Những nếp răn ở trên mặt
Nếp răn ở trên mặt, sách tướng gọi là Văn tức là vằn vết. Nếu dùng chữ “nếp răn” người ta lầm với vết biểu hiện của sự già nua, cho nên ta dùng chữ văn cho hợp với tướng lý hơn. Những văn ấy già trẻ đều có, tỉ dụ pháp lệnh văn, cái vết từ góc lỗ mũi vòng qua miệng xuống cằm, hay những vết trên trán, hình thù mỗi người một khác nhau.
Văn có văn ngang và văn dọc. Văn ngang hay thấy ở trên trán, nếu chỉ có một vệt chạy dài không đứt đoạn, cổ nhân gọi là xuất nhân đầu địa rất tốt. Nếu có hai vết chạy dài không đứt đoạn, thiếu niên hơi lận đận, sau này mới hay. Nếu ba vết chạy dài không đứt đoạn lại có một vết thẳng ở giữa trông như chữ Vương là vương văn thì cực quý. Nếu ba vết chạy dài không đứt đoạn là trí lực phát đạt, suy nghĩ chắc chắn không bông lông
Nhiều vết không ngang đứt đoạn, bập bềnh như ta vẽ nước gọi là thủy văn, dễ gần người quyền quý. Nhiều vết dọc chạy trên má mỗi khi cử động bắp thịt má gọi là hỏa văn, dễ kiếm tiền. Nhiều vết dọc dưới mắt như dòng nước chảy, không tốt về đường con cái. Có ba vết dọc nằm giữa trán như chữ Xuyên gọi bằng xuyên tự văn, nếu ấn đường cao, sắc đẹp, vết không đứt thì thiếu niên tảo đạt tác công khanh. Có một vết dọc nằm giữa trán như cái kim treo gọi là huyền trâm văn, nhiều ưu phiền. Có những vết chạy vào miệng (không cứ pháp lệnh), nghèo đói.
Trên mũi có vết chạy vòng như móc câu thì lòng dạ độc ác. Nếp văn trên mặt xem cốt để bổ trợ chứ không phải là coi chủ yếu. Quan trọng nhất là pháp lệnh, văn nhập khẩu, thứ đến thủy văn và hỏa văn, ngoài ra nên bỏ, nếu xét kỹ thì chỉ để hoàn thành mục đích tìm những phá cách mà tướng diện gây nghi hoặc.
Về các vết trên ấn đường như xuyên tự văn, mà cổ nhân bảo rằng thiếu niên tảo đạt tác công khanh, tôi thấy sai vì nó mâu thuẫn với nguyên lý, ấn đường vô văn phá. Thực ra ấn đường phải sáng đẹp, nở nang, nếu có xuyên tự văn làm sao nó sáng được.
Trong các sách tướng, các vết trên mặt không thấy ghi rõ của tướng sư danh tiếng nào cả. Ngờ rằng các tay giang hồ thuật sĩ bịa thêm cho tướng học ngày càng khó khăn huyền bí chăng!
Các nhà xem tướng Trung Quốc, ngoài pháp lệnh văn nhập khẩu, còn rất sợ một loại văn khác là vết rắn đi hiện trên trán (Xà hành văn tại ngách thượng) nó là một loại văn nắm một mình ngang trên trán, không thẳng mà gấp khúc như con rắn. Theo họ, người nào có văn đó sẽ chết đường chết chợ.
Thời kỳ kháng Nhật, một nông dân trẻ tuổi tên Trần Thư bị động viên nhập ngũ rồi chiến đấu ở các mặt trận Tô Bắc, Đài Nhi Trang, trải qua thời gian khá lâu không liên lạc gì với gia đình
Nhờ gan dạ chiến đấu, Trần Thư được thăng tới chức thiếu tá. Ở địa vị mới, tướng mạo Trần Thư khác hẳn lúc còn là chú nông dân mù chữ, bây giờ trông vẻ anh tuấn hơn.
Lúc anh ta về Ngô Châu gặp một thầy tướng bảo rằng:
- Cậu có xà hành văn trên trán là chết đường, cậu nên cẩn trọng.
Trần Thư đang yêu đời, lạc quan, làm sao mà tin mấy anh tướng số nói láo. Đại quân về đóng tại Quý Huyện cách quê nhà Thư chừng ba chục cây số, nên Thư ghé vào hỏi thăm.
Trời tháng mười, vụ mùa vừa gặt xong, ông anh rể vui vẻ làm gà rượu thết cậu em vợ, hàn huyên mãi tới xế chiều, Trần Thư mới cáo biệt anh chị. Thấy tối, anh chị giữ lại nhưng Thư nóng lòng về nhà nên nhất định không chịu ở. Bà chị đành phải dặn em đi đường tối tăm, hiểm trở phải cẩn thận giặc cướp. Thư vỗ vào bao súng cười, bảo chị đừng lo.
