn.
Minh dự, hung
“Dự” có nghĩa là vui vẻ. “Minh dự” chỉ sự vui vẻ của cá nhân làm cho mọi người ai cũng nhận thấy. Nhưng Sơ Lục nói “minh dự” là hung, chính là bởi sự vui vẻ ở đây chỉ là sự vui vẻ của một cá nhân mà không phải là sự vui vẻ của tất cả mọi người. Do vậy, sự vui vẻ ở đây cũng bị ràng buộc bởi một số điều kiện chứ không phải là vui vẻ, tốt lành hoàn toàn.
Quẻ Dự nói đến sự vui vẻ nhưng lại cảnh báo mọi người: nếu vui vẻ mà không thể kiểm soát thì điềm hung sẽ đến. Hào này muốn nhấn mạnh rằng: Không thể tận hưởng niềm vui một mình mà cần phải làm cho tất cả mọi người cùng vui.
Bất luận là người quản lý hay nhân viên bình thường thì vui vẻ cá nhân, chủ nghĩa lạc quan tự phát cũng có vấn đề. Tại sao lại như vậy? Bởi vì nhiều người khi có được niềm vui thì không thể suy nghĩ mình cần phải tiến bộ hơn. Khi những người quản lý thấy mình không cần tiến bộ hơn, tình hình kinh doanh của công ty sẽ bị lộn xộn, doanh nghiệp rất có thể lâm vào con đường chậm phát triển, cách thất bại chẳng bao xa. Với cá nhân, khi nắm bắt kỹ năng bằng con mắt thỏa mãn, thì không thể tiếp tục học những kỹ năng mới, cũng không có cách nào tiến bộ hơn trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, cuối cùng cũng gặp thất bại mà thôi.
Lý Chấn luôn tự cho rằng bản thân mình đã nắm bắt được những bí quyết kinh doanh trong việc đào tạo nhân viên, bí quyết kinh doanh trong con mắt của chị chỉ là xây dựng quan hệ thân thiết với khách hàng, nói thẳng ra đó là quan hệ mua bán. Do đó, bắt đầu từ nửa năm 2009, Lý Chấn không tiếp tục khai thác khách hàng mới, mà chỉ quan tâm và chú trọng tới quan hệ với các khách hàng cũ để duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Trên thực tế, việc duy trì các khách hàng cũ không nhiều, do đó chị có nhiều thời gian rảnh. Nhưng Lý Chấn lại không thường xuyên tới công ty, cho đến khi có người hỏi thì chị lại luôn cao giọng khẳng định: “Tôi đi với khách hàng”. Thực tế, ngày nào cũng vậy, chị không có việc gì chính xác, không lên mạng lướt web thì cũng đi xem phim.
Rõ ràng, vì việc duy trì quan hệ thân thiết với khách hàng cũ nên thành tích kinh doanh của Lý Chấn năm 2009 vẫn rất ổn định. Nhưng đến năm 2010, xu thế thị trường có nhiều biến đổi, khách hàng có sự thay đổi về nhu cầu đào tạo theo hướng “thực dụng và trực diện”, chính vì vậy việc giới thiệu đặc điểm và giá trị của sản phẩm tới từng khách hàng là việc rất cần thiết, trong khi đó Lý Chấn cho rằng chỉ cần có quan hệ tốt với khách hàng thì sẽ không cần nhiều thời gian để giới thiệu. Thậm chí, cô còn nói với một số đồng nghiệp rằng: “Chẳng cần như mọi người bận tới bận lui, tôi chỉ cần một cuộc điện thoại là như xong mọi việc.” Nhưng thực tế công việc khác xa với những gì Lý Chấn tưởng tượng, hầu hết những khách hàng có quan hệ tốt với chị đã tìm đến đối thủ cạnh tranh của chị vì không có thông tin, không nắm được đặc điểm của sản phẩm. Đến hôm nay, Lý Chấn đã phải học lại những kiến thức đó, nhưng thành tích kinh doanh đã không thể cao được nữa.
Trái với Lý Chấn, một đồng nghiệp của chị là Viên Đình, luôn duy trì quan hệ rất tốt với khách hàng, nhưng cô luôn duy trì nhận thức về những khó khăn, vất vả. Khi cô có dịp chia sẻ kinh nghiệm thành công, cô nói: “Yêu cầu của khách hàng lúc nào cũng là phải được phục vụ chu đáo, một ngày nào đó tôi không thể đáp ứng được nữa, có lẽ họ cũng sẽ chọn đối thủ cạnh tranh của tôi.
