Nội dung bài viết
I.Nguồn gốc khoa Tử vi
II-Các môn phái Tử vi Trung hoa
1-Phái Triệu Gia
2-Phái Hà Lạc
3-Phái âm Dương
4-Bộ Tử vi Đại toàn
5-Khoa Tử vi Trung hoa ngày nay
I.Nguồn gốc khoa Tử vi
Cho đến nay khoa Tử vi do ai đặt nền móng đầu tiên, lịch sử không chứng minh được rõ ràng. Căn cứ vào bộ Tử vi Đại toàn do các văn thần nhà Thanh dâng lên cho vua Càn Long (1736-1796) vào niên hiệu Càn Long thứ 41, bài tựa có chép:…”Bọn thần vâng tra cổ sử, chỉ biết Tử vicó từ đời Đông Tấn vào niên hiệu Vĩnh Hưng nguyên niên (304 sau Tây lịch) nhưng chưa đặt căn bản. Đến đời Tống, Thái Tổ cho mời đạo sĩ Trần Đoàn ở núi Phú Sơn vào chầu. Tiên sinh dùng khoa Tử vi tính vận hạn cho triều thần trăm sự đều đúng cả…” (Tử vi Đại toàn quyển 1 trang 14).
Xem như vậy thì khoa Tử vi có từ trước năm 963 là năm Tông Thái tổ mời Trần Hi Di tiên sinh vào cung xem vận mạng. Nhưng Khoa Tử vi do Trần Hi di tiên sinh và đệ tử của ông đặt căn bản nghiên cứu, nên sau này ông được tôn là Tổ sư.
Bộ sách Triệu Thị Minh Thuyết Tử vi kinh, do chính con cháu nhà Tống chép một đoạn kỳ thú về sự gặp gỡ giữa Hi Di tiên sinh và Tống Thái hậu. Nhờ khoa Tử vi mà Hi Di tiên sinh biết trước sau này hai người con của Tống Thái Hậu làm vua:
…”Cuối đời Hậu Châu ly loạn, Thái Hậu cho Thái tổ và Thái tông (Tức Triệu Khuông Dẫn và Khuông Nghĩa) vào hai chiếc thúng gánh trên vai chạy loạn. Khi qua núi Phú Sơn thì gặp Hi Di tiên sinh. Tiên Sinh hỏi niên canh bát tự của Thái tổ, Thái tông rồi bấm số, nói với Thái hậu:
-Bà phúc đức lắm hai người con sau này đều là đấng minh quân bình thiên hạ.
Thái hậu tạ ơn:
-Ngài nói chi lời nhạo báng? Con tôi đang đói khổ đây. Ngài có gì cứu giúp không?
Tiên sinh đáp:
-Sau này hai con bà đều làm vua bà thiếu gì dịp ban ơn mưa móc cho thiên hạ. Giang sơn này của bà cả. Bây giờ bà bán cho tôi hòn núi này đi, để lấy 10 lượng vàng mà tiêu.
Thái hậu đồng ý vì nghĩa rằng ông đạo điên, có ai đi mua núi bao giờ đâu?
Bà xé vạt áo Thái Tổ, Thái Tông cột vào chiếc đũa bỏ vào ống đũa làm văn tự đưa cho Hi Di tiên sinh.
Sau khi thống nhất giang sơn, vào niên hiệu Càn Đức nguyên niên (963) quan địa phương báo về rằng: Có đạo sĩ Hi Di ở núi Phú Sơn đuổi quan thu thuế về, và nói rằng núi này Thái Hậu đã bán cho ông ta. Thái Tổ hỏi lại sự tích Thái hậu nhất nhất thuật lại sự việc. Thái tổ cảm cái ân tặng 10 nén hạt Phú Sơn. Triều thần cho là bậc kỳ tài, xin đón về kinh hỏi việc quá khứ vị lai. Tháng 10 năm ấy tiên sinh về triều. Thái Hậu, Thái tổ và văn thần võ tướng được ngài tính theo khoa Tử vi cho biết hết quá khứ, vị lai. Tiên sinh có dâng lên Thái Tổ sách Tử vi Tinh nghĩa. Từ đấy các bậc vương hầu trong hoàng tộc đều được học khoa này, mỗi đời thêm vào các kinh nghiệm, điền khuyết những chỗ chưa đủ. Bậc Đế vương học khoa Tử vi để biết kẻ trung người nịnh mà dụng người,… (Triệu Thị Minh Thuyết Tử vi kinh quyển 1 trang 28).
