Nội dung bài viết
Lời nói đầu
Vị thế Âm Dương từ Kinh Dịch áp dụng vào Tử vi
Về Tuần, Triệt
Về cung trước mặt, sau lưng.
Trong Đại Hạn, Âm Dương cũng ảnh hưởng không kém phần quan trọng.
Vị thế Ngũ hành trong cơ cấu Tử vi
Tam hợp
Nhị hợp
Xung chiếu
Lời nói đầu
Ngày xuân, để ghi nhớ bao thế hệ tiền nhân, không còn gì bằng sự “ôn cố tri tân” qua sự tìm về nguồn cấu tạo nên khoa Tử vi. “Uống nước nhớ nguồn”, tại sao trong các lĩnh vực khoa học Toán hay khoa học Thực nghiệm ta đã từng sùng kính các danh nhân sáng tạo ra những phát minh, thì trong lĩnh vực khoa học Tử vi thì ta lại tỏ ra không biết cội biết nguồn. Người viết xin được nâng địa vị khoa Tử vi lên một khoa học như bất kể một khoa học nào khác, để cho xứng với Kinh Dịch (nguồn sáng tạo căn bản đầu tiên của Tử vi) một siêu tài liệu đã đoạt giải Nobel các đây vài năm. Để được như vậy, vấn đề lịch sử các cổ nhân sáng tạo, tuy cũng cần nêu lên, nhưng không phải tối cần để tự “mèo khen mèo dài đuôi”. Trong sự “Khoa học hoá” của khoa Tử vi chúng ta cần hệ thống hoá theo đúng căn bản của Dịch lý là Âm Dương Ngũ Hành. Chúng ta sẽ lần lượt chứng tỏ luật Âm Dương Ngũ hành, tuân theo một thứ tự diễn tiến, có quy có củ, chứ không phải tự ý nhà Tử vi muốn bẻ lái đi đâu thì đi, theo ngẫu hứng của mình. Chúng ta không cần quá đi sâu vào vũ trụ quan, vì điều này Kinh Dịch đã làm và đã được giới Khoa học công nhận giá trị của nó. Chúng ta chỉ đem về nguồn, cho sự cấu tạo của Tử vi được ăn khớp với cơ cấu của Dịch Lý. Đó chính là ghi nhớ tiền nhân một cách thiết thực và hữu ích.
Vấn đền áp dụng Dịch và Tử vi, Khoa học huyền bí đã có nhiều loạt bài diễn giải như: Loạt bài của cụ Nguyễn Thọ Dực, Trần Việt Sơn… Tôi xin tiếp nối cồn trình này về phương diện các cung số địa bàn, ứng dụng của luật Âm Dương, Ngũ hành.
Đây cũng là một công việc không tự lượng sức mình, nhưng có còn hơn không. Người viết xin cố lấy sức mình để khích động lòng nhiệt tâm của các vị cao thủ khác.
Người nghiên cứu Tử vi, hẳng không lạ gì chiêu Đại hạn thuận nghịch của Vòng Lộc tồn, Vòng Trường Sinh …Nhưng ít ai tự đặt một câu hỏi về nguyên do của sự việc như vậy, bởi vì trong cuộc sống quay cuồng hiện đại, ai cũng quan tâm đến vận hạn tương lai. Vì vậy, gọi là nghiên cứu Tử vi, nhưng phần lớn đều tìm tòi kinh nghiệm về vận hạn và vô tình, đã bỏ cái gốc để đi tìm phần ngọn thì làm sao mà luận giải cho chính xác được.
