Nội dung bài viết
山 水 蒙 SƠN THỦY MÔNG
I. Thoán.
II. Đại Tượng Truyện.
III. Hào từ
IV. Áp dụng quẻ Mông vào thời đại
山 水 蒙 SƠN THỦY MÔNG
Mông Tự Quái
Truân là vạn vật chào đời ,
Hãy còn mông muội, chơi vơi, ngỡ ngàng.
Cho nên tiếp tới quẻ Mông,
Mông là dốt nát, mịt mùng, thơ ngây.
Mông là mông muội, tối tăm, là non nớt, ấu trĩ. Có nhà bình luận cho rằng: chữ Mông gợi ra hình ảnh một căn nhà tối tăm, lụp xụp, mái rủ xuống gần sát đất, tiêu biểu cho thời kỳ man dại xa xưa, khi mà dân chúng còn ở trong những mái nhà thô sơ, còn ngu si, dốt nát . . .
I. Thoán.
Thoán Từ.
蒙:亨。 匪 我 求 童 蒙,童 蒙 求 我。初 噬 告,再 三 瀆,瀆 則 不 告。 利 貞。
Mông. Hanh. Phỉ ngã cầu đồng mông. Đồng mông cầu ngã. Sơ phệ cốc. Tái tam độc. Độc tắc bất cốc. Lợi trinh.
Dịch.
Ngây thơ Mông muội có cơ hay,
Thầy không cầu trẻ, trẻ cầu thầy.
Nhất thứ cầu ta, ta chỉ giáo,
Tái tam sàm sỡ, chẳng phô bày.
Đại phàm dạy dỗ, vẽ bày,
Phải cho trinh chính, mới hay, mới lời.
Quẻ Mông muốn đề cập đến công trình giáo hóa, để khai phóng cho con người khỏi dốt nát, mông muội; hoặc là con người lịch sử khi còn man di, mông muội; hoặc là con người lê thứ còn dốt nát, u mê; hoặc là những trẻ thơ còn khờ khạo, vừa chập chững bước vào đời. Nếu xét về thời gian và tuổi tác, con người có thể ngu muội nhất thời, nhưng nếu xét về bản tính, về tính chất, thì con người vốn thông minh. Dẫu hồng trần, dẫu ngoại cảnh, có thể nhất thời như sa mù che mất cốt cách, mất tâm linh, con người vẫn có thể nhờ giáo hóa mà trở nên sáng láng. Vì vậy Thánh nhân đề cao sự giáo hóa, giáo dục.
Thoán Truyện viết:
彖 曰. 蒙,山 下 有 險,險 而 止,蒙。蒙 亨,以 亨 行 時 中 也。匪 我 求 童 蒙,童 蒙 求 我,志 應 也。初 噬 告,以 剛 中 也。再 三 瀆,瀆 則 不 告,瀆 蒙 也。蒙 以 養 正,聖 功 也。
Mông. Sơn hạ hữu hiểm. Hiểm nhi chỉ. Mông. Mông hanh. Dĩ hanh hành thời trung dã. Phỉ ngã cầu đồng mông. Đồng mông cầu ngã. Chí ứng dã. Sơ phệ cốc. Dĩ cương trung dã. Tái tam độc. Độc tắc bất cốc. Độc mông dã. Mông dĩ dưỡng chính. Thánh công dã.
Dịch.
Thoán rằng:
Mông là dưới núi có nguy nan,
Nguy hiểm dừng chân, vẻ ngỡ ngàng.
Mông đấy, rồi ra hạnh vận đấy,
Hợp thời, hợp Đạo, sẽ thênh thang.
Ta đâu cầu trẻ, để khai quang,
Trẻ phải cầu ta, chỉ lối đàng.
Chí trẻ, chí ta cần ứng hợp,
Tương ứng rồi ra dễ bảo ban.
Nhất thứ cầu ta, ta chỉ giáo,
Mới là chính đáng, mới khôn ngoan.
Tái tam sàm sỡ, thôi dạy bảo,
Sàm sỡ âu đành tính trẻ con.
Ta đây dạy dỗ mầm non,
Cốt là nuôi dưỡng, bảo toàn tinh hoa.
Khải mông, dưỡng chính bôn ba,
Dưỡng nuôi chính khí, mới là Thánh công.