Đương nhiên, điều đó không hề ảnh hưởng tới quan hệ hữu nghị của tôi và khách hàng. Cạnh tranh hữu nghị vẫn là hữu nghị, công việc vẫn là công việc. Do đó, khi phục vụ khách hàng, tôi luôn nhắc mình phải cẩn thận, tỉ mỉ, luôn vì khách hàng để truyền thông tin sớm nhất, nhanh nhất về sản phẩm để khách hàng sớm có cơ hội chọn lựa.”
Tới ngày nay, ý nghĩa của câu nói “sống thì còn lo âu, chết sẽ an lạc” vẫn khiến tôi phải suy nghĩ. Nếu vì việc mưu cầu an lạc mà không biết tiết chế, cuối cùng sẽ bị nguy hại. Một người muốn có được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống thì trước sau phải duy trì lo lắng, ưu phiền.
Lời khuyên thứ 24: Một người muốn có được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống thì luôn phải duy trì ý thức lo lắng, dự phòng.
Giới du thạch, bất chung nhật, trinh cát.
“Giới” ý chỉ kiên định. “Chung nhật” ý chỉ thời gian cả ngày.
Ý nghĩa của câu nói này là: “Kiên định như thạch, không phải vất vả cả ngày vẫn có thể đạt được hạnh phúc”.
Trong câu nói này bao hàm ba lớp ý nghĩa: thứ nhất, “giới du thạch” chỉ kiên định giống như đá. Một người có thể giữ thái độ kiên định trong bất kì hoàn cảnh nào, không hề nao núng, thì luôn nhận được sự tôn trọng của mọi người xung quanh. Ít nhất cũng có thể khẳng định được một điểm, người này là người “biết dừng”, họ biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Đối với những việc không nên làm, tuyệt đối không làm. Thứ hai, “bất chung nhật” có nghĩa là khi phát hiện ra cơ hội, không nên do dự trong việc đưa ra quyết định. Rất nhiều người mất rất nhiều thời gian để đưa ra quyết định, nhưng thời cơ bao giờ cũng có giới hạn. Do vậy, “biết tiến” là đặc điểm rất quan trọng – đó chính là việc hành động nhanh chóng, nắm bắt cơ hội. Thứ ba, bất luận là “biết dừng” hay “biết tiến” thì đều phải nghiêm túc, chứ không thể làm trái với chính đạo, nếu không cuối cùng vẫn không thể đạt được thành công và hạnh phúc.
“Biết dừng” và “biết tiến” là hai quan điểm rất quan trọng đối với những người làm doanh nghiệp. Không “biết dừng” sẽ có thể mạo hiểm mù quáng, tự kiêu tự mãn, cuối cùng sẽ mắc phải những sai lầm lớn. Cái gọi là “kháng long, hữu hối” là xuất phát từ không “biết dừng” mà ra. Một người không biết dừng lúc cần dừng có thể sẽ tự mình lâm vào con đường cùng.
Thẩm Hoa là Tổng giám sát bán hàng của công ty đại lý, trong quá trình dẫn dắt đội quân kinh doanh, quyền lực của anh đã có cơ hội phát huy mạnh mẽ. Theo ý kiến của các công ty đại lý, bán hàng là cốt lõi của công ty, điều này khiến Thẩm Hoa cảm nhận được quyết định của bản thân mình cũng sẽ quyết định sự thành bại của công ty. Do đó, anh đưa ra hai yêu cầu cho Ban giám đốc công ty: một là, đề bạt anh ta lên làm Tổng giám đốc, tăng 40% lương so với mức lương hiện tại; thứ hai, Ban giám đốc trích lại cho anh ta 20% cổ phần.
Ban giám đốc rất bất ngờ và phẫn nộ trước đề nghị của Thẩm Hoa, nhưng cũng cố gắng kiềm chế bực tức để cùng Thẩm Hoa tổ chức một cuộc gặp trên tinh thần trao đổi thẳng thắn. Lần nói chuyện này đã làm cho Thẩm Hoa nhận thức được ba vấn đề:
Đầu tiên, đối với công ty, bán hàng là hoạt động quan trọng của công ty nhưng vị trí Tổng giám sát kinh doanh lại không hoàn toàn quan trọng như bộ phận mà vị trí đó trực thuộc, thành tích kinh doanh là do sức mạnh và sự cố gắng của cả tập thể kinh doanh tạo ra.