Vị thế Âm Dương từ Kinh Dịch áp dụng vào Tử vi
Gốc Tử vi không đặt đâu khác là trong Dịch, trong đó Âm Dương là căn bản, để từ đó phát sinh ra khí Ngũ hành chi phối vạn vật. Vì thế mọi sự an sao, lập số, sự đắc hãm chư tinh phải ít nhiều dựa vào hai điều căn bản: Âm Dương, Ngũ hành. Điểm đầu tiên chúng ta đề cập tới là những chi tiết như: Chiều Đại hạn thuận nghịch của tuổi Dương Nam, Âm Nữ và Âm Nam, Dương Nữ cũng như sao Dương an chiều chiều nghịch, sao Âm an chiều thuận. Hoặc các thế Lưỡng Nghi của các bộ chính tinh, cũng có Âm có Dương, để từ đó phát sinh ra các chi phái Tứ Tượng, Bát Quái. Ấy là cổ nhân đã áp dụng luật Âm bổ Dương, Dương bổ Âm của Dịch học, để chu trình “Dương trung hữu Âm”, “Âm trung hữu Dương” luôn luôn toàn vẹn.
Luật này được thu gọn trong một vòng tròn có hai phần đen, trắng (tượng trưng Nhật, Nguyệt) ngăn cách bởi một đường cong hình chữ S. Trong mỗi phần lại có một vòng tròn nhỏ, đúng hơn là một chấm nhỏ tương phản màu sắc. Thực vậy nhìn vào sơ đồ, ta thấy ngay chi tiết này:
Phạm vi áp dụng luật Âm Dương không phải chỉ có thế, nó còn chi phối rất nhiều phương diện: Từ vai trò Âm Dương, Tuần Triệt trong lối nặng nhẹ, cho đến cung trước mặt, sau lưng, hoặc đắc tính miếu hãm của một vài sao cũng như chi phổi về phương diện sức khoẻ…
Về Tuần, Triệt
Trong 12 cung số, Tuần Triệt là hai động lưc vô cùng huyền diệu. Nó mang âm hưởng của quy lý Âm Dương và có thế làm thay đổi toàn bộ hệ thống Ngũ hành trong cung bị án ngữ. Nên ghi rằng Tuần, Triệt không phải là 1 sao như các sao. Nó chỉ là dữ kiện Âm Dương, tiểu biểu cho sự đóng mở hai giai đoạn Âm và Dương. Cũng như quan niệm về Trời và Đất được sắp xếp qua các cung: Thiên Môn (Hợi Càn vi Thiên), Lôi Môn (Mão)…
Ở đây Tuần Triệt chi phối về hai phương diện. Ta có thể tạm đặt là: đối ngoại và đối nội.
- Nội hướng: trong đó Tuần Triệt có tác dụng làm biến đổi nghịch thường, sự đắc hãm chư Tinh.
- Ngoại hướng: Tuần Triệt khi thì cản không cho liên lạc với bên ngoài, khi thì tác động phá nhau.
Trên bình diện nội hướng, nguyên lý Âm Dương chi phối rõ rệt Tuần Triệt do sự tác động nhẹ tuỳ cung số và tuỳ tuổi Âm Dương. Người tuổi Âm Tuần Triệt nặng về cung Âm, ngược lại tuổi Dương thì bị tác động nặg về cung Dương. Âm Dương là nguồn, nên phải điều khiển ngũ hành. Do đó dữ kiện Âm Dương qua hai động lực Tuần, Triệt đã làm thay đổi tính chất ngũ hành của cung và sao. Vì vậy nó hoán chuyển xấu thành tốt và ngược lại hoặc làm giảm bớt sự hung cát của chư tinh.
Bình diện đối ngoại, Tuần Triệt theo từ ngữ chính danh thì “ Triệt lộ không vong” đã khiến mọi đường liên lạc bị nghẽn tắt vì Triệt mà tan nát, chém, cắt đứt, lộ là con đường. Do đó hai cung tam hợp không còn liên lạc được với bản cung. “Tuần trung không vong” tác động làm cây cầu liên lạc, sự câu hút chu tinh đối với tam hợp, khác với Triệt. (Bàn về Tuần Triệt là cả một vấn đề bao la, tô sẽ xin trở lại trong một dịp khác đầy đủ hơn).
Về cung trước mặt, sau lưng.
Ta thừa biết tuỳ người Dương nam, Âm nữ hoặc Âm nam, Dương nữ, chiều đại hạn sẽ đi thuận hay nghịch.