Giáo hóa, giáo dục, cốt là để phát huy phẩm cách con người, tinh hoa con người, để rốt ráo con người sẽ trở nên Thánh Hiền. Phát Mông có mục đích là Dưỡng chính.
Như vậy, đừng thấy con người còn ngu si, mà đã vội thất vọng. Đó là những viên ngọc quí, đang chờ sự dũa mài để trở nên giá trị. Vì thế, tuy Mông mà vẫn Hanh. Nhưng muốn giáo hóa cho kết quả, không phải thầy đi cầu trò, mà trò phải thành khẩn cầu thầy.
Con người có tha thiết đi tìm chân lý, con người có tha thiết muốn hoán cải mình, thì khi ấy minh sư mới dễ bề khai quang, điểm hóa. Chân lý là cái gì quý báu, cần được truyền thụ trong một bầu không khí kính cẩn, chứ không phải ngọc để ngâu vầy. Đó là đại ý Thoán Từ, Thoán Truyện.
II. Đại Tượng Truyện.
Tượng viết:
象 曰. 山 下 出 泉,蒙﹔ 君 子 以 果 行 育 德。
Sơn hạ xuất tuyền. Mông. Quân tử dĩ quả hạnh dục đức.
Dịch.
Tượng rằng: Dưới núi suối tuôn,
Lo sao đức hạnh vuông tròn, mới nên.
Nhìn Tượng quẻ Mông, ta liên tưởng tới một dòng suối từ lòng núi tuôn ra, còn ngỡ ngàng, e ấp, chưa biết chẩy về hướng nào, ngả nào. Đại Tượng Truyện nhân đó khuyên ta nên lập chí cho cương kiên, tu đức cho sung mãn, có như vậy ta sẽ như dòng suối vô tận ào ạt tuôn ra tràn ngập bốn biển, năm hồ.
III. Hào từ
初 六: 發 蒙, 利 用 刑 人, 用 說 桎 梏, 以 往 吝 - Sơ Lục: Phát mông, lợi dụng hình nhân, dụng thoát chất cốc, dĩ vãng, lận.
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Đầu: Mở mang trẻ thơ, lợi dùng về sự hình phạt người ta để thoát gông cùm, đi thì hối tiếc.
Truyện của Trình Di - Hào Đầu là Âm tối, ở dưới, ấy là kệ dân mờ tối; hào này nói là cách mở mang cho họ. Mở mang sự mờ tối cho kẻ dân, thì tỏ rõ hình cấm với họ, khiến họ biết sợ, rồi sau mới theo đó mà dạy bảo họ. Từ xưa các đấng thánh vương làm việc chính trị, phải đặt ra hình phạt để làm cho dân chúng nhất tề, tỏ rõ giáo hóa để làm cho phong tục lành phải; hình phạt lập rồi, giáo hóa mới thực hiện được. Dù mà thánh nhân chỉ chuộng đức hóa không chuộng hình phạt, nhưng cũng chưa từng bỏ riêng đàng nào. Cho nên lúc mới dựng nền chính trị, phải lập phép luật trước đã, lúc mới trị kẻ tối tăm phải dọa họ bằng hình phạt, để trút những cái gông cùm về sự mờ mịt của họ, gông cùm tức là trói buộc, không bỏ được những gông cùm về sự mờ mịt, thì thiện giáo không có đường nào mà vào. Đã dùng hình cấm dắt họ, dầu mà bụng họ chưa thể hiểu được, nhưng họ cũng phải sợ oai mà theo, không dám thả động cái lòng ham muốn mờ mịt, rồi mới có thể dần dần hiểu biết đạo phải mà đổi cái bụng, thì mới có thể thay đổi thói tục. Nếu chỉ chuyên dùng hình phạt để làm việc, thì kẻ tối tăm tuy là có sợ, nhưng rút lại vẫn không thể mở mang, họ chỉ cẩu thả tránh cho khỏi tội mà không còn có liêm sỉ, trị hóa không thể thành được. Cho nên hễ dùng kiểu đó mà đi thì là đáng tiếc.
Bản nghĩa của Chu Hy - Là Âm ở dưới, đó là tối tăm quá đỗi. Kẻ xem gặp hào đó thì nên mở mang sự tối tăm của mình. Nhưng cách mở mang sự tối tăm đó, cần phải trừng giới một cách thống thiết mà tạm bỏ đó để coi về sau, nếu cứ đi mà không chịu bỏ, thì sẽ đến phải hổ thẹn hối tiếc. Đó là răn kẻ xem phải nên như thế.