Thứ hai, sự vụ cần giải quyết của Tổng giám đốc và Tổng giám sát kinh doanh là không giống nhau, người phụ trách cần trang bị cho mình góc nhìn quản lý và kinh nghiệm thực tế toàn diện và phong phú
Thứ ba, bất kì người nào cũng nên biết rằng “thích khả nhi chỉ”, có nghĩa là nếu mạo hiểm và yêu cầu mù quáng, nhưng không biết mong muốn của bản thân tới đâu, thì cũng sẽ tự mình lâm vào con đường thất bại.
Cuối cùng, một thành viên trong Ban giám đốc nói với Thẩm Hoa: “Tôi cho anh thời gian một tháng để suy xét, nếu anh vẫn kiên quyết với ý kiến ban đầu, như vậy, chúng tôi cũng không có cách gì để tiếp tục hợp tác.”
Ngày thứ hai, Thẩm Hoa tìm đến Ban giám đốc và nói: “Tôi chấp thuận từ bỏ ý kiến ban đầu tôi trình bày.”
Nếu Thẩm Hoa vẫn cứ mù quáng thực hiện mà không “biết dừng” thì kết quả chắc cũng sẽ chẳng có gì là tốt đẹp
Mỗi người đều nên tự nhận thức rằng: “Cái gì nên làm thì làm, cái gì không nên làm thì tuyệt đối tránh xa.”
Đương nhiên, lúc nào cũng chỉ lo “điểm dừng” xem ra chưa đủ, “biết dừng” chỉ có thể đảm bảo chúng ta không mắc phải sai lầm, chứ không thể bảo đảm chúng ta sẽ đạt được thành công trong kinh doanh. Nếu muốn trở thành người lãnh đạo của doanh nghiệp thành công, vẫn cần “biết tiến”, để chuẩn bị cho cơ hội ở phía trước, tìm kiếm các hành động để nắm bắt cơ hội, đạt được thành công.
Tháng 4 năm 2010, Trần Lôi được bổ nhiệm làm người phụ trách Phòng Kế hoạch của công ty. Nhưng ở vị trí này chưa được một tháng, cô đã đạt được những thành tích xuất sắc, nhận được nhiều sự tín nhiệm và tôn trọng của mọi người.
Trần Lôi vốn dĩ là chuyên gia sản phẩm của Phòng Kế hoạch công ty, phụ trách quảng cáo truyền thông, xây dựng hình ảnh sản phẩm, và kết nối với các cơ quan truyền thông khác. Cuối tháng 3 năm 2010, Trưởng phòng Lưu đã từ chức vì lý do chuyên môn, khiến xáo trộn nhân sự trong công ty, bởi việc tuyển chọn một Trưởng phòng phù hợp là việc không hề đơn giản. Lúc này, Trần Lôi đã đích thân ứng cử.
Trần Lôi đã xúc động khi nói với mọi người rằng: “Sau một tháng làm việc, mọi người cũng đã nhận thấy tôi không phải là người mong muốn chức vị mà chỉ vì trách nhiệm công việc. Xin phép công ty cho tôi một cơ hội, cũng hy vọng mọi người cùng ủng hộ!”
Khi con người lo lắng với việc không có cơ hội thì cơ hội vẫn luôn ở xung quanh, nếu chúng ta không chú ý thì nó sẽ qua đi; cũng có một số người đã nhìn thấy cơ hội, nhưng lại do dự không quyết định, cuối cùng cũng làm lỡ mất. Đúng như lời của một doanh nhân thành công đã từng nói: “Trong cuộc đời mỗi người, không bao giờ thiếu cơ hội, cái thiếu ở đây chính là trái tim và con mắt để phát hiện ra cơ hội ấy, quan trọng hơn là thiếu lòng quyết tâm và năng lực hành động để nắm bắt khi đứng trước cơ hội.’’
