Nội dung bài viết
Quẻ tiểu súc
Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao
Quân tử dĩ ý văn đức.
Quẻ Lý
Thị lý khảo tường, kì triền hoặc toàn nguyên cát
Quẻ Thái
Vô bình bất bì, vô vãng bất phục
Thành phục vu hoàng.
Quẻ tiểu súc
Quẻ Tiểu Súc là quẻ thứ chín trong Kinh Dịch, được tạo thành bởi quẻ dưới là quẻ Càn, quẻ trên là quẻ Tốn. Đặc điểm của quẻ này là dương quá thịnh còn âm lại không đủ. Điều này nói lên rằng: Kế hoạch vạch ra rất hay nhưng lại không đầy đủ, do đó quá trình thực hiện thường xuyên bị gián đoạn. Nhưng đây chỉ là sự gián đoạn tạm thời, sự gián đoạn nhỏ, không kéo dài lâu, sau đó mọi việc sẽ lại thuận lợi và cuối cùng cũng sẽ thực hiện được lý tưởng ban đầu của mình.
Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao
Mây đen ùn ùn kéo đến từ hướng Tây nhưng vẫn chưa đổ mưa.
Quân tử dĩ ý văn đức.
Người quân tử phải có đạo đức, có văn hóa
“Súc” ý nghĩa chỉ sự tích lũy. Quẻ Tiểu Súc có ý nghĩa ban đầu chỉ là “tiểu hữu tích súc”, vẫn còn xa mới đến được giai đoạn thành công. Do đó, lời của quẻ nói: “Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao”, có ý nghĩa là: Mây đen ùn ùn kéo đến từ hướng Tây nhưng vẫn chưa đổ mưa. Như chúng ta đã biết, trên thực tế trời có mây đen ùn ùn kéo về cũng có nghĩa là sắp đổ mưa, nhưng lượng nước ngưng tụ vẫn chưa đủ nên vẫn chưa thể tạo thành mưa. Nhưng tại sao ở đây có “mật vân” mà vẫn “bất vũ”? Bởi vì “Tiểu Súc” nghĩa là năng lượng tích lũy còn thiếu, cần phải tiếp tục nỗ lực. Đây chính là ý nghĩa chủ đạo của quẻ Tiểu Súc.
Đối với những người làm trong doanh nghiệp, đây là một lời nhắc nhở chân tình. Vì rất nhiều người sau khi đạt được thành tích nhất định lại thường có thái độ không an phận, họ luôn cảm thấy công ty đối đãi với mình chưa thực sự công bằng, hoặc không có sự trọng dụng đúng mực. Nếu chúng ta xem quẻ Tiểu Súc này sẽ thấy được điều đó. Tại sao? Bởi vì chúng ta đạt được một thành công nhất định thì đó mới chỉ là Tiểu Súc, vẫn chưa thể đạt được trình độ cao nhất của trọng thị và trọng dụng. Do vậy, cần phải thay đổi những trọng thị hiện có, cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa.
Một người có khả năng đạt được thành công nhất định thì trong cả thái độ và kỹ năng với công việc đều phải đúng mực, hoặc có thể nói, họ chắc chắn có kỹ năng làm việc tích cực và nhiệt huyết. Như vậy, nói theo cách của họ thì cần phải thay đổi và làm mới chính mình. Tượng viết gợi ý cho chúng ta một phương án rõ ràng: Đó chính là phẩm chất đạo đức. “Quân tử dĩ ý văn đức” ở đây “ý” chỉ đẹp đẽ, có văn hóa; “ý văn đức” tức là chỉ có đạo đức, có văn hóa.
Điều đó muốn nói rằng, sau khi một người đạt được những thành công nhất định, họ nên tu dưỡng phẩm chất đạo đức để đạt được sự tôn trọng và tin tưởng của người khác, thậm chí là cả sự sùng bái
Vương Lập Quân luôn được mệnh danh là “cá nhân anh hùng” của công ty, anh ta có năng lực bán hàng và khả năng đàm phán xuất sắc. Hàng năm, thành tích kinh doanh của anh luôn đứng trong Top 3 của công ty. Những nhân viên kinh doanh mới được công ty tuyển dụng thường do anh đào tạo và hướng dẫn, nhưng Tổng giám đốc vẫn luôn muốn anh phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm của anh với bộ phận mình. Điều này khiến anh không mấy hài lòng.
Trong bất cứ cuộc tranh luận nào, Lập Quân cũng thường tức tối mà rằng: “Tại sao Thẩm Cường (Giám đốc kinh doanh) xét về năng lực không bằng tôi, về thành tích càng không bằng tôi, mà tôi vẫn phải tuân theo sự chỉ đạo của anh ta?”
