Trước khi luận bàn độc giả hãy đọc câu chuyện dưới đây:
- Đời vua Khang Hi nhà Thanh, có đại văn hào Kỷ Hiểu Lam tự là Văn Đạt, tài cao học rộng, một danh thần trong triều, giầu sang phú quý tiếng tăm lừng lẫy.
Thế nhưng tướng mạo của ông lại rất tầm thường, tầm thường như một tên ăn mày. Cùng thời có vị thầy tướng, hết sức bất mãn đối với hiện tượng Kỷ Hiểu Lam, không rõ tại sao tướng thì tướng hành khất mà sự nghiệp lại là sự nghiệp đại thần nhất phẩm.
Thầy tướng mới đổi danh đổi họ tìm cách tiếp cận Kỷ Hiểu Lam bằng cách xin vào làm gia nhân hầu hạ đại quan để gỉải đáp cho đựơc mối hồ nghi rất chướng mắt cho khoa tướng học.
Cả năm trời đằng đẵng thầy tướng mới có dịp khám phá. Chiều hôm ấy gần giờ lên đèn, Kỷ Hiểu Lam trong thư phòng đọc sách. Thư phòng tối nhá nhem, thầy tướng thấy đôi mắt của Kỷ Hiểu Lam rất lạ, nếu người khác đã phải đốt đèn lên mới đọc được nhưng Kỷ Hiểu Lam không cần vì mắt của ông như có hai luồng ánh sáng phóng ra cho nên ông vẫn thản nhiên ngồi đọc. Thầy tướng bất giác kêu lên “Nguyên lai quý tại ư thử”. (À ra quý tướng là vậy).
Kỷ Hiểu Lam nghe tiếng kêu quay mặt lại, mặt ông vòng ra đằng sau, mắt có thể tự nhìn thấy lưng mình.
Thầy tướng nói:
-Xin đại nhân tha cho. Tôi là thầy tướng, vì thấy tướng mạo đại nhân vốn là tướng hành khất lại ở ngôi vị nhất phẩm, lòng nghi hoặc nên mới giả gia nhân để dò cho ra dị tướng nào đó mà tôi đoán quyết nhất định phải có. Nay đã tìm thấy nên kinh động đến đại nhân. Đại nhân có hai dị tướng, một là nhãn hữu quang thái, mắt phát ra quang thái, nhãn năng phản cố kỳ bối, quay mắt lại có thể nhìn thấy lưng, cả hai thuộc cách cục long hình, mười đục một thanh đại quý tướng.
Trong khi hai người đang nói chuyện thì thân phụ của Kỷ Hiểu Lam ở ngoài bước vào, nghe thầy tướng nói Lam có tướng hành khất, cụ chợt nhớ lại việc cũ. Cụ nguyên là một viên ngoại gia tài to lớn, tâm tính trung hậu ưa làm điều thiện. Nhưng quá 40 tuổi vẫn chưa có con, nên cả hai vợ chồng ngày đêm cầu trời khẩn phật cho mình một người nối dõi.
Một đêm kia, cụ Kỷ nằm mộng thấy người mặc áo xanh dẫn cụ đến ngôi đền nguy nga để gặp Quan Thánh Đế Quân, ngài bảo cụ:
- Nhà ngươi tích thiện lâu đời, nay ta cho vợ chồng ngươi một đứa nhỏ. Nói rồi Quan Thánh Đế Quân đưa cụ ra ngoài vườn, trong vườn có lũ trẻ ăn mày quần áo rách tả tơi đang chơi đùa. Ngài vẫy tay gọ̣ i một thằng bé tới vuốt đầu nó giao cho cụ Kỷ. Vừa lúc ấy cụ Kỷ thức giấc. Cùng ngày này phu nhân viên ngoại mang thai sinh ra Kỷ Hiểu Lam.
Đọc câu chuyện trên xin chú ý 2 điểm:
-Dị tướng và mười đục một trong (thập trọc nhất thanh)
Dị tướng là những điểm kỳ lạ mà người thường không có. Tỉ dụ, ông Hán Cao Tổ chân bên trái mọc 72 cái nốt ruồi, ông Lưu Bị tay để xuôi dài quá đầu gối. Sách “Tướng Lý Hành Chân” có chép 1 bài phú về dị tướng của tiền nhân: Lưu tiên chủ thùy thủ quá tất hữu tam phần thiên hạ chi chứng...