Lời khuyên thứ 25: Khi bạn cần phải dừng lại, thì không nên mạo hiểm tiến lên; khi bạn cần phải tiến lên, thì không thể do dự trong việc đưa ra hành động để có được cơ hội
Quẻ tùy
“Tùy” có nghĩa là tùy tùng và cũng có nghĩa là thuận theo, không cố chấp. Quẻ này chủ yếu giải thích nguyên tắc làm thế nào để cho mọi người quy thuận, bỏ đi những hẹp hòi cá nhân, hòa đồng với mọi người.Vì vậy, không thể cố chấp, giữ mãi định kiến cá nhân mà cần phải lấy lợi ích của mọi người, của tập thể đặt lên hàng đầu, không thể tham cái lợi nhỏ và đánh mất chính bản thân mình, động cơ phải đúng đắn, và phải xuất phát từ sự chân thành, biết chọn lựa tiến lui, lựa chọn đi theo cái thiện.
Quân tử dĩ hưởng, hối nhập yến tức.
Người quân tử nên học theo qui luật vận động của thiên nhiên, ngày làm việc chăm chỉ, tối về nhà nghỉ ngơi
Ý nghĩa của câu Tượng viết này rất dễ lý giải: “Người quân tử nên học theo qui luật vận động của thiên nhiên, ngày làm việc chăm chỉ, tối về nhà nghỉ ngơi.”
Có thể thấy, việc nghỉ ngơi khi trời chuyển tối là việc làm rất đời thường, vậy tại sao Tượng viết lại nhấn mạnh điểm này đến vậy? Ở đây cần phải kết hợp với ý nghĩa của quẻ Tùy để xem xét vấn đề. “Tùy” nói theo ngôn ngữ văn chương có nghĩa là tùy tùng, thuận theo, không cố chấp. Những điều quẻ Tùy muốn đề cập có thể được khái quát bởi bốn chữ: “Thuận ứng thời thế” (nghĩa là thuận theo thời thế).
Cái được gọi là “thuận ứng thời thế” có nghĩa là thuận theo thời, theo thế mà hành động. Tượng viết còn ghi “Quân tử dĩ hưởng, hối nhập yến tức”. “Hưởng hối nhập yến tức” cùng lớp nghĩa với “nhật xuất nhi tác, nhật lạc nhi tức” biểu đạt hành vi đơn giản nhất của việc lý giải “thuận ứng thời thế”. Nó cho chúng ta biết rằng: Trong quá trình phát triển của cuộc sống và sự nghiệp, nên thuận theo nguyên tắc “thuận ứng thời thế”, giống như việc nghỉ ngơi khi trời chuyển tối.
Kết hợp với hiện tại, “thuận ứng thời thế” cũng như việc căn cứ vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa và tài chính cũng như năng lực của bản thân để triển khai hành động. Khi thời điểm chưa chín muồi, nếu hành động vội vàng, sẽ chỉ gặp phiền não và thất bại, cuối cùng không có cách nào thực hiện mục tiêu đúng như dự định, không những thế còn gặp rắc rối không mong muốn, thậm chí còn lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Nhưng rất nhiều người vẫn lạc quan một cách mù quáng khi cho rằng họ tự chuẩn bị được điều kiện để đối phó và sớm đã hành động để khắc phục.
Giang Hoa là nhân viên tư vấn của một công ty tư vấn, anh đã phục vụ qua rất nhiều công ty, tất cả những công ty này đều rất ghi nhận năng lực cá nhân của anh. Cuối năm 2009, anh cho rằng bản thân mình đủ năng lực để thành lập công ty tư vấn cho riêng mình nên đã nộp đơn xin thôi việc, và nhanh chóng tuyển được hai nhân viên để cùng thành lập công ty, bắt đầu xây dựng sự nghiệp tư vấn của mình.
Anh đã đến gặp rất nhiều khách hàng quen mà anh từng phục vụ nhưng kết quả tiếp xúc rất đáng thất vọng. Những khách hàng cũ mặc dù đánh giá rất cao năng lực của anh nhưng khi nói đến cơ hội hợp tác thì lại băn khoăn, không đồng ý.
Hai nhân viên tìm kiếm khách hàng mới cũng gặp kết quả tương tự. Sau này, một vị khách hàng quen đã nói với Giang Hoa rằng: “Đúng là tôi đánh giá cao năng lực của anh, nhưng anh cần biết rằng dịch vụ tư vấn là hành vi của một tập thể, chỉ một người đơn lẻ thì không thể đảm bảo được dịch vụ tốt cho doanh nghiệp của chúng tôi. Dù là anh đã có một đội ngũ thành thục, tôi cũng không dám coi nhẹ việc giao cho anh dịch vụ tư vấn. Bởi vì mặc dù dưới tầm ảnh hưởng của sản phẩm, nhưng anh không có căn cứ lý luận xác đáng thì cũng không thể có những dự án thành công.”
