Nội dung bài viết
Đại bá đầu
Nhị bá đầu
Tam bá đầu
Dàn cục mang lại thu hoạch lớn nhưng tính mạo hiểm cũng cao. Vì những người này không phải mấy chú nai ngơ ngác, mà đều là những con cáo già thành tinh. Muốn biến họ thành “nhất” là điều không hề dễ dàng. Đôi lúc dàn cục còn bị sơ hở, tức có kẻ “phản đồ”, hoặc kẻ bị lừa trở thành kẻ đi lừa lại.
Thông thường lúc này phải có kẻ bị chết, còn ai chết thì phải xem tình hình cụ thể
Đã đi theo Tổ Gia coi như phó thác chuyện sinh tử của bản thân cho ông. Nếu sợ chết ư? Theo như lời Tổ Gia nói: “Sợ chết thì về nhà chăn lợn cho rồi.” Nghề A Bảo này vô cùng nguy hiểm, nhưng đổi lại thu nhập không hề nhỏ, nhìn đám Bá đầu bên cạnh Tổ Gia mà xem, ai mà chẳng từng kinh qua trăm trận, vượt qua tử lộ chứ.
Đại bá đầu
Đầu tiên là phải nói đến Đại Bá đầu. Đó là sát thủ hạng nhất của Đường khẩu. Từ giết người, đốt nhà đến bắt chó, mổ lợn đều do hắn ta đảm nhiệm. Đại Bá đầu là người đi theo Tổ Gia lâu nhất, mặt mũi bặm trợn, thân hình béo mập, đầu cạo nhẵn thín. Chỉ cần tóc hơi dài một chút là cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Do đó, cách vài ngày, Đại Bá đầu cạo trọc một lần, nên đầu lúc nào cũng nhẵn bóng. Mỗi lần họp đường hội, đầu lúc nào cũng lấm tấm mồ hôi, người cứ như bốc hỏa vậy
Tổ Gia thu nạp Đại Bá đầu về dưới trướng của mình vào năm Dân Quốc thứ 13, tức là năm thứ hai sau khi lên quản lý Đường khẩu. Trước khi về dưới trướng Tổ Gia, Đại Bá đầu là một tay đồ tể cho một lò mổ ở đầu phố. Một hôm sau khi xong việc, chủ lò mổ cho anh ta hai cân thịt hun khói, không ngờ trên đường về, gặp bọn lưu manh đòi giao nộp hai cân thịt. Hắn ta không chịu, bọn chúng vẫn quyết tâm cướp bằng được. Kết quả đã chọc giận Đại Bá đầu. Trên thực tế, đánh nhau không hề giống như miêu tả trong tiểu thuyết võ hiệp, nào là ra chiêu này, đánh chiêu kia. Thật ra, khi đã lao vào nhau rồi, vớ được cái gì là dùng cái đó, cái gì khả dĩ chiến đấu được đều được tận dụng tối đa. Đầu tiên, Đại Bá đầu túm lấy cổ một tên, vặn một cái, tiếp đến chọc mù mắt một tên khác, còn nhe răng cắn người ta và cuối cùng vớ được một viên gạch, đập vỡ đầu một tên khác. Kết quả, Đại Bá đầu bị xử tử hình.
Khi đó, vụ án này truyền đi rất nhanh. Tổ Gia sau khi biết tin, nhận thấy người này có thể thu nạp được, sau này sẽ là cánh tay đắc lực cho mình. Vì thế, ông đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua bằng được mạng sống anh ta về làm việc cho mình. Tổ Gia quả thực là người có con mắt tinh đời, Đại Bá đầu quả đúng không phụ sự kỳ vọng của Tổ Gia. Sau khi ra nhập Đường khẩu, rất nhiều lần anh ta xả thân liều mạng vì Tổ Gia. Những lần bọn Hắc bang đến quấy rối gây chuyện, chỉ trong chớp mắt, tay Đại Bá đầu lăm lăm cây đao, dẫn theo toán người, hùng hổ xông lên trước và lúc nào cũng là người xung trận đầu tiên! Trên thế gian này có loại người chỉ cần nhìn thấy máu là vô cùng phấn khích, Đại Bá đầu chính là loại người ấy. Từ bấy đến nay, cùng với Nhị Bá đầu, họ là đội cận vệ trung thành của Tổ Gia.