II-Các môn phái Tử vi Trung hoa
Khoa Tử vi lưu truyền từ đời Tống (960) đến đời Thanh (1644) trải qua 684 năm, trong gần 7 thế kỷ đó khoa Tử vi đã chia ra làm ba rõ rệt.
Vua Càn Long có tham vọng thống nhất lại cho đúng. Nhưng cho đến nay sách vở thất tán, nên khoa này tại Trung Hoa không phổ thông và tinh vi như Việt Nam. Ba phái Tử vi đó là:
-Phái Triệu Gia (con cháu nhà Tống),
-Phái Hà Lạc (Học trò Hi Di tiên sinh đi về Bắc).
-Phái âm Dương (Học trò Hi DI tiên sinh đi về Nam).
Sau đây chúng tôi xin lược trình qua sự xuất hiện của các phái.
1-Phái Triệu Gia
Hi Di tiên sinh truyền sách Tử vi Tinh Nghĩa cho Tống Thái Tổ. Thái Tổ truyền lại cho các bậc Vương, Hầu trong hoàng tộc. Khoa Tử vi lưu truyền trong hoàng tộc đời Tống giữ một sắc thái đặc biệt có thể tóm lược như sau:
-Chỉ truyền ho nhưng người thuộc tôn thất (Họ Triệu).
-Những người nào có tư chất thông minh mới được truyền.
-Nghiên cứu đến chỗ vi diệu, để dùng Tử vi trong việc sử dụng người. Tùy theo vận hạn mà mưu đại sự.
Khoa Tử vi lưu truyền trong tôn thất nhà Tống, đời đời ghi chú thêm các kinh nghiệm. Sau khi nhà Tống mất con cháu vẫn còn giữ được di thư. Người sau dùng chữ Triệu là họ của nhà Tống mà gọi phái này.
Sau đây là một vài câu chuyện còn ghi chép trong bộ sách Triệu Thị Minh Thuyết Tử vi Kinh.
Sau khi Tông Thái tổ thống nhất giang sơn cho nghĩa đệ là Trịnh ân ra trấn cõi ngoài. Ngài xem số thấy Trịnh âN sắp bị đại nạn e khó thoát chết. Số Trịnh ân Thiên Tướng, Tướng quân thủ mệnh tại Tý. Mà năm ấy đại hạn gặp Tuần, tiểu hạn gặp Triệt. Lưỡng tướng tối kị ngộ Tuần, Triệt. Huống hồ lưỡng Tướng gặp cả Tuần lẫn Triệt, Ngài xuống chiếu gọi Trịnh ân về kinh đợi qua năm sẽ cho ra trấn thủ lại. Không ngờ khi Trịnh ân về kinh thì xảy ra vụ gian thần mượn quyền Thái Tổ giết chết. Thái Tổ giết chết bọn gian thần trả thù cho nghĩa đệ, bồi hồi vì cố cưỡng lại số cứu nghĩa đệ mà rốt cuộc nghĩa đệ vẫn không thoát khỏi số. Vợ Trịnh ân là một võ tướng trí dũng tuyệt vời tên là Đào Tam Xuân, đã giúp Thái tổ dựng lên đại nghiệp. Thái Tổ đang ân hận nghĩa đệ bị giết, lại lo việc Tam Xuân vây hãm kinh đô, không cách thoát. Hoàng đệ là Triệu Khuông Nghĩa tính số Tử vi rồi nói:
-Số của Hoàng huynh có cách: Tử Phủ Vũ Tướng dầu có Tả Hữu Khoa Quyền Lộc Tang Hổ, nhưng năm nay hạn ngộ Tuần, đế vô sở quyền, nên mới bị Quý phi mượn lệnh mà giết mất Trịnh ân. Bây giờ bị vây, tôi xem số của Đào Tam Xuân, Vũ khúc, Phá quân thủ mệnh tại Tý ngộ Lộc tồn Kiếp, Không, tại Thiên Di. Cung Quan Tử, Tham Lộc. Cung Tài Liêm Sát Tả Hữu Khoa. Hiện tại đây không ai có thể thắng nàng. Cái cách Kiếp, Không đắc địa của nàng là khắc tinh của cách Tử Phủ Vũ Tướng của hoàng huynh. Muốn lầm cho êm truyện này, phải tuân theo điều kiện sau: Tam Xuân có Vũ Phá thủ Mệnh, tính tình nhẹ dạ. Theo Tử vi thì chỉ có Thiên lương chế được tính ác của Phá quân, Lộc tồn chế được tính điên của Phá quân. Tôi xin đề cử Cao Hoài Đức, người có Thiên Lương thủ Mệnh tại Tý ngộ Khốc, Hư và Lộc tồn cư Thiên di tại Ngọ với Thái dương, ra thuyết phục Đào Tam Xuân.
