Nội dung bài viết
坤 為 地 KHÔN VI ĐỊA
I. Thoán
A. Thoán Từ.
B. Thoán Truyện.
II. Đại Tượng Truyện
III. Hào từ
IV. Bình giảng
坤 為 地 KHÔN VI ĐỊA
I. Thoán
A. Thoán Từ.
坤:元,亨,利 牝 馬 之 貞。君 子 有 攸 往,先 迷 后 得 主,利 西 南 得 朋,東 北 喪 朋。安 貞,吉。
Khôn. Nguyên hanh. Lợi tẫn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng. Tiên mê hậu đắc. Chủ lợi Tây Nam đắc bằng. Đông Bắc táng bằng. An trinh cát.
Dịch:
Khôn là gốc gác quần sinh.
Làm cho vạn vật phỉ tình hanh thông,
Lại sinh lợi ích khôn cùng,
Như con ngựa cái thung dung, kiên trì,
Khi người quân tử vân vi,
Trước mê, sau gặp chủ thì mới hay,
Tây Nam gặp bạn đường đời,
Đến phương Đông Bắc bạn thời còn ai?
Bền lòng, vững chí hôm mai,
An lòng, vững chí, sẽ may, sẽ lành.
B. Thoán Truyện.
彖 曰: 至 哉 坤 元,萬 物 資 生,乃 順 承 天。坤 厚 載 物,德 合 無 疆。含 弘 光 大,品 物 咸 亨。 牝 馬 地 類,行 地 無 疆,柔 順 利 貞。君 子 攸 行,先 迷 失 道,后 順 得 常。西 南 得 朋,乃 與 類 行﹔東 北 喪 朋,乃 終 有 慶。安 貞 之 吉,應 地 無 疆。
Thoán viết.
Chí tai Khôn nguyên. Vạn vật tư sinh. Nãi thuận thừa thiên. Khôn hậu tải vật. Đức hợp vô cương. Hàm hoằng quang đại. Phẩm vật hàm hanh. Tẫn mã địa loại. Hành địa vô cương. Nhu thuận lợi trinh. Quân tử du hành. Tiên mê thất Đạo. Hậu thuận đắc thường. Tây Nam đắc bằng. Nãi dữ loại hành. Đông bắc táng bằng. Nãi chung hữu khánh. An trinh chi cát. Ứng địa vô cương.
Dịch:
Khôn nguyên cao trọng xiết bao,
Muôn loài đều phải nương vào cầu sinh.
Khôn nguyên cao trọng đã đành,
Vì luôn thuận ý cao xanh chẳng rời.
Đất dày nâng đỡ muôn loài,
Xét về đức cả, đành thời vô biên,
Ấp ôm vạn vật mọi miền,
Làm cho đâu đấy sáng lên huy hoàng.
Được nhờ ơn đất cưu mang,
Cho nên muôn vật rỡ ràng, đep tươi.
Ngựa cái với đất cùng loài,
Tung hoành khắp chốn, khắp nơi thỏa tình;
Luôn luôn nhu thuận, lợi trinh.
Cho người quân tử gương lành noi theo.
Mới đầu mê lạc đến điều,
Là vì bỏ mất chẳng theo Đạo Trời.
Sau rồi, nhu thuận, đòi noi,
Mới đâu ra đấy, cơ ngơi rõ ràng.
Tây Nam gặp được bạn đàng,
Cùng người đồng loại, thênh thang đăng trình.
Phía Đông Bắc mất bạn mình,
Cuối cùng vượt được quần sinh mới là.
Siêu quần, bạt tụy mình ta,
Mới là may mắn, mới là vinh xương.
Bền gan, rồi sẽ cát tường,
Y như trái đất, vô cương khác nào.
II. Đại Tượng Truyện
象 曰: 地 勢 坤,君 子 以 厚 德 載 物。
Tượng viết. Địa thế Khôn. Quân tử dĩ hậu đức tải vật.
Dịch:
Tượng rằng: Khôn thế thuận thừa,
Nên người quân tử lo cho đức dày.
Đức dày, tải vật mới hay,
Cưu mang vạn vật, chẳng ngày nào ngơi.