Sự thuận nghịch cũng là yếu tố Âm Dương, và tầm ảnh huởng của nó trên phương diện nặng nhẹ cũng không nhỏ.
Đây cũng là phạm vi đi từ gốc Âm Dương để luận đoán phối hợp sao cho khỏi mâu thuẫn phức tạp. Điều này sẽ giải thích tại sao cũng thời hai người cùng có Thiên Tướng gặp Triệt án ngữ, mà một người gặp nạn, một người vẫn an toàn. Gọi là cung trước mặt đối với người Dương nam, Âm nữ là chiều kim đồng hồ chẳng hạn: Mệnh ở Dậu có Địa Kiếp ở Tuất thì rất nguy hiểm vì Địa Kiếp như kẻ cướp đã chặn đầu không lối thoát. Ngược lại cung Mệnh và sao ở các cung trên mà lại là người Âm nam, Dương nữ thì Địa Kiếp đó chỉ vuốt đuôi thôi vì người này đi vòng ngõ khác (ngõ ngược kim đồng hồ).
Trong Đại Hạn, Âm Dương cũng ảnh hưởng không kém phần quan trọng.
Nếu quan niệm cứ ai dược “Âm cư Âm vị” hoặc “Dương cư Dương vị” là thuận lý và ngược lại “Âm cư Dương vị”. Dương cư Âm vị” là nghịch lý, thì quả là phiến diện và quá mơ hồ. Thế nào là Thuận lý, Nghịch lý? Và hậu quả của nó ra sao?
Ta tạm đưa nó về lý thuyết Âm Dương của nó: Trong tuổiÂm Dương của một người đã vào môi trường (Đại Hạn) hay hoàn cảnh nào: Tuổi Âm hoặc Dương gặp Đại Hạn cũng đóng cung Âm hoặc Dương thì thuận lý. Nghĩa là có sự hoà hợp về bản thân và hoàn cảnh ở đây chỉ giới hạn trong bình diện sức khoẻ, đỡ bôn ba khổ sơ. Trong đại hạn Tam Hợp mà cụ Thiên Lương đã nêu lên là Hạn Phất, gồm nhiều yếu tố trong đó ta nghiệm kỹ bao giờ cũng có nguyên tắc Âm Dương thuận lý. Thật vậy, sự sắp xếp từng cặp Tam Hợp, Âm đi Âm, Dương đi Dương. Do đó khi đến tam hợp tuổi, Đại Hạn về phương diện Âm Dương cũng phải đồng với tuổi. Thí dụ tuổi Sửu (là Âm), Đại Hạn tới cung Dậu (là Âm) thuộc tam hợp Tị Dậu Sửu. Đương nhiên là tuổi Âm cư Âm khi Đại hạn tới cung tam hợp tuổi.
Tuy là nguyên tắc căn bản, nhưng vị trí các cung số và bản mệnh còn lệ thuộc yếu tố Tinh đẩu và nhất là ngũ hành. Do điều này, ta cần tìm phương diện cấu tạo ngũ hành của khoa Tử vi, để áp dụng vào lối luận giải.
Vị thế Ngũ hành trong cơ cấu Tử vi
12 cung Địa bàn đươc phối trí theo số Hà Đồ Lạc Thư mà hình thành. Các vị trí Mười Hai Địa Chi được xếp đặt theo một lớp lang quy củ sao cho có sinh, có khắc có dung hoà thu về một mối. 12 Địa Chi được đặt vào 12 cung Đại bàn với trung cung là Tứ Mộ: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi điều hoà các hành khác:
Trên phạm vi ngũ hành, ta giới hạn phần khảo sát vào các Tam hợp, Nhị hợp và Xung chiếu. Từ đó áp dụng vào lối giả đoán cho linh động.
Tam hợp
Theo văn từ, thì rất giản dị Tam hợp chỉ rõ 3 chi hợp nhau theo từng bộ. Nhưng nếu nhìn kỹ phương diện Ngũ hành của vài bộ Tam hợp, thì chúng có khi không hợp mà còn khắc nhau là đằng khác. Như vậy phải quan niệm thế nào là Tam hợp. Muốn giải thích điều này ta phải quy chiếu và sự sinh khắc chế hoạ của Ngũ hành, căn cứ vào hiện trạng của vũ trụ quan vào cổ thời.
