Nội dung bài viết
水 天 需 THỦY THIÊN NHU
I. Thoán.
II. Đại Tượng Truyện.
III. Hào từ
IV. Áp dụng quẻ Nhu trong thời đại
水 天 需 THỦY THIÊN NHU
Nhu Tự Quái
Mông là dốt nát, mịt mùng, thơ ngây.
Thơ ngây, nuôi dưỡng mới hay,
Cho nên kế tiếp quẻ này, là Nhu.
Nhu là ẩm thực, ấm no. . .
Nhu theo Từ nguyên, gồm hai chữ: Vũ là mưa, Chuyên là cây non. Nghĩa là cây non mới mọc, cần được mưa móc đượm nhuần, nuôi dưỡng.
Vì thế Nhu có nghĩa đầu tiên là Ăn uống. Nhu theo Tượng quẻ là mây kéo đầy trời, nhưng chưa mưa. Phải chờ một khoảng thời gian nữa mới mưa.
Nhu thành bởi Kiền (lão phụ = cha già), và Khảm (thứ nam), cũng gợi lên hình ảnh một người cha già đứng tựa cửa chờ con ở xa chưa về.
Nhu theo đức quẻ, thì là hiểm nguy (Khảm) ở trước mặt. Cho nên người quân tử phải sáng suốt (Kiền), phải biết khoan dãn, đợi thời, đừng có đâm vào vòng nguy hiểm.
Như vậy Nhu có 2 nghĩa:
1/ Tu dưỡng, ăn uống (nơi Tự Quái, Tượng, Hào 5)
2/ Chờ đợi thời cơ ( nơi Hào 1, 2, 3, 4,và 6 ).
Thoán Từ, Thoán Truyện, bất kỳ ở một quẻ nào cũng bàn tổng quát quẻ đó. Nhu lấy Hào Cửu ngũ làm chủ Hào
I. Thoán.
Thoán Từ.
需:有 孚,光 亨,貞 吉。 利 涉 大 川。
Nhu. Hữu phu. Quang hanh. Trinh cát. Lợi thiệp đại xuyên.
Dịch.
Nhu là khoan dãn, đợi thời cơ,
Vững tin, vận sẽ sáng sủa ra.
Trinh chính rồi ra may mắn tới.
Tuy phải vượt sông, vẫn lợi mà.
Thoán Truyện viết:
需, 須 也﹔ 險 在 前 也。剛 健 而 不 陷,其 義 不 困 窮 矣。需, 有 孚,光 亨,貞 吉。位 乎 天 位,以 正 中 也。利 涉 大 川,往 有 功 也。
Nhu. Tu dã. Hiểm tại tiền dã. Cương kiện nhi bất hãm. Kỳ nghĩa bất khốn cùng hỹ. Nhu. Hữu phu quang hanh trinh cát. Vị hồ thiên vị. Dĩ chính trung dã. Lợi thiệp đại xuyên. Vãng hữu công dã.
Dịch.
Nhu là khoan dãn, đợi thời cơ.
Trước mặt hiểm nguy, phải biết chờ.
Cương kiện, nhưng không mua chuốc hiểm,
Nên không cùng khốn, với sa cơ.
Nhu vững niềm tin, sáng sủa ra,
Chính trinh, may mắn sẽ chờ ta,
Vị ở ngôi Trời, trung chính đủ,
Dẫu phải vượt sông, vẫn lợi mà !
Vượt sông, cũng vẫn hay ho,
Việc làm sau, trước đều là thành công.
Thoán Từ & Thoán Truyện bàn về quẻ Nhu một cách tổng quát: Trong trường hợp gặp nguy hiểm, nếu mình là người tài đức, minh chính, tự tín, tự cường, lại khôn ngoan biết lựa thời, lựa thế, không mua chuốc cho mình những nguy hiểm vô ích, thì đến khi hành sự chắc sẽ được hay.
Nhu lấy Hào Cửu ngũ làm chủ chốt. Cửu ngũ Dương cương, lại cư trung, đắc thiên vị, cho nên nơi Thoán Từ, ta thấy nói đến sự thành khẩn, phu tín, trinh chính v v... Thoán Từ với câu: Lợi thiệp đại xuyên, làm ta liên tưởng đến Võ Vương đang chuẩn bị mạo hiểm vượt sông Hoàng Hà ( năm II trước Công nguyên), để đánh Trụ Vương.
