Nội dung bài viết


Dẫn Nhập

Đức Khổng Tử có nói: "Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử (Luận Ngữ) nghĩa là chẳng biết số mệnh không lấy gì làm người quân tử. Theo quan niệm của Nho gia chữ "mệnh" hay "thiên mệnh" bao quát hết thảy đạo nghĩa và chức trách đương nhiên của người đời. Tìm hiểu đạo nghĩa và chức trách tựa hồ không khó lắm, nhưng có người giữ tròn đạo nghĩa làm trọn chức trách mà vẫn cùng khốn, không được hanh thông. Tại sao đạo nghĩa chức trách đương nhiên mà cứu cánh không đạt được, và tại sao không đạt được mà vẫn thuộc đương nhiên?. Gặp cảnh ngộ này, muốn khỏi thắc mắc, phải cần đến cái học "tri thiên mệnh". Nhưng sự học này hẳn không phải dung dị vì theo lời tự thuật của đức Khổng Tử.. "ngũ thập nhi tri mệnh" thì ngài đến 50 tuổi mới biết được mệnh trời.

Khi bị Hoàn Đồi toan hãm hại, ngài bảo: "Thiên sinh ư dư, Hoàn Đồi kỳ như dư hà"; (trời sinh đức nơi ta, Hoàn Đồi làm gì ta được). Lại khi bị vây khốn ở đất Khuông, Ngài ung dung nói: "Văn Vương ký một, văn bất tại tư hồ". Vua Văn (nhà Chu) đã mất rồi, tư văn chảng là ở ta đây ư. Đó là những lời nói thâm thúy đầy tính chất tích cực. Về sau Ngài lại có lời tuyên rằng: "Đạo chi bất hành, ngô tri chi hý, đạo chi tương phế dã dữ mệnh dã". (Đạo mà không thi hành được ta đã biết rồi, đạo ấy sắp bị bỏ rơi cũng là do số mệnh vậy). Đây là câu nói có tính chất tiêu cực nhưng cũng là lời tri thiên thắm thiết.

Hàn Thi Ngoại Truyện có câu: "Khổng Tử chi tri kỷ bất khả nhi vi chi, diệc thị kỳ tri mệnh chi học dã" nghĩa là Khổng Tử biết việc hành đạo không thể đạt mà vẫn làm, ấy cũng là cái học tri mệnh của Ngài vậy.

Đức Khổng truyền thuật đạo pháp của Đế Nghiêu. Đế Thuấn, phát huy phép tắc của vua Văn vua Vũ, sau định 6 Kinh điền của Nho gia (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Chu Dịch, Xuân Thu). Ngài khảo cổ nghiệm kim, ôn cố tri tân, tức ôn lại những kiến văn cũ để phát minh những tri thức mới mà thâm hiểu thiên mệnh, chứ không dùng các khoa tướng số như người đời sau.

Thầy Tử Cống hỏi Ngày có thể biết việc mười đời (thập thế, tức 300 năm) sau được chăng. Đức Khổng dạy rằng: "Chế độ nhà Ân do tham chước lễ chế của nhà Hạ mà thành, những điều thêm bớt có thể biết được chế độ nha Chu do tham bác lễ chế nhà Ân mà thành, những điều thêm bớt có thể biết được, như vậy thời chế độ các triều đại kế tiếp nhà Chu dẫn cho đến trăm đời sau cũng thể suy biết được.

Suy toán vận mệnh tương lại theo định luận ấy, hẳn đức Phu tử đã căn cứ vào những bài học kinh nghiệm lịch sử, đồng thời cũng dựa trên những quy luật tuần hoàn, và nhân quả tự nhiên của đao Dịch mà lập thuyết. Về tướng số cá nhân cũng vậy. Ngài biết rõ tâm tính cương cường của Tử Lộ nên đã đoán trước tương ông này chết bất đắc kỳ tử

Tuy vậy đức Khổng Tử cùng các bậc đạt nhân tri mệnh thời xưa không quan tâm về số mệnh thọ yểu và vận hạn cùng thông mà chỉ chú trọng đến đạo nghĩa và chức trách đương nhiên, khác hẳn những người học tướng số đời sau