Lời bàn của Tiên Nho - Chu Hy nói rằng: “Phát mông” nghĩa là tự mình mờ tối, được người mở mang cho, hoặc là người ta mờ tối, được mình mở mang cho. “Lợi dụng hình nhân, dụng thoát chất cốc”: nói cách thô thiển như ngày nay người ta đánh tù, phải tháo gông cùm mới được, nếu cứ một mực cùm hẳn thì không thể được. Nhược bằng một mực cùm hẳn, thì là “dĩ vãng lận”. Đây chỉ nói về cách trị kẻ tối tăm, cần nên rộng rãi chầy chậm, phép phải như thế
Tóm tắt - Hào âm này vị ở thấp nhất trong quẻ Mông là tượng kẻ hôn ám nhất, phải dùng hình phạt trừng trị mới cởi cái gông cùm (vĩ vật dục) cho họ được; khi có kết quả rồi thì thôi, đừng quá dùng hình phạt mà sẽ ân hận. Chữ: "dụng hình nhân", dịch sát là dùng người coi về hình, tức dùng hình phạt.
九 二 . 包 蒙 吉 . 納 婦 吉 . 子 克 家 - Cửu Nhị: Bao Mông, cát! Nạp phụ, cát Tử khắc gia
Dịch nghĩa. - Hào Chín Hai: Bao dung trẻ thơ, tốt! Nộp vợ , tốt! Con trị nhà!
Truyện của Trình Di - Bao là bao dung. Hào Hai ở đời mờ tối có tài cương minh, cùng ông vua ở hào Sáu năm ứng nhau, cái đức trung chính, giống nhau, tức là người đảm đang nhiệm vụ của đời, ắt phải rộng lượng bao dung, thương kẻ ngu tối, thì có thể mở mang sự tối tăm của thiên hạ mà làm nên việc “trị kẻ tối tăm”; đạo phải cho rộng, đức phải cho khắp, như thế thì tốt. Quẻ này có hai hào Dương, hào Chín Trên thì cứng mà thái quá, chỉ hào Chín Hai có đức cứng và trung chính, lại ứng với hào Năm, tức là kẻ được dùng với đời, mà chỉ riêng mình sáng suốt vậy. Nếu cậy sáng suốt mà chuyên tự nhiệm, thì đức không rộng, cho nên dù hạng đàn bà yếu đuối tối tăm, cũng nên nghe theo điều thiện của nó, thì sự sáng suốt của mình mới rộng rãi. Vả lại, vì rằng các hào đều thuộc về Âm, cho nên gọi là đàn bà. Thành như Nghiêu, Thuấn, thiên hạ không ai kịp, mà còn nói rằng: “ rộng hỏi kẻ dân”,“lấy điều thiện của người làm điều thiện của mình”, hào Hai biết bao nạp, thì có thể làm nên công việc của vua, cũng như người con làm nổi công việc của nhà. Hào Năm đã là Âm nhu, cho nên cái công mở mang sự tối tăm, đều ở hào Hai. Nói về gia đình, thì Năm là cha, Hai là con, hào Hai chủ trương được công việc của nhà, ấy là con người trị được gia đình vậy.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào Chín Hai lấy tư cách Dương cương làm chủ quẻ trong, tóm coi các hào Âm, tức là người gánh cái nhiệm vụ mở mang kẻ tối tăm. Nhưng hạng người mà nó phải trị thì rộng, mà tính loài người lại không nhất luật như nhau, không thể nhất khái quyết định, mà đức hào ấy lại cứng mà không thái quá, tức là cái tượng có sự bao dung. Vả lại, nó là Dương mà tiếp nhận các hào Âm, cho nên lại là cái tượng “nghe vợ”. Hơn nữa, nó ở ngôi dưới mà có thể gánh việc trên, tức là cái tượng người con trị được gia đình. Cho nên kẻ xem, hễ có đức ấy mà gánh việc ấy thì nên như thế là tốt.
