Nội dung bài viết

Dẫn nhập

Cắt nghĩa từng chữ của vòng Trường Sinh

Trường Sinh

Mộc Dục

Quan Đới

Lâm Quan

Đế Vượng

Suy

Bệnh

Tử

Mộ

Tuyệt

Thai

Dưỡng

Phân chia các mốc của vòng Trường Sinh


Dẫn nhập

Khoa Tử Vi cái gì cũng gọi là sao. 12 chữ trong vòng Trường Sinh đều gọi là sao. Nhưng trên lý học Đông phương không thấy 12 sao đó. Cả trong Địa Lý, Bốc dịch cũng đều không công nhận là sao. Cho nên ta nên gọi nó là chữ, hay là cung (cung có di động). Lại nữa, La và Võng có người gọi là sao. Thực sự, cung Thìn chỉ là cung Thiên La và cung Tuất chỉ là cung Địa Võng. Bởi sai như vậy nên ta xưa nay đoán Tử Vi theo chiều hướng khác, đã đến lúc chúng ta phải dùng lý học Đông phương giải minh lầm lẫn. Vòng Trường Sinh trong lý học Đông phương rất quan trọng, mà trong Tử Vi ta thấy như bị xem thường.

Có thể nói đến 70% khoa Địa Lý nói đến vòng Trường Sinh, 50% (mất chữ) dùng đến vòng Trường Sinh. Hai khoa này là hai khoa quan trọng của lý học Đông phương. Một khoa đứng đầu khoa bói toán và một khoa phối hợp cái tinh hoa của Thiên, Địa, Nhân để tìm ra một điểm làm đất kết phát đời đời cho dòng họ. Nhận thấy sự quan trọng như thế nên chúng tôi đặt kế hoạch khai thác cái diệu dụng của vòng Trường Sinh như sau:

 

  • Tìm ý nghĩa của vòng Trường Sinh trên khoa lý học Đông phương.
  • Tìm ý nghĩa của vòng Trường Sinh trên khoa Địa Lý.
  • Ý nghĩa của vòng Trường Sinh trong khoa Bốc dịch.
  • Trình bày và so sánh các phép sử dụng vòng Trường Sinh xem cách nào hữu hiệu để bổ túc cho Tử Vi.
  • So sánh và bổ túc cách dùng nào còn thiếu sót.
  • Thiết lập lại định nghĩa chân của vòng Trường Sinh vào khoa Tử Vi.

Tuy mới nghiên cứu khoa học của Đông phương nhưng phải phê bình mới bổ túc cái thiếu sót. Sở dĩ giám làm công việc táo bạo có nhiều gay cấn này, vì chúng tôi đã nhiều lần cảm thấy bực bội rằng: xưa kia ta học Tàu ta chỉ học theo đuôi. Muôn đời, học như thế ta vẫn bị Tàu ngự trị, ngày nay ta học Tây nếu cứ theo đuôi, muôn năm ta vẫn không vượt được họ, giỏi lắm chỉ gần bằng. Muốn ngang họ ta phải có cái học tinh tuý của Đông bổ túc vào cái thiếu sót của Tây hoạ chăng ta mới theo kịp người. Và may ra lại là dân tộc tìm ra được cái đại nhất trước họ. Họ là Đông hoặc Tây. Phạm vi bài này chắc chắn chưa đạt được cái mộng tưởng đó nhưng nó sẽ đưa ra một đường lối học mới, đường lối cái học của tinh thần Đại học, cái học trưởng thành, của dân tộc trưởng thành.

Nào, trước tiên ta hãy định nghĩa ý nghĩa của vòng Trường Sinh trên lý học Đông Phương:

Vòng Trường Sinh là một sự gì liên tục, từ Trường Sinh, Mộc Dục, Quan Đới, Lâm Quan, Đế Vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng. Và Dưỡng lại nối với Trường Sinh và cứ thế liên tục đi mãi mãi. Như vậy khi tìm nghĩa của một chữ nào chúng ta không nên quên chữ đó chỉ là một trên 12 đoạn đường được đặt tên là vòng Trường Sinh.