Thái tổ chuẩn tấu. Quả nhiên Cao hoài Đức thuyết phục Đào tam Xuân rút binh. Về sau con cháu Trịnh ân phò nhà Tống cho đến khi mất nghiệp vò tay quân Mông Cổ.
Một lần khác, phải đề cử tướng ra trấn thủ biên cương Tống đế được các quan đề cử hai người. Triều đình tranh luận liên tiếp mấy ngày không kết quả. Sau cùng Tống đế tính số Tử vi thấy:
-Trương quang Đăng có cách Tử Phá thủ Mệnh Tả Hữu phù trì tại Mùi nhưng năm sau Đại hạn, Tiểu hạn trùng phùng ngộ Liêm Tham tại Hợi chắc chắn là chết. Nếu cử Đăng đi thì qua năm lại phải cử người khác.
-Dương Văn Quảng, tuổi Giáp, mệnh lập tại Dần, có Hình, Mã, được cách Tử Phủ Vũ Tướng, sách Tử vi nói rằng: “Hình Hổ cư Dần, Hổ đới kiếm hùng, tương phùng Đế cách, ư Giáp Kỷ nhân uy vũ trấn, động”. Nghĩa là: Thiên hình, Bạch hổ ở Dần Hổ đeo kiếm hùng. Người tuổi Giáp, Kỷ uy vũ trấn động.
Đó là cách “Mã đầu đới kiếm trấn ngự biên cương”. Vì vậy Tống đế quyết định cử Dương Văn Quảng ra trấn biên ải.
Quả nhiên năm sau Trương Quang Đăng chết. Khi nhà Tống mất nghiệp, con cháu còn lưu truyền công phu nghiên cứu Tử vi của họ Triệu qua bộ Triệu Thị Minh Tuyết Tử vi kinh.
2-Phái Hà Lạc
Sau khi Hi Di tiên sinh qua đời, đệ tử của ông chia ra làm hai phái. Phái đi về phương Nam chịu ảnh hưởng của khoa bói toán, nên đời sau gọi là phái Hà lạc. Họ thêm vào một số sao mới mà trong Tử vi chính nghĩa kinh không có. Cách an sao của họ cũng khác với Hi Di tiên sinh, Những sao họ thêm vào, với tính cách quái dị, vô lý của khoa bói dịch, như: Thiên giải, Địa giải, Giải thần, Thiên quan, Thiên phúc, Thiên Tài, Thiên Thọ, Thiên y, Thiên Trù, Quán sách, Thiên xá…
Vòng Thái tuế có 5 sao, họ thêm vào 7 sao nữa thành 12 sao.
Đa số người của phái này dùng khoa Tử vi làm kế sinh sống, nên không bao giờ họ truyền cho nhau hết cái tinh vi. Bao giờ họ cũng giữ lại một số bí thuật. Đôi khi họ còn truyền sai cho nhau nữa. Vì vậy lâu ngày phái này bị mất hẳn gốc. Kinh nghiệm của họ thực nhiều, nhưng họ không truyền cho nhau thì đâu còn giá trị nữa. Các thầy Tử vi Tầu sang Việt Nam dạy lại cho người Việt Nam, họ vốn dĩ đã bị học lại không đúng với chính kinh, khi truyền lại họ còn dạy sai và dạy thiếu nữa, thì hỏi sao khoa Tử vi Việt Nam không có những chỗ bế tắc khó giải thích.