Tóm tắt - Hào 2 dương, cương cường, nhưng đắc trung cho nên bảo là có đức bao dung; nó làm chủ nội quái, thống trị cả bốn hào âm, cho nên bảo nó dung nạp được các hào âm, tức hạng người nhu ám như đàn bà, nó ở dưới thấp mà lại là hào quan trọng nhất trong quẻ, nên ví nó như người con cai quản được việc nhà. Tóm lại hào này tốt. Phan Bội Châu giảng ba chữ “tử khắc gia”cách khác: Cụ cho hào 5 ở địa vị tôn trong quẻ trên (ngoại quái) tức như cha trong nhà, hào 2 ở dưới, tức như con. Cha nhu nhược (vì là âm), con cương cường sáng suốt (vì là dương), cảm hóa được cha mà cha hết hôn ám, như vậy là con chỉnh lý được việc nhà. Cao Hanh chỉ đứng về phương diện bói, mà không đứng về phương diện đạo lý, không cho Kinh Dịch có ý nghĩa triết lý, xử thế, cho nên hiểu khác hẳn: giảng “nạp phụ” là cưới vợ cho con “tử khắc gia” là con thành gia thất, đó là cái việc tốt của người làm bếp mắt không có đồng tử (bao mông, theo ông là : bào mông, bào là người làm bếp, mông là mắt không có đồng tử). Đại khái cách hiểu của Cao Hanh như vậy, xin đơn cử làm thí dụ.
六 三: 勿 用 取 女 見 金 夫 - Lục Tam: Vật dụng thử nữ, kiến kim phu, bất hữu cung, vô du lợi
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Ba: Chớ dừng lấy gái, thây chồng vàng không có mình, không thửa lợi
Truyện của Trình Di. - Hào ba là Âm nhu ở chỗ tối tăm, tức là cái hạng gái bất trung chính mà hay động càn, chính ứng ở trên, không thể đi xa mà theo, gần thấy hào Chín Hai được các kẻ tối tăm theo về, và lại cực kỳ được thời, cho nên nó mới bỏ nơi chính ứng mà theo hào đó, đó là con gái chỉ lấy chồng vàng. Con gái theo người phải có chính lễ, vậy mà người này thấy kẻ nhiều tiền mà theo, không thể giữ được thân mình, thì không đi đâu được lợi.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào Sáu Ba là hào Âm nhu, chẳng trung chẳng chính, ấy là cái tượng con gái trông thấy vàng mà không tự chủ được mình. Kẻ xem gặp hào đó, thì hẳn lấy vợ, ắt được cái người như thế, không còn lợi gì. Chồng vàng, tức là đàn ông lây vàng đút mình mà chòng ghẹo mình, như việc làm của chàng Thu Hồ nước lỗ.
Lời bàn của Tiên Nho. - Hồ Quảng nói rằng: Hai chữ “Kim phu” sách Bản nghĩa giải không bó sát với tượng của hào. Trình truyện cho “Kim phu” là hào Chín Hai, nhưng hào Chín Hai là chủ việc mở mang kẻ tối tăm, nếu hào Ba mà nếu theo nó, thì cũng hợp với nghĩa của câu “trẻ thơ tìm ta” ở lời Thoán, không nên cho là bất thuận. Nghĩa là, theo lệ Kinh Dịch: hào Âm ở thể dưới, mà có cầu cạnh vói ngôi trên, thì đều hung, thuyết của họ Vương gần phải
Tóm tắt - Hào 3 là âm nhu (ở trong quẻ Mông, là hôn ám) bất trung, bất chính, cho nên ví với người con gái không có nết, bất trinh, ham của. Mà hạng tiểu nhân thấy lợi quên nghĩa cũng vậy (âm còn có nghĩa là tiểu nhân). Phan Bội Châu cho hào này xấu nhất; hạng người nói trong hào không đáng dùng, không đáng giáo hóa nữa.
六 四 : 困, 蒙, 吝 - Lục Tứ: Khẩn mông, lận
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Tư: Khốn về tăm tối, hối tiếc.