Về sau, Tổng giám đốc và Lập Quân phải có một cuộc nói chuyện sâu sắc để chỉ ra những điều chưa đạt của anh.
“Tôi cũng muốn đề bạt anh làm phụ trách bộ phận của anh, nhưng từ trước tới nay, phong thái làm việc của anh vẫn không thật sự làm hài lòng mọi người. Nếu anh muốn trở thành người quản lý thì ngoài năng lực làm việc, anh cần phải có một bước tiến cao hơn trên phương diện đạo đức”.
Những lời nói của Tổng giám đốc đã khiến Vương Lập Quân suy nghĩ rất lâu, cuối cùng anh cũng hiểu ra chân lý: Với cương vị của người quản lý, thành tích không phải là thứ quan trọng nhất.
Giống như Vương Lập Quân, có rất nhiều người cả kỹ năng và thành tích làm việc đều rất tuyệt vời, nhưng chưa thể đạt được dấu ấn trong sự nghiệp. Trên thực tế, chỉ cần họ thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức thì hoàn toàn có thể đạt được sự tán thưởng và tôn trọng của người khác. Nhưng, đại đa số chúng ta lại xem thường điều này, vì vậy đó chính là trở ngại đầu tiên trong sự nghiệp của mỗi người.
Lời khuyên thứ 15: Sau khi có được thành tích nhất định, bạn nên tiếp tục tu dưỡng phẩm chất đạo đức của bản thân để đạt được sự tán thưởng và tôn trọng của mọi người, tạo nền móng vững chắc cho việc phát triển sự nghiệp
Quẻ Lý
Đây là quẻ thứ 10 trong Kinh Dịch. Cấu trúc quẻ này gồm: phía dưới là quẻ Đoài, phía trên là quẻ Càn. “Đoài” tượng trưng cho sông ngòi, đầm lầy, cho sự vui vẻ, hòa nhã. Quẻ Càn tượng trưng cho sức mạnh lớn nhất. Quẻ Đoài đứng ở phía dưới quẻ Càn, vì thế dùng hình ảnh “dẫm lên đuôi hổ” để tượng trưng. Vì quẻ Đoài hòa nhã, vui vẻ, mềm dẻo, ôn hòa nên không bị “hổ” cắn. Ý nghĩa của quẻ này là: Ý chí có thể được thực hiện một cách thuận lợi nếu thực sự có quyết tâm.
Thị lý khảo tường, kì triền hoặc toàn nguyên cát
Đánh giá sự thành bại phải xem ở kết quả.
“Thị” ý chỉ việc xem xét, đánh giá. “Lý” ý chỉ đoạn đường đã trải qua. “Khảo” là suy nghĩ. “Tường” là hai mặt phúc và họa. “Triền” là xem xét lại vấn đề. “Nguyên cát” chính là điều tốt lành.
Ý nghĩa câu này là: Cần phải xem xét kết quả ra sao, nếu như kết quả viên mãn, trọn vẹn thì là việc đại cát, đại lợi. Vì thế, khi kết thúc một việc gì, nhất định phải nhớ tổng kết, phân tích, tìm ra những yếu tố thành công và thất bại trong đó. Nói một cách đơn giản, đó là “tổng kết được mất”.
Việc tổng kết được mất không những quan trọng đối với lãnh đạo tập thể mà còn có ý nghĩa với mỗi thành viên trong doanh nghiệp. Quá trình tổng kết thành công sẽ giúp chúng ta nắm được quy tắc của thành công; quá trình tổng kết thất bại sẽ giúp chúng ta biết cần phải tránh thất bại như thế nào. Cổ nhân có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, thực tế là một kiểu tổng kết. Sau mỗi lần tổng kết, mỗi người đều có thể không ngừng nâng cao và hoàn thiện bản thân, thực hiện lý tưởng sự nghiệp của cuộc đời.