Tần Cối đăng đàn bái tướng vì mắt phát dạ quang. Trần Bình mặt sáng như ngọc thân cư cửu đỉnh. Vệ Thanh nhờ cái trán gan úp mà thực lộc vạn chung. Lông mày vua Nghiêu hiện bảy màu. Mắt vua Thuấn hai con ngươi. Vua Văn Vương ngực nổi bốn vú. Đức Khổng Tử mắt lớn miệng rộng. Mã Chu vai chim ưng, vương tá Đường triều. Vương Đôn mắt ong, tiếng báo tất bị người giết. Đổng Trác rốn lớn có thể nhét ba trái quít. Bà Lã Hậu âm mao dài quá gối. Lã Đồng Tân đắc đạo thành tiên do hạc hình qui tức. Lưng rồng mắt phượng Quách Phần Dương xuất tướng nhập tướng...
Dị tướng có thể cực tốt có thể cực hại. Nhưng theo kinh nghiệm phần lớn dị tướng đem đến sự tốt nhiều hơn sự hại.
Dị tướng không chỉ thể hiện lên từng điểm trên các bộ vị mà còn hiện thành nghi biểu vóc dáng
Tướng pháp cổ nhân phân định bảy nghi biểu dị tướng gồm có:
- Tướng hình dung cổ quái
- Tướng hình dung tú lệ
- Tướng hình dung non (như lá chuối non)
- Tướng hình dung thanh kỳ
Thanh kỳ, tú lệ, cổ quái tốt. Non cực xấu, yểu tướng. Đa số dị tướng là kết quả của nguyên tắc thập trọc nhất thanh (mười đục một thanh). Sách dạy rằng:
“Tiện trung hữu quý năng tác cao quan” (trong tiện có quý làm quan cao) Thế nào là tiện trung hữu quý?
“Thần Tướng Toàn Biên” viết:
- Trán nhỏ mà vuông thẳng, mắt nhỏ mà sáng trong, mũi nhỏ mà sống mũi cao thẳng, tai nhỏ mà triều miệng, bụng nhỏ mà xệ xuống, miệng nhỏ mà đỏ hồng như tô son, thân nhỏ mà tam đình đều đặn ngay ngắn, môi cong mà răng như chuỗi ngọc.
Như vậy là đục mà có thanh.
Nếu trán rộng mà cằm lẹm, xương cốt cao tủng mà da dẻ thô, ngực rộng mà lưng có rãnh, đi đứng đường bệ mà tiếng nói như ngựa hí, lưng dầy mà ngón tay que củi, tai lớn đầy đặn mà bước đi ẻo lả, lưỡi đỏ mà miệng thổi lửa, đầu dài mà eo gẫy gập, ăn nói ôn tồn mà tinh thần si ngốc, người to lớn mà tiếng lí nhí, mặt ngắn mà mắt quá dài.
Như vậy thanh mà kèm theo đục. Thà đục mà có thanh còn hơn thanh kèm theo đục.
Thế nào là thập trọc nhất thanh?
Lã Văn Đức khi sinh ra tướng mạo xấu xí đến nỗi cha mẹ phải mang dấu đi, không muốn cho ai trông thấy sợ họ chê cười. Lúc lên mười tuổi có vị cao tăng gặp Đức lấy làm kỳ lạ tìm đến bảo cha mẹ Đức rằng:
- Thằng bé có mắt lộ kim quang (ánh sáng như vàng) ngày sau ở ngôi vị tôn quý.
Mười cực xấu mà có một cực tốt thì một cực tốt sẽ xóa bỏ mười cực xấu. Đó là nguyên tắc “Nhất quý để cửu tiện” của tướng học. Nếu thập thanh nhất trọc (mười thanh một đục) thì lại là phá tướng rất nguy hại.