Truyện của Trình Di. - Hào Tư là Âm nhu mà tối tăm, không có bậc cương minh giúp đỡ, chẳng có lối nào mở mang sự tối tăm của mình, nên mới bị khốn về sự tối tăm, đáng hối tiếc lắm.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Đã xa hào Dương, lại không có hào chính ứng, đó là cái tượng bị khốn về sự tối tăm. Kẻ xem như thế là đáng hổ thẹn hối tiếc. Biết tìm những kẻ cương minh mà gần gũi với họ, thì có thể khôn
Tóm tắt - Quẻ Mông chỉ có hào 2 và 6 là dương cương, có thể cởi mở sự hôn ám được, còn hào 4 kia đều là âm hết. Hào 4 này cũng hôn ám như hào 3, nhưng còn tệ hơn hào 3 vì ở xa hào 2 dương (hào 3 còn được ở gần hào 2 dương ), mà chung quanh đều là âm hết (hào 3 và hào 5), như bị nhốt trong vòng hôn ám, tất bị khốn sẽ phải hối tiếc, xấu hổ. Tiểu tượng truyện giảng: nó phải hối tiếc, xấu hổ vì chỉ một mình nó trong số bốn hào âm là ở xa các hào “thực” tức các hào dương. Hào dương là nét liền, không khuyết ở giữa, nên gọi là “thực” (đặc, đầy) hào âm là vạch đứt, khuyết ở giữa nên gọi là “hư” ; “thực” tượng trưng người có lương tâm “hư” tượng người không có lương tâm
六 五: 童 蒙 吉 - Lục Ngũ: Đồng mông, cát!
Dịch nghĩa.- Hào Sáu năm: Trẻ thơ, tốt!
Truyện của Trình Di. - Hào Năm lấy tư cách nhu thuận mà ở ngôi vua, phía dưói ứng với hào Hai là hạng lấy đức cương minh, dùng tài cương minh, để trị sự tối tăm của thiên hạ, cho nên mới tốt. “Trẻ thơ” là lây cái nghĩa “chưa được mở mang, còn phải nhờ người”.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Cứng mềm ở giữa, nhằm ngôi tôn, phía dưới ứng nhau với hào Chín Hai, giữ đức thuần nhất chưa mở mang để nghe người ta, cho nên tượng nó là hạng trẻ thơ, mà lời chiêm như thế thì tốt.
Tóm tắt - hào 5 này là hào âm tốt nhất như đã nói khi giảng Thóan từ của Văn Vương, vì nó có đức nhu (âm) trung (ở giữa ngọai quái), lại ứng với hào 2 cương ở dưới, có thể ví nó với đứa trẻ dễ dạy, biết nghe lời thầy (hào 2). Phan Bội Châu coi hào này như ông vua (vì ở ngôi cao quí nhất trong quẻ) biết tín nhiệm hiền thần (hào 2).
上 九: 擊 蒙 不 利 為 寇 , 利 禦 寇. - Thượng Cửu: Kích mông, bất lợi vi khấu, lợi ngự khấu.
Dịch nghĩa. - Hào Chín Trên: Đánh kẻ tối tăm, không lợi cho sự làm giặc, lợi cho sự chống giặc.
Truyện của Trình Di. - Ở sau quẻ Mông, là nhằm gỉữa lúc tối tăm đến cùng cực. Người ta tối tăm đến cùng cực thì dân Miêu không theo đức hóa, làm giặc làm loạn, nên đánh đẹp nó. Nhưng hào Chín ở trên, cứng quá mà không được giữa, cho nên răn rằng: “Không lợi cho sự làm giặc”. Trị sự tối tăm của người ta, tức là chống giặc; tự do làm sự tham bạo, thì là làm giặc.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào này là Dương cương, ở trên cùng, cho nên là tượng đánh kẻ tối tăm. Nhưng, cả thuyết thái quá, đánh trị ngặt quá, thì ắt trở lại làm hại. Chỉ có ngăn sự cám dỗ bên ngoài, để làm cho cái tính chất chân thật thuần túy của nó được nguyên vẹn, thì dù có quá nghiêm mật, cũng là hợp lẽ nên chăng, cho nên mới răn kẻ xem như thế. Việc gì cũng vậy, không phải một việc dạy người mà thôi
Tóm tắt - Hào này ở trên cùng quẻ Mông, có nghĩa sự ngu tối tới cùng cực; nó là dương, ở trên cùng, mà bất trung, cho nên tuy có tài mở mang sự ngu tối nhưng quá nghiêm khắc, làm cho kẻ ngu tối phẫn uất, phản kháng, bất tuân giáo hóa, có thể thành giặc, có hại (chữ “khấu có cả hai nghĩa: giặc, có hại), nên tìm cách ngăn ngừa những vật dục quyến rũ nó thì hơn; mà “cả thầy lần trò đều thuận đạo lý (thượng hạ thuận dã, Tiểu tượng truyện).
