Nội dung bài viết
水 雷 屯 THỦY LÔI TRUÂN
I. Thoán.
II. Đại Tượng Truyện.
III. Hào Từ
IV. Áp dụng quẻ Truân vào thời đại
水 雷 屯 THỦY LÔI TRUÂN
Truân Tự Quái
Đất trời rồi mới quần sinh.
Quần sinh đầy dẫy, quán doanh đất trời.
Truân là sơ khởi pha phôi.
Truân là muôn vật sinh sôi tràn đầy.
Truân là vạn vật chào đời.
Truân có hai nghĩa: 1. Là đầy dẫy. 2. Truân chiên vất vả. Truân, nếu là thời kỳ đất trời vừa thoạt giao nhau, làm cho vạn vật nẩy sinh đầy dẫy khắp nơi, nhưng chính vì Âm Dương vừa thoạt giao nhau, nên sinh khí còn uất kết, chưa thông suốt.
Truân tượng trưng cho bước truân chiên (truân chuyên) thuở ban đầu, quẻ Truân là hoạt động trong nguy hiểm.
Truân đối với vũ trụ, là thời kỳ thiên địa sơ khai, vạn vật bắt đầu sinh. Truân đối với cá nhân, là lúc sơ sinh, ấu trĩ. Truân đối với quốc gia là thời kỳ khai quốc, sáng nghiệp . . .
Truân là thời kỳ gian nan, vất vả lúc ban đầu, khác với Kiển là gian nan lúc giữa cuộc, khác với Khốn là khốn khổ lúc chung cuộc, khác với Khảm là gian nan, hoạn nạn nói chung.
I. Thoán.
Thoán Từ:
屯:元,亨,利,貞,勿用,有 攸 往,利 建 侯。
Truân. Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Vật dụng hữu du vãng. Lợi kiến hầu
Dịch.
Truân chiên vất vả lúc ban đầu.
Nhưng sẽ hanh thông vận hội sau,
Phải biết bền gan đừng vọng động
Tìm người trợ giúp, ích bền lâu.
Tuy nhiên, dầu có gian nan, nhưng rồi ra các trở ngại sẽ như băng tan, tuyết tán, các rối ren sẽ được tháo gỡ, mọi chuyện éo le, trắc trở, nhờ tài kinh luân của con người biết tạo thời thế sẽ được giải quyết êm xuôi.
Thoán Truyện viết:
屯,剛 柔 始 交 而 難 生,動 乎 險 中,大 亨 貞。雷 雨 之 動 滿 盈,天 造 草 昧,宜 建 侯 而 不 寧。
Truân cương nhu thủy giao nhi nạn sinh. Động hồ hiểm chung. Đại hanh trinh. Lôi vũ chi động mãn doanh. Thiên tạo thảo muội. Nghi kiến hầu nhi bất ninh.
Dịch.
Thoán rằng:
Cương, nhu vừa mới giao nhau
Truân chuyên, trắc trở bắt đầu nẩy sinh.
Mưu đồ giữa buổi điêu linh,
Bền gan sẽ thấy tiền trình hanh thông.
Mưa rơi, sấm động trập trùng,
Muôn loài nhờ đó tưng bừng nẩy sinh.
Vận trời rối rắm, u minh,
Tìm người phụ bật, riêng mình chớ ngơi.
Cho nên, thấy khó khăn đừng vội thất vọng, mà phải biết một dạ sắt son, giữ cho tròn Đạo lý, phải lo tìm cách gỡ rối, lo tìm người đồng tâm, đồng chí chung sức tái tạo non sông. Phương châm hoạt động lúc này, là phải biết tìm ra nguyên nhân của rối ren, tao loạn, hoạch định những phương sách phò nguy, cứu khổ cho rõ ràng, tìm người phụ bật cho hay, lựa thời thế thuận tiện, mới ra tay lèo lái, chớ đừng nhắm mắt làm liều.
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰: 云,雷,屯 . 君 子 以 經 綸。
Tượng viết:
Vân lôi. Truân. Quân tử dĩ kinh luân.
Dịch.