Phó Cần Bột là một trong những nhân viên bán hàng giỏi nhất của Tập đoàn giáo dục Quần Phong, Giang Tô. Thành tích bán hàng của cô ba năm liền đứng vị trí quán quân, hàng năm cô vẫn được bình chọn là một trong những nhân viên xuất sắc
Trong một dịp chia sẻ thành công của bản thân với mọi người, cô đã nói: “Thực tế thì làm kinh doanh rất đơn giản, chỉ cần thường xuyên phân tích và tổng kết. Lúc đầu, khi mới tiếp xúc với khách hàng tại văn phòng, tôi cũng thường xuyên thiếu tự tin và có tâm trạng lo lắng, vì vậy tôi đã cố gắng khắc phục tâm trạng xấu đó. Nhưng tôi vẫn thấy thật không dễ để lấy lòng được khách hàng. Sau khi phân tích, tôi đã phát hiện là do bản thân mình thiếu những kiến thức cần có, chính vì vậy tôi bắt đầu đọc sách nhiều hơn. Tiếp tục sau đó, tôi đã thấy khách hàng muốn có những sản phẩm giáo dục thiết thực hơn trong mỗi bài giảng, do vậy tôi lại tiến hành phân tích sâu hơn nữa những bài giảng của mình, và căn cứ vào hoàn cảnh của từng doanh nghiệp để có những sản phẩm phù hợp. Cứ như vậy, hiện nay, với mỗi khách hàng, tôi đều có thể đưa ra những bài giảng đối ứng và có mối quan hệ mật thiết với họ…”
Kinh nghiệm mà Phó Cần Bột chia sẻ cho chúng tôi đó là: Thành công của cô chỉ có một nguyên nhân – đó là tổng kết thành công và thất bại đối với từng hoàn cảnh của mỗi một khách hàng, từ đó đưa ra những chuẩn bị cần thiết cho lần tiếp xúc sau. Thực tế trong quá trình tổng kết thành công và thất bại, cô đã không ngừng lớn lên, trở thành nhân viên kinh doanh xuất sắc nhất.
Đương nhiên, cũng có rất nhiều người trong quá trình làm việc không bao giờ tổng kết, do đó thường xuyên phạm phải những sai lầm giống nhau. “Tôi cũng không biết xử lý nhân viên này như thế nào nữa, đã nói đi nói lại bao nhiêu lần rồi, nhưng anh ta không hề thay đổi…” Rất nhiều lãnh đạo khi nói đến cấp dưới đều có thái độ bực bội như vậy. Tôi tin rằng không ai có thể hài lòng với những nhân viên như vậy, đợi đến một ngày lãnh đạo không thể chịu được nữa thì có lẽ đây là lúc người đó nhận được quyết định thôi việc.
Có lẽ có một số người cho rằng “kinh nghiệm không đáng quí” mà từ bỏ việc tổng kết, đây thực sự là một tư duy sai lầm. Không thể phủ định giá trị của kinh nghiệm. Tất nhiên, chúng ta cần học cách vận dụng linh hoạt, chứ không nên vận dụng cái đã thất bại. Cần ghi nhớ rằng hoàn cảnh, không gian, nguồn gốc và quan hệ con người đều không ngừng biến hóa. Do đó, khi thực hiện cần phải kết hợp với thực tế, vận dụng linh hoạt kinh nghiệm, có như vậy những giá trị của kinh nghiệm mới có thể lan tỏa rộng lớn.
Lời khuyên thứ 16: Khi làm xong một việc, nhất định phải nhớ phân tích và tổng kết, từ đó rút ra kinh nghiệm cho thành công và thất bại.
Quẻ Thái
Quẻ Thái bao gồm quẻ Càn tượng trưng cho trời ở dưới, quẻ Khôn tượng trưng cho đất ở phía trên. Dường như ở đây có điều gì đó không thích hợp cho lắm. Nhưng trên thực tế, đây là hiện tượng trời đất giao hòa với nhau. Đất nặng sẽ chuyển dịch theo xu hướng từ dưới lên trên, như thế mới không bị đi lệch ra khỏi quỹ đạo và trời đất mới có thể kết hợp chặt chẽ với nhau, hình thành nên trạng thái thái bình, âm dương giao hòa
Vô bình bất bì, vô vãng bất phục
Không có gì là bằng phẳng, cũng không có gì là dốc cao
Ý nghĩa của quẻ này khá đơn giản: Không có gì là bằng phẳng vĩnh hằng và cũng không có gì là nguy hiểm dốc cao. Cũng như vậy, không có gì là thẳng tiến mãi mãi và không có gì là lùi bước mãi mãi. Nhưng để lĩnh hội được ý nghĩa sâu sắc ẩn sâu bên trong thì không hề đơn giản, vì vậy việc vận dụng ý nghĩa của câu nói này vào cuộc sống nhân sinh và sự nghiệp càng không dễ dàng.