II. Đại Tượng Truyện.
Tượng viết:
象 曰: 雲 上 於 天,需﹔君 子 以 飲 食 宴 樂。
Vân thượng ư thiên. Nhu. Quân tử dĩ ẩm thực yến lạc.
Dịch.
Tượng rằng: Mây ở trên trời,
Uống ăn, quân tử thảnh thơi vui vầy.
Tượng Truyện khuyên ta rằng: Phàm làm công chuyện gì, mà mình đã làm hết sức, thời không nên nóng nẩy muốn gặt hái ngay thành quả...Trái lại, hãy nên bình tĩnh, hãy dưỡng thân, dưỡng tâm, dưỡng trí, dưỡng thần, đợi chờ ngày thành công tới. Như thế, có khác gì Khương Tử Nha, ngồi câu nơi sông Vị, chờ ngày Văn Vương tới rước về làm Thượng Phụ đâu?.
III. Hào từ
初 九: 需 于 郊, 利 用 恆 , 无 咎 - Sơ Cửu: Nhu vu giao, lợi dụng hằng, vô cữu
Dịch nghĩa. - Hào Chín Đầu: Đợi ở đồng, lợi về dùng lẽ hằng. Không có lỗi
Bản nghĩa của Trình Đi. - Kẻ đợi vì gặp chỗ hiểm cho nên đợi rồi mới tiến, Hào Đầu rất xa chỗ hiểm, cho nên là đợi ở đồng, đồng là một noi rộng rãi xa xôi, ở chỗ rộng rãi xa xôi, lợi ở yên giữ đạo thường thì không có lỗi. Nếu không yên giữ đạo thường mà nóng nẩy hành động, phạm vào hiểm nạn, há lại cố thể đợi ở chỗ xa mà không có lỗi được sao?
Bản của Chu Hy. - Đồng là chỗ đất rộng xa, tức là tượng chưa gần chỗ hiểm, mà hào Chín Đầu là hào Dương cương lại có tượng thường ở nơi chốn của nó; cho nên mới răn kẻ xem có thể như thế thì không có lỗi
Tóm tắt - Hào 1 là dương, cương kiện, sáng suốt mà ở xa ngoại quái là Khảm, tức xa nước, xa chỗ hiểm (cũng như còn ở ngòai thành, không gần sông nước), đừng nóng nảy xông vào chỗ hiểm nạn, cứ chịu chờ đợi thì không có lỗi. Chu Công khuyên như vậy vì hào dương này không đắc trung mà có ý muốn tiến.
九 二: 需 于 沙 , 小 有 言 , 終 吉 - Cửu Nhị: Nhu vu sa, tiểu hữu ngôn, chung cát
Dịch nghĩa. - Đợi ở đồng không phạm vào chỗ hiểm nạn vậy, lợi dụng đạo thường, không lỗi, vì chưa sai mất đạo thường vậy
Bản nghĩa của Trình Di. - Khảm là nước, nước gần thì có cát Hào Hai cách chỗ hiểm đã dần dần hơi gần, cho nên là đợi ở cát. Dần dần gần với hiểm nạn tuy là chư đến lo hãi, nhưng đã hơi có điều tiếng. Những lời thuộc về hoạn nạn cũng có lớn nhỏ khác nhau, nhỏ là hơi có điều tiếng, ấy là cái hại rất nhỏ về lời nói vậy. Hào hai là tài cương minh, ở chỗ mềm yếu, giữ ngôi chính giữa, mà tự xử một cách rộng rãi, đó là kẻ khéo chờ đợi, tuy cách chỗ hiểm đã gần dần dần, mà còn chưa tới chỗ hiểm, cho nên chỉ hơi có hại về điều tiếng, mà không có hại lớn, sau rốt vẫn được lành tốt.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Bãi cát đã gần chỗ hiểm rồi. Hại về, điều tiếng, cũng là tai hại hạng nhỏ. Vì tiến dần dần gần với quẻ Khảm, cho nên mới có tượng ấy. Cương trung mà biết chờ đợi, cho nên sau chót được tốt. Đò lả răn kẻ xem phải nên như thế
Tóm tắt - Hào này đã gần quẻ Khảm hơn, ví như đã tới bãi cát ở gần sông, chưa tới nỗi sụp hiểm; mà hào lại đắc trung, cho nên tuy là dương cương mà biết khôn khéo, ung dung, không nóng nảy như hào 1, cho nên dù có điều tiếng nho nhỏ, rốt cuộc cũng vẫn tốt.