Ta sẽ tìm ý nghĩa của từng chữ, nhiên hậu ta sẽ nối chúng lại từng đoạn nào ta muốn ta cần sau cùng, sẽ chắp liền những đoạn đó lại thành một chu kì liên tục, chu kì khép kín (cycle ferme’). Như vậy mới không sai ý lập vòng Trường Sinh của cổ nhân, của lý học Đông phương mà ngày nay ta có.

Cắt nghĩa từng chữ của vòng Trường Sinh

Trường Sinh

Có nghĩa như sự khởi đầu của một cuộc sinh hoàn. Nó như 6h sáng của một ngày. Nhưng thật ra ngày đã bắt đầu từ khi hết 24h đêm hôm trước. Nó cũng như là tháng Giêng là đầu của một năm. Nhưng trong cây cỏ đã thay nhựa mới từ tháng mười năm trước. Nhựa mới đã có rồi, nó nằm trong thân rễ cây mãi đến tháng Giêng mới tạo nên mầm non cho ta thấy trên các cành cây vào đầu xuân.

Trường Sinh là được sinh, và sự sống bắt đầu từ đó, nó mới là khởi đầu sự sống, và sự sống bắt đầu từ đó, nó mới là khởi đầu sự sinh sống hiển hiện nên đường đi của nó còn dài.

Theo ngũ hành sinh khắc chế hoá thì Trường Sinh nghĩa là được sinh. Nếu ta là Mộc thì lúc đó Mộc được Thuỷ làm cho tươi tốt. Nếu ta là Hoả thì ta được thì Hoả đó đang được Mộc giúp cho Hoả cháy đều không tắt. Nếu ta là Thổ thì Thổ đó đang được Hoả đốt cây cỏ sinh, vỗ hữu cơ cho Thổ được tốt. Nếu ta được Kim thì Kim đó đang được Thổ sinh. Nếu ta là Thuỷ thì Thuỷ đó đang được Kim tiết ra liên tiếp...

Mộc Dục

Mộc dục là trổ mã, là dậy thị, là tuổi 15, 16, 17, cái tuổi bắt đầu sự “đầu cao rẽ lệch, mắt nheo mơ”. Cái tuổi của khí huyết bắt đầu nảy nở để dùng vào việc hay hoặc việc dở. Cái tuổi chuẩn bị hành lý vào đời, nếu đi đúng đường thì sẽ hay. Cũng là cái tuổi bắt đầu nhiễm những tệ đoan của xã hội nếu thiếu sự chăn dắt. Nó còn không hay nếu là cái tuổi trai thì chơi bời ngu dại để đeo bệnh trong suốt đời người, gái nhầm lẫn để suốt đời có mặc cảm tội lỗi.

Quan Đới

Xưa kia trai đến tuổi trưởng thành cũng là đến tuổi sinh viên có thể đội mũ sinh viên. Quan Đới là cái mũ có giải của Nho sinh như mũ của chàng Kim Trọng. Đội mũ này là bắt đầu đứng đắn rồi. Có thể tiếp khách thay cha mẹ nếu khi khách đến nhà mà cha mẹ đi vắng. Tuổi đội mũ có giải (Quan Đới) này có thể du học ở xa, ở kinh đô, ở chỗ có thầy giỏi để chuẩn bị đi thi. Cái tuổi Quan Đới này có thể nhiễm độc từ khi ở tuổi Mộc Dục và nếu thời kỳ Mộc Dục được chu toàn thì tuổi Quan Đới này thật là đẹp: tương lai sán lạn, chuẩn bị cho tuổi ra Lâm Quan ở tuổi Lâm Quan.

