Thời điểm khi mới vào nghề, tôi luôn suy nghĩ đến một vấn đề. Đó là vì sao Tổ Gia lại kết nạp tôi vào Đường khẩu? Tôi vừa xấu vừa đần. Với trí thông minh và con mắt tinh đời, ông không thể không biết điều đó. Rốt cuộc ông đang nghĩ gì đây?

Mới vào nghề có rất nhiều kiến thức cần học, không có nhiều thời gian để tôi nghĩ đến những việc không liên quan đến nghề A Bảo. Do đó, mỗi lần tôi không tập trung, Nhị Bá đầu liền đập cho tôi một cái vào sau đầu

“Ngươi nhắc lại một lượt những điều ta vừa nói xem.” Nhị Bá đầu hằm hè gằn giọng quát tôi.

Tôi bừng tỉnh, tay xoa xoa đầu. Kỳ thực, hôm đó Nhị Bá đầu giảng về kiến thức liên quan đến thuật Trát phi. Trong Đường khẩu, Nhị Bá đầu là bậc cao thủ Trát phi, rất được Tổ Gia yêu mến. Ông ta luôn tự hào về những vụ Trát phi mà mình đã thực hiện. Khi giảng bài, học trò không tập trung thì quả là một sự sỉ nhục lớn đối với ông ta.

Thực ra, những thứ đó tôi đã được nghe ông ta ba hoa rất nhiều lần, tôi không biết giả vờ nịnh nọt giống như những người khác, bọn họ luôn tròn mắt ngây thơ mỗi khi nghe Nhị Bá đầu kể đi kể lại những câu chuyện đó

Trong trí nhớ của tôi, vụ dàn cục Trát phi hay nhất chính là năm thứ hai sau khi tôi vào nghề, Nhị Bá đầu theo sự sắp đặt của Tổ Gia dàn cục một ông chủ lớn.

Năm Dân Quốc thứ 38, đêm trước giải phóng, nhà Tứ gia Lâm Trấn Trương xảy ra chuyện.

Con trai Trương Tứ gia mắc bệnh tương tư, không thiết ăn uống, người gầy đến nỗi chỉ còn da bọc xương. Trương Tứ gia là hậu duệ của Kỳ Nhân, sau cách mạng Tân Hợi, thế lực dần suy bại, nhưng Lạc đà gầy trơ xương vẫn to hơn ngựa, vẫn là một miếng thịt béo.

Sự việc là thế này, con trai Trương Tứ gia đến hẻm Nam Liễu chơi gái, gặp một cô nương tên Xuân Đào, liền động lòng tình, nhưng nha đầu đó vô cùng lẳng lơ, tính toán, lừa cho mấy quả rồi biến mất. Kết quả Trương công tử ngày đêm nhung nhớ, không ăn không uống, mới có mấy ngày mà hai hố mắt trũng sâu, mặt mũi vêu vao, hốc hác trơ trơ như cái đầu lâu.

Tổ Gia nhân cơ hội này tìm người dẫn mối, bắn tin đến Trương Tứ gia rằng thực chất là Trương công tử bị một con hồ ly quấy nhiễu, phải làm lễ cúng bái, trừ yêu, bệnh tương tư tự nhiên sẽ khỏi.

Ban đầu, Trương Tứ gia không tin, nhưng vài hôm sau, vào một buổi tối, Trương Tứ gia ăn cơm xong ra sân tản bộ, bỗng nhiên nhìn thấy một bóng đen lướt qua trước mặt, chưa kịp phản ứng xem là chuyện gì thì lại có một bóng đen nữa lướt qua, hai bóng đen một trước một sau nhảy phắt lên tường, rồi theo đó nhảy xuống hậu viện biến mất, cỏ cây trên tường bị hai bóng đen đó chạy qua phát ra âm thanh xào xạc, Trương Tứ gia nhìn thấy rất rõ, chính là hồ ly tinh. Mấy ngày sau đó, Trương Tứ gia và người nhà mỗi tối đều nhìn thấy hồ ly tinh thoắt ẩn thoắt hiện trong sân nhà, ông ta sợ hãi tim đập thình thịch, lại thêm có người xúi giục, cuối cùng phải đến gõ cửa Tổ Gia nhờ giúp đỡ. Vậy là, Tổ Gia điều Nhị Bá đầu đến lập đạo tràng.

Một đạo tràng lớn được dựng lên, một bàn hương án to, mười mấy A Bảo đóng giả làm đạo sĩ miệng niệm thần chú, chạy đi chạy lại quanh đạo tràng. Nhị Bá đầu dùng một miếng vải trắng trùm lên đầu, tay cầm kiếm gỗ đào múa may trong không trung như đang vẽ tranh. Nửa đêm giờ Tý, tiền giấy kèm theo khói bay mù trời, Nhị Bá đầu giống như lên cơn kinh phong, chạy đi chạy lại quanh sân, trong tay cầm bảo kiếm chém dọc chém ngang. Bỗng nhiên, trên trán ông ta có máu chảy, nhuộm đỏ cả miếng vải trắng, đồng thời chảy theo sống mũi nhỏ xuống đất. Mọi người có mặt chứng kiến đều bị dọa hoảng sợ một phen.

Sau khi Nhị Bá đầu thu chiêu lại, bộ dạng vô cùng mệt mỏi, Trương Tứ gia nét mặt vẫn còn hoảng sợ, bèn hỏi: “Sư phụ, sao ông lại bị chảy máu vậy?”