Tượng rằng: Mây, Sấm là Truân
Hiền nhân phải biết kinh luân, mới tài.
Gặp buổi truân chiên, quân tử hãy ra tay gỡ rối, phải dùng hết trí lực, tài ba mà lo xoay chiều thế cuộc.
III. Hào Từ
初 九: 磐 桓, 利 居 貞, 利 建 侯 - Sơ Cửu: Bàn hoàn, lợi cư trinh, lợi kiến hầu
Dịch nghĩa. - Hào Chín Đầu: Quanh co, lợi về ở chính bền, lợi về dựng tước hầu.
Truyện của Trình Di - Hào Đầu là hào Dương, ở dưới,tức là kẻ có tài cương minh, gặp đời truân gian mà ở ngôi dưới. Chưa thể đi ngay cho qua cảnh truân, nên phải quanh co. Đương buổi đầu hồi truân, nếu không quanh co mà vội tiến lên, thì phạm vào nạn, cho nên phải ở một cách chính đính mà giữ cho bền chí. Đại phàm người ta ở cảnh truân nan, ít kẻ giữ được chính đính. Nếu không giữ được chính đính vững bền, thì sẽ trái nghĩa, qua sao được cảnh truân? Ở đời truân, đương bị gian nan ở dưới, nên có kẻ giúp, đó là cái đạo ở cảnh truân và qua cảnh truân, cho nên mới dùng nghĩa “dựng tước hầu”; tức là tìm người giúp đỡ vậy
Bản nghĩa của Chu Hy. - Bàn toàn là cái trạng thái khó tiến. Đầu hồi truân nan là hào Dương ở dưới lại ở vào một thể động, mà trên ứng nhau với hào Âm nhu, hãm hiểm, cho nên có tượng quanh co. Nhưng nó ở được chỗ chính, cho nên lời chiêm của nó là lợi về sự đính chính. Vả lại, nó vốn là hào làm chủ sự lập thành quẻ, là Dương, chịu ở dưới Âm, tức là cái tượng nhân dân theo chờ, cho nên tượng nó như thế,mà kẻ xem như thế thì lợi về sự dựng lên để làm tước hầu.
Tóm tắt - Như trên đã nói, hào này là dương, tượng người có tài, lại đắc chính vì dương ở dương vị, cho nên giữ được điều chính và có lợi; sau cùng nó là dương mà lại dưới hai hào âm trong nội quái, có cái tượng khiêm hạ, được lòng dân. Vậy là người quân tử mới đầu tuy còn do dự, sau sẽ được giao cho trọng trách giúp đời
六 二: 屯 如 邅 如, 乘 馬 班 如, 匪 寇 婚 媾 . 女 子 貞 不 字, 十 年 乃 字 - Lục nhị: Truân như, chiên như, thừa mã ban như! Phỉ khẩu, hôn cấu. Nữ tử trinh bất tự, thập niên nãi tự.
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Hai: Dường quanh co vậy, đường cưỡi ngựa rẽ ra vậy. Chẳng phải giặc: dâu gia. Con gái trinh tiết không đặt tên chữ, mười năm mới đặt tên chữ.
Truyện của Trình Di - Là Âm nhu, ở đời truân nan, tuy có kẻ chính ứng ở trên (chỉ vào hào Năm) mà bị bức vì hào Đầu là hào Dương cương, nên phải quanh quanh co co. Cưỡi ngựa tức là muốn đi, muốn theo kẻ chính đính ứng nhau với mình mà lại rẽ ra không thể tiến lên. Hào Hai gặp đời truân nan, tuy là không thể tự giúp cho mình, mà nó ở giữa, được ngôi chính, có kẻ hưởng ứng ở trên, không mất đạo nghĩa. Nhưng nó bị tức về hào Đầu, Âm là cái mà Dương vân tìm, mềm là cái mà cứng vẫn lấn, thể mềm đương lúc truân nan, vẫn khó tự giúp, lại bị Dương cương vẫn bức, nên mới là nạn, nếu không bị bức về giặc nạn thì nó sẽ đi mà tìm dâu gia, dâu gia tức là kẻ chính ứng trên kia rồi. Giặc là chỉ vào kẻ phi lý mà đến. Hào Hai giữ nết trung chính, không cẩu thả họp nhau với hào Đầu, cho nên không sinh đẻ. Nếu cứ chính bền không thay đổi, cho tới mười năm, truân nan cực điểm, phải thông đạt, sẽ được kẻ chính đính ứng với mà sinh con, nuôi con. Là hạng con gái Âm nhu, mà giữ được chí tiết, lâu rồi cũng được thông đạt, huống chi là hạng quân tử giữ đạo mà không cong queo. Hào Đầu là người hiền minh cương chính mà lại là giặc để bức người ta, là sao? Đáp rằng: Đây cứ theo nghĩa “hào Hai là mềm gần cứng” không kể cái đức hào Đầu ra sao. Sự dùng nghĩa của Kinh Dịch như thế.