III. Hào từ
初六:履霜,堅冰⾄ - Sơ lục: Lý sương, kiên băng chí.
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Đầu: Xéo sương, váng rắn tới
Truyện của Trình Di. - Hào Âm gọi là Sáu, tức là Âm thịnh, nếu đã đến “tám” thì Dương sinh rồi, không phải là thuần thịnh nữa. Khí Âm mới sinh ở dưới, hãy còn rất nhỏ, thánh nhân trong khi khí Âm mới sinh, vì nó sắp lớn, thì làm ngay ra lời răn. Khí Âm mới đọng là sương, xéo chân lên sương, phải biết khí Âm dần dần thịnh lên, ắt sẽ đến lúc kết thành váng rắn. Cũng như tiểu nhân lúc đầu tuy là rất nhỏ, không thể để cho nó lớn, nó lớn thì sẽ đến lúc nó thịnh.
Bản nghĩa của Chu Hy - Sáu là tên của hào Âm. Số của khí Âm, Sáu là già mà Tám còn trẻ, cho nên mới gọi hào Âm là Sáu. Sương là khí Âm kết lại. Âm thịnh thì nước đóng cục thành váng. Hào này khí Âm mới sinh ở dưới, buổi đầu rất nhỏ mà thế của nó ắt có lúc thịnh, cho nên hình tượng giống như người dẫm lên sương thì biết váng rắn sắp đến, Âm Dương là gốc của Tạo hóa, thứ nọ không thể không có thứ kia, mà sự tiêu đi lớn lên vẫn như thường, không phải là cái người ta có thể thêm bớt. Nhưng Dương chủ về sinh, Âm chủ về sát, thì loại của nó cũng có ngay gian khác nhau. Cho nên thánh nhân làm Kinh Dịch, với chỗ “thứ nọ không thể không có thứ kia” đã dùng những chữ “kiện”, “thuận”, “nhân”, “nghĩa” để nói cho rõ, mà không thiên về bề nào, đến chỗ chúng nó tiêu đi lớn lên ngay gian khác nhau, thì không bao giờ mà không chú ý đến sự nâng Dương nén Âm. Đó là cốt để giúp sự hóa dục, xen với trời đất, ý rất sâu xa. Hào này không nói đến “Chiêm”,là vì cái ý “cẩn vi” đã tỏ ở trong hình tượng.
Lời bàn của Tiên Nho - Chu Hy nói rằng: Đầy trong trời đất, cái để làm ra tạo hóa, chỉ là những cuộc đầu, chót, thịnh, suy của hai khí Âm Dương mà thôi. Dương sinh ở phương Bắc, lớn ở phương Đông, thịnh ở phương Nam; Âm đầu ở phương Nam, giữa ở phương Tây, chót ở phương Bắc; cho nên Dương thường ở tả, lấy sự sinh dục trưởng dưỡng làm việc, mà loài của nó thì là cứng, là sáng, là công, là nghĩa, và đạo quân tử cũng thuộc vào đó; Âm thường ở Hữu, lấy sự tàn hại, thảm sát làm việc, mà loài của nó, thì là mềm, là tối, là tư, là lợi và đạo tiểu nhân cũng thuộc vào đó. Thánh nhân làm Kinh Dịch vạch quẻ, soạn lời, trong chỗ tiến, lui, tiêu, lớn, những điều khuyên bảo người ta sâu lắm.
Tóm tắt - hào 1 quẻ Càn, Dịch chỉ khuyên cứ ở ẩn, tu đức luyện tài chờ thời; còn hào 1 quẻ Khôn này. Dịch răn phải đề phòng từ đầu, nếu không sẽ gặp họa; như vậy Dịch tin ở Dương hơn đạo Âm, trọng Dương hơn Âm .
六 二: 直 方 大, 不 習 无 不 利 - Lục Nhị: Trực, phương, đại, bất tập, vô bất lợi
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Hai: Thẳng, vuông, lớn, không phải tập, không gì không lợi.