Giang Hoa cuối cùng phải chọn đóng cửa công ty, trở lại làm nhân viên tư vấn cho một công ty tư vấn.
Thất bại của Giang Hoa không phải là không “thuận ứng thời thế” mà là do anh ta đánh giá bản thân mình quá cao, lạc quan mù quáng. Ở đây chúng ta cần phải chú ý một vấn đề: muốn “thuận ứng thời thế” thì cần phải chuẩn bị năng lực thẩm thời độ thế.
Chỉ cần có năng lực “thẩm thời độ thế” tốt, mới có khả năng “thuận ứng thời thế”. “Thẩm thời độ thế” là chỉ trạng thái lạc quan phân tích và đánh giá cơ hội một cách chính xác. Nếu trước khi thành lập công ty, Giang Hoa cân nhắc “thẩm thời độ thế”, có lẽ anh không bị kích động như vậy, để cuối cùng gặp phải thất bại.
Lời khuyên thứ 26: Làm việc bắt buộc phải “thuận ứng thời thế” mới có thể đạt được thành công; để làm được “thuận ứng thời thế” thì đầu tiên cần phải có năng lực “thẩm thời độ thế”, năng lực nhận định tình hình.
Hệ tiểu tử, thất trượng phu. Hệ trượng phu, thất tiểu tử
Hai câu nói này rất có ý nghĩa, nội dung của mỗi câu lại tương phản với câu còn lại. Câu thứ nhất là: “tâm hệ tiểu tử, thất tiêu trượng phu”. Và câu thứ hai là: “tâm hệ trượng phu, thất tiêu tiểu tử”.
Ý nghĩa của hai câu là lớp nghĩa tượng trưng. Sự tượng trưng này khiến chúng ta nghĩ đến một câu nói của Mạnh Tử có ý rằng “cá với hổ không thể sống cùng một nơi được”. Ý nghĩa biểu thị của nó rất đơn giản: hai chủ thể không thể cùng tồn tại được.
Vì hai chủ thể không thể cùng tồn tại được nên chúng ta cần phải chọn lựa. Nhưng khó khăn cho chúng ta là, đối tượng lựa chọn một mặt là “tiểu tử”, một mặt là “trượng phu”, bỏ hay chọn cái nào cũng thấy không phù hợp. Trên thực tế, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta phải đối mặt với những sự lựa chọn khó khăn. Ví dụ, bạn có khả năng có được hai cơ hội làm việc cùng một thời điểm, một công việc thì phù hợp với nguyện vọng của bạn, nhưng tiền lương thấp; công việc còn lại không được phù hợp với nguyện vọng của bạn cho lắm, nhưng tiền lương rất cao. Lúc này, bạn sẽ lựa chọn công việc nào đây?
Như vậy, trong quá trình trưởng thành của cuộc sống và sự nghiệp, chúng ta thường xuyên gặp phải những thời điểm phải lựa chọn và chúng ta chỉ có thể lựa chọn một trường hợp mà thôi. Có thể, có người sẽ nói: Tôi có thể đồng thời chọn hai trường hợp, hai phương pháp, giống như việc một số doanh nghiệp có thể chọn nhiều phương thức đa dạng hóa để phát triển doanh nghiệp.\Phương Đinh Đinh là một nhà thơ có tên tuổi. Nhưng, những năm gần đây, anh nhìn thấy bạn bè cũ đều trở thành ông chủ, trong khi bản thân mình vẫn mãi là kẻ sách vở nghèo túng. Anh cảm thấy không hài lòng với thực tại của bản thân, do đó cũng muốn được sống một cuộc đời như những ông chủ kia. Anh luôn khẳng định rằng: Đương nhiên, tôi sẽ không từ bỏ mộng thơ ca của bản thân mình, nhưng tôi không tin câu nói “cá với hổ không thể cùng tồn tại được”
Phương Đinh Đinh là một nhà thơ có tên tuổi. Nhưng, những năm gần đây, anh nhìn thấy bạn bè cũ đều trở thành ông chủ, trong khi bản thân mình vẫn mãi là kẻ sách vở nghèo túng. Anh cảm thấy không hài lòng với thực tại của bản thân, do đó cũng muốn được sống một cuộc đời như những ông chủ kia. Anh luôn khẳng định rằng: Đương nhiên, tôi sẽ không từ bỏ mộng thơ ca của bản thân mình, nhưng tôi không tin câu nói “cá với hổ không thể cùng tồn tại được”
Năm 2009, anh đã mở một công ty văn hóa, nhưng do thiếu khinh nghiệm quản lý và nghiệp vụ nên công ty của anh nhanh chóng lâm vào tình cảnh khó khăn. Để công ty vượt qua khó khăn hiện tại, anh đã phải tiêu tốn rất nhiều thời gian. Cho đến tận tháng 6 năm 2010, công ty của anh mới thoát ra được khó khăn, còn anh cũng thôi hẳn công việc sáng tác văn thơ.