Thư đâu ngờ cha già và em trai vì chiến tranh, vì nghiệp nông khốn khó, nghèo túng quá nên đêm đêm phải đi ăn cướp ăn trộm.
Trời xẩm tối, hai cha con cầm súng nấp trong bụi thấy một vị quan binh đi tới, liền bắn chết để cướp hành lý, đồng hồ, tiền bạc và khẩu súng.
Hôm sau người con gái dắt cháu sang để hỏi thăm cha về cậu cả. Bấy giờ người bố thảng thốt khóc tru lên nói chính mình đã cầm súng bắn chết con.
Đi đứng, ăn ngủ, nằm ngồi đều có mệnh lý
Đi là tiết điệu của tiến thoái, người có tướng, đi ví như thuyền gặp nước trôi băng băng, người không có tướng, đi như thuyền trèo ngược sóng phiêu bạt vất vả.
Sách có câu: “Quý nhân chi hành như thủy chi lưu, hạ nhi thể bất giao. Tiểu nhân chi hành như hỏa viêm thượng, thân khinh cước trọng”.
nghĩa là: Quý nhân đi như nước chảy xuống, thân thể không dao động. Tiểu nhân đi như lửa bốc lên, mình nhẹ mà chân nặng
Dáng đi phải cho chắc chắn, nhẹ nhàng đúng tiết độ mới quý. Chân không tới đất, dướn dướn như chim sẻ, nghèo khổ. Bước nhanh mà loạn, bôn ba.
Tả dáng một vị anh hùng người ta thường dùng chữ long hành hổ bộ. Long hành là bước đi lướt nhẹ như mây, đầu không xiên lệch, cổ không cúi xuống. Hổ bộ là đi oai vệ. Sách tướng còn có hình dáng về đi khác như:
Nga hành, áp hành, đi như ngỗng, như vịt, loại phú hào. Hạc hành, đi như con hạc, nhẹ tênh, cực kì thông minh.Thử hành, đi như con chuột, đa nghi. Ngưu hành, đi như con trâu, từng bước từng bước, cẩn trọng giàu có. Xà hành, đi như con rắn, mình mẩy vặn vẹo, tính gian độc. Qui hành, đi như con rùa, đi rất chậm, sống lâu. Mã hành, nhanh và bước chân gấp như con ngựa, khổ sở. Thân khinh bộ trọng, mình nhẹ, bước đi nặng thình thịch là tướng nô tì. Thân trọng bộ khinh, mình to lớn nặng nề mà bước đi nhẹ nhàng là tướng giầu sang.
Về tướng ngồi thì đi thuộc dương, ngồi thuộc âm. Dương động âm tĩnh cho nên ngồi phải tĩnh mới hay.
Tọa như sơn, hành như thủy. Ngồi như núi, đi như nước là nguyên tắc căn bản. Khi ngồi không ngả nghiêng, mệt mỏi. Ngả nghiêng, lệch lẹo gọi là chó ngồi. Ngồi rất kỵ rung đầu gối ví như cây rung thì quả rụng, rung đầu gối tất tiền bạc hao tán.
Nằm ngủ là lúc nghỉ ngơi, nghỉ tất phải thảnh thơi, an nhiên tĩnh mịch, tối kỵ mê sảng, trằn trọc, vật vã, co quắp.
Nằm ngủ miệng há ra, đoản thọ. Nằm ngủ mắt mở hoặc nghiến răng, dễ bị hung tai. Mê sảng nói lung tung khi ngủ là tướng nô tì. Nằm ngủ đầu ngưỡng như xác chết, nghèo khổ. Nằm ngáy như heo là ngu. Ít ngủ, lanh lợi. Ngủ nhiều, tối dạ. Nằm sấp mà ngủ, vất vả khổ sở. Dễ tỉnh thông minh, khó tỉnh ngu tối.Ngủ như con rùa, hơi thở rất nhẹ, để cái lông lên mũi không hay, hơi thở lùa ra bằng lỗ tai, tướng mệnh học gọi là qui tức là rùa ngủ, cực quý.
Khí huyết tốt nhờ ăn cho nên ăn uống trên tướng lý nói lên nhiều điều.
Tướng ăn phải hòa đoan. Đoan là ngay ngắn, đàng hoàng, không ăn đứng ăn ngồi. Hòa là không chậm quá không nhanh quá.
Đàn ông ăn nhanh quá, theo các cụ nói nam thực như hổ, nữ thực như miêu. Nhanh nhưng không nhồm nhoàm, thô tục, vương vãi tung toé. Lúc nhai kỵ nhe răng, chỉ có súc vật ăn mới nhe răng. Ăn như chuột nhấm, đói khổ. Ăn như trâu nhai thong thả, khoan thai đa phúc lộc.
Nguồn bài viết: Tướng mệnh khảo luận - Vũ Tài Lục