Trước hết là Tam hợp Dần, Ngọ, Tuất:
Bộ này không có gì là rắc rối vì nó đi theo chiều thuận. Có thể giải thích đơn thuần cũng được: Dần (Mộc) sinh Ngọ (Hoả), Ngọ (Hoả) sinh cho Tuất (Thổ). Nhưng nếu giải thích rời rẽ như vậy, khó mà hiểu được các thế tam hợp sau. Và tại sao thế Dần Ngọ Tuất lại là Hoả cục.
Thật ra có nhiều lối giải thích thế tam hợp, nhưng để tránh sự rườm rà phức tạp, ta tạm thời dựa vào vai trò trung dung của Tứ Mộ và sự trung gian của một hành giữa hai hành còn lại.
Trước hết vì Dần sinh Ngọ là Hoả vượng, vai trò Tuất (Thổ) là dung hoà chế bớt Hoả (Vì Hoả sinh xuất cho Thổ).
Nếu tác động riêng rẽ thì Dần tương khắc Tuất, nhờ Hoả (Ngọ) trung gian để hoà hợp. Đấy là luật “Tham Sinh Vong Khắc”. Mộc của Dần là sinh Hoả của Ngọ mà quên Khắc Tuất (Thổ). Vai trò Hoả trở nên quan hệ, nên được dùng làm Hoả cục (Cục: môi trường).
Thế tam hợp Thân Tý Thìn:
Theo vai trò trung cung của Tứ Mộ thì Kim (Thân) sinh Thuỷ (Tý) làm Thuỷ vượng hay Kim yếu, nhiệm vụ của Thổ (Thìn) là rút bớt Thuỷ đi để điều hoà hoặc bồi bổ cho Kim khỏi tuyệt.
Thổ sinh Kim, Kim vượng cần Thuỷ chế bớt. Hơn nữa Thổ Kim là một vì Kim ở trong Thổ. Do đó Thuỷ là chủ, và trở nên Thuỷ cục. Nhưng xét kỹ về phương diện Âm Dương thì Âm giáng Dương thăng. Thuỷ phải ở dưới, hạ xuống đật. Mượn mặt đất để tạo thành hữu dụng. Vì thế ta còn mượn thế tam hợp Thân Tý Thìn là Thổ cục.
Thế tam hợp Tị Dậu Sửu:
Hoả của Tị làm Kim của Dậu hao mòn, may nhờ Thổ của Sửu tái tạo.
Hoả (Tị) sinh xuất là Thổ (Sửu) vượng, Thổ vượng cần Kim (Dậu) chế bớt. Do đó Dậu mang tên: Kim cục.
Thế tam hợp Hợi Mão Mùi:
Thuỷ (Hợi) sinh Mộc (Mão) nhưng không có Thổ (Mùi) Mộc khó đứng vững.
Thuỷ tương khắc Thổ nhưng Mộc chen vào lại điều hợp cả hai. Cây cối hấp thụ nước che chở để khỏi bị đất rút bớt, đồng thời sử dụng cả Thổ biến thành hữu dụng. Vì Thế lấy làm Mộc cục.
Tác dụng của các thế Tam hợp vào sự luận giải, cũng do đặc tính cơ cấu của nó, qua hai thành tố: sự sinh để hợp và cục (môi trường).
Vì vậy trong lối phối hợp các sao ở 3 cung Tam hợp ta chỉ phối hợp cung được sinh nhập, phải loại bỏ cung khắc và cung sinh xuất cho đúng ý nghĩa của sự sinh để hợp.
Thí dụ: Tam hợp Tị Dậu Sửu:
Mệnh tại Dậu, thì chỉ nên phối hợp cung Sửu (Thổ) với cung Dậu (Kim) vì Thổ sinh nhập cho bản cung (ở đâu là Mệnh).