九 三 : 需 于 泥 . 致 寇 至 - Cửu Tam: Nhu vu nê, trí khâu chí
Dịch nghĩa. - Hào Chín ba: Đợi ở bùn, dắt gỉặc đến
Bản nghĩa của Trình Di. - Bùn là chỗ sát với nước: Đã tiến sát đến chỗ hiểm, cho nên lạ dắt giặc nạn đến nơi. Hào ba cứng mà không giữa, lại ở trên thể mạnh, có tượng tiến động, cho nên mới là dắt giặc. Nếu không kính thận, thì sẽ phải lên táng bại.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Bùn là nơi sắp sửa hãm vào chỗ hiểm, giặc thì là thứ hại lớn. Hào Chín Ba cách với chỗ hiểm càng gần, mà lại quá cứng không giữa, cho nên tượng nó như thế
Tóm tắt - Hào này đã ở sát quẻ Khảm, tuy chưa sụp xuống nước, nhưng đã ở chỗ bùn lầy rồi; thể của nó là dương cương, vị của nó cũng là dương, mà lại không đắc trung, có cái “tượng rất táo bạo nóng nảy, làm càn, tức như tự nó vời giặc đến, tự gây tai họa cho nó. Nếu nó biết kính cẩn, thận trọng thì chưa đến nỗi nào, vì tai họa vẫn còn ở ngoài (ở ngoại quái) (theo tiểu tượng truyện).
六 四 : 需 于 血, 出 自 穴 - Lục Tử: Nhu vu huyết, xuất tự huyệt
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Tư: Đợi chưng máu, ra tự hang
Bản nghĩa của Trình Di. - Hào tư là chất Âm nhu, ở chỗ hiểm, phía dưới lại nhằm đường tiến của ba hào Dương, ấy là bị thương về hiểm nạn, cho nên nói rằng: đợi chưng máu. Đợi ở máu là đã bị thương về hiểm nạn, thì không thể yên, ắt mất chỗ ở, cho nên nói là ra tự hang.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Máu là chỗ giết hại, hang là nơi hiểm hãm. Hào Tư giao với thể Khảm, ấy là vào chỗ hiểm rồi, cho nên là tượng “đợi chưng máu”. Nhưng nó mềm được chính đạo, đợi mà không tiến, cho nên lại là tượng “ra tự hang”. Kẻ xem như thế, thì tuy ở chỗ bị hại, sau chót cũng ra được.
Tóm tắt - Hào này đã bắt đầu vào quẻ Khảm, tức chỗ hiểm (như vào chỗ giết hại), nhưng nhờ nó là âm, nhu thuận lại đắc chính (ở vị âm) , nên tránh được họa.
九 五 : 需 于 酒 食, 貞 吉 - Cửu Ngũ: Nhu vu tử thực, trinh cát
Dịch nghĩa. - Hào Chín Năm: Đợi chưng rượu cơm, chính tốt!
Bản nghĩa của Trinh Di. - Là Dương cương, ở giữa, được chính vị ở ngôi trời, mà làm được hết đạo mình, dùng kiểu ấy mà đợi,thì đợi gì mà không được? Nên chỉ yên vui cơm rượu để đợi, mà cái chờ đợi ắt là phải được. Đã trinh chính mà sự chờ đợi lại thỏa thuê, đáng gọi là tốt.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Rượu cơm là đồ yên vui. Ý nói cứ yên mà đợi. Hào Chín Năm là bộc Dương cương trung chính, đợi ở ngôi tôn, cho nên có tượng ấy. Kẻ xem như thế mà chính bền thì được tốt lành
Tóm tắt - Hào 5, địa vị tôn quí, mà là dương cương trung chính, cho nên tốt, nhưng muốn hạnh phúc được bền thì phải giữ đức trung chính.
上 六:. 入 于 穴 , 有 不 速 之 客 三 人 來 , 敬 之 , 終 吉 - Thượng Lục: Nhập vu huyệt, hữu bất tốc chi khách tam nhân lại, kinh chi, chung cát
Dịch nghĩa. - Hào Chín Trên: Vào chung hang, có ba người khách không mời mà đến, kính trọng họ, sau chót tốt.
Bản nghĩa của Trình Di. - Quẻ Nhu vì có chỗ hiểm ở trước, chờ thời mới tiến, hào Sáu Trên ở chót chỗ hiểm, chót thì biến rồi, ấy là chờ đã cực lâu mà được. Âm đỗ ở số sáu, tức là ở yên nơi chốn, cho nên là vào trong hang, hang tức là chỗ yên ở. Ở yên và đã đỗ rồi, thì kẻ đi sau ắt tới. Ba người khách không mời, chỉ vào ba hào Dương ở dưới. Ba hào Dương của quẻ Kiền không phải là vật ở dưới, nó chỉ chờ thời mà tiến. Chờ đã lâu rồi, cho nên nó đều tiến lên; “không mời” tức là không giục mà nó tự đến. Hào Sáu Trên đã đợi được chỗ ở yên, khi các hào Dương tới nơi, nếu nó không nổi lòng ghen ghét cạnh tranh, mà cứ chí thành tận kính để chờ, thì những hào kia tuy rất cường bạo, há lại có lẽ xâm lăng với nó? Cho nên sau chót vẫn tốt. Có người ngờ rằng: Là Hào Âm, ở trên ba hào Dương, sao được là yên? Đáp rằng: ba hào Dương thuộc về thể Kiền, chì nó cốt ở tiến lên, hào Sáu là ngôi Âm, không phải chỗ nó đáng đỗ, không có ý muốn tranh cướp, kính nó thì tốt.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào Âm, ở chỗ hiểm cực, không còn chờ đợi, có tượng bị hãm mà vào hang; dưới thì ứng nhau với hào Chín Ba. Hào Chín Ba và hai hào Dương ở dưới chờ đợi đã cực mà cùng tiến lên, là tượng ba người khách không mời mà đến. Hào Sáu Trên là bậc Âm nhu, không thể chống nó mà biết xuôi thuận với nó, có tượng kính nó. Kẻ xem gặp chỗ hãm hiểm, nhưng với những người phi ý mà đến, cứ kính trọng mà đãi lại họ, thì sau được tốt
Tóm tắt - Hào này ở trên cùng ngọai quái là Khảm, cho nên bảo là chỗ cực hiểm. Nó có hào 3 ở dưới ứng với nó, hào 3 là dương , kéo theo cả hào 1 và 2 cũng là dương, cho nên nói là có 3 người khách sẽ tới; họ không tới ngay được vì họ ở xa hào 6, cho nên nói là họ thủng thẳng sẽ tới. Hào 6 âm, có đức Khiêm, nhu thuận, biết trong và nghe theo ba vị khách đó, cho nên cuối cùng sẽ được họ cứu ra khỏi chỗ hiểm mà được tốt lành. Tiểu tượng truyện: bàn thêm: Tuy hào 6 không xứng vị (bất đáng vị), nhưng không đến nỗi thất bại lớn. Chu Hi hiểu chữ “vị” đó, là ngôi chẵn (âm vị) ; hào âm ở âm vị, là “đáng” chứ sao lại “bất đáng”, cho nên ông bảo là :”chưa hiểu rõ” (vị tường). Phan Bội Châu hiểu chữ “vị” là ngôi cao hay thấp; hào 6 ở trên cùng, tức là ngôi cao nhất, mà là âm nhu, bất tài, cho nên bảo “bất đáng” là phải .
IV. Áp dụng quẻ Nhu trong thời đại
Gặp thời Nhu, vị nguyên thủ quốc gia phải nuôi dưỡng thiên hạ, cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, chứ chẳng phải du ngoạn, yến ẩm, hoan lạc một mình.