Nhị Bá đầu nói: “Con hồ ly tinh này quả thật lợi hại, vừa rồi khi ta đấu với nó một trận, nó nhảy lên đầu ta, cắn ta một miếng. Giờ thì tốt rồi, ta đã diệt trừ được nó, các ngươi đi tìm xác của nó đi.”

Mọi người tỏa ra đi tìm quanh sân một hồi lâu, những không tìm thấy. Nhị Bá đầu nói: “Không cần phải vội, nó chạy không xa được đâu.” Sau đó, mọi người đều quay về.

Ngày hôm sau, mới tờ mờ sáng, một tiếng kêu thất thanh từ trong phòng Trương công tử phát ra, Trương lão gia và mọi người vội vàng chạy lại xem chuyện gì, chỉ thấy trong chăn của Trương công tử có một con cáo mình đầy máu me nằm cuộn tròn. Trương Tứ gia hỏi làm sao mà kêu thế? Trương công tử run cầm cập, lắp ba lắp bắp nói: “Buổi sáng dậy đi tiểu tiện, cảm thấy trong chăn có vật gì đó, mở ra thì thấy...”

Trương Tứ gia ngẫm nghĩ một lát, rồi gật gật đầu mỉm cười. Trương công tử cũng nhờ lần sợ hãi này mà tỉnh táo hơn. Anh ta cảm thấy đói và bắt đầu ăn uống trở lại, mấy hôm sau sắc mặt tươi tỉnh, sức khỏe cũng hồi phục rất nhiều.

Sau đó, Trương Tứ gia đặc biệt chuẩn bị mấy chục đĩnh bạc, vài xấp tơ lụa thượng hạng, đem đến tạ ơn Tổ Gia và Nhị Bá đầu. Ông ta nói: “Các sư phụ quả là đạo pháp cao minh, cứu độ muôn dân.”

Kỳ thực, từ đầu đến cuối đây đều là một màn lừa bịp không hơn không kém. Ban đầu, Trương Tứ gia không tin, Tổ Gia bèn sai Nhị Bá đầu dẫn theo mấy người lên núi bắt vài con cáo, cách một hôm thả một con vào nhà Trương tứ gia, đợi đến khi đối phương tin là có “hồ ly tinh” thật, liền cử Nhị Bá đầu đến lập đàn làm phép. Còn về máu trên đầu, kỳ thực là máu chó. Nhị Bá đầu dùng một tấm vải trắng được may nhiều lớp, ở giữa có đặt một túi tiết chó được làm từ bàng quang của lợn. Khi làm phép Nhị Bá đầu chùm tấm vải này lên đầu, nhân lúc không ai để ý, đập mạnh lên trán một cái, túi máu chó liền vỡ ra, máu sẽ chảy xuống. Trong lúc hỗn loạn, không ai đề phòng, sai một tên tay chân chạy vào nấp sẵn trong phòng Trương công tử, thổi một ít mê hồn tán, rồi đem con cáo đã chết nhét vào trong chăn của anh ta.

Thủ pháp này được gọi là Trát phi, cũng tức là chiêu giả thần giả quỷ.

Tổ Gia thường nói: “Phàm ‘nhất’ giai khả Trát phi, quân tử kính quỷ thần nhi viễn chi, tiểu nhân úy quỷ thần nhi chiêu chi, phi hữu sở cụ, tức hữu sở cầu, A Bảo trát chi, thuận thiên thừa mệnh.”

Ý rằng, người quân tử chân chính trong tâm không có quỷ, ngay thẳng bộc trực, không sợ quỷ thần. Còn những kẻ sợ quỷ hoặc cầu khấn quỷ thần, nếu không phải vì làm việc trái với lương tâm thì chắc chắn có điều muốn cầu xin quỷ thần, A Bảo có thể nhân cơ hội này mà thả thòng lọng. Thủ đoạn của thuật Trát phi rất đa dạng như chu sa họa quỷ, thần tiên gửi gắm... thực chất đều có tác dụng làm đạo cụ.

Trong Kinh Hoa nghiêm nói: “Ác nghiệp tạo ra trước kia, đều do tham, sân, si vô cùng vô tận.” Nhược điểm trong bản tính con người chính là: tham, sân, si. Quan sát một cách tỉ mỉ thì dường như tất cả tai họa đều bắt nguồn từ ba nhược điểm này.

Tham là tham lam. Tức tham tài, tham sắc, tham danh, tham tiếng, tham địa vị... để thỏa mãn sự tham lam đến điên rồ cuồng dại, táng tận lương tâm, không việc gì không dám làm. Bọn tham quan, cường đạo, trộm cướp, cờ bạc, háo sắc, gian thương, đạo văn, bao gồm cả A Bảo đều như nhau. Kết cục cuối cùng của những người này đều rất thê thảm.

Sân nghĩa là phẫn nộ, tức giận. Khi tức giận về căn bản không thể khống chế được bản thân mình, những kẻ tử tù vì tức giận nhất thời mà giết người, chẳng tên nào không cảm thấy hối hận cả. Hàm nghĩa khác của sân là sự đố kỵ, một khi sinh ra tâm đố kỵ, dù là bạn bè bằng hữu tốt đến mấy chăng nữa đều sẽ ngáng chân lẫn nhau

Si là si tình. Kẻ rơi vào lưới tình, nhất là kẻ bị làm cho mê mẩn tâm thần, mất đi hồn phách, bị tình cảm chi phối, cuối cùng kẻ buồn rầu mà chết, kẻ vì yêu mà sinh lòng thù hận hoặc giết chết đối phