Ba hôm sau không thấy tụi cán bộ trở lại …rồi 10, 15 ngày vẫn biệt tăm. Nóng lòng, Bà Chúa hối thúc quản gia tìm đến hỏi Bộ Nội vụ. Tới nơi, đi hết phòng này đến buồng kia xuất trình tờ biên nhận để đòi; nhưng không ai biết xuất xứ ở đâu vì nó không phải do Bộ Nội Vụ làm, ấn dấu và chữ ký, tên tuổi đều giả cả. Quản gia loanh quanh suốt buổi, có ý nhận mặt tìm 3 cán bộ bữa nọ song chẳng thấy. Về tâu với Chúa, Bà tất tưởi đến yết kiến Phó Thị trưởng, bạn đốc tờ già Trần Văn Lai. Viên này đích thân tới Bộ Nội vụ hỏi giùm, cũng không biết hơn. Kế đó, đốc tờ “phá tượng Tây sau ngày Nhật đảo chánh” lại tới Trường Viễn Đông Bác Cổ hỏi vì Bảo tàng viện Finot và Maurice Long thuộc sở quyền trường này, nhưng ở đây cũng chẳng giúp được gì vì không hề cử ai đi mượn đồ của tư nhân Đốc Lai đến tận động Chúa Tiên (bà lúc đó đã 66) cho biết cuộc vận động không đưa đến kết quả tại hai nơi trên và mách nước cho cô bạn già đi cớ Công An Trung Ương và Quận Nhất. Hai hôm sau Phòng Tư Pháp Quận Hàng Trống cho gọi Trưởng Khu Phố Hàng Bạc tới thẩm vấn. Viên này khai 2 tháng trước, một hôm, có 2 cán bộ đến văn phòng xuất trình giấy tờ, chứng minh thư với sự vụ lệnh Bộ Nội Vụ cử họ đến tham quan đến các đồ cổ ngoạn nhà Cô Bé Tý Hàng Bạc. Rồi, cả hai yêu cầu ông dẫn tới giới thiệu gia chủ. Tất cả chỉ có thể và chỉ có 1 lần, sau đó không hề gặp họ lần thứ 2. Công An Quận Nhất cũng đến Trường Bác Cổ yêu cầu cung cấp dữ kiện, nếu có để truy lùng gian phi. Để tỏ thiện chí, Ban Giám đốc xuất trình sổ danh – bộ nhân viên cho Trưởng phòng Tư pháp quận 1 coi. Liền đó Trưởng lại tập hợp nhân viên để viên quản gia điểm mục nhận diện. Nhưng vô ích, quản gian đâu có ở đó mà tìm? Bà Chúa uất hận ra về, bỏ tiền mướn người dò la và kín đáo nhờ các tay hàng sách buôn bán đồ cổ, kể cả em rể Passignat, chủ tiệm La Perle ai phát giác manh mối giúp Bà lấy lại số trên 300 cổ khí bị lừa, sẽ được thưởng 2000đ (bằng nửa số độc đắc nay). Nhưng, bẵng đi 2 năm, trong khi cả nhà Chúa Tiên cơ hồ quên vụ này thì một chủ tiệm đồ cổ, tên Cửu Ninh, em bên ngoại Chúa, đến báo cho biết một số cổ vật hiện được cất dấu dưới hầm Bảo tàng viện Finot, lão chủ tiệm quả quyết là sau khi có bạn đứng đắn cho tin, lão đích thân đã tới điều đình qua sự giới thiệu của người bạn với viên gác đan, biếu 5đ (bằng 10.000đ nay) yêu cầu được đi ngắm coi chốc lát, thỏa tính hiếu kỳ, hiếu cổ, dưới hầm viện, nơi chứa các đồ cổ quí hiếm Đông Phương ít đem trưng bầy công chúng xem, trừ phi có phái đoàn ngoại quốc tới. Viên gác đan thầy tiền tối mắt, nhất là không ngờ có vụ gạt đồ ly kỳ nhà Cô Bé Tý, nên hướng dẫn lão xuống coi, thấy rõ ràng rất nhiều đồ cổ Chúa Tiên. Tin này được lập tức báo cho Quận Nhất. Vài hôm sau, được giấy mời đến Quận, quản gia và Bà chúa được Trưởng phòng Tư pháp hỏi qua về vụ phát giác rồi cung hai người đến thẳng Bảo tàng viện sau Nhà hát lớn. Tới nơi, trái với lời khai quả quyết của lão quản gia, chẳng thấy cổ vật nào của Chúa Tiên trong số những đồ bầy thưa thớt trong 4-5 quầy tủ dưới hầm Viện. Vừa tức giận vừa bẽ mặt với Trưởng phòng Tư pháp Quận Nhất, Bà Chúa về tới nhà, cho gọi Cửu Ninh đến xỉ vả mắng nhiếc một hồi làm lão uất ức phát bệnh, vài ngày sau qua đời. Và cũng từ đó, Chúa Tiên không được biết mảy may tin tức, âm hao về số lớn đồ cổ bị cướp trước mặt một cách thật ly kỳ. Bạn đọc hẳn thắc mắc không hiểu những bí ẩn trong vụ này như thế nào? Phải chăng bọn gian phi, lưu manh đã trá hình cán bộ VM lừa gạt kho tàng báu vật Cô Bé Tý hay đó chính là âm mưu quỷ quyệt do chính quyền VM dựng lên vụ này để sang đoạt trắng trợn lô cổ khí của tư nhân?

Nghi vấn này mãi đến 14 năm sau mới được phơi trần trước ánh sáng , sự thật trong trường hợp tình cờ sau đây : Trong vụ Mậu Thân tháng 2/1968 , khi cộng quân ngày 19 bị QLVNCH đánh bật khỏi thành nội Huế tại khu Thương Tứ , có 2 VC từ dưới hầm chui lên đầu hàng 1 đơn vị HK.Trong 2 gã này có 1 nguyên là cán bộ Văn hóa Vụ , trước đã du học tại Bắc kinh về môn khảo cổ nhân văn . Sau y hồi hương hồi Hội Nghị Giơneo và được tuyển vào đoàn 200 cán bộ gữi về HN . Giữa tháng 8/1954 để điều nghiên chuẩn bị tiếp thu thủ phủ miền Bắc . Sau ngày VM tiếp quản HN 9/10/1954 y được cử chức Quản Thủ Bảo Tàng Viện cùng 1 số cố vấn Trung cộng là Khưu Mặc Viên , tức gã cán bộ lạ mặt thứ 3 đã đến động Hàng Bạc lựa chọn các báu vật , sau khi quản gia cực chẳng đã cho mượn.

Mời các bạn đón xem phần tiếp theo: Hồi 11: Đụng trán ly kỳ ở miền Nam tự do với thủ phạm giật đồ