Truyện của Trình Di - Hào Hai khí Âm ở dưới, cho nên là chủ quẻ Khôn. Tóm nói đạo Khôn trung chính ở dưới, đó là đạo đất. Lấy ba đức tính: thẳng, vuông và lớn, hình dung đức tính của Khôn, thế là hết cả đạo đất. Bởi thẳng, vuông, lớn cho nên không cần tập tành mà không có cái gì không lợi. Không tập, nghĩa là tự nhiên, ở đạo Khôn thì không cần làm mà đâu vào đấy, ở thánh nhân thì cứ ung dung tự do vẫn nhằm vào đạo. Thẳng, vuông, lớn cũng như Mạnh Tử bảo là “rất lớn, rất cứng và thẳng” vì ở thế Khôn, nên mới dùng “vuông” thay “cứng” giống như nết “trinh” để vào cho ngựa cái vậy. Nói về phần khí thì để sự “lớn” ở trước, vì sự “lớn” là thể của phần khí; với Khôn thì để đức “thẳng” đức “vuông” ở trước, đó là do ở sự “thẳng vuông” mà đến sự “lớn”. Thẳng, vuông, lớn đủ hết đạo đất, cốt ở người ta hiểu biết mà thôi. Hai quẻ Kiền Khôn là thể thuần túy, dùng ngôi ứng nhau. Hào Hai là chủ quẻ Khôn, cho nên không lấy hào Năm ứng nhau với nó, ấy là không để quân đạo ở vào hào Năm. Ở quẻ Kiền thì hào Năm hào Hai ứng nhau.
Bản nghĩa của Chu Hy - Mềm thuận, chính, bền tức là đức thẳng của Khôn. Cái hình phú ra đã có nhất định, tức là đức vuông của Khôn. Đức hợp với sức không bờ, tức là đức lớn của Khôn. Hào Sáu Hai mềm thuận mà trung chính lại được đạo Khôn một cách thuần túy, cho nên đức tính của nó trong thẳng ngoài vuông mà lại thịnh lớn, không cần học tập mà không cái gì không lợi. Kẻ xem nếu có những đức như thế, thì lời chiêm sẽ là như thế
Tóm tắt - người quân tử muốn như hào 2 này mà ngay thẳng ở trong lòng thì phải có đức kinh; vuông ở ngòai (khi tiếp vật) thì phải có đức nghĩa. Có hai đức kính, nghĩa đó thì sẽ không cô lập (?). Nguyên văn: “bất cô”, Chu Hi giảng là to lớn, tức có ý cho rằng: Kính thì “trực”, nghĩa thì “phương”. Có đủ kính và phương thì là “đại”. Chúng tôi hiểu theo câu: Đức bất cô, tất hữu lân” (người có đức thì không lẻ loi, tất có bạn cũng trọng đạo đức như mình (bạn đây là hào 5, ứng với 2) không biết có đúng không.
六 三: 含 章 可 貞, 或 從 王 事, 无 成 有 終 - Lục Tam: Hàm chương khả trinh; hoặc tòng vương sự, vô thành hữu chung
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Ba: Ngậm văn vẻ, có thể chính; hoặc theo đuổi việc nhà vua, không cậy công? Thì được tốt lành về sau
Truyện của Trình Di - Hào Ba ở trên quẻ dưới, tức là được ngôi. Đạo kẻ làm tôi, phải nên ngậm kín những cái văn vẻ tốt đẹp của mình, có điều gì hay phải trả về vua thì mới có thể như thường và được chính đính, trên không có lòng ghen ghét, dưới đúng với đạo mềm thuận. “Khả trinh” nghĩa là có thể giữ gìn bằng cách chính bền, và lại có thể bình thường lâu dài và không ăn năn xót tiếc. Hoặc có làm việc cho người trên, thì không dám nhận lấy sự thành công, chỉ phụng sự để giữ lúc chót mà thôi. Giữ chức trách để cho trọn việc, đó là đạo kẻ làm tôi.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Số Sáu thuộc về Âm, ngôi Ba thuộc về Dương, ở trong có ngậm những cái văn vẻ tốt đẹp, có thể giữ gìn bằng cách chính đính. Nhưng nó ở trên quẻ dưới, không thể náu nấp tới cùng cho nên, hoặc cũng có khi đi ra mà làm việc của người trên, thì trước tuy là không thành, mà sau lại được có chót, vì nó có hình tượng ấy, cho nên mới răn kẻ xem có đức ấy, thì lời chiêm như thế.