Công trình của phái này còn chép trong bộ Tử vi âm Dương chính nghĩa nam tông.
3-Phái âm Dương
Học trò của Hi Di tiên sinh đi về phương bắc đã bị ảnh hưởng của Âm Dương sinh khắc ngũ hành. Phía này có khuyết điểm là quá chú ý vào Âm Dương sinh khắc mà quên mất tinh yếu của khoa Tử vi là Thiên văn. Đầu đời Mih một nhân vật quan trọng của phái này làm quân sư cho Minh Thái Tổ. Đó là Lưu bá ôn. Trọn đời Minh (1368-1643) phái này được trọng dụng. Kinh nghiệm của phái này rất nhiều, nhưng tiếc rằng đi quá xa với chính tinh nên không thành đạt cho lắm. Công phu của phái này còn lưu truyền bộ Tử vi âm Dương Chính nghĩa, Bắc Tông.
Niên hiệu Sùng Chinh thứ 16 nhà Minh (1643), Lý tự Thanh đem quân đốt phá Bắc kinh, thì bộ sách trên thất truyền. Sau Vĩnh Vương bị Ngô tam Quế thắt cổ ở Vân Nam, y có lưu giữ một bộ. Ngô tam Quế bị diệt, bộ này lọt vào tay các văn thần nhà Thanh.
4-Bộ Tử vi Đại toàn
Niên hiệu Càn Long thứ 38 nhà Thanh, nhà Vua thấy danh sĩ thiên hạ xúm vào bài bác mình, chê bai Thanh triều làm giòng dõi mọi sợ phương Bắc mới tập trung những nhà học giả lại phong cho mỗi người một tước đặt dưới quyển Kỷ Duân, là việc trong viện Tử khố toàn thơ. Công việc của viện là tập trung tất cả sách vở, học thuật trong thiên hạ lại chú giải, ấn hành cho dân gian học. Bộ này được gọi là Tứ bộ bị yếu. Gồm có 4 bộ cả sách Tử vi trong thiên hạ lại chú giải thành bộ Tử vi Đại toàn, gồm 9 cuốn như sau:
-Cuốn thứ nhất: Bản nghiên cứu tổng quát, các bản chiếu biểu liên quan đến soạn thảo Tử vi đại toàn. Phàm lệ.
-Cuốn thứ nhì: Lịch sử khoa Tử vi Tiểu sử các nhà nghiên cứu Tử vi. Lịch sử các phái.
-Cuốn thứ ba: Nghiên cứu về khoa Thiên văn, ứng dụng vào Tử vi.
-Cuốn thứ tư: Cách an sao, an vận hạn, sao lưu niên.
-Cuốn thứ năm: Tính chất các sao.
-Cuốn thứ sáu: Đoán vận hạn, đoán 12 cung.
-Cuốn thứ bảy: Chú giải các bài phú của Hi Di tiên sinh, phái Triệu gia
-Cuốn thứ tám: Cử hiền, triệt ác (Căn cứ vào khoa Tử vi để cử người cho đúng, loại bỏ kẻ ác). Phá cách (Căn cứ vào số Tử vi để biết muốn hạ một người có số Tử vi thế này thì làm sao).
-Cuốn thứ chín: Các lá số của danh nhân. Gồm 417 lá số với lời chú giải đầy đủ. Từ Chu Công, Thái Công, vua chúa, danh tướng phản tặc, văn thần, đạo gia trải qua các đời.
Đặc biệt cuốn thứ nhì có nói đến khoa Tử vi tại Việt Nam, là công trình nghiên cứu của nhà Trần. Cuốn thứ 8 chép lại nguyên văn của sách “Đông A di sự” đời Trần.
5-Khoa Tử vi Trung hoa ngày nay
Có nhiều lý do giải thích tại sao khoa Tử vi Trung hoa ngày nay lại không thịnh hành và được nhiều người nghiên cứu đến nơi đến chốn như Việt Nam điều đó chúng tôi sẽ trình bày trong một bài sau.
Nguồn bài viết: tạp chí khoa học huyền bí trước năm 1975