Đời thường, bất luận nam hay nữ, có cả muôn vạn sắc thái khác nhau. Tướng mệnh học không thể chỉ rõ từng chi tiết của đời mỗi người. Cho nên mới tóm lược phân ra quý tiện, bần phú, dâm, trinh, bình an, đa truân, thọ, yểu, thiện chung và bất thiện chung, rồi lại căn cứ vào lưu niên vận hạn để chỉ bĩ thái cùng thông cho mỗi thời kì.

Có người thân thế thấp kém nhưng tinh thần, tư cách thanh cao, xuất thân ca kỹ làm tì thiếp nhưng thực sự là một hiền phụ

Nàng Quan Miến Miến xuất thân ca kỹ, cánh tay đã từng có cả trăm người gối, đôi má đã từng có ngàn người hôn, nhưng sau Miến Miến về làm thiếp hầu cho quan Thượng thư Trương Ẩm. Ít lâu thì thượng thư Trương Ẩm chết, nàng ở Yên Tử Lâu thủ tiết thờ chồng mười năm không lấy ai. Nhà thơ Bạch Cư Dị mới làm một bài thơ chọc ghẹo. Nhận được thơ, Quan Miến Miến khóc nói rằng: “Chẳng phải tôi không dám chết, tôi sợ nếu chết theo chồng ngay người đời sẽ cười chồng tôi ham sắc dục, chết rồi còn đem thiếp hầu đi theo. Bây giờ sau 10 năm cũng là lúc tôi có thể làm được việc ấy”.

Rồi Quan Miến Miến tuyệt thực chết tại Yên Tử Lâu. Tin lan ra, Bạch Cư Dị rất hối hận nói:

- Tôi không giết Miến Miến nhưng chính vì tôi mà nàng chết.

Xúc động về cái chết ấy, thi sĩ Bạch Cư Dị mới làm ba bài thơ để khóc Quan Miến Miến trong có bốn câu:

Mãn song minh nguyệt mãn liên sương

Bị lãnh đăng tàn phất ngọa sàng

Yến tử lâu trung sương nguyệt dạ

Thu lai chỉ vị nhất nhân trường.

Nghĩa là:

Đầy cửa ánh trăng, đầy rèm sương ướt

Chân gối lạnh, ánh đèn tàn bên giường

Trong lầu Yên Tử đêm trăng sương

Thu về dài đằng đẵng trong lòng một người

Có những người vốn là công chúa, vương tôn, suốt đời khổ hận như Nam Dương công chúa. Nàng là con vua Tùy Dạng Đế Dương Quảng bị cha gả cho con trai người cận thần Vũ Văn Thuật là Vũ Văn Sĩ Cập.

Nhà họ Vu gốc tích người rợ Hồ, toàn tay võ biền thô lỗ, trong khi công chúa Nam Dương lại là người đàn bà nhàn tĩnh thi văn. Vu Văn Sĩ Cập tuy thuần lương hơn hai anh em là Hóa Cập và Trí Cập nhưng phần ngu độn thì chẳng kém.

Khi Vũ Văn Thuật chết, Tùy Danh Đế trao quyền lớn cho hai anh em Hóa Cập và Trí Cập. Hai anh em liền trơ trẽn dở trò khốn nạn với em dâu, vì vậy anh em trở thành thù nghịch.

Thiên hạ đại loạn. Anh em họ Vu, Hóa Cập và Trí Cập, tạo phản đánh vào cung giết vua Tùy Danh Đế, lập cháu Dương Quảng lên làm vua rồi tự phong cho mình những chức lớn nhất, đồng thời sai người đi bắt toàn gia Nam Dương Công chúa giết hết. May nhờ kẻ đi làm phận sự không nỡ nên thoát chết.

Lúc anh em nhà họ Vu thua trận thì Nam Dương công chúa và con cái đã bị quân nhà Đường bắt. Theo phép tất cả giòng giống họ Vu đều bị xử chém, riêng Nam Dương công chúa được tha. Cha chết và các con cũng chết hết, Nam Dương công chúa xin vào một ngôi chùa hẻo lánh cắt tóc đi tu.