Tóm tắt - Ngậm chứa đức tốt, theo người trên làm việc mà không dám chiếm lấy sự thành công, đó là đạo của Đất, của vợ, của bề tôi (địa đạo, thê đạo, thần đạo). Đó là cách cư xử của người dưới đối với người trên.
六 四: 括 囊, 无 咎, 无 譽. - Lục tứ: Quát nang, Vô Cữu
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Tư: Thắt túi, không lỗi, không khen
Truyện của Trình Di - Hào Tư ở gần ngôi Năm, mà không có nghĩa tương đắc, ấy là cái lúc trên dưới ngăn lấp, tự xử bằng cách chính đáng cũng là cái chỗ nguy nghi. Nếu như giấu kín cái khôn của mình, như thể thắt chặt miệng túi, không cho hở ra, thì có thể được không lỗi; không thế, thì có hại. Đã giấu kín thì là không có tiếng khen.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Thắt túi chỉ về sự thắt chặt miệng túi mà không ra. Khen là tiếng quá sự thực, cẩn thận kín đáo như thế, thì không lỗi mà cũng không có tiếng khen. Hào Sáu Tư hai lần Âm[6] , không được chính giữa, cho nên Tượng nó như thế. Nghĩa là, hoặc là việc phải cẩn mật, hoặc là thời nên ẩn trốn
Tóm tắt: Văn ngôn cho hào này có cái tượng “âm cự tuyệt dương” (vì không có chút dương nào cả từ bản thể tới vị), như vậy là âm dương cách tuyệt nhau, trời đất không giao nhau (thiên địa bế), lúc đó hiền nhân nên ở ẩn (hiền nhân ẩn), rất thận trọng thì không bị tai họa.
六 五: 黄 裳, 元 吉. - Lục Ngũ: hoàng thường, nguyên cát.
Dịch nghĩa - Hào Sáu Năm: như cái xiêm màu vàng, lớn, tốt (rất tốt).
Truyện của Trình Di - Hào Tư ở gần ngôi Năm, mà không có nghĩa tương đắc, ấy là cái lúc trên dưới ngăn lấp, tự xử bằng cách chính đáng cũng là cái chỗ nguy nghi. Nếu như giấu kín cái khôn của mình, như thể thắt chặt miệng túi, không cho hở ra, thì có thể được không lỗi; không thế, thì có hại. Đã giấu kín thì là không có tiếng khen.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Thắt túi chỉ về sự thắt chặt miệng túi mà không ra. Khen là tiếng quá sự thực, cẩn thận kín đáo như thế, thì không lỗi mà cũng không có tiếng khen. Hào Sáu Tư hai lần Âm , không được chính giữa, cho nên Tượng nó như thế. Nghĩa là, hoặc là việc phải cẩn mật, hoặc là thời nên ẩn trốn.
Tóm tắt - người quân tử có đức trung (màu vàng) ở trong mà thông suốt đạo lý, ở ngôi cao mà vẫn khiêm, tự coi mình ở thể dưới (như cái xiêm); như vậy là chất tốt đẹp ở bên trong mà phát ra bề ngòai, làm nên sự nghiệp lớn, tốt đẹp như vậy là cùng cực.
六 上: 龍 戰 于 野, 其 血 玄 黄. - Lục thượng: Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng.
Dịch nghĩa. - Rồng đánh nhau ở đồng, máu nó xanh vàng
Truyện của Trình Di - Đó là Âm đi theo Dương, nhưng mà thịnh quá thì phải gây ra tranh giành. Hào Sáu Đã cùng cực, lại tiến không thôi, thì ắt đánh nhau, cho nên nói rằng: “đánh nhau ở đồng”. Đồng nghĩa là tiến đến ngoài. Đã chọi nhau, thì đều bị thương, cho nên máu nó xanh vàng
Bản nghĩa của Chu Hy. - Âm đã thịnh cực, đến nỗi tranh nhau với Dương, cả hai kẻ bại đều bị thương. Tượng nó như thế. Kẻ xem như thế đủ biết là hung.