Nếu Mệnh tại Sửu thì chỉ phối hợp cung Tị (Hoả) với bản cung còn cung Dậu không xét tới vì ucng này làm bản cung bị sinh xuất, tiết giảm năng lực.
Về cục phát xuất từ ý nghĩa môi trường để áp dụng vào lối so sánh Mệnh cục ( Cục ở đây là cuộc, là thế cuộc, là cuộc đời).
Và chi tiết hơn còn có thể áp dụng cả cung Địa Bàn tính theo vòng cục. Nếu có dịp tôi xin bàn kỹ về vấn đề này.
Nhị hợp
Ta đã biết từng cặp Nhị hợp:
- Tý hợp Sửu
- Dần hợp Hợi
- Mão hợp Tuất
- Thìn hợp Dậu
- Tị hợp Thân
- Ngọ hợp Mùi.
Nếu giải thích theo từng ngũ hành của mỗi cung thì khó hợp lẽ. Ta nên nhớ rằng cổ nhân đã xếp 12 cung số qua tương quan buộc nhau từ Tam hợp, Nhị hợp, Xung chiếu…tất cả đều đồng quy vào một quy tắc theo hệ cấp phăng lần từ đầu mối. Đầu mối quan trọng nhất là Tứ Mộ, vai trò của trung cung của Số cơ ngẫu Hà Đồ, Lạc Thư. Nói tới vai trò Tứ Mộ, là phải nghĩ ngay tới tam hợp nơi mà Tứ Mộ đóng trọn vẹn sự điều hợp của mình. Do đó đầu mối lại là thế tam hợp ngũ hành. Từ đây ta có thể giải thích các thế Nhị hợp, Xung chiếu. Thật vậy:
Tý hợp Sửu là vì Tý do Thân Tý Thìn Thuỷ hợp với thế Kim của Tị Dậu Sửu.
Dần thuộc Dần Ngọ Tuất hợp Hợi Mão Mùi…
Lý luận tương tự đối với các cung còn lại.
Áp dụng vào lối ghép sao, ta thấy cũng như Tam Hợp, chỉ có chiều sinh nhập bản cung mới nhận lấy để phối hợp mà thôi.
Thí dụ:
Mệnh ở Tị cung, Nhị hợp là cung Thân
Mệnh thuộc thế Kim (Tị Dậu Sửu) sinh xuất cho thế Thuỷ (Thân Tý Thìn)
Do đó bản cung (Mệnh) bị sinh xuất, nên cung Nhị hợp kia không ich lợi cho Mệnh.
Cần ghi rằng:
Thân Tý Thìn chính thức là Thuỷ cục hay thế Thuỷ. Thế Thổ chỉ là vay mượn, do đó không áp dụng trong các cung số Nhị hợp, Xung chiếu.
Xung chiếu
Theo nghĩa đen của nó, xung chiếu là cung chiếu thẳng tới, để mà xung khắc. Cũng gồm trong sự lý giải Tam hợp làm gốc, ta có thể tóm lược:
- Cung Tý khắc xuất cung Ngọ: Vì thế Thuỷ khắc thế Hoả.
- Cung Sửu khắc xuất cung Mùi: Vì thế Kim khắc thế Mộc.
- Cung Dần bị khắc nhập bởi cung Thân: Vì thế Thoả bị Thuỷ khắc.
- Cung Mão bị khắc do cung Dậu: Vì thế Mộc bị Kim khắc.
- Cung Thìn khắc xuất cung Tuất: vì thế thuỷ khắc Hoả.
- Cung Tị khắc xuất cung Hợi: Vì thế Kim khắc Mộc.
Muốn lấy được sao tốt ở cung chếu bản cung phải khắc xuất cung đối phương.
Trong nền móng Tử vi, yếu tố Âm Dương Ngũ hành rất bao la, vài mươi trang giấy làm sao ghi đầy đủ được. Vì thế người viết xin dừng bút nơi đây, mong quý bạn đọc thông cảm chờ đợi ở một loạt bài khác.
Nguồn bài viết: Tap chí khoa học huyền bí