Bản nghĩa của Chu Hy. – 班(ban) là bộ điệụ chia rẽ không tiến 字(tự) là hứa gả chồng. Kinh Lễ nói rằng: “Con gái hứa gả chồng, thì cài trâm và đặt tên chữ”. Hào Sáu Hai Âm nhu trung chính, có kẻ hưởng ứng ở trên, mà lại cười lên hào Đầu là hào Dương cương, cho nên bị ngăn cản mà phải quanh co không tiến. Nhưng hào Đầu không phải giặc cướp, là kẻ cầu làm hôn nhân với mình, có điều mình vẫn giữ thói đính chính, không ứng với nó, mãi đến mười năm, số cùng, lý cực, thì kẻ tìm càn kia phải đi, kẻ hưửng ứng chính đáng họp lại mà có thể ứng. Hào này có tượng ấy, nên mới nhân đó mà răn kẻ xem.
六 三: 即 鹿, 无 虞, 惟 入 于 林 中. 君 子 幾, 不 如 舍, 往 吝 - Lục tam: Tức lộc vô ngu, duy nhập vu lâm trung, quân tử cơ bất như xả, vãng lận.
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Ba: Theo hươu không có ngu nhân, chỉ vào trong rừng. Đấng quân tử biết cơ, không bằng bỏ đi thì hối tiếc.
Truyện của Trình Di - Sáu Ba là hào Âm như ở ngôi cương, cái tài mềm yếu đã không thể làm yên sự truân nan, lại ở ngôi cương mà không chính giữa, thì phải động càn, nó chi tham về cái vẫn tìm, đã không tự giúp cho mình mà lại không có ứng viện, thì sẽ đi đâu? Giống như theo hươu mà không có ngu nhân. Những người vào nơi rừng núi, phải có ngu nhân đưa đường, nếu không có kẻ đưa đường, thì chỉ hãm vào rừng rậm mà thôi. Đấng quân tử nhìn thấy cơ vi của công việc, bất nhược bỏ đó đừng theo. Nếu đi, thì chỉ mua lây sự cùng khốn.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào Âm nhu, ở dưới, không giữa, không chính, nên không có kẻ chính ứng, đi càn để mua lấy sự cùng khốn, đó là cái Tượng theo hươu không có ngu nhân, hãm vào trong rừng. Đấng quân tử kiến cơ, chẳng bằng bỏ quách; nếu đi đuổi mà không bỏ, ắt bị thẹn tiếc. Răn kẻ xem phải nên như thế.
Tóm tắt - Hào 2, âm, vừa đắc trung lẫn đắc chính, lại ứng với hào 5 cũng đắc trung đắc chính ở trên, như vậy là tốt. Chỉ hiềm cách xa hào 5 mà lại ở sát ngay trên hào 1, dương , bị 1 níu kéo, cho nên còn ở trong cảnh truân chuyên (khó khăn). Nhưng đừng ngại, hào 1 có tư cách quân tử , không phải là kẻ xấu muốn hảm hại mình, chỉ muốn cưới mình thôi (1 là dương, 2 là âm). Đừng nhận lời, cứ giữ vững chí, mươi năm nữa sẽ kết hôn với hào 5. Chữ tự [ 字 ] ở đây nghĩa là gả chồng. Theo kinh Lễ, con gái tới tuổi gã chồng thì cài trâm và đặt tên tự.