Mây lơ lửng trên trời, rồi sau trước sẽ thành mưa, để nuôi dưỡng vạn vật, thì một nền hành chính đứng đắn, sau trước cũng phải đặt nặng vấn đề nuôi nấng vạn dân, vì vậy Chính Phủ phải lập các ngân khoản trợ cấp, học bổng, cho vay dài hạn, để giáo dưỡng hàng sĩ phu trong thiên hạ, và đào tạo những anh tài, những nhà bác học cho đất nước; xem xét việc trồng tỉa, khai khẩn, để nuôi dưỡng chúng dân, cung cấp quân lương đầy đủ để nuôi dưỡng binh lính, thu thập thuế má cho đầy đủ để nuôi nấng công chức của quốc gia, để mọi người đều được tự tại, thoải mái, thảnh thơi. Muốn được vậy, đâu phải công chuyện một sớm, một chiều.
Trên, ta mới bàn qua về mặt vật chất, mà một vị Nguyên thủ quốc gia, và Lưỡng viện của chính phủ phải lo cho dân. Còn về mặt tinh thần, cũng phải lo giáo hóa dân, từ lớp Mẫu giáo cho đến tuổi thành niên. Phải nâng đỡ những nhà Văn, nhà Báo, những nhà Tư tưởng, để họ có đủ khả năng về vật chất để ấn loát, mà truyền bá tư tưởng, truyền bá những cái hay, cái đẹp cho thế hệ sau này ( Mục này tôi nghĩ các quốc gia trên thế giới quả là quá khiếm khuyết),
Quẻ Nhu còn khuyên ta: Phải biết chờ đợi. Phàm công chuyện gì mà mình đã làm hết sức, thời không nên nóng nẩy muốn gặt hái ngay thành quả. . .
Trái lại, hãy nên bình tĩnh, hãy dưỡng tâm, dưỡng trí, dưỡng thần, mà đợi ngày thành công tới.
Áp dụng vào ngày nay, có nhiều người ra trường mà không sao xin được việc làm. Ta phải bình tâm, suy xét xem ta đã khiếm khuyết cái gì. Sau khi biết, ta sẽ dễ dàng sửa chữa nó, và sau ta sẽ thấy ta xin việc dễ hơn trước nhiều. Ta đừng vội nản, và cho rằng Trời chẳng thương ta, hoặc sao số ta xui quá. Ta hãy phân tích xem ta đã làm theo những giai đoạn này chưa?
1. Môn ta đang học, ta có thật thích nó không? Hay chỉ theo học vì nó có cái bề ngoài sang trọng, hoặc là học theo sở thích của cha mẹ muốn nó. Nếu không thật thích, sao ta có thể hết sức cố gắng, chuyên cần, để hiểu nó một cách tường tận được.
2. Trong thời gian học, ta nên lợi dụng thời kỳ nghỉ hè, để xin vào làm công việc, giống như môn học của ta, để ta lấy kinh nghiệm, sau này khi tốt nghiệp ra ta dễ xin việc. Nếu có thể, hàng năm ta nên tập sự cùng một chỗ hay hơn, như vậy những nhân viên có kinh nghiệm trong sở, họ sẽ chỉ dẫn kinh nghiệm của họ cho ta một cách tường tận hơn.
3. Sau khi đã áp dụng 1, 2 ở trên mà ta cũng không xin được việc, thì là vì khả năng hấp thụ sự hiểu biết của ta hơi yếu. Nhưng đừng vội thất vọng, hãy tiếp tục học những lớp huấn luyện thêm về môn đó, nếu ta còn có đủ điều kiện vật chất để tiếp tục, nếu thiếu điều kiện, ta hãy xin một công việc thấp hơn ( dù nó ít lương hơn nhiều), nhưng phải cùng giống môn học của ta, và ta vẫn phải tiếp tục học lớp huấn luyện. Ta đừng bao giờ nản chí, như vậy sự thành công chắc chắn sẽ đến với ta.
Nguồn bài viết:
- Kinh dịch Ngô Tất Tố
- Kinh dịch Đạo người quân tử - Nguyễn Hiến Lê
- Website nhantu.net