Lời bàn của Tiên Nho. - Trên nói “váng rắn đến” là phòng cái vạ “rồng đánh nhau ở đồng”, tức là lúc mới đầu. Đây nói “rồng đánh nhau ở đồng”, là để tỏ rằng cái lo “váng rắn” tới lúc chót.
Tóm tắt - hào này âm lên tới điểm cực thịnh. Âm dương tuy bổ túc nhau, nhưng bản thể vẫn là ngược nhau, đối địch nhau. Khi âm cực thịnh, dương cũng vậy ( hào 6 quẻ Càn) thì hai bên tất tranh nhau, và cả hai đều bị hại. Đạo đến đó là cùng rồi. cũng vẫn cái nghĩa thịnh cực thì suy như hào 6 quẻ Càn.
用 六: 利 永 貞. - Dụng Lục: Lợi vĩnh trinh
Dịch nghĩa. - Hào dùng Sáu: Lợi về vĩnh viễn chính đính
Truyện của Trình Di - Hào dùng Sáu của quẻ Khôn cũng như hào dùng Chín của quẻ Kiền, tức là phép “dụng Âm” vậy. Đạo Âm mềm mà khó được bình thường. Cho nên cái phép dùng Sáu, lợi về thường thường chính bền.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Dùng Sáu nghĩa là được hào Âm thì đều dùng Sáu mà không dùng Tám, đó cũng là một thông lệ. Vì quẻ này là thuần Âm mà ở đầu, cho nên bày tỏ tại đây. Gặp quẻ này mà sáu hào đều biến, thì sự chiêm đoán như lời này. Nghĩa là Âm mềm mà không thể giữ bền, biến đi thành Dương thì có thể vĩnh viễn chính đính, cho nên mới răn kẻ xem bằng chữ “lợi vĩnh trinh”,cũng như hai chữ “lợi trinh” ở quẻ Kiền vậy. Tử quẻ Khôn mà biến đi, cho nên không đủ về nguyên hanh.
IV. Bình giảng
Quẻ Khôn thực ra không đến nỗi khó hiểu, khó hiểu chăng là vì có nhiều đoạn đã bị các nhà bình giải làm cho rối lên như canh hẹ. Nguyên có cách phân câu, mà đã chia thành năm bè, bảy bối. Ví dụ, đối với câu:
Khôn. Nguyên Hanh. Lợi tẫn mã chi trinh.
Trình tử đọc là: Khôn. Nguyên. Hanh. Lợi. Tẫn mã chi trinh, vì cho rằng Khôn có đủ tứ đức như Kiền.
Chu Hi đọc là: Khôn. Nguyên. Hanh. Lợi tẫn mã chi trinh, vì cho rằng Khôn phải thua Kiền, không thể đủ tứ đức như Kiền.
Đến như câu: Tiên mê hậu đắc. Chủ lợi Tây nam đắc bằng. Đông bắc táng bằng, thì lại càng rắc rối hơn nữa. Trình tử hiểu như sau: Tiên mê hậu đắc. Chủ lợi. Tây nam đắc bằng. Đông bắc táng bằng.
Vương Bật đọc: Quân tử hữu du vãng tiên mê. Hậu đắc chủ lợi.
Lai Trí Đức đọc: Tiên mê hậu đắc chủ. Lợi.
Ngự Án của vua Khang Hi đọc rằng: Tiên mê hậu đắc chủ. Lợi Tây nam đắc bằng. Đông bắc táng bằng. Ngự Án cho rằng: chính Văn Ngôn cũng đọc là Hậu đắc chủ. Theo Ngự Án, chữ Lợi phải cho về câu sau, và phải hiểu đại khái rằng: Tây nam được bạn là lợi. Đông Bắc mất bạn là lợi. Nơi đây, chúng ta không đi sâu vào chi tiết các lời bình giải ấy, mà chỉ cố tìm cho ra những đại chỉ của Dịch Kinh nơi quẻ Khôn.