六 四: 乘 馬 班 如 . 求 婚 媾, 往 吉, 无 不 利 - Lục tứ: Thừa mã ban như, cầu hôn cấu, vãng cát, vô bất lợi.
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Tư: Cưỡi ngựa dường rẽ ra vậy, tìm dâu gia, đi thì tốt, không gì không lợi.
Truyện của Trình Di - Sáu Tư là hào mềm thuận, ở ngôi gần vua, ấy là tương đắc với người trên, mà tài không đủ làm qua cảnh truân, cho nên muốn tiến lại thôi, như người cưỡi ngựa rẽ ra. Mình đã không thể làm qua cảnh truân của đời, nếu tìm người để giúp cho mình có thể qua. Hào Đầu là người hiền có đức Dương cương, tức là kẻ dâu gia chính ứng với mình, nếu tìm hạng dâu gia Dương cương ấy để đi cùng giúp ông vua Dương cương trung chính mà làm cho qua cảnh truân của đời, thì tốt, mà không cái gì không lợi. Ở ngôi công khanh, tài mình không đủ làm qua cảnh truân của đời, nhưng nếu biết những người hiền thân ở dưới mà dùng, thì làm gì không được?
Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào Âm nhu ở vào cảnh truân nan không thể tiến lên, cho nên là tượng cưỡi ngựa rẽ ra. Nhưng có hào Đầu, giữ đường chính đính, ở dưới để ứng với mình, cho nên lời chiêm là xuống tìm dâu gia thì tốt.
Tóm tắt - Hào này âm nhu, đắc chính là người tốt nhưng tài tầm thường, gặp thời Truân không tự mình tiến thủ được. Tuy ở gần hào 5, muốn cầu thân với 5, nhưng 5 đã ứng với 2 rồi, thế là 4 muốn lên mà không được, như người cưỡi ngựa muốn tiến mà dùng dằng. Chu Công khuyên hào 4 nên cầu hôn với hào 1 ở dưới thì hơn: (vì 1 có tài đức) mà cùng nhau giúp đời, không gì là không lợi.
九 五: 屯 其 膏; 小 貞 吉, 大 貞 凶 - Cửu ngũ: Truân kỳ cao, tiểu trinh cát, đại trinh hung.
Dịch nghĩa. - Hào Chín Năm: Gian truân thửa ơn huệ, nhỏ mà trinh thì lành, lớn mà trinh thì dữ.
Truyện của Trình Đi. - Hào Năm ở ngôi tôn được chỗ chính, mà gặp thời truân, nếu có người hiền nào bậc cương minh giúp đỡ, thì có thể qua được cảnh truân. Vì không có bề tôi, cho nên mới truân. Đã có sự tôn trọng của đấng nhân quân tuy ở vào đời truân nan, về danh vị vẫn không hại gì, có điều sự thi thố không được, đức trạch không lan xuống, thế là truân về ân huệ, tức là cảnh truân của đâng nhân quân. Âm trạch đã không lan xuống, thì uy quyền không còn ở mình; uy quyền đã mất mà muốn lấy lại bằng cách gấp vội ấy là rước lấy sự không hay… cho nên, nhỏ mà chinh thi tốt. Nhỏ mà chính nghĩa là chính lại dần dần, như Bàn Canh nhà Thương, Tuyên Vương nhà Chu, sửa đức mình, dùng người hiền, khôi phục chính sự của tiên vương, chư hầu lại chầu. Nghĩa là dùng cách đưa đến từ từ, để cho họ khỏi làm điều bạo ngược.
Bản nghĩa của Chu Hy, - Hào chín Năm tuy là Dương cương trung chính, ở ngôi tôn, nhưng đương thời truân, hãm trong chỗ hiểm, dù có hào Sáu Hai chính ứng mà có âm nhu tài yếu, không đủ giúp việc; hào Chín Đầu lại được lòng dân ở dưới, chúng đều theo về, hào Chín Năm tuy có ơn trạch, không thể ban ra; đó là cái tượng truân về ơn trạch. Kẻ xem để xử việc nhỏ, thì cứ giữ đường chính đính có thể được tốt; để xử việc lớn, tuy là chính đính cũng không khỏi hung.
