Bài từ của Mông Chính viết:
Văn chương cái thế như Khổng Tử mà còn khốn ách ở nước Sái, nước Trần, vũ lực siêu quần như Lã Vọng đành ngồi câu cá nơi sông Vị. Thầy Nhan Hồi chết yểu đâu phải vì thầy là con người hung bạo. Bọn đầu trộm đuôi cướp lại sống lâu, chúng nào có lương thiện gì. Vua Nghiêu, vua Thuấn là những đấng minh quân sinh ra lũ con vô lại. Ông Cổ Tẩu tâm tính ngang ngược thì con cái toàn người hiếu thuận. Cam La 12 tuổi làm thừa tướng. Mãi Thần năm mươi được công khanh. Án Anh thấp bé vua Tề phong cho chức tể tướng. Hàn Tín trói gà không chặt lên ngôi vị thống súy Hán Triều. Lúc chưa gặp thời, cơm không đủ ngày 2 bữa, khi vận hanh thông đoạt tam ấn Tề Vương. Triệu Xong nắm giữ hùng binh nhiều nước, một sớm một chiều hết thời chết trong bụi rậm. Lý Quảng tay không đánh chết hổ suốt đời vô tước lộc. Phùng Đường tài an bang tế thế đến già vẫn chưa có chỗ dung thân.
Thượng cổ thánh hiền, chẳng ai trốn thoát vòng số mệnh âm dương.
Con người lúc sinh ra hấp thụ khí âm khí dương, chịu ảnh hưởng vận chuyển sinh khắc chế hoá mà thành số mệnh tướng cách khác nhau.
Số mệnh tướng cách khác nhau sinh ra chết sống, giàu nghèo sang hèn, bĩ thái cùng thông, thọ yểu thông qua thiên bẩm, cơ hội kết cục càng thêm muôn hình muôn vẻ.
Cổ nhân sau ngàn, vạn năm kinh nghiệm đã hạ bút đặt định nghĩa dứt khoát cho vấn đề bằng câu: “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên”.
Những giọt lệ anh hùng xưa nay phần lớn liên hệ đến tướng mệnh. Sinh thời Khổng Minh thường hoài bão cái chí: “Ở đời khác thường, làm sự nghiệp phi thường, cùng thì tự tốt lấy ta, đạt thì đem hạnh phúc cho thiên hạ”.
Rút cuộc, sự nghiệp phi thường nửa đường đứt gánh, độc thiện kỳ thân chẳng xong, kiêm thiên hạ cũng hão huyền. Mặc dầu ông đã cố gắng hết mình cúc cung tận tụy đến chết mới thôi, cộng với cái tài lược hơn người, thế mà tâm trạng Gia Cát Khổng Minh lúc chết thật bi ai. Gượng bệnh sai tả hữu vực lên chiếc xe nhỏ ra trại đi xem các chỗ đóng quân. Gió thu thổi mạnh lạnh buốt tới xương, mới thở dài than rằng:
“Từ đây ta không còn được ra trận đánh giặc nữa
Trời xanh thăm thẳm, giận này biết bao giờ nguôi
Muôn việc chẳng qua do số vận
Người sao cưỡng được lòng trời”.
Cái lý do gây ra Cổ kim đa thiểu anh hùng lệ là tại anh hùng nan dữ mệnh tranh hoành (Anh hùng cũng khó chống lại số mệnh). Việc đời thiên hình vạn trạng, sớm thay chiều đổi không đi ra ngoài vòng thiên số. Bởi thế, cụ Trạng Trình mới dạy người sau: “Khôn cũng chết, dại cũng chết. Biết thì sống”. Biết ở đây có nghĩa là Tri mệnh.
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỂ CHỨNG MINH HAI CHỮ TRI MỆNH
Chu Á Phu đương thời trọng nhậm chức Thái thú tỉnh Hồ Nam, đến nhờ Hứa Phụ xem tướng cho mình. Hứa Phụ nói:
Ba năm nữa ông được phong hầu.
Tám năm nữa ông là tể tướng.
Mười năm nữa thì ông chết đói.
Chu Á Phu cười mà rằng:
- Đã phú quý tột đỉnh như thế sao còn chết đói, xin tiên sinh chỉ dạy cho tôi biết tại sao?
Hứa Phụ nói:
- Pháp lệnh (hai vết từ mũi xuống cằm) chạy vào miệng, theo tướng pháp gọi là rắn lao vào trong miệng là tướng chết đói. Ông có tướng đó.
Quả nhiên chính trị biến động. Chu Á Phu bị giam cầm, năm ngày không ăn thổ huyết mà chết. Hứa Phụ xem tướng cho Đặng Thông bảo pháp lệnh nhập khẩu thế nào cũng chết đói.
Vua Hán Văn Đế không chịu, phán rằng:
- Đặng Thông là triều thần của trẫm, phú quý của Đặng Thông do trẫm định đoạt, trẫm có thể cho Đặng Thông cả núi đồng để đúc tiền.
Về sau, Đặng Thông chết đói trong nhà một nông dân đúng như Hứa Phụ tiên đoán.
Vua Hán Văn Đế gọi Hứa Phụ vào thưởng cho châu báu rất nhiều.
Hứa Phụ coi tướng Ban Siêu nói:
- Hàm én, đầu hổ bay mà ăn thịt thực là tướng vạn lý phong hầu.
Ít lâu sau, Ban Siêu bỏ văn theo võ, lập đại công uy chấn miền Tây Vực được phong làm Định Viễn Hầu
An Lộc Sơn lúc nhỏ nghèo hèn, đi ở hầu cho Trương Thủ Khuê. Lúc rửa chân cho Khuê bỗng ngừng tay chăm chú nhìn. Khuê hỏi:
- Mày nhìn gì thế?
Lộc Sơn thưa:
- Tại tôi thấy bàn chân trái ngài có nốt ruồi lớn.
Khuê bảo: - Đấy là cái tướng phất cờ khởi loạn của tao.
An Lộc Sơn vái chủ rồi nói:
- Thưa ngài cả hai bàn chân tôi đều như vậy. Khuê hết sức ngạc nhiên.
Về sau An Lộc Sơn làm loạn đốt cháy kinh đô nhà Đường, khiến Đường Minh Hoàng phải bỏ chạy. Thần Phóng ẩn cư nơi thôn dã đến thăm nhà tướng học uyên thâm Trần Hy Di.
Phóng cải dạng làm tiều phu. Trần Hy Di trông thấy cười mà rằng:
- Tiên sinh tiều phu, 20 năm nữa tiên sinh là bậc nhị phẩm nhân thần, thiên hạ ai cũng biết tiếng.
Đúng 20 năm sau, Thần Phóng làm giám nghị đại phu rồi thăng chức Công bộ thượng thư.
Đời Hậu Hán, Vương Mãng có tướng lạ, trán cao dô, mắt đỏ con ngươi vàng, tiếng nói oang oang, quyền cao, mũi lớn, miệng rộng. Công Tôn Đề bảo Vương Mãng:
- Đầu hổ, miệng hổ, tiếng như beo nếu không ăn nổi người tất bị người ăn.
Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán không được bao lâu thì bị giết.
Ông Thánh Thán, nhà phê bình văn học danh tiếng đời Thanh.
Giao du rộng, bạn bè nhiều, có những tay tướng mệnh học tài giỏi thường ăn ngủ trong nhà Thánh Thán. Coi tướng cho Thánh Thán, người nào cũng tỏ ra thương tiếc, mười người xem thì cả mười người đều phê tướng cách Thánh Thán là sẽ bất đắc kỳ tử, lúc chết thây không toàn vẹn.
Kết cuộc, Thánh Thán bị kết tội chém ngang lưng.
Tào Tháo sai thích khách đi ám sát Lưu Bị. Thích khách vào yết kiến Bị để bày kế diệt Tào. Bị rất hợp ý, nói chuyện thật tương đắc. Chợt Khổng Minh vào. Thích khách mặt biến sắc. Khổng Minh nhìn người khách lạ rồi ngồi yên lặng. Thích khách đi tiểu tiện. Lưu Bị bảo Khổng Minh:
- Đó là một kỳ sĩ, có thể giúp cho ông.
Khổng Minh thở dài bảo Lưu Bị:
- Người ấy sắc động thần huy, gian hình ngoại lậu tà tâm nội tàng. Tôi chắc hắn là thích khách của Tào Tháo sai phái tới đây.
Lưu Bị cho người đuổi theo bắt thì thích khách đã chạy trốn rồi.
Dương Quý Phi lúc nhỏ chạy chơi ngoài đồng ruộng. Có thầy tướng họ Trương trông thấy nói:
- Người đại phú quý sao lại ở đây?
Bạn hữu họ Trương hỏi: - Con bé quý đến bậc tam phẩm không?
Trương đáp:
- Hơn thế nữa.
- Nhất phẩm?
- Hơn nữa.
- Thế chắc phải là Hoàng hậu?
- Cũng chưa đúng hẳn.
Dương Quý Phi là một trong bốn người đẹp nhất của Trung Quốc, từng làm rung chuyển cơ nghiệp nhà Đường.
Nguồn bài viết: Tướng mệnh khảo luận - Vũ Tài Lục