A. Nhận định đầu tiên của chúng ta như sau:
-Kiền và Khôn là hai chiều, hai mặt của một thực thể, tức là Thái cực. Để hiểu Kiền, Khôn chúng ta xem đồ bản sau:
Kiền |
Khôn |
Dương |
Âm |
9 |
6 |
3 |
2 |
Thần |
Vật |
Tinh thần |
Vật chất |
Nội giới (spiritual world) |
Ngoại giới (world of the senses) |
Tâm chi thần minh |
Ngũ quan bá thể |
Đạo Tâm |
Nhân tâm |
Thánh Đạo |
Hiền Đạo |
Vương Đạo |
Thần Đạo |
Phụ |
Tử |
Phu |
Phụ |
Thành |
Kính |
Nhân |
Nghĩa |
Xướng |
Họa |
Cương |
Nhu |
Quân tử |
Tiểu nhân |
Thời gian |
Không gian |
Tròn |
Vuông |
Đại |
Tiểu |
B. Về phương diện Triết học & Siêu hình
Quẻ Khôn chủ trương rằng:
-Đất Trời cộng tác chặt chẽ với nhau, để sinh ra muôn ngàn biến hóa.
-Đất Trời là cặp ngẫu lực Âm Dương, luôn luôn tác động, luôn luôn hỗ trợ nhau, để hoàn thành công trình sinh dục vạn vật.
Kiền là mầm mộng sinh hóa, là tinh thần, là nguồn sống, là sinh khí, là hạt, là nhân .
Khôn là vỏ, là môi trường hoạt động, là hình hài, sắc tướng, là vật chất hữu hình bên ngoài.
Đất Trời trường cửu ngang nhau, cùng nhau góp công trình sinh dục vạn vật, nhưng chính, tùy, đôi đường phân cách. Trời là chủ chốt. Tinh thần là chủ chốt. Đất là tùy thuộc. Xác thân là tùy thuộc. Hoàn cảnh vật chất là tùy thuộc.
Định được lẽ tôn ti như vậy, mới tránh được nhiều điều lầm lỗi, nhiều hung họa tai ương. Dịch kinh bao giờ cũng chủ trương Dương tôn, Âm ti.
Hiểu được lẽ Dương tôn, Âm ti; Dương hơn, Âm kém; tinh thần trọng, vật chất khinh; Kiền Đạo hay Tinh thần làm chủ chốt, Khôn Đạo hay vật chất đóng vai tùy thuộc; ta sẽ hiểu được đại chỉ của Dịch kinh.
Dịch kinh, tuy biết lẽ biến hóa, tồn vong, tiêu tức chi phối cả Âm lẫn Dương, và cơ Trời biến hóa đó không sao tránh khỏi, nhưng bao giờ cũng chủ trương Âm khinh, Dương trọng, và luôn luôn hỗ trợ Dương, kiềm chế Âm.
Tiên Nho định lẽ khinh trọng ấy bằng hai con số 9 và 6. - Số 9 chỉ Dương ( đơn giản hóa còn 3). -Số 6 chỉ Âm đơn giản hóa còn 2. Vậy Dương cũng còn là 3, mà Âm là 2. Đó là ý nghĩa của mấy chữ Tam Thiên, Lưỡng Địa trong chương I Thuyết Quái.
Trong vòng Dịch Tiên Thiên, Kiền đứng đầu 32 quẻ Dương bên trái, Khôn đứng đầu 32 quẻ Âm bên phải.
Dương ở phía tả, chủ sinh dục, trưởng dưỡng, chủ cương cường, trong sáng, chủ nhân nghĩa, đạo đức. Đó là Đạo người quân tử. Làm cho Đạo Dương, Đạo Kiền (Đạo Quân tử hay Đạo Thánh nhân), phát huy đến cùng cực, sẽ đem lại cho trần thế sự an bình, thịnh trị.
Âm ở phía hữu, chỉ sự di thương, thảm sát. Âm là Nhu, Tối, Tư tà, Lợi lộc, là Đạo Kẻ Tiểu nhân. Để nó triển dương đến kỳ cùng, nó sẽ phát Sát cơ, sinh ra chiến tranh, tang tóc và muôn vàn tai họa, như Hào Thượng Lục của quẻ Khôn đã ám chỉ. Vì thế Thánh nhân viết Kinh Dịch, lúc nào cũng lo lắng phù trì Dương Đạo, phù trì Đạo người Quân tử, những ước mong cho nó được trở nên cường thịnh, viên mãn.
