Sách tướng có ghi tướng cách: Nhan như quan ngoc (Mặt mũi sáng như ngọc quan). Quan ngọc là một loại ngọc tốt không bị vết là cực đẹp. Người Trung Quốc xưa dùng loại ngọc này để gắn lên mũ các quan đại thần.

Nhan như quan ngọc là tướng phú quý. Người trẻ tuổi mặt sáng như quan ngọc đi thi là đỗ đạt cao, hoặc cha mẹ giàu có hiển vinh. Tướng này chỉ có một điểm đáng chê trách là những anh mặt sáng như ngọc quan tính nhút nhát, nếu không nhát thì kém kiên trì. Muốn biết phải nhận xét cho tinh vì nhan như ngọc có nhiều loại: Nếu bộ mặt trắng như ngọc ấy hốt nhiên đổi thành giống như xoa phấn thì đâm ra phản trắc, bất lương gọi là phấn diện sở khanh, đàng điếm.

Nhân vật chính trị cận đại là Uông Tinh Vệ lúc thiếu niên nhan như quan ngọc sau đổi ra phấn diện khiến phải chết ô danh.

Mặt trắng sáng có mị thái thiếu nghiêm túc là bọn cợt nhả lẳng lơ. Mặt trắng sáng cần thân thể khôi vĩ, đẹp mà không mị (nịnh nọt mơn trớn).

Xin nhớ thêm: Diện như quan ngọc chỉ là một tướng cách thôi. Nó không có nghĩa cứ phải mặt hồng hào, trắng sáng mới quý cách và sắc diện xanh, đen, nâu là tiện cách. Còn tùy hình cục kim, mộc, thủy, hỏa, thổ của mỗi người. Nói chung về sắc trạch có hai yếu kiện:

1) Màu da nên bền bỉ, ngồi lâu không biến đổi,

2) Phải có quang ánh khác thường.

Nếu không chỉ là loại mặt trắng đi hát tuồng hoặc đi hầu.

Mặt trắng tối kỵ vô tu (không râu), sách tướng có câu: Bạch diện vô tu chung thân phá bại (mặt trắng không râu về già phá bại).

Bạch diện vô tu tức là mặt đít ếch. Trắng nhẵn thín như đít con ếch. Lịch sử dân quốc có hai đại nhân vật vì tướng cách sinh ra phạm diện bạch vô tu nên lúc già bị phá bại, danh tiếng bị bôi lọ.

Vị thứ nhất là Uông Tinh Vệ, nhân vật bi kịch của chính trị; Uông Tinh Vệ tướng mạo rất đẹp, phong độ hiên ngang, ngũ quan đoan chính khả dĩ gọi là “đẹp trai”. Họ Uông tuyệt thế thông minh, thi tứ văn chương đều thông hiểu. Lúc trẻ dám làm chuyện kinh thiên động địa hành thích “nhiếp chính vương” nhà Thanh. Tôn Văn về nước rất trọng dụng Uông Tinh Vệ khiến cho công nghiệp của ông sáng lạn như mặt trời giữa trưa. Trong khi mọi người đều ngưỡng mộ họ Uông thì riêng ông Ngô Trĩ Huy cũng là một nhân vật chính trị tỏ ra khinh thị Uông. Lý do Huy biết xem tướng nên nhìn thấu cuộc đời Uông Tinh Vệ. Theo sự phẩm bình của ông Huy về tướng Uông Tinh Vệ thì: Mắt Uông Tinh vệ đã tròn sáng lại thêm dị quang, lòng mắt trong vắt xanh da trời chứng tỏ hiệp khí và linh mẫn. Chỉ tiếc một điều là diện bạch vô tu. Hậu vận hư hết, danh tiếng bị phỉ nhổ.

Lời đoán của Huy bị anh em chê cho rằng họ Ngô chủ ý ganh ghét nên dùng tướng học để dèm.

Kháng chiến chống Nhật bùng nổ, Uông Tinh Vệ đi theo Nhật cam tâm lập chính phủ bù nhìn. Nửa đường đứt gánh, Uông Tinh Vệ lo nghĩ quá thành bệnh mà chết. Nhật đem chôn ở núi Hoa Sơn. Nhật đầu hàng, mộ của Uông Tinh Vệ bị nhóm thanh niên ái quốc đem mìn lên phá, rồi tiếp đến hàng trăm quyển sách, hàng nghìn bài thơ thống mạ Uông Tinh Vệ.

Người thứ hai là Đường Kế Nghiêu.

Nghiêu cùng Sái Ngạc đem quân lên phía Bắc đánh Viên Thế Khải, thành công, danh vọng vang lừng toàn quốc. Về phương Nam, ông cắt đất lập giang sơn riêng

Giữa lúc Đường Kế Nghiêu đắc ý nhất thì tại Vân Nam bỗng có một vị sư không biết từ đâu tới căng biển ngữ xem tướng. Trên biển đề mấy chữ: “Chỉ theo duyên nghiệp mà chỉ bảo cho mười anh hùng nhân vật” dưới ký Nga Mi Sơn cao tăng.

Đường Kế Nghiêu thấy lạ bèn cho vời vị cao tăng kia tới khẩn khoản xin cho biết cuộc đời mình.

Trông Đường Kế Nghiêu hồi lâu rồi vị cao tăng viết:

- Mi nhãn dữ các bộ vị cực tương đối (mi và mắt cùng các bộ vị rất hợp). Ngoại biểu anh tuấn bất phàm (tướng bên ngoài anh tuấn khác thường). Duy thị bạch diện vô tu nam ngôn vĩnh thọ (tiếc vì mặt trắng không râu nên khó lòng lâu bền).

Hữu thập niên đại vận (có mười năm đại vận). Thập niên hậu ưng nghi cấp lưu dũng thoái, quảng kết thiện duyên, tích đức bảo thọ (mười năm sau nên rút cho mau, gắng làm điều thiện mới mong khỏi tai họa).

Đường Kế Nghiêu kiêu hãnh về thân phận chắc như bàn thạch của mình nên bao nhiêu lời vị cao tăng đều bỏ ngoài tai.

Dân quốc thứ 16, liên tiếp biến chuyển, hết Bắc phạt đến Vân Nam chinh chiến. Đường Kế Nghiêu bị đánh bại, uất ức quá mà chết trong cảnh bần khổ đáng thương.

Nghiêu chết năm bốn tám tuổi, ứng với tướng Diện bạch vô tu chung thân phá bại.

Cái kỵ thứ hai của mặt trắng là nộn sắc trông trẻ con. Người ta lớn lên giống như vỏ cây theo với tuổi tác mà già dặn, đanh thép. Nếu lúc nào mặt cũng bụ bẫm nõn ra như đứa trẻ là phản tướng chết yểu hoặc nghèo hèn. Ông Quỉ Cốc Tử nói:

- Sắc nộn khí nộn, gian tà tiểu nhân, túng hữu thành lập, diệc bất trường cửu, (sắc non khí non, tiểu nhân gian tà, dù có thành việc gì cũng chỉ trong một thời gian ngắn). Cùng diện bạch mà giá trị khác nhau rất xa, cái khó của xem tướng là thế. Cần biết vàng si vàng thực mới là mắt tinh đời.

Nguồn bài viết: Tướng mệnh khảo luận - Vũ Tài Lục