Câu nói này đã đưa ra một đạo lý: Không có con đường nào bằng phẳng, thuận lợi cho cuộc sống và sự nghiệp. Chúng ta vẫn thường nói: “Thuận buồm xuôi gió không thể giúp ích gì cho sự trưởng thành của mỗi người.” Tại sao lại như vậy? Bởi vì thuận buồm xuôi gió khiến con người thiếu đi sự rèn luyện, nên khi gặp phải khó khăn thì mau chóng thất bại vì không có được phương pháp ứng phó cần thiết.
Trần San San tiếp nhận vị trí của chồng cô chưa đầy một năm thì công ty lâm vào cảnh khó khăn. Không còn cách nào khác, chồng cô một lần nữa lại phải xuất hiện để phụ trách các sự vụ của công ty.
Ban đầu, khi chồng cô quyết định chuyển giao cho cô vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, anh cũng nhận được những góp ý như: “Hiện nay, San San chưa có năng lực quản lý tổng thể, bởi thực tế là cô chưa từng phải nếm trải mùi vị của thất bại.”
“Vô bình bất bì” cho chúng ta biết, trên thế gian không có con đường nào bằng phẳng. Về bản chất, nó truyền tải hai thông điệp: Thứ nhất, không nên tin tưởng vào việc thuận buồm xuôi gió, bởi trên con đường nhân sinh và sự nghiệp thì gặp thất bại là điều không tránh khỏi; thứ hai, khi gặp khó khăn hay thất bại thì phải giữ nguyên tắc quang minh chính trực, kiên trì theo đuổi mục tiêu ban đầu, như thế mới không gặp tai họa.
Rất nhiều người sau khi gặp thất bại trong cuộc sống hoặc sự nghiệp, lâm vào hoàn cảnh khó khăn thì chọn con đường chạy trốn, bỏ cuộc, thậm chí là tự oán trách thân phận mình. Có thể nói chắc chắn rằng những người như vậy sẽ không thể đạt được thành công trong sự nghiệp. Khi gặp khó khăn và thất bại, để vẫn vững bước tới thành công thì phải kiên trì rèn luyện. Bởi trong quá trình rèn luyện, chúng ta đã không ngừng trưởng thành, đạt được năng lực và kiến thức cần có để đối phó, cuối cùng đạt được thành công trong nhân sinh và sự nghiệp.
Một doanh nhân đã từng nói một câu có thể lý giải rất rõ ràng câu nói “Vô bình bất bì, vô vãng bất phục”, đó là: “Thành công là cái gì? Thành công là việc sau khi trải qua một lần sống chín lần chết mà vẫn không thay đổi nguyên tắc, tôn chỉ đã đặt ra ban đầu.” Rất nhiều doanh nhân và những người lao động bình thường đều tin vào ý nghĩa của câu nói này, họ cho rằng thành công là sau khi trải qua khổ nạn đạt được báo đáp.
Khi Lý Hồng Bá đứng trên khán đài chia sẻ những thành công đã đạt được, rất nhiều khán giả dưới khán đài đã cổ vũ anh vô cùng nhiệt tình. Đương nhiên, họ hy vọng Lý Hồng Bá có thể chia sẻ những kinh nghiệm thực tế mà anh có được để đạt tới thành công. Nhưng Lý Hồng Bá đã khiến họ rất thất vọng khi bắt đầu bài diễn thuyết của mình bằng một câu nói:
“Trên thực tế, không hề có bí quyết làm giàu nào. Nếu các bạn nhất định mong muốn đạt được thành công thì tôi xin cam kết với các bạn rằng: “Hãy đón nhận khó khăn! Chỉ có trải qua khó khăn, bạn mới trưởng thành; chỉ có việc thường xuyên trải qua khó khăn và thất bại thì bạn mới có thể giải thích và đưa ra những phương pháp ứng phó với từng vấn đề. Tôi đã từng bị bảy công ty sa thải. Khi tôi đảm nhận vị trí Tổng giám soát thị trường của một công ty, tôi đã làm tổn thất của công ty đó 15 triệu tệ. Những thất bại mà tôi gặp phải còn rất nhiều, nhưng hôm nay tôi rất cảm ơn những thất bại đó, nếu không có những thất bại đó thì chắc chắn sẽ không có tôi ngày hôm nay…”
Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Do đó, khi đối mặt với thất bại và khó khăn, bạn cần phải tự nói với mình: Đây chỉ là khó khăn tạm thời, chỉ là sự khảo nghiệm của chúng ta.
Lời khuyên thứ 17: Không phải lúc nào con đường sự nghiệp và cuộc sống cũng thuận buồm xuôi gió.
Thành phục vu hoàng.