Đến thời Chiến Quốc, lý thuyết âm dương ngũ hành mớ ra đời để rồi làm nền tảng cho những khoa học sấm vĩ, lý số tướng mệnh và phong thủy của các đời Hán, Đường, Tống, Nguyên. Sách Đẩu số có câu: "Vạn sự giai tùng thiên sở định, nhất sinh đô thị mệnh an bài" nghĩa là : muôn việc đều được trời định trước, đời con người thủy chung do số mệnh sắp bày. Ở Trung Quốc cũng như tại Việt Nam ta, luận điệu trên được từng lớp sĩ dân tin tưởng, trừ phái thuần Nho. Những người thuộc phái này, phần nhiều không chấp nhận thuyết tiền định vì cho là dị đoan và trái với tinh thần đạo nghĩa và chức trách đương nhiên của nhân sinh, mặc dầu hiếm kẻ khấu đạt cái học "tri thiên mệnh" của Khổng Tử. Duy những lớp hậu Nho thâm nhiễm tư tưởng Phật, Lão vẫn dựa vào ý câu "Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại Thiên" (sống chết có số, giàu sang tại trời) mà nhận có số meejnhnhuwng tin có thể cải được số mệnh, bởi đành rằng có trời nhưng cũng có ta tuy có trường hợp "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" nhưng "xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều". Do đó họ nhận định rằng: "Đức năng thắng số" hay "tướng bất cập đức". Còn các khoa lý số, tướng mệnh nếu quả chân xác thì cũng chỉ nên áp dụng để xu cát tỵ hung (theo đường lành tránh điều dữ) được phần nào thôi.

Bàn luận

Những ý niệm của từng hạng người đối với vấn đề số tương rất phức tạp chi ly, trên đây chỉ thuật đại lược chứ không kể sao cho xiết. Nhưng ngoại trừ khoa học "tri thiên mệnh" của Khổng Phu Tử ra, kỳ dư thì thuyết nào chân chính? Định mệnh nan đào, hay đức năng thắng số ?

Dương như thuyết nào cũng chỉ có giá trị chân xác tương đối và phần đúng tùy theo trường hợp đặc biệt: tướng mệnh quả nan đào như trường hơp Đặng Thông và Chu Á Phu ở đời Hán, cũng có khi hoán cãi được như trường hợp Bùi Độ ở đời Đường, được truyền thuật trong sách Kim cổ kỳ quan. Đây là những sự tích khá kỳ thú, và bổ ích cho thế đạo nhân tâm, nên xin kể alji sau đây để độc giả khuây khỏa phần nào những nỗi thắc mắc lo âu về tương lai thân phậm mình, trước những biến thái vô thường của thời cuộc

Câu chuyện Đặng Thông

Dưới triều Văn Đế đời Tây Hán bên Tàu có một người hành thần tên Đặng Thông được nhà vua tin dùng ra thì cũng ngồi xe loan vào thì cùng ở điện ngọc, ân huệ và lòng thương yêu của Cửu trùng phần lớn được dành riêng cho Đặng Thông. Các đình thần chỉ còn được chia sớt một phần nhỏ mà thôi. Thuở ấy có một thầy tướng giỏi tên là Hứa Phụ xem tướng cho Đăng Thông thấy hai đường lằn "túng lý" chạy thảng vào mép, đoán chắc sau này thế nào y cũng bi chết đói. Văn Đế nghe chuyện liền nổi giận phán rằng: "Giàu sang do ở ta, ai có thể bần cùng hóa Đặng Thông"