IV. Áp dụng quẻ Mông vào thời đại
Thời đại ngày nay, phương pháp dạy trẻ không còn dùng roi vọt như khi xưa nữa. Ở các lớp Mẫu giáo, giáo viên không được ưu đãi một trò nào một cách đặc biệt, và không được phép để một trò nào quyến luyến mình quá độ. Các giáo viên, không những dạy các em đọc, viết, mà phải nghĩ ra những trò chơi, để vui chung với các em trong giờ nghỉ.
Nếu có em nào quá ngỗ nghịch, ưa chọc phá bạn, không nghe lời cô hoặc thầy giáo, thì không được đánh, hoặc dùng roi vọt, mà chỉ trừng phạt bằng cách bắt quỳ một lúc, hoặc quá lắm thì nói lại với phụ huynh để dạy bảo em ở nhà họ.
Nơi Trung Học, thì lại quá lắm. Học trò có người còn nhạo báng lại thầy trong lúc giảng dạy, không còn tôn sư, trọng Đạo như khi xưa. Khi xưa, thầy dạy đóng cả vai cha hay mẹ, có trách nhiệm dạy bảo học trò cũng như dạy bảo chính con cái trong nhà vậy (Quân, Sư, Phụ). Thầy dạy còn trọng hơn cha mẹ. Do đó người trò kính trọng thầy, cô như cha mẹ họ vậy, và các bậc phụ huynh cũng đỡ một phần gánh nặng trong việc dạy dỗ con cái họ.
Ngày nay, cha mẹ thì tối ngày làm việc vì sinh kế, đâu có thời gian để dạy con cái nữa. Phương pháp giáo dục hiện tại lại không cho phép nghiêm phạt học trò, do đó Đạo đức ngày một suy giảm một cách rõ rệt. Sự nền nếp của lớp thanh thiếu niên không còn như xưa, và sự lễ phép, tôn kính đối với ông bà, cha mẹ, giáo sư, cùng đối với các bậc trưởng thượng suy giảm một cách rõ rệt. Như vậy sự giáo dục đã hỏng từ gốc rồi. Nhân loại ngày nay chỉ để ý về Khoa Học, mà quên đi sự giáo dục về Đạo Đức của con người. Đạo giáo dạy con người cũng nhiều, nhưng chỉ dạy con người đối với Thượng đế, mà không dạy cách trau dồi từ gốc, hỏi sao có thể giác ngộ ngay được, nếu gốc đã bị mối mọt, hư hỏng rồi.
Vậy phương pháp giáo dục nghiêm khắc, hay phương pháp giáo dục thả lỏng như ngày nay, phương pháp nào hơn, tùy ý quý vị phán xét. Theo thiển ý, nghiêm khắc quá thì không nên, nhưng như ngày nay, thì cần phải thay đổi lại, không thì không biết mai sau loài người có còn muốn có con nữa hay không? Đó là bài toán cần đáp số.
Nhưng bất kỳ dùng phương pháp gì chăng nữa, tôi cũng xin góp với quí vị giáo viên bài thơ sau, để dạy các em thuộc lòng :
Song tiền cần khổ học,
Mã thượng cẩm y hồi.
Bạch nhật mạc nhàn quá,
Thanh xuân bất tái lai.
Dịch
Bên song kinh sử dồi mài,
Ngựa hồng, áo gấm, một mai đi về.
Thiếu thời, nhàn hạ trôi đi,
Ngày xanh, hồ dễ hẹn kỳ trùng lai.
Cách đây không lâu, các vị học trò cũ của nhà tôi (có vị đã 68, 69 tuổi, là những người đã có những địa vị khả quan trong xã hội), đến thăm chúng tôi. Nhà tôi đã không còn nhớ họ là ai, và tên gì. Và 1 người trong bọn họ, đã đọc thuộc lòng bài thơ trên, mà cách đây 53 năm, nhà tôi đã dạy họ. Thật là cảm động. Thầy trò nhắc lại chuyện xưa, với một cảm tình đằm thắm, và cuối cùng kết luận: Những điều Thày dạy chúng con thật không sai vậy
Nguồn bài viết:
- Kinh dịch Ngô Tất Tố
- Kinh dịch Đạo người quân tử - Nguyễn Hiến Lê
- Website nhantu.net