Tóm tắt - Hào cửu ngũ này vừa chính vừa trung, ở địa vị chí tôn, đáng lẽ tốt; nhưng vì ở trong thời gian truân (quẻ Truân) lại ở giữa ngọai quái là Khảm, hiểm, nên chỉ tốt vừa thôi. Hào 2 tuy ứng với nó nhưng âm nhu , không giúp được nhiều; lại thêm hào 1 ở dưới, có tài đức, được lòng dân, uy quyền gần như lấn 5, mà ân trạch của 5 không ban bố khắp nơi được. Cho nên 5 phải lần lần chỉnh đốn các việc nhỏ đã, đừng vội làm việc lớn mà hỏng.
上六: 乘 馬 班 如, 泣 血 漣 如 - Thượng Lục: Thừa mã ban như, khấp huyết liên như.
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Trên: Cưỡi ngựa dường rẽ ra vậy; khóc ra máu đầm đìa vậy
Truyện của Trình Di - Hào Sáu là Âm nhu, nhằm cuối quẻ Truân, ở chỗ hiểm cực mà không có kẻ ứng viện, ở thì không yên, động thì không có chỗ đi, cưỡi ngựa muốn đi, lại phải rẽ ngang không tiến, cùng truân quá đỗi, đến nỗi khóc ra máu mắt đầm đìa, đó là truân đến cùng cực. Nếu là Dương cương mà có kẻ giúp, thì khi truân đã cùng cực có thể qua được.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào Âm không có ứng viện, ở cuối cảnh truân, tiến nữa thì không có chỗ đi, chỉ có lo sợ mà thôi, cho nên tượng nó như thế.
Tóm tắt - Hào này ở trên cùng, là thời gian truân tới cực điểm. Nếu là hào dương (có tài trí) thì gian truân cùng cực sẽ biến thông; nhưng hào này là hào âm, bất tài, bất trí, nhu nhược, chỉ biết lên lưng ngựa rồi mà vẫn dùng dằng mà khóc đến chảy máu mắt (Hào tuy ứng với hào 6 nhưng cũng âm nhu, chẳng giúp được gì)
IV. Áp dụng quẻ Truân vào thời đại
Quẻ Truân nói lên tình trạng Truân chuyên (khó khăn) lúc ban đầu của những người muốn lập sự nghiệp.
1. Những người muốn dùng Chính trị làm sự nghiệp.
Khi nếp sống ở nơi định cư đã được yên ổn, thì con người bắt đầu nghĩ đến xây dựng lại sự nghiệp đã mất.
Có người vì muốn bảo vệ cho đồng bào ruột thịt của mình được hữu hiệu, nên họ đã nghĩ cách chen chân vào chính quyền của dân bản xứ, họ đầu đơn ứng cử nghị viên, dân biểu vv... Họ thành công hay thất bại không quan trọng, nhưng quan trọng nhất là họ đã đi đúng đường, vì họ có mục tiêu rõ rệt là nếu thành công họ có thể bảo vệ đồng bào của họ một cách đường hoàng, hữu hiệu nơi xứ người.
Nhưng lại có 1 số người khác, không có chính kiến, hay lập trường gì rõ rệt, nhưng lại thích làm chính trị, thích a dua theo bè phái, họ theo mà không rõ theo cái gì?
Họ sống trong mộng ảo là có thể nhờ tụ họp bè nọ, phái kia, may ra có thể tiến hơn. Những người này là những người rất dễ bị bọn Hoạt đầu chính trị, tham tâm, mưu lợi, lợi dụng họ. Họ chỉ theo vì a dua, chứ không bao giờ chịu suy nghĩ rằng: những người muốn cầm đầu mình, lơi dụng mình đó, thực ra họ có tài năng, đức độ, kinh nghiệm không? và họ có chính kiến gì không? Nơi đây có môi trường gì để họ hoạt động? Nếu có, thì chính kiến của họ đúng hay sai? Nếu không có, thì hoạt động sẽ đi đến đâu?