Nhiều người khi nghiên cứu quẻ Thái đều biết rằng đây là quẻ cát tường, quẻ Thái có nghĩa là thông thái, thông đạt, chỉ sự thông suốt trên dưới. Đó là một trạng thái tốt đẹp. Nhưng, khi chúng ta nghiên cứu những lời trong các hào của quẻ Thái thì phát hiện ra rằng những người viết Kinh Dịch không hề nói đến những điều tốt đẹp đó, mà lại đưa ra rất nhiều lời nhắc nhở. Toàn bộ quẻ Thái đều là chuỗi nhận thức “Thái cực phủ lai’’ và cố gắng nhắc nhở mọi người trên thế gian rằng “Sơ thái hổ phú”
“Thành phục vu hoàng” là lời từ của Thượng Lục trong quẻ Thái, ý nghĩa của nó là: Những dãy tường thành cuối cùng cũng bị sụp đổ, chỗ mặt đất nơi các hào sâu đã đào trước đó đã bị san bằng như ban đầu. Những người viết Kinh Dịch đã thông qua “Thành phục vu hoàng” để nói với chúng ta rằng “thái cực” lại là “phủ lai”. “Thành phục vu hoàng” có nghĩa là bức tường thành vất vả đắp lên cuối cùng lại bị tan thành bùn nước giống như lúc đầu, thành quả cuối cùng đã bị diệt vong.
Như vậy, tại sao sau “thái cực” lại có thể “phủ lai”? “Thái cực” là chỉ sự vật phát triển đến cực điểm, “phủ” là chỉ sự kết thúc, đóng lại, “phủ lai” là chỉ sự đóng lại và sẽ phát sinh. Tại sao khi sự vật phát triển đến mức cực điểm thì lại bị kết thúc, tan rã? Nguyên nhân rất đơn giản: Khi chúng ta đến “thái cực”, tự bản thân chúng ta nảy sinh ra kiểu tư duy tự mãn, từ đó sản sinh ra việc hiểu sai. Rất nhiều người sau khi đạt được thành công nhất định thì dần dần đi đến mức bình thường và thất bại, nguyên nhân chủ yếu là do bị thành công làm u mê đầu óc.
Chưa đầy nửa năm, Châu Hiển từ một diễn giả được khách hàng hâm mộ nhất trở thành một trong những vị diễn giả bị học viên không hài lòng nhất. Tại sao lại như vậy? Bởi vì cùng với việc ngày càng được khách hàng trọng thị và bài giảng ngày càng nhiều, trên khán đài Châu Hiển tỏ ra có chút kiêu ngạo. Tiếp đó, anh ta đã phát triển tính cách tự mãn đến cực điểm. Rất lâu sau đó, học viên tham gia bài giảng của anh cũng chỉ như là xem buổi nói chuyện trên truyền hình. Một số học viên đã phàn nàn về bài giảng của Châu Hiển như: “Chúng tôi đi học chứ không phải đi xem phim.”
Châu Hiển lại giải thích rất đơn giản rằng: “Bài giảng càng ngày càng nhiều, tôi không kịp chuẩn bị chu đáo cho từng bài giảng, nhưng khách hàng lại có nhu cầu, họ không hoàn toàn từ chối, vì vậy có những bài giảng chỉ như là kể lại một sự việc nào đó.” Với những lý do trên, những “thành tích” của anh ta có thể xóa bỏ sự nghiệp diễn giả của anh.
Những người viết Kinh Dịch đã nhắc nhở chúng ta rằng: sau “thái lai” là “phủ lai”. Bạn không nên vì để có được thành công nhất thời mà tự kiêu tự đắc, như vậy thất bại sẽ nhanh chóng tìm đến bạn. Nhưng làm thế nào mới có thể tránh được giai đoạn khó khăn này? Có lẽ “Xử thái hư phủ” chính là phương pháp duy nhất. “Xử thái hư phủ” là chỉ khi bản thân phát triển thuận lợi thì không nên quên rằng thiệt hại sẽ đến. Bill Gates là cao thủ về “Xử thái hư phủ”, ông đã từng nói với nhân viên của mình rằng: “Microsoft chỉ cách phá sản có ba tháng”. Do đó, những người của Microsoft không lo lắng khi gặp khó khăn trong quá trình làm việc, từ đó tinh thần của nhân viên luôn được củng cố và Microsoft đã nhanh chóng là đơn vị tiên phong trong ngành công nghiệp sản xuất phần mềm.
Lời khuyên thứ 18: Sau thành công là thất bại. Nếu muốn tránh thất bại, phải biết học “Xử thái hư phủ”
Nguồn bài viết: Kinh Dịch ứng dụng trong kinh doanh - Thiệu Vũ