Lâm Quan

Lâm Quan là mới ra Lâm Quan, mới biết trực tiếp một cách độc lập vào đời, với thói đời hay dở, đen bạc, nhiều mưu mô xảo trá của đời. Lâm Quan còn là tài năng mới bắt đầu lộ diện, mới bắt đầu thi thố với đời. Tài còn non mà còn có thể đang được thiên tử thử thách xem có đáng được cất nhắc cho lên thoả chí trai vẫy vũng. Có người giữ chức quan nhỏ này suốt đời, có người phúc đức lớn hoặc chí lớn có thể thoát ra lên chức to hơn và cũng chỉ có người chỉ vượng một thời gian ngắn rồi tàn. Lại có người bất đắc chí từ đây cho đến suốt đời như Cao Bá Quát.

 

Đế Vượng

Đây là thời kỳ sung mãn nhất của người tốt số, và cũng là thời kì sắp suy tàn của người kém đức. Từ Trường Sinh đến Đế Vượng như từ chân núi leo lên đến đỉnh núi, leo hết để bắt đầu xuống dốc. Như mặt trăng này tròn hết sức, nhưng tròn để mà khuyết. Đế Vượng còn là lúc cho ta thử thách trong khi thành công không sa ngã, bậy bạ, dâm dật khi có tiền, khi có thế, khi già kinh nghiệm. Hoặc buồn khổ khi vẫn nghèo.

Phú quý bất dâm bần tiện lạc
Nam nhi đáo thử thị hào hùng

Nếu con người đi trọn vẹn đến Đế Vượng mà vẫn nghèo mà không buồn vẫn giữ đạo trời thì con cháu sẽ được hưởng đức của mình. Trái lại nếu giàu mà gây tội lỗi, thì đức sẽ hết từ đây, và sẽ đi xuống một cách khổ sở.

Suy

Là bắt đầu suy cái Đế Vượng. Cái Đế Vượng tốt thì suy cái tốt, trái lại Đế Vượng xấu thì suy cái xấu.    

Bệnh

Sửa soạn cho sự chết.

Tử

Chết hết cái Suy Bệnh tốt và Suy Bệnh xấu.

Mộ

Che lấp hẳn, khoả lấp cái xấu, cái tốt đi. Vào đúng lúc, đúng thì của nó.

Tuyệt

Tuyệt không phải là mất hẳn không bao giờ có nữa. Mà Tuyệt là hết cái cũ sửa soạn cho cái mới. Cũng như đầu tháng 10 hết nhựa cũ, cây để rụng hết lá và hút nhựa mới cho mùa sang năm. Như vậy trong cái Tuyệt là sửa soạn cho cái Sinh, cho nên ta thường nói: “Tuyệt xứ phùng sinh”.

Thai

Mầm mới đã bắt đầu đã hình thành.

Dưỡng

Nuôi lớn để đến Trường Sinh, để sửa soạn cho cái sinh mới.

Phân chia các mốc của vòng Trường Sinh

Theo chiều Trường Sinh đi ta thấy: từ Trường Sinh đến Vượng thì Quan Đới là chặng giữa, từ Vượng đi qua Mộ đến Sinh thì Mộ là chặng giữa. Mộ là chặng bỏ đi của cái Suy của Vượng và sửa soạn cho cái Thai của Sinh. Rồi thì Bệnh là chặng giữa của Vượng đến Mộ và Thai là chặng giữa của Mộ đến Sinh.

Tuy nhiên quan trọng nhất chỉ có 3 chữ: Sinh, Vượng, Mộ. Ví dụ :Vòng Trường Sinh của Kim cục đi xuôi. Sinh, Vượng, Mộ là đường ngắn nhất của chu kỳ Trường Sinh. Ta không thể vẽ cách nào cho vòng này đi ngắn nhất nếu không dùng 3 điểm vì 4 điểm thì đường đi dài hơn, vẽ 2 điểm thì lại chập vào nhau.

Trên đây mới là một phần (một phần thôi) ý nghĩa của một vòng Trường Sinh của lý học Đông phương. Kỳ sau ta tiếp theo tìm ý nghĩa của vòng Trường Sinh trong khoa Địa Lý thiên văn, và Bốc dịch xem có gì khác lạ, có gì bổ túc cho Tử Vi.

Nguồn bài viết: KHHB 73 A2 (Ngày 11/1/1973)