Thực ra, trên đời này Làm chính trị đâu có dễ. Người có tâm huyết làm Cách Mạng như cụ Phan Bội Châu, được dân kính mến, cũng đành thúc thủ, huống chi những người không có chút tiếng tăm, hoặc tài năng gì. Hơn nữa ở nơi xứ người đâu có môi trường làm chính trị? Cho nên, nếu ta nhẹ dạ, nghe theo lời họ, thì không biết sẽ còn đi đến đâu, nếu ta theo họ mà làm điều gì quá đáng. Sự thật, cầm đầu một gia đình còn khó, huống hồ làm việc đại sự.
2. Những người gây dựng sự nghiệp bằng thương mại.
A. Người có tài thực sự, nhưng lại thiếu người cộng tác. Những người này phải đi tìm người cộng tác, phải chịu trả lương cao để kéo người giỏi về mình. Nhưng nếu họ kiêu ngạo, coi rẻ, bóc lột tài năng người cộng tác, thì cũng chẳng đi tới đâu. Sự nghiệp của họ nếu thành công đi chăng nữa, thì sự thành công đó cũng không vững bền.
B. Người không có tài, nhưng lại có chí muốn gây dựng sự nghiệp. Những người này sẽ thành công, nếu họ biết tìm người tài năng hơn họ, biết cư xử khéo để lấy lòng người. Những người này, họ biết mình kém tài, thua kém người mà họ mời về cộng tác, nên họ không hợm hĩnh, kiêu ngạo, nếu họ lại tỏ ra rộng rãi với người cộng tác với họ, thì chắc chắn họ sẽ thành công. Tóm lại, Sự thành công ở đời không phải do tại số, hay do may mắn, mà phải nói thành công ở đời, ít nhất cũng phải tài giỏi về một phương diện nào đó vậy.
3. Người gây dựng sự nghiệp bằng sự chuyên cần học hành, nghiên cứu của mình.
Những người này là những người có óc thực tế, Họ biết lợi dụng sự giúp đỡ của chính quyền nước bạn, của sự thông minh, của sự chuyên cần nơi chính bản thân họ, để đạt đến mục đích của họ. Họ đã rất vất vả lúc ban đầu (có khi kéo dài cả 10 năm), vừa đi làm, vừa đi học; và nay đã có nhiều người, đã chiếm được địa vị khả quan trong xã hội người bản xứ. Nhiều người, trong số những người này đang đi vào con đường phát minh, nghiên cứu, ngõ hầu có thể mang tài năng mình ra để phụng sự cho nhân loại, cho dân tộc. Họ là những người đáng cho ta kính trọng, và xứng đáng là người dẫn dắt cho con em chúng ta mai sau. Họ là người biết dùng thời gian, biết xử dụng tài năng, biết xây dựng sự nghiệp cho mình một cách đúng cách.
4. Những người xây dựng bằng sự nghiệp văn chương.
Những người này như con tầm nhả tơ, mang hết óc chất của mình ra để tạo ra những áng thơ, văn hoặc những sưu tầm nghiên cứu của mình, lòng chỉ mong có thể mang lại lợi ích gì cho thế hệ mai sau, nhưng như 2 câu thơ sau:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như.
(Ba trăm năm sau còn ai khóc Tố Như (Nguyễn Du)
Nhưng, những áng thơ gợi hình, gợi cảnh của truyện Kiều, khó làm ta quên được. Vẫn biết Văn chương hạ giới rẻ như bèo, nhưng những người cầm bút chân chính, vẫn không sao bỏ nghề được. Phải chăng đó là cái Nghiệp?
Chúng ta, những người đã đi, đang đi, và sắp đi vào con đường xây dựng sự nghiệp ở trên, mong rằng hãy suy nghĩ kỹ càng, rồi mới hành sự, cũng chưa muộn vậy.
Nguồn bài viết:
- Kinh dịch Ngô Tất Tố
- Kinh dịch Đạo người quân tử - Nguyễn Hiến Lê
- Website nhantu.net