Ngược lại, lúc nào cũng muốn kiềm chế, bức bách cho Âm Đạo, cho Đạo kẻ Tiểu nhân suy vi, mai một. Nếu chủ trương Âm trọng, Dương khinh sẽ đi đến chỗ chiến tranh, tai ương , tàn khốc.
Ngự Án nơi Hào Sơ Lục quẻ Khôn, cũng bình luận rất sâu sắc về lẽ Âm, Dương. Ngự Án cho rằng:
Nơi con người, thì Dương là Tâm chi thần minh, Âm là ngũ quan bá thể. Trong nhân luân, thì Dương là vua, là cha, là chồng. Âm là bầy tôi, là con, là vợ.
Tâm linh, nhờ có chân tay mới vận động được, vua nhờ có tôi, chồng nhờ có vợ, cha nhờ có con, công việc mới chu toàn. Nơi con người, thì ngũ quan bá thể phải thuận phục tâm linh. Trong xã hội, thì thần tử, thê thiếp phải thuận phục quân phụ, hay phu quyền, như vậy xã hội mới có tôn ti, thể thống. Nếu nơi con người, tứ chi, tai mắt tự do theo sở dục; nếu trong xã hội, thần tử, thê thiếp tự ý hành sự; nếu nơi nhân thân, mà lý với dục giao tranh; nếu nơi xã hội mà công tư va chạm, thì mầm loạn lạc sẽ phát sinh. Như vậy Ngự Án đã cho ta biết cơ vi thiện ác, trị loạn và những phương cách phòng ngừa.
C. Quẻ Khôn là đường lối tu thân của một người chưa được minh giác, chưa phối hợp được với Thượng Đế.
Khi chưa được minh giác, tức là khi tâm hồn còn bơ vơ, vô chủ, sống mặc tình theo những phản ứng của tâm tư, những suy luận hẹp hòi của lý trí, nên dĩ nhiên là bị lầm than, mê lạc. Chỉ khi nào, nhận định ra được căn cơ, chủ chốt của lòng mình là Thiên Tính, là Đạo Tâm, thì bấy giờ mới mong được hưởng thụ phúc khánh!
Khi chưa giác ngộ, nên theo đa số mà xử sự, ở ăn; lúc đã nhận định được Thiên địa chi tâm trong lòng mình, thời phải biết siêu quần bạt tụy, sống khinh phiêu, thung dung, tự tại. Được như vậy, mới thật là may mắn, hạnh phúc. (Xem lời Thoán).
Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện
1. Hào Sơ Lục.
Hào Sơ Lý Sương mô tả lúc Âm khí vừa thoạt mới manh nha. Tuy nó vừa chớm nở, chớm phát, nhưng đó là điềm quốc phá gia vong sau này. Phải thận trọng, phải ngăn ngừa ngay mới kịp (Lý sương. Kiên băng chí)
2. Hào Lục nhị.
Người Quân tử, khi mới bước chân vào con đường Tu thân, Tu Đạo, hãy biết lấy chữ Kính làm đầu. Kính sợ Trời ẩn áo, huyền vi ngay trong tâm khảm mình, chỉnh trang lại tâm thần cho nên hẳn hoi, ngay ngắn. Cải thiện lại đời sống bên ngoài, cố sao cho hành vi, cử chỉ nhất thiết hợp Đạo, hơp nghĩa. Có như vậy mới đi đến chỗ cao đại được (Trực phương đại. Bất tập vô bất lợi)
3. Hào Lục tam.
Quẻ Khôn cũng dạy Đạo làm thần tử. Người thần tử lo thi hành phận vụ, không ỷ chức, ỷ quyền, không tâng công, không khoe tài, khoe trí, dẫu có tài cũng không phô trương, luôn khiêm cung, kín đáo, tùy thời, tùy thế mà thi thố tài năng để làm tròn phận vụ (Hàm chương khả trinh. Hoặc tòng vương sự. Vô thành hữu chung.)