Gần đây, anh chia sẻ: “Đã rất lâu không viết thơ, nay cầm bút mà không biết nên viết gì. Tại sao ông Chủ tịch tập đoàn viễn thông có thể quản lý nhiều công ty đến thế, trong khi tôi chỉ có mỗi hai việc mà chẳng việc nào hoàn hảo?”
Rất nhiều người giống Phương Đinh Đinh, luôn tự cho mình có khả năng làm tốt được hai việc, thậm chí là rất nhiều việc. Nhưng, chỉ cần chúng ta quan sát mọi thứ tỉ mỉ thì rất dễ phát hiện, những người xung quanh ta hy vọng cùng một lúc làm tốt được hai việc hoặc từ hai việc trở lên thì hầu như đều gặp thất bại.
Đúng vậy, chúng ta cần phải thừa nhận rằng rất nhiều công ty kinh doanh có được thành công lớn, nhưng việc kinh doanh và sự phát triển của mỗi cá nhân lại có những khác biệt cơ bản
Khi chúng tôi tiến hành phân tích những nhân vật lãnh đạo đã thành công, thì đều phát hiện ra một hiện tượng:
Tất cả mọi đối tượng thành công đều có chủ trương chuyên nhất. Họ tập trung theo đuổi và gây dựng sự nghiệp dựa vào công việc mà họ yêu thích nhất, tiếp theo là tìm ra giải pháp thực hiện hiệu quả, để làm tốt nhất công việc của mình trong lĩnh vực đã chọn. Đó chính là cái gốc của thành công.
Lời khuyên thứ 27: Thời gian và tinh lực của một người là có hạn, do đó tuyệt đối không được phân tán thời gian và tinh lực, mà nên duy trì chủ nghĩa chuyên nhất, nỗ lực làm tốt nhất công việc của mình theo lĩnh vực đã chọn.
Quẻ Cổ
“Cổ” tức là mê hoặc, đầu độc. Quẻ Cổ đã giải thích rõ nguyên tắc chấn hưng lại sự nghiệp đã suy tàn. Cực thịnh sẽ dẫn tới suy vong, lạc cực sẽ dẫn tới bi ai, đó là qui luật của tự nhiên. Đối mặt với cục diện hỗn loạn đó, một người có sĩ khí sẽ không thể ngồi chờ đợi mà cần phải hành động. Hơn nữa, đây chính là thời cơ tốt cho những anh hùng hào kiệt xuất hiện và thể hiện mình, gánh vác và gây dựng sự nghiệp lớn. Để chấn hưng lại sự nghiệp thì nhất định phải tìm được những trợ thủ đắc lực, phải trọng dụng hiền tài và phải xác định đây không phải là công việc ngày một ngày hai mà là một quá trình phấn đấu lâu dài, vì thế cần phải bồi dưỡng, đào tạo nhân tài.
Tiên giáp tam nhật, hậu giáp tam nhật.
Câu này không hề đơn giản: “Giáp” ở đây có nghĩa là gì? Có cách giải thích “giáp” là can đầu tiên trong mười can chúng ta vẫn thường nói “giáp, ất, bính, đinh...”, không có “giáp” thì không có “ất, bính, đinh”. Như vậy, ý nghĩa của “giáp” có thể hiểu đơn giản là sự bắt đầu. Từ đó, ý nghĩa của câu nói này cũng dần được gợi mở: “Ba ngày trước khi bắt đầu, ba ngày sau khi bắt đầu.”
Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được câu nói này muốn thể hiện điều gì. Để giải thích thấu đáo, cần phải kết hợp phân tích với quẻ Cổ: “Tiên giáp tam nhật, hậu giáp tam nhật, chung tắc hữu thỉ, thiên hành dã.” Ở đây muốn nói đến sự khởi đầu, không có khởi đầu tốt thì không thể có kết quả tốt. Ý nghĩa biểu đạt của câu nói này là: Trước khi bắt đầu một sự việc nào đó, chúng ta cần phải suy nghĩ cẩn trọng, tuyệt đối không hành động mù quáng, thiếu suy nghĩ. Cùng với đó, sau khi bắt đầu sự việc, cũng nên duy trì tính cẩn trọng, thường xuyên xem xét và tổng kết để có những điều chỉnh và sửa đổi phù hợp với hoàn cảnh thực tế, tránh vấn đề phát sinh tồn đọng, mà cuối cùng lại ảnh hưởng ngược lại, khiến chúng ta không có cách nào để giải quyết.
Những người viết Kinh Dịch đều nhấn mạnh việc phải cẩn trọng. Có một câu nói đã rất quen thuộc với chúng ta: Khởi đầu tốt đẹp là một nửa của thành công. Do đó, có thể thấy khởi đầu của một sự việc quyết định thế nào đến kết cục của sự việc đó. Ngoài ra, câu nói này còn nhắc nhở chúng ta rằng: Khởi đầu cũng bao gồm hai yếu tố, một là suy nghĩ trước khi triển khai sự việc, hai là tổng kết và phân tích sau khi bắt đầu triển khai sự việc, hai yếu tố này đều quan trọng như nhau. Nhưng, rất nhiều người vẫn chỉ suy nghĩ đến yếu tố đầu mà bỏ quên yếu tố sau, cuối cùng vì không có biện pháp kịp thời giải quyết vấn đề phát sinh sau nên thường khiến sự việc thất bại.
Năm 2004, Vương Sáng đảm nhận vị trí Giám đốc khu vực lớn của thị trường Trung Quốc cho một doanh nghiệp thực phẩm. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường của địa phương, Vương Sáng đã kiến nghị công ty nên mở thêm một sản phẩm mới, kiến nghị của Vương Sáng không những được chấp thuận mà còn được khen ngợi. Vương Sáng đã tiến hành điều tra thị trường địa phương, đại lý, người tiêu dùng, và cuối cùng từ đó xây dựng một bản báo cáo hoàn thiện về sản phẩm mới.
Sản phẩm mới nhanh chóng được sản xuất và phân phối rộng rãi, Vương Sáng bắt đầu mở rộng thị trường. Nhưng trước khi mở rộng thị trường, có hai vấn đề quan trọng phát sinh: Một là nhân viên kinh doanh không có nhiều hiểu biết về sản phẩm mới, nên trong lúc giới thiệu sản phẩm thì cảm thấy lúng túng, không rõ ràng; hai là các đại lý phản ánh về hạn sử dụng sản phẩm quá ngắn. Nhưng, Vương Sáng không quá quan tâm tới những vấn đề đó, chỉ một mực quan tâm tới việc yêu cầu nhân viên kinh doanh đẩy nhanh hàng và mở rộng thị phần của sản phẩm ra trị trường.
Một tháng sau đó, Vương Sáng gặp phải một vấn đề vô cùng nan giải: Một lượng lớn sản phẩm mới đã bị trả lại. Lý do trả hàng của các đại lý là thời gian sử dụng của sản phẩm không phù hợp. Việc này đã khiến Vương Sáng phải suy tính, cuối cùng vẫn thương lượng được với đại lý một phương cách giải quyết mới: Thông qua việc giảm giá để tiêu thụ sản phẩm. Cuối cùng, mặc dù đã giải quyết được một phần lượng sản phẩm mới, nhưng giá thành của sản phẩm cũng không thể khôi phục lại tình hình kinh doanh như trước. Điều đó có nghĩa là Vương Sáng đã mở ra một sản phẩm mới không hề có chút lợi nhuận nào (sản phẩm lỗ vốn).
Vẫn giữ thái độ bình tĩnh, Vương Sáng đã bắt đầu tiến hành xem xét và xây dựng kế hoạch, nhưng nếu lúc đầu anh ta có thể giải quyết hai vấn đề phát sinh thì chắc chắn không thể có hậu quả như vậy.
Lời khuyên thứ 28: Xem xét kỹ lưỡng vấn đề trước khi bắt đầu, sau khi bắt đầu cần duy trì thái độ cẩn trọng, giải quyết vấn đề phát sinh một cách kịp thời.