Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Trời đất nổi cơn gió bụi là động cơ chính để xoay chuyển vận mệnh con người.
Một nhà trí thức rời Hoa Lục qua Hương Cảng sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc nắm chính quyền có làm bài thơ ngũ ngôn sau đây:
“Danh sĩ kim trùy thạch
Tướng quân học tú hoa
Phu nhân cánh hạ hải
Tiểu thư diệc đảo sa
Bộ trưởng cam ti siển
Tài thần nhẫn xuất gia
Chỉ nhân đào họa loạn
Luân lạc đáo thiên nha”
Nghĩa là:
“Danh sĩ đi xay gạo giã thịt
Ông tướng cầm kim chỉ thêu gối thêu khăn lấy tiền
Các bà mệnh phụ xuống biển chở đò
Tiểu thư khuê các gánh nước, giặt thuê
Bộ trưởng làm anh bán vé xe điện
Phú ông lang thang đầu đường xó chợ
Tất cả chỉ vì chạy loạn
Nên mới lênh đênh góc biển chân trời”
Thế sự là như vậy. Tất cả là biến dịch. Đời sống con người đưa đẩy trong cái dịch đó. Động biến, cùng, thông, sinh, tự hoá, đúng thời, đắc vị là căn bản cho xã hội nhân sinh.
Lý lẽ của tướng mệnh ở đấy mà ra.
Những hoàn cảnh: Bèo dạt hoa trôi, cúc tàn gặp mưa, cá ao thoát lưới, hổ về rừng, yến tiệc hoa đăng v. v..., nhất nhất cũng từ đấy mà thành.
Cơn gió bụi, tri loạn là gốc nguồn của khí số vận mệnh tạo nên vinh hoa, toả chiết, thất bại, hung tai, hỉ sự cho kiếp người.
Quan hệ tướng số giữa tập thể và cá nhân
Nói đến tướng lý và số lý, người ta thường gặp câu hỏi móc họng:
- Ối dào, tướng với số chỉ lắm chuyện. Thế cả cái tàu chìm ở ngoài khơi thì tất cả người trên tàu cùng một số một tướng chắc. Quả bom nguyên tử thả ở Hiroshima chết trong mười phút cả mấy trăm ngàn thì tướng với số ở đâu? Móc họng như vậy thật cũng khó trả lời. Nhưng nếu cũng đem một câu hỏi móc họng khác ném ngược trở lại rằng:
- Vậy ở Hiroshima chết cả trăm ngàn nhưng có một số người cùng chung hoàn cảnh hệt như nhau mà thoát chết thì khoa học giải nghĩa ra sao? Câu trên cũng chẳng dễ gì trả lời được. Nếu câu hỏi trước lôi người ta ra khỏi màng lưới của số mệnh tướng cách thì câu hỏi sau lại du người ta vào. Và cuộc cãi vã cứ giằng co mãi không phương cách gì chấm dứt. Nhưng giữa khi đó thì bản thân số học và tướng pháp nảy sinh ra vấn đề: “Tướng tập thể”. Về “tướng số đông” này có một lối giải nghĩa khác nữa là “vận nước”.
Trong thời kỳ Trung Hoa kháng chiến chống Nhật bản, có 2 vị là Lâm Canh Bạch nhà đoán số nổi danh và Đào Bán Mai nhà xem tướng kỳ tài vốn bạn chơi rất thân với nhau, cho nên hai vị đã cùng nhau cộng tác để làm những thực chứng để mà giải đáp vấn đề. Xem tướng đoán số tập thể để đoán định thời cuộc.
Một hôm họ gặp nhau tại Bảo quán Tân Cương, Đào Bán Mai hỏi Lâm Canh Bạch đã phát hiện được ra điều gì mới lạ sau khi xem số cho nhiều người? Họ Lâm nói:
- Về các yếu nhân trong chính phủ thì chưa thấy có gì khác lạ mới mẻ. Chỉ riêng có số của Thị trưởng Trùng Khánh là Ngô Quốc Trinh thì năm nay là năm đại bất như ý. Đồng thời xem cho đa số dân chúng Trùng Khánh thấy trong một trăm lá số có đến cả bẩy chục lá số rất xấu năm nay.
Đào Bán Mai mới căn cứ vào lời nói của bạn, mấy ngày hôm sau liền, ông tìm nơi công cộng lắm người đi lại mà sử dụng đến tài của mình. Trường hợp này, xem tướng giải quyết vấn đề tương đối dễ dàng hơn xem số. Bởi vì dù gặp người không quen, dù họ không mời vẫn đoán được như thường. Lạ thay, khi vận dụng nhãn lực với tướng pháp ra nhìn thiên hạ, Đào Bán Mai tiên sinh thấy khí sắc những người ở đây quá nửa là tướng chết bất đắc kỳ tử mà thảm hoạ sắp đến rồi, chỉ trong vòng 3 tháng. Sợ rằng đất Trùng Khánh này tai nạn đến nơi. Trong lúc chiến tranh, tai nạn không khỏi 2 điều: bị luân hãm hoặc bị máy bay ném bom. Đất Trùng Khánh tính trên chiến lược không thể nào bị luân hãm được, chỉ còn là vấn đề máy bay ném bom.