4. Hào Lục tứ.
Gặp khi thời cuộc đảo điên, gặp khi người trên sinh lòng ngờ vực, thời lại càng phải biết im hơi lặng tiếng, minh triết bảo thân. Thế mới là Quát nang vô cữu.
5. Hào Lục ngũ.
Hơn nữa, mục đích tu thân của người quân tử, là đạt tới Thiên vị, tức Trung Điểm, hay Lý Trung Hoàng. Nhận thức được bản tính cao sang của mình, thực hiện được định mệnh sang cả của mình, lồng được Trời vào trong Tâm mình, để cho vẻ đẹp đẽ của Trời chói rọi ra nơi châu thân mình, tỏa lan ra sự nghiệp của mình. Thế mới là đắc Đạo (Hoàng thường. Nguyên cát).
6. Hào Thượng Lục.
Ngoài ra, quẻ Khôn còn như muốn tiên tri, tiên đoán một thời đại mà vật chất hoàn toàn làm chủ, đa số làm chủ, phân ly, gián cách làm chủ. Khi ấy nhân loại sẽ sống một thời kỳ nhiễu nhương, máu lửa ngập trời. Dịch kinh đã đề cập đến thời đại ấy bằng mấy chữ Long chiến vu dã. Kỳ huyết huyền hoàng.
*Nếu thời Kiền là thời hoàng kim mai hậu, là thời thái bình lúc chung cuộc; thì thời Khôn là thời sắt thép, lúc muôn sự còn dở dang, nửa đời, nửa đoạn. Đó là thời mạt kiếp, mạt pháp, mà các Đạo giáo thường nhắc nhở tới. Nhưng đối với Dịch, tuy thời Khôn là thời nhiễu nhương máu lửa, nhưng không phải vì thế mà lịch sử nhân quần sẽ cáo chung, Vật cùng tắc biến, biến tắc thông. Sau thời kỳ đen tối ấy, nhân loại sẽ quay trở về với các giá trị tinh thần, mọi sự rồi ra sẽ trở nên tốt, nên hay. Cho nên Hào Dụng Lục nói thêm:
Khí Âm biến hóa xong rồi,
Rồi ra lợi lộc tốt tươi, Cửu trường.
Tượng rằng: Vĩnh viễn, Cửu trường,
Là vì kết cuộc phi thường cao siêu.
ÁP DỤNG QUẺ KHÔN VÀO THỜI ĐẠI
Quẻ Khôn dạy chúng ta phải luôn gia ý đề phòng, đừng để nước đến chân mới nhẩy, phải biết nhìn xa, trông rộng, biết lo lường, ngăn chặn ngay từ lúc hung họa mới manh nha. Nếu chúng ta biết đề phòng, biết ngăn ngừa căn cơ hung họa từ khi mới nứt nanh sơ khởi, thì làm sao chúng ta có thể lâm cảnh thân tàn, ma dại, nước mất, nhà tan. Một mặt khác, nếu chúng ta biết tích đức, tu thân, gặp điều lành dẫu là nhỏ mấy, cũng tha thiết mà làm, mà gom, mà góp, cứ như thế thì lo chi không được phúc khánh miên trường. Trong Thái Thượng Cảm ứng thiên có câu: Hoạ phúc vô môn duy nhân tự chiêu (Họa phúc không cửa ngõ, do người tự chiêu lai), cũng không ngoài ý đó. Tóm lại, quẻ Khôn dạy ta lẽ Xướng tùy, hòa hợp: nhân tâm phải biết tùy thuộc Đạo tâm, Người phải biết tùy thuộc Trời; người dưới tùy thuộc người trên; vợ tùy thuộc chồng. Tùy thuộc đây phải được hiểu theo lẽ xướng họa hô ứng, một bên khởi xướng, một bên thi hành, chung lưng góp sức, cùng nhau đắp xây đại cuộc.
Nguồn bài viết:
- Kinh dịch Ngô Tất Tố
- Kinh dịch Đạo người quân tử - Nguyễn Hiến Lê
- Website nhantu.net