Có những cảnh éo le xảy đến như trường hợp nàng Trinh Nương xóm Chu Thôn.

Trinh Nương lớn lên trong loạn lạc cuối đời nhà Minh. Khắp nơi binh họa và cướp bóc. Nàng là con một vị tú tài ở Chu Thôn, đã đính hôn nhưng chưa về nhà chồng.

Hốt nhiên đạo tặc kéo về Chu Thôn, cầm đầu bởi tên La Nhữ Tài. Về làng, giặc giết dân như phát cỏ, ai không bị giết thì bị chúng bắt giữ. Trinh Nương có sắc đẹp nên La Nhữ Tài cưỡng hiếp. Nàng bèn lợi dụng xin tướng giặc tha cho những người bị bắt. Nhữ Tài bằng lòng

Khi nàng thoát khỏi tay giặc về với gia đình, thì cha nàng lấy cớ dòng dõi thư hương mà nay nàng bị giặc cướp làm nhục nên bắt nàng phải tự sát. Trinh Nương không nghe. Cha nàng ra lệnh cho người nhà nàng bắt nàng treo cổ. Trinh Nương trốn được. Khi bị bắt lại, sắp sửa đem ra hành hình thì người chồng chưa cưới họ Cao tới ngăn, nhân danh là chồng nàng cấm không cho ai phạm hình và trước mắt mọi người, chàng họ Cao thề không hủy bỏ hôn phối dù nàng bị bọn cướp làm nhục.

Hai họ đều cho đó là việc bất sỉ nên đồng tình đuổi hai người khỏi Chu Thôn. Họ từ biệt người thân cùng nhau chạy xuống miền nam. Không biết làm gì để sống, họ phải đi hành khất. Người chồng không chịu được cơ khổ nên luôn luôn có những lời ai oán ta thán qui lỗi cho Trinh Nương

Trinh Nương hết sức nhẫn nại không một lời oán hận. Nhiều lúc cơm thiếu, nàng phải nhịn dành phần cho chồng. Một ngày, Trinh Nương bắt được một cái trống ai bỏ rơi bên đường, nàng đem về nhà gõ hát cho chồng nghe tiêu sầu giải muộn. Rồi nàng đem bài ca ra phố dạo hát kiếm tiền.

Tiếng nàng phong phú, ai cũng thích nghe, tiền kiếm mỗi ngày một nhiều hơn. Thừa thãi, Trinh Nương thường đem chia cho người đồng cảnh ngộ. Lâu dần Trinh Nương thành một nhân vật lãnh tụ của đám nghèo khốn.

Thấy vợ ngày ngày phải đem sắc đẹp ra kiếm sống, Cao thấy tủi nhục bỏ đi. Trinh hốt hoảng theo tìm. Đúng lúc bọn giặc La Nhữ Tài đổ xuống miền Nam bắt được Cao thị. Trinh Nương dò hỏi đến nơi thì chồng không còn nữa vì chàng không chịu nổi sự hành hạ của giặc

La Nhữ Tài gặp lại Trinh Nương. Nhớ tình cũ hắn mời nàng đến cộng hưởng phú quý. Trinh Nương nuốt nhục để lập kế báo thù

Ngày kia, La Nhữ Tài ngủ say, nàng rút dao nhọn đâm mạnh vào mặt hắn, xuyên thủng con mắt. La Nhữ Tài đau đớn rút gươm đâm loạn vào người nàng. Trinh Nương chết cùng lúc với La Nhữ Tài. Đời sau chép chuyện này đặt là tích: Phượng Dương hoa cổ.

Qua những chuyện Quan Miến Miến, Nam Dương công chúa và Trinh Nương ta thấy thế nào là đa truân. Đa truân có hằng hà sa số hình thái khác nhau. Người xem tướng đầy kinh nghiệm, tinh thông tướng học thì mới nhìn ra được những điểm chí huyền chí diệu của sự sắp xếp trong cuộc sống.