Đã thanh phải thanh toàn. Tư Mã Đức Tháo coi tướng cho Triệu Tử Long nói:
- Tướng quân có phúc tướng, trên mặt hiện năm loại kỳ tướng, cuộc đời sẽ được toàn trung toàn tín, chết an nhiên. Bộ tứ độc liên tiếp lưu thông công danh đến bạc đầu. Đôi mắt sáng trong suốt đứng giữa tên đạn cũng không bị thương. Vóc dáng hiên ngang, hòa nhã, trí cao gan dạ nhưng nhân từ.
Như tướng Triệu Tử Long là thanh toàn. Nếu mười cái thanh gặp một cái đục sẽ xóa bỏ hết mười thanh. Một đục ấy tướng học gọi bằng danh từ phá tướng.
Phá tướng có ám phá và minh phá. Minh phá hiện nổi ra bên ngoài. Tỉ dụ, người cao lớn vai to, trán rộng, thân thể nặng khôi vĩ nhưng bị cái cằm lẹm.
Còn ám phá tiềm ẩn bên trong. Tỉ dụ thể mạo đáng bậc nhất phẩm nhưng hình hôi hám, mồ hôi thường tiết đêm ngày bất kể nóng, rét hoặc nằm ngủ hay nói mê nói sảng liên miên.
Cuối Thanh triều, tổng đốc Lưỡng Quảng là Trương Minh Kỳ rất thích khoa tướng mệnh học, thường triệu thỉnh các nhà tướng số khắp nơi về đàm luận. Có người cho biết ở chùa Hải Động vùng Hà Nam, một vị sư trụ trì tên là Trí Quả giỏi xem tướng lắm.
Trương Minh Kỳ muốn thử tài bảo gia nhân là Ngô Trung hóa trang làm tổng đốc Lưỡng Quảng đi với quân hầu nghi tướng tới chùa Hải Động vãn cảnh. Sở dĩ ông chọn Ngô Trung vì Ngô Trung trông dáng vóc hậu trọng khác với ông tướng mạo xấu xí. Trung vào chùa lễ phật xong mới nhờ hòa thượng coi tướng.
Hòa thượng nhìn Ngô Trung một hồi chắp tay vái mà nói:
- Ngài thực là nhất phẩm đại nhân, tuy nhiên, xem tướng cao quan chúng tôi chỉ xin ghi vào trong giấy, nói thẳng e vô lễ.
Dứt lời hòa thượng xin cáo vào nhà trong, viết mấy chữ nhét vào phong bì cho chú sa di cầm đưa cho Ngô Trung.
Ngô Trung mang về cho Trương Minh Kỳ mở ra thì thấy có đề mấy chữ:
Đầu đại vô giốc
Phú đại vô thác
Phi quan phi loạn
Phú gia nô bộc.
Nghĩa là:
Đầu lớn không có góc cạnh
Bụng to mà lùng bùng
Chẳng quan chẳng cách
Chỉ là đầy tớ nhà giầu.
Trương Minh Kỳ vỗ án cười ha hả, thầm phục Trí Quả hòa thượng thật tinh đời. Nửa năm sau, Trương Minh Kỳ cải dạng anh lái buôn đến chùa Hải Động nhờ hòa thượng xem cho vận mệnh hanh thông, tương lai ra sao?
Ngắm Trương rất lâu, hòa thượng Trí Quả nói:
- Nhìn tướng mạo ông toàn thấy ngoại biểu cô hàn nhưng nghe tiếng ông nói âm vận lại dị thường, thanh lãng kỳ lạ, ông có tướng dung tục mà kèm theo thanh.
- Ông có thể cho tôi xem ám tướng để quyết định lời đoán được không?
Trương Minh Kỳ gật đầu, xem xong ám tướng, hòa thượng phê vào giấy:
Chu thân cô hàn tướng
Đỗ nội độc hữu tứ phương trường
Vị cực đại thần
Xuất tướng nhập tướng
Nghĩa là:
Toàn thân đều một tướng cô khổ bần hàn Chỉ bộ ruột trong bụng hình vuông Tất ở ngôi vị đại thần xuất tướng nhập tướng.
“Đỗ nội tứ phương trường” là cái tướng mà trong “Nam Hải Dị Nhân” có nói ông Mạc Đĩnh Chi ỉa cứt vuông vậy.
Nguồn bài viết: Tướng mệnh khảo luận - Vũ Tài Lục