Để chứng thực lời nó, Văn Đế đem cả một mỏ đồng lớn nhất ở đất Thục ban cho Thông và cho phép y được tự do đúc tiền tiêu dụng. Nhân thế mà Đặng Thông giàu sang ngang nhà nước. Một hôm nọ Văn Đế bi mọc nhọt ở chỗ hiểm, máu mủ chảy dàm dề rất đau đớn. Đặng Thông muốn khoe kỹ thuật nịnh hót của mình, bèn quỳ sát long sàn, dùng miệng hút máu mủ tanh hôi, nơi cục nhọt đang hành hạ mình rồng. Văn Đế cảm thấy khoai khoái vô cùng. Bỗng Hoàng Thái Tử vào cung thăm bệnh trạng của cha, Văn Đế nhân cao hứng bảo Thái Tử thử làm như Đặng Thông, Thái Tử từ chối lấy cớ vừa ăn các thứ tanh tưởi không dám phạm vào thánh thể

Khi Thái Tử vừa ra khỏi ngực tầm Văn Đế than rằng: "Thân yêu không gì bằng tình cha con, vậy mà Thái Tử không hút nhọt cho ta, đủ thấy tình Đặng Thông đối với ta thân thiết hơn tình phụ tử". Do đó mà lòng sủng ái Đặng Thông của nhà vua gia tăng đến cực độ. Thái tử nghe lọt lời phê bình của Văn Đế, rất căm hận Đặng Thông. Sau khi Văn Đế băng hà, Thái tử lên nối ngôi. tức là Cảnh Đế. Việc làm đầu tiên của ông Vua này là trừng trị Đặng Thông hạch cái tội y đã hút nhọt để nịnh hót, làm hoại loạn pháp độ và hủy diệt nhân cách nhân vị của con người. Tất cả gia sản của Đặng Thông bị tịch thâu và y bị nhốt trong một gia nhà trống, không được cho ăn uống một thứ gì. Quả nhiên Đặng Thông chết đói, đúng như lời thầy tướng đã dự đoán.

Câu chuyện Bùi Độ

Đời Đường có một chàng thiếu niên thư sinh tên là Bùi Độ, nhà rất nghèo mà chăm học. Có người xem tướng thấy chàng có đường "túng lý" ăn sâu vào mép liền quyết đoán sau này thế nào Bùi cũng bị chết đói như trường hợp của Đặng Thông

Ít lâu sau, nhân đi du ngoạn chùa Hương Sơn, Bùi Độ lượn được ba chiếc đai ngọc bên cạnh một cái giếng. Vốn tính nhân từ, Bùi ngồi lại bên miệng giếng giữ ba chiếc đại ngọc để chờ xem có ai kêu mất sẽ đưa trả. Lát sau, có người thiếu phụ chạy hối hả lại phía giếng, vừa chạy vừa khóc kể: cha già vô tội bị hãm ngục, nay cố công, cùng sức di mượn được ba chiếc đại ngọc, mong đem chuộc tội cho cha, không ngờ khi đến giếng này rửa tay để vào chùa dâng hương cầu nguyện, đã đánh rơi đâu mất, nếu không tìm lại được, ắt cả gia đình bị tiêu tan, Bùi Độ nghe hiểu sự tình liền vui vẻ đem đai ngọc trả lại cho người thiếu phụ

Sau đó ít lấu, lại gặp người xem tướng, vừa trong thầy Bùi Độ, ông thày tướng thất kinh nóiL

- Cốt tướng của túc hạ thay đổi hầu hết, nay thì quả là phúc tướng, chú không phải tướng mạo người chết đói nữa, nếu chẳng làm việc phúc đức lớn, sao có sự thay đổi lạ kỳ như vậy?

Bùi Độ chối:

- Người học trờ nghèo như tôi, kiếm ăn đủ sống còn chưa xong, tiền của đâu mà làm việc phúc đức!

Ông thầy nhất định không nghe còn hỏi cho biết chuyện. Bùi Độ nghĩ không thể giấy được, liền đem việc trả đai ngọc kể lại. Ông thầy tướng nói:

- Đó là một việc âm đức lớn, tương lai không những thoát ly hàn tiện mà còn làm nên phú quý tột bực. Thật đáng mừng cho túc hạ

Sau quả nhiên Bùi Độ thi đỗ Tiến Sĩ, làm quan đến chức Tể Tướng, thọ ngoài 80 tuổi, hưởng phú quý cực phẩm ở trần gian