Luận về hình hữu dư thần bất túc và hình bất túc thần hữu dư

Những người bình thường thân thể cao nặng bao nhiêu đã có tiêu chuẩn nhất định, người nọ khác người kia xê xích đôi chút, nếu cách biệt quá thì hoặc là hình bất túc hoặc hình hữu dư, bất túc thì quá gày gò nhỏ bé, hữu dư thì quá cao lớn phì nộn.

Theo sách vở nếu hình bất túc tất nhiên phúc lộc mỏng như tờ giấy, thọ mệnh như kiếp hoa.

Nhưng trước khi hạ đoán, cần phải xem tinh thần cái người phạm tướng hình bất túc ra sao đã. Nếu thần hữu dư thì không thể hạ đoán thế được.

Tinh thần có thể trông thấy ở: Mắt sáng tinh khiết, mày tú lại dài, mặt không hôn ám, cử chỉ hào hùng, làm việc cương nghị như mãnh thú xuống núi, nói năng đĩnh đạc hiền hoà như gió xuân thổi trên ngọn cỏ. Ngồi chắc tựa đá, nằm yên tựa con rùa ngủ, đứng không dựa dẫm. Không nói lời thừa, không vội vàng vô ích, mừng giận không quan tâm.

Như vậy gọi là thần hữu dư. Phàm người thần hữu dư hung tai khó tới, thiên lộc lâu dài. Hình bất túc thần hữu dư là tướng người nhỏ bé gầy gò, nhưng tinh tướng khoẻ mạnh, không giống với tài cao thể doanh là tướng người tài hoa nhưng thân thể yếu đuối.

Một thi sĩ đời Đường có câu: “Thân bất mãn thất xích nhi tâm hùng vạn phu”

(Thân hình thấp bé nhưng cái tâm anh hùng vượt chúng).

Ngược lại, có rất nhiều người to lớn vạm vỡ, trông tưởng rằng hảo hán nhưng kỳ thực chỉ là cái túi rượu, túi cơm thô lỗ, đần độn vì hình hữu dư mà thần bất túc.

Hình hữu dư thần bất túc tức là tướng đi hầu, thừa sai canh gác hoặc vệ sĩ. Thần là điện lực, thân hình là bóng đèn. Bóng đèn lớn mà điện lực yếu, ánh sáng chỉ lờ mờ. Phương ngôn Tây có câu: “Quả dưa lớn quá bên trong rỗng ruột” thực hợp với tướng cách hình hữu dư.

Con người thần bất túc hiện lên bằng: Tinh thần hoảng hốt, động tác lung tung, ngôn ngữ bối rối, tình thái ngượng ngập. Chẳng có gì lo âu mà luôn luôn chau mày mặt như khóc mếu, không uống rượu mà mặt say sưa, hỉ nộ bất thường, ngủ hay mê sảng

Thần bất túc dễ gặp tai ách, oan ngục tên bay đạn lạc, xe cộ, v.v. Xin chớ nhầm thần bất túc với tướng ngũ cấp và ngũ mạn mà Nhất Quả Pháp Sư đã tìm ra. Ngũ cấp là năm cái vội: Thần khí nhanh, ngôn ngữ nhanh, ăn uống nhanh, mừng giận nhanh, đi nhanh. Ngũ mạn là năm cái rất chậm, nói tóm lại, làm việc tính toán, hỉ nộ ai lạc, ăn ngủ nằm ngồi nhất nhất đều chậm.

Tướng ngũ cấp trẻ thành công, già suy vi. Tướng ngũ mạn rất thọ.

Thượng trường hạ đoản và thượng đoản hạ trường 

Ngay từ tấm bé vác sách đi học, bài cách trí sơ đẳng đã dạy thân thể người chia làm ba phần: Đầu, mình và chân tay.

Tướng pháp thì chia thân hình làm hai đoạn thôi: Đoạn thượng gồm có đầu và tay, đoạn hạ là hai chân.

Đoạn thượng nên dài hơn đoạn hạ, nếu chân sếu vườn dài hơn đầu thân cộng lại, tất phiêu bạt lênh đênh, cả đời không có cơ nghiệp.

Sách “Bạch Viên Kinh” có câu:

Thượng trường hạ đoản hề công hầu tướng

Đương nhật Tôn Quyền bá nhất phương

Nghĩa là: Trên dài dưới ngắn tướng công hầu, đời Tam Quốc Tôn Quyền có tướng đó hùng cứ một phương

Thượng trường hạ đoản chủ phú quý, trái lại thượng đoản hạ trường là khốn khó, điều này đã thành một định luật ghi trong tướng pháp.

Lấy lý nào mà nói như vậy?

Tướng pháp cho rằng đầu mang bộ não, thân mang lục phủ ngũ tạng toàn những bộ vị trọng yếu, nếu không thoải mái rộng rãi đương nhiên những bộ vị trọng yếu sẽ bị gò ép bế tắc, gây trở ngại thần khí cho con người.

Lại có câu: “Đoản nhưng không giống con heo ngồi, trường nhưng không giống cái mác dựng đứng”.

Nguyên tắc cơ bản của tướng pháp là nguyên tắc của kiến trúc và mỹ học, nên nói thượng hạ đoản trường không phải quá lố vượt ra ngoài nguyên tắc căn bản. Thử hỏi nhân thân con người cao thước bảy mà thân đầu hết thước rưỡi, còn cho chân có hai chục phân thì nó thành hình thù gì?

Xem tranh Tàu, ta thường thấy vẽ hình người mình dài chân ngắn là do ảnh hưởng của tướng pháp mà ra chứ không phải các hoạ gia Trung Quốc thiếu cái học về giải phẫu nhân thân (anatomie).

Nguồn bài viết: Tướng mệnh khảo luận - Vũ Tài Lục