Đào tiên sinh nghĩ rất hợp lý. Vì nếu Trùng Khánh bị giặc chiếm, tất nhiên số mạng các yếu nhân chính phủ ít nhất dịch mã phải động, nghĩa là phải rời đi, nhưng theo như Lâm Canh Bạch thì không.
Còn số mệnh của ông thị trưởng Ngô Quốc Trinh thì bất quá chỉ là số mạng một cá nhân không quan thiết đến đại cục.
Cái đáng kể là Lâm Canh Bạch xem thấy nhiều số xấu rồi đến Đào Bán Mai trông thấy nhiều tướng xấu. Hai người bàn với nhau mà lo. Nhưng ai dám nói cho mọi người hay chuyện lạ khó lòng tin được ấy.
Hai ông bàn nhau: Tất nhiên nếu có thảm họa thì Trùng Khánh chỉ có thảm họa bị máy bay oanh kích. Nói đến máy bay oanh kích thì hơi khó xảy ra thảm họa to tát bởi vì hệ thống hầm hố ở Trùng Khánh rất chắc chắn. Vậy thì tướng số sai chăng? Không thể như thế được. Cá nhân còn có thể sai, chứ tập thể làm sao sai? Vả lại “tử vong khí sắc” Đào Bán Mai tiên sinh thấy càng ngày càng nặng thêm không giảm bớt chút nào.
Mối hoài nghi cứ dày vò mãi 2 nhà tướng số.
Không bao lâu sau, cách cuộc gặp gỡ của hai vị tướng số chừng 38 ngày thì thảm họa lịch sử Trùng Khánh xảy đến. Hàng vạn người chết chẳng phải vì dịch tễ, chẳng vì bom đạn mà vì chết ngạt ở dưới hệ thống hầm hố. Số người chỉ ngất xỉu đi thôi cũng bị vất lên xe đi chôn tập thể.
Tướng và số tập thể như vậy không phải là chuyện ngoa ngôn.
Đất nước chúng ta ngày nay nếu ai để ý ít nhiều tất sẽ thấy ngay trẻ con thuộc thế hệ người Việt lớp sau này đều đẹp đẽ sáng sủa hơn lớp trước mặc dầu chiến tranh miên man, mặc dầu rối loạn không ngừng. Tướng tập thể của lũ trẻ Việt đó báo hiệu một tương lai tốt cho giang sơn Việt Nam
Tướng tập thể ứng vào việc thiên đô của chính phủ kháng chiến
Ở Hồng Khẩu, trước kháng chiến 5 tháng, tướng gia Đào Bán Mai gặp người bạn mời ăn cơm trưa. Ông bạn này biết tài của họ Đào nên trước đông anh em, ông bạn yêu cầu tiên sinh xem tướng cho tất cả bọn.
Bữa tiệc có khoảng chừng bẩy tám chục người. Đào Bán Mai phát hiện tướng của họ đều chung một điểm giống nhau là sắc tướng có khí mờ ám và có dấu hiệu rời đổi chỗ ở.
Khí sắc mờ ám là có sự “bất như ý”, “tiểu phá tài”.
Khí sắc thiên di là chỉ trong nội một thời gian ngắn tất đổi rời nơi cư ngụ.
Tướng thì thế, nhưng sự thực thì khó lòng chứng minh quá. Ai nấy đều có công ăn việc làm thì dại gì mà đi đâu. Ấy vậy mới kỳ. Nghe Đào tiên sinh nói họ cười thầm. Nhưng họ cười chẳng bao lâu thì chiến tranh bùng nổ. Nhật ào ạt đổ lên Hồng Khẩu, toàn thể dân Hồng Khẩu “khăn gói gió đưa” lên đường tản cư.
Một nhà tướng số khác sau khi xem số và tướng cho các yếu nhân trong chính phủ như Tưởng Giới Thạch, Uông Tinh Vệ, Lâm Xâm v. v... đã thi ra một điểm lạ. Trong cung thiên di của quá bán các yếu nhân đó đều thấy dịch mã nên quyết đoán như sau: Chính phủ tất phải rời Nam Kinh và đi về phía Tây. Quả nhiên chính phủ mấy tháng sau chuyển lên Vũ Hán rồi đến Trùng Khánh