Nhị bá đầu
Nếu Đại Bá đầu là người nhìn thấy máu là phấn khích thì Nhị Bá đầu thuộc loại người nhìn thấy người chết là vô cùng kích động.
Tên tuổi của Nhị Bá đầu gắn liền với một truyền kỳ. 15 tuổi đã theo Tổ Gia. Đó là vào năm 1928, đúng vào trước đêm cuộc chiến Bắc phạt lần thứ hai nổ ra, rất nhiều vùng ở Giang Nam lan truyền lời đồn đại đáng sợ về “yêu nữ nhiếp hồn”. Lời đồn đại này xuất phát từ Nam Kinh: nghe nói một cậu bé đang chơi đùa với đám bạn ở đầu phố. Lúc này, có một người phụ nữ đi đến, xoa đầu cậu bé mấy cái, sau đó quay lưng bỏ đi. Ngay lập tức cậu bé này mặt mày trắng bệch, tứ chi cứng đờ, hai mắt đờ dại và bị á khẩu, từ đó trở thành người như bị bắt mất hồn vậy.
Lời đồn đại đã nhanh chóng lan truyền khắp thành Nam Kinh, sau còn lan truyền đến các vùng xung quanh. Điều đó khiến nhiều bậc cha mẹ lo sợ con cái họ bị yêu phụ bắt mất hồn, liền bện những sợi dây màu đỏ đeo lên người hoặc nhét lá đào vào túi bọn trẻ để tránh tà. Sau lại có thêm lời đồn đại rằng con yêu phụ đó không tha cả người lớn. Vậy là cả người lớn cũng thi nhau thắt lên người dải dây lưng màu đỏ. Thậm chí có người còn dùng cả miếng vải mà người phụ nữ dùng trong thời kỳ kinh nguyệt, cắt thành từng miếng nhỏ, đặt vào tất cả các túi trên người. Họ sợ con yêu nữ bắt hồn của mình đi mất.
Tổ Gia lợi dụng cơ hội này. Chiêu trừ yêu gọi hồn về đã giúp ông kiếm được một khoản lớn. Một hôm, ông đang đi trên phố thì có một đứa trẻ nhắm mắt nhắm mũi từ phía trước chạy lại, đâm sầm vào Tổ Gia. Thoạt nhìn, Tổ Gia đã biết đây là một tên trộm có nghề. Ông liền túm chặt cánh tay tên trộm, bẻ quặt ra sau rồi nói: “Tí tuổi đầu mà đã làm cái nghề này. Cẩn thận! Kẻo ta giao cho yêu nữ bắt hồn của ngươi đi.”
Thằng bé vênh mặt ngang ngạnh: “Tôi không sợ.”
Tổ Gia nhìn một lượt từ đầu đến chân thằng bé, trên người không hề có sợi dây đỏ nào, mỉm cười nói: “Nhà ngươi không sợ chết ư?”
Thằng bé trả lời: “Chỉ có ma mới tin.”
Cậu bé này khiến Tổ Gia ngạc nhiên pha lẫn thích thú, ông hỏi: “Tại sao ngươi lại đi ăn cắp tiền?”
“Đói!” Thằng bé nghênh mặt lên trả lời cộc lốc
Tổ Gia thả tay cậu bé ra, rồi vỗ nhẹ lên đầu nó: “Đi theo ta.”
Thằng bé hỏi: “Làm gì vậy? Đưa tôi đến chỗ yêu phụ sao?”
Tổ Gia vừa khoát tay gọi nó đi vừa nói: “Đi ăn cơm!”
Tổ Gia dừng lại trước quán hoành thánh trên phố, mua cho thằng bé một bát. Nó không khách sáo, loáng một cái đã sạch bát. Ông lại gọi thêm một bát nữa, nó cũng đánh vèo một cái rồi đặt cái bát trống không xuống. Tổ Gia mỉm cười: “Ngươi có thể ăn được mấy bát nữa?”
Thằng bé trả lời: “Ông mua được bao nhiêu, tôi ăn bấy nhiêu.”
Thằng bé nới lỏng dải lưng quần, bê bát lên miệng húp xoàn xoạt, đánh một lèo hai mươi bát. Tổ Gia mỉm gật gù cười, biết rằng đây sẽ là một nhân tài đắc dụng
Sau này, Tổ Gia được biết, bố mẹ đứa trẻ này mất sớm. 8 tuổi đã phải lang thang đầu đường xó chợ. Ông liền lập tức thu nạp, đào tạo làm việc cho mình. Vài năm sau, thằng bé đó trở thành Nhị Bá đầu danh tiếng lẫy lừng trong giới A Bảo. Con mắt tinh đời thể hiện ở chỗ ông có thể nhìn qua là thấy sở trường của một con người. Với Nhị Bá đầu, thứ mà con mắt tinh đời của ông nhìn thấy chính là lòng can đảm.
Khi mới đi theo Tổ Gia, Nhị Bá đầu rất ương ngạnh, không thích bị quản thúc, để uốn nắn gò ép một tên ăn cắp vặt, tính cách tùy tiện đã trở thành thói quen ở đầu đường xó chợ thành một A Bảo tuyệt đối tuân thủ quy tắc là một việc không hề dễ dàng. Không ít lần Tổ Gia phải dùng đến biện pháp roi vọt, nhưng có đánh nó cũng cứ giương mắt lên không hề khóc, giống như người bị đánh không phải là nó vậy
Cuối cùng Tổ Gia nói: “Ngươi đi đi!” Khi đó nó mới bắt đầu chịu thua. Rời khỏi Tổ Gia đồng nghĩa với việc nó không còn cơm để ăn, không còn nhà để ở. Sau đó Nhị Bá đầu dần phục tùng, Tổ Gia là người lọc lõi giang hồ, thông minh hơn nó gấp vạn lần. Mỗi lần nó chuẩn bị mở mồm là ông biết nó muốn nói gì
Cái gan của Nhị Bá đầu rất lớn, bất cứ việc gì cũng dám làm. Nhất là thuật Trát phi, không những vậy còn có tài thi triển đến mức hết sức điêu luyện. Trát phi là tiếng lóng của giới A Bảo, nghĩa là giả thần giả quỷ. Dân tình càng mê tín bao nhiêu, Trát phi càng có đất tung hoành bấy nhiêu.
Tổ Gia nói với hắn: “Ngươi nói không sợ ma quỷ phải không? Ta nghe nói trong ngôi miếu hoang, trên một cái gò bên ngoài thành ba dặm có một tên ăn mày vừa chết đói, đêm nay ngươi đi lột quần áo của hắn mang về đây cho ta.”
Nhị Bá đầu nói: “Việc này có gì khó đâu? Hơn nữa không phải là con chưa từng làm việc đại loại như thế này. Trước đây có lần bị lạnh, con còn lột cả áo liệm của người mới được chôn để mặc ấy chứ.” Nói xong Nhị Bá đầu liền quay người định đi ngay
Tổ Gia nói: “Đợi đã. Ta nghe nói, người bị chết đói, sau khi chết đi đều biến thành quỷ đói, giờ Tý nửa đêm còn biết mở miệng. Nếu ngươi cho nó đồ ăn, nó còn có thể ăn được. Không biết là thật hay giả? Khi đi ngươi mang theo một bát cơm, bón cho cái xác tên ăn mày đó, xem xem nó có biết mở miệng thật hay không.”
Nhị Bá đầu cười nói: “Thật vớ vẩn, làm gì có chuyện hoang đường đó chứ!”
Đến đêm, ánh trăng mờ mờ ảo ảo giống như dát một lớp bạc lên tòa thành cổ. Nhị Bá đầu đeo lủng lẳng bát cơm được bọc bằng một miếng vải ở thắt lưng đạp lên ánh trăng mà bước tới.
Đó là một ngôi miếu Sơn thần bị bỏ hoang từ lâu, cánh cửa ọp ẹp lỗ chỗ vài vết thủng, Nhị Bá đầu phải đi mất một canh giờ mới tới. Xung quanh một màu đen đặc quánh tĩnh mịch, đâu đó thỉnh thoảng vẳng lại vài tiếng dế kêu
Nhị Bá đầu định thần một lát, rồi nhẹ nhàng đẩy cửa miếu. Nhưng bản lề cửa bị hỏng từ lâu, nên phải dùng sức đẩy mạnh một cái, cánh cửa kêu lên một tiếng kẽo kẹt rồi mới từ từ mở ra. Một mùi tử khí xộc thẳng vào mũi. Con người sau khi chết trên người bốc ra một mùi đặc biệt, thường được gọi là tử khí. Loại mùi này cứ ngòn ngọt lại tanh tanh, bay đi rất xa, do đó luôn dẫn dụ lũ quạ đen tìm đến.
Nhị Bá đầu lần mò trong bóng tối, cuối cùng cũng tìm được thi thể người ăn mày đó. Nhờ ánh trăng rọi qua khe cửa miếu, Nhị Bá đầu liền bắt đầu lột quần áo của cái xác. Bỗng nhiên Nhị Bá đầu nhớ đến bát cơm mang theo, liền nhanh nhẹn đặt xuống đất, mở miếng vải bọc bát cơm ra, sau đó dùng tay bốc một nắm cơm nhét vào miệng thi thể, rồi lẩm bẩm: “Ngươi ăn được mới là lạ.”
Không ngờ thi thể đó bỗng từ từ mở miệng, còn phát ra tiếng nấc. Nhị Bá đầu nghĩ chắc mình bị hoa mắt, chớp mắt liên tục rồi nhìn lại. Quả đúng là miệng đã mở ra thật. Nhị Bá đầu tay run run bốc cơm nhét vào miệng thi thể. Cái thi thể đó chầm chậm nuốt miếng cơm xuống. Nhị Bá đầu đờ người ra, tóc gáy dựng ngược, mắt trợn trừng nhìn thi thể nhai hết bát cơm, rồi phát ra tiếng lục cục nuốt xuống, nuốt xong thì ợ lên một tiếng rồi lại mở miệng ra. Nhị Bá đầu như kẻ bị điên nói: “Cút mẹ mày đi!” Sau đó đập thẳng cái bát vào mặt thi thể! Bỗng nhiên cái thi thể bật ngồi dậy kêu gầm gừ. Nhị Bá đầu co cẳng chạy thẳng một mạch về thành.
Tổ Gia đang ngồi đợi, nhìn thấy Nhị Bá đầu mồ hôi đầm đìa trở về liền hỏi: “Quần áo đâu?”
Nhị Bá đầu thở hổn hển nói: “Hỏng rồi, hỏng rồi… Quả đúng thật… ăn rồi… ăn thật rồi…”
Tổ Gia cười lớn, nói: “Nó ăn được thì ngươi bón cho nó ăn. Tên ăn mày đó chết vì đói, ngươi cho nó ăn cũng là tích chút công đức.”
Nhị Bá đầu nói: “Quái lạ! Con thấy nó há mồm ăn, con liền đập cái bát vào mặt nó thì nó lại ngồi bật dậy…”
Tổ Gia sững người: “Ngươi đánh vào mặt nó sao?”
Nhị Bá đầu trả lời: “Vâng, đánh xong là chạy.”
Tổ Gia nói: “Ngươi đợi ở đây.”
Nhị Bá đầu hỏi lại: “Đợi cái gì?”
Tổ Gia trả lời: “Một lát nữa ngươi sẽ biết.”
Khoảng nửa canh giờ sau, Đại Bá đầu từ ngoài bước vào, mặt mũi đầy máu, Nhị Bá đầu kinh ngạc hỏi: “Đại sư huynh, huynh làm sao thế?”
Đại Bá đầu đùng đùng nổi giận: “Còn hỏi sao! Mẹ kiếp nhà ngươi ra tay độc ác quá!”
Tổ Gia cười nói: “Mau đi rửa mặt, chữa trị vết thương đi.”
Đây thực chất là một trò do Tổ Gia bày ra. Tên ăn mày bị chết đói đó chính là do Tổ Gia sai Đại Bá đầu đóng giả. Người ăn mày bị chết đã được chuyển đi nơi khác. Ngờ đâu Nhị Bá đầu bị kích động, tức giận đập thẳng cái bát vào mặt Đại Bá đầu. Từ đó, trên mặt Đại Bá đầu có một vết sẹo to, còn Tổ Gia lại càng hài lòng về Nhị Bá đầu.
Tam bá đầu
So với Đại Bá đầu và Nhị Bá đầu, Tam Bá đầu được xem là A Bảo kiểu văn nhân hào hoa phong nhã. Thiên văn, Địa lý, Âm dương, Bát quái không có thứ nào không biết, hơn nữa còn thuộc nằm lòng Luận ngữ, Mạnh Tử, xuất khẩu thành thơ, tài văn hoa mỹ... Kẻ tỏ vẻ đạo mạo trang nghiêm, sói đội lốt người thế này mới đáng sợ nhất.
Tam Bá đầu đi theo Tổ Gia từ năm 1930, trước đó là tên bói toán lừa đảo ở quê, nhưng cũng là người hiểu chút đạo lý, có nhiều sở trường đặc biệt. Một hôm anh ta vào thành hành nghề, đã lấn sang địa bàn của Tổ Gia, lại còn dám treo biển mở sạp xem tướng số. Khi đó Đại Bá đầu có ý kiến muốn xử anh ta ngay, nhưng Tổ Gia đã nói: “Để xem thế nào đã.”
Mấy tên chân tay mà Tổ Gia cử đi để thăm dò trình độ của Tam Bá đầu trở về báo cáo rằng: tên tiểu tử này ra chiêu vô cùng đẹp mà gọn gàng, người dân bị anh ta lừa trắng trợn mà vẫn luôn miệng cảm ơn rối rít.
Tổ Gia quyết định đích thân đến sạp của anh ta. Ấn tượng đầu tiên là một tên tiểu tử ngoài 20 tuổi, dáng vẻ thư sinh, mặc áo dài văn nhân, rất có phong độ, miệng lưỡi xem quẻ thao thao bất tuyệt. Tổ Gia cố ý để lộ một vài sơ hở, để anh ta ra chiêu. Anh ta còn hí hửng cho rằng hôm nay bắt được một con gà, lại càng ra sức thao thao bất tuyệt chuyện trên trời dưới biển. Tổ Gia ngồi nghe gật gù liên lục ra điều vô cùng đắc ý. Cuối cùng, ông trả cho mấy đồng bạc, nói: “Ta hôm nay ra ngoài không mang nhiều tiền, ngươi theo ta về nhà lấy, nhân tiện xem giúp và điều hòa phong thủy cho nhà ta. Nhất định ta sẽ hậu tạ.”
Tam Bá đầu vội vàng thu dọn đồ đạc, trong bụng vui như mở cờ đi theo Tổ Gia về nhà. Kết quả không cần đoán cũng biết, vừa bước chân vào cửa liền bị mấy người trói gô lại, Đại Bá đầu tặng cho một cái bạt tai: “Mẹ kiếp! Tên tiểu tử nhà người, không biết chọn chỗ mà đại tiện.”
Tam Bá đầu mắt nổ đom đóm, nhưng vẫn rất tỉnh táo, không chịu thừa nhận mình là kẻ lừa đảo, nhăn nhó nói: “Tiên sinh, thế này là cớ làm sao? Tiểu nhân chỉ là một người xem bói bình thường, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà đến đây, không biết đã mạo phạm đến ngài!”
Nhị Bá đầu đứng bên cạnh không nhịn được, lao lên đạp cho anh ta một cái, sau đó vỗ bốp vào gáy của Tam Bá đầu quát: “Còn vờ vịt nữa hả? Vẫn cố giả ngây ngô với ông mày à?”
Tam Bá đầu nước mắt lưng tròng: “Xin lão gia tha mạng, tiểu nhân chỉ là một thầy bói. Nếu bói không đúng thì xin hoàn lại tiền. Cầu xin lão gia đừng đánh nữa, tiểu nhân trên còn có mẹ già 70 tuổi, dưới còn có con nhỏ mới lên 3.”
Nhị Bá đầu đưa mắt ra hiệu, Đại Bá đầu lập tức rút con dao mổ lợn giắt ở thắt lưng ra rồi đi đến trước mặt Tam Bá đầu: “Để ta cắt cái lưỡi đi xem ngươi có còn ra vẻ được nữa không.”
Tam Bá đầu vừa khóc vừa van xin Tổ Gia: “Đại lão gia, ngài nói đi chứ, tiểu nhân xem bói cho ngài không đúng ư? Vừa rồi chẳng phải rất đúng sao? Lão gia!”
Tổ Gia vẫy tay, Đại Bá đầu thu dao lại đứng sang một bên. Tổ Gia đi đến trước mặt hắn, giơ ngón tay cái lên và nói: “Người anh em, ngươi quả là có tính niệu nhi!”
Tam Bá đầu hốt hoảng nói: “Niệu gì ạ, lão gia?”
Tổ Gia gật đầu nói: “Nhân tài.”
Tam Bá đầu vẫn giả ngây giả ngô: “Lão gia, ngài nói tiểu nhân ư? Tiểu nhân chỉ là một thầy bói…”
Tổ Gia giơ tay một cái, một chiếc phi trâm bắn ra, đâm xuyên qua tai trái của Tam Bá đầu, một miếng thịt trên vành tai rớt xuống, Tam Bá đầu đau đớn thét váng lên: “Lão gia! Tiểu nhân nói. Tiểu nhân xin nói.”
Tổ Gia quát to: “Miết hiệu nhi?”
“Tiết Gia Nhân.”
“Oa bính?”
“Huyện Bái Từ Châu.”
“Đại Sư bá?”
“Đỉnh thủy phong tử.”
“Kham tải?”
“Uông.”
“Phách đảng phủ?”
“Không dám.”
Đại Bá đầu và Nhị Bá đầu vô cùng thán phục, quả không hổ danh Tổ Gia, chỉ vài chiêu đã trị được tên tiểu tử ngoa ngoắt này. Cuộc hội thoại trên đều là tiếng lóng của giới A Bảo. Miết hiệu nhi là hỏi tên thật là gì. Oa bính tức hỏi người vùng nào. Đại Sư bá là hỏi thủ lĩnh là ai. Đỉnh thủy phong tử tức không có bè đảng, vì gây án mà phải trốn chui trốn nhủi. Kham tải là hỏi đã hành nghề được mấy năm rồi. Uông nghĩa là số 3. Phách đảng phủ là hỏi có phải đã từng giết người.
Tổ Gia đánh giá cao tài ăn nói và cái gan của Tam Bá đầu. Nhất là cái cách giả ngây giả ngô, có đánh chết cũng không chịu thừa nhận, càng khiến ông cảm thấy người này sẽ trợ thủ đắc lực cho mình, vì thế mỉm cười nói: “Hãy đi theo ta.”
Trước đó khi nghe Tổ Gia hỏi những câu tiếng lóng, Tam Bá đầu hiểu rằng, đây là người trong nghề, hơn nữa còn là một cao thủ. Mấy năm nay, anh ta luôn đơn độc tác chiến, tuy có thể giải quyết vấn đề cơm ăn áo mặc, nhưng vẫn luôn bất đắc chí, không có người chống lưng, nên chẳng dám đánh quả lớn, giờ cũng tìm được chốn nương thân. Tam Bá đầu quyết đi theo Tổ Gia là như vậy. Đương nhiên, khi đó anh ta chưa phải là Tam Bá đầu, sau này lão tam của Đường khẩu mắc bệnh qua đời, mới được cất nhắc lên chức ấy.
So với ba vị Bá đầu, Tứ Bá đầu luôn mang lại cho người khác cảm giác buồn não nuột. Tuy anh ta rất kiệm lời, nhưng lại là “Quân sư kỹ thuật” của cả Đường khẩu, theo cách gọi hiện đại chính là “Nhân tài khoa học”. Trước khi dàn cục, đặc biệt là dàn cục Trát phi lớn, đạo cụ đều do anh ta chuẩn bị. Anh ta có thể dùng chu sa và phốt-pho vàng, trộn theo tỷ lệ nhất định, rồi dùng các loại hóa chất vẽ bùa chú, khiến cho nó có thể phát ra ánh sáng trong bóng tối; dùng phèn chua kết hợp với thuốc nước đặc biệt, rồi dùng hỗn hợp này để viết chữ lên giấy. Sau khi viết xong, chữ tự nhiên sẽ tự biến mất, chỉ khi hơ qua lửa cho đến khi tờ giấy bị ám muội đen thì chữ mới xuất hiện. Nghe mọi người nói, Tứ Bá đầu là do Tổ Gia chiêu mộ được từ tay người Nhật, rồi đích thân đào tạo với tư cách là người nối nghiệp. Hơn nữa, ông còn đứng ra làm mối tìm cho Tứ Bá đầu một nữ A Bảo thần thông quảng đại, dung mạo xinh đẹp làm vợ. Việc này thật khiến kẻ khác ước ao. Tiếc rằng nhân tính không bằng trời tính, sau này xảy ra biết bao biến cố, Tứ Bá đầu bị một cú sốc tinh thần quá lớn. Từ đó, tinh thần trở nên sa sút, chán nản
Cũng giống như Tam Bá đầu, Ngũ Bá đầu thuộc dạng A Bảo có học thức. Nghe nói anh ta tinh thông phong thủy, diện tướng, thiên tượng. Không biết thông hiểu thật hay giả? Dù sao sau khi tôi bước vào nghề, có một vài lần tận mắt chứng kiến anh ta đứng trên đỉnh núi, ngửa mặt lên trời, trông rất nhập thần. Bản lĩnh lớn nhất của anh ta chính là có thể vẽ một cách chuẩn xác long mạch của cả thiên hạ. Trước mỗi lần dàn cục phong thủy, Tổ Gia hỏi đến đâu, anh ta đều có thể trả lời vanh vách đâu ra đó. Anh ta đặt nền tảng lý luận vững chắc trong mỗi lần dàn cục phong thủy cho Đường khẩu.
Lục Bá đầu, gọi là Phong Tử Thủ. Phong Tử là tiếng lóng, có nghĩa là ngựa, nghe nói biệt hiệu này do Tổ Gia tặng cho. Bởi anh ta rất giỏi khinh công, chuyên đảm trách là người liên lạc, quan hệ với giới Hắc đạo và những công việc nghiên cứu đường đi nước bước trước khi dàn cục. Anh ta giống như một con ngựa chạy không biết mệt mỏi, cho nên mới có biệt danh này.
Phong Tử Thủ công phu cao cường, sở trường là khinh công và Tông hạc quyền. Khinh công không phải thần kỳ giống như trong truyền thuyết. “Nhảy một bước ba bốn dặm, cách mặt đất bốn năm trượng” chỉ có Tôn Ngộ Không mới làm được. Phàm là vật hay người đều có trọng lượng, tất phải chịu lực hấp dẫn của Trái Đất. Khinh công kỳ thực là so với người bình thường có đôi chân nhanh nhẹn, chạy nhanh, leo cây trèo tường thoăn thoắt. Cách tập luyện thông thường là đeo túi cát vào chân, sau đó hàng ngày kiên trì chạy bộ hoặc tập nhảy từ dưới một cái hố lên. Trong quá trình tập luyện tăng dần trọng lượng của túi cát, từ đó sức bật của họ ngày một tăng cao, khổ luyện như vậy trong vòng vài năm. Một khi bỏ túi cát đeo ở chân đi, đôi chân như được giải phóng gánh nặng, chạy nhanh như cưỡi gió và có cảm giác toàn bộ cơ thể như lướt nhẹ. Trong 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm có phần ghi chép phương pháp luyện môn khinh công này.
Khinh công của Phong Tử Thủ quả thực rất ư lợi hại. Tường cao hơn hai trượng, giậm chân chạy đà, mũi chân lướt trên mặt tường, tay bám chặt lên tường, hai chân đạp mạnh, thoắt một cái là vượt qua được. Ngoài ra, anh ta vận dụng vô cùng biến hóa Tông Hạc quyền gia truyền, cộng thêm sự dũng mãnh của Hồng quyền. Tổ Gia thường nói: “Phong Tử Thủ là một kỳ tài võ học.”
Phong Tử Thủ sinh vào năm Dân Quốc thứ mười (1921). Thúc phụ của anh ta là Vương Á Tiều, một nhân vật cốt cán của Phủ Đầu bang (bang búa rìu). Nghe Nhị Bá đầu nói, Phong Tử Thủ theo Tổ Gia khi mới 14 tuổi. Tổ Gia chiêu mộ anh ta chính là muốn lợi dụng mối quan hệ xã hội sau lưng anh ta
Người cuối cùng là Thất Bá đầu, cũng có một biệt hiệu riêng là Tiên Nhân Thủ. Gia nhập Đường khẩu muộn, là người có tư cách và sự từng trải kém nhất trong nhóm Bá đầu. Trước đây anh ta là thủ hạ của Nhị Bá đầu, lòng dạ nham hiểm, thủ đoạn độc ác, kỹ thuật Trát phi cao siêu. Năm 1948 trước khi tôi vào nghề, anh ta vừa được Nhị Bá đầu tiến cử làm Thất Bá đầu của Đường khẩu. Tiên Nhân Thủ lúc nào cũng lấm la lấm lét, mặt mày gian xảo. Khi nhìn người khác, cặp mắt luôn đảo đi đảo lại liên tục
Những Bá đầu này đều rất lợi hại, thuộc hạng xuất sắc. Nhưng chớ quên rằng, bọn họ đều cúi đầu nghe theo Tổ Gia. Thế cũng đủ hiểu Tổ Gia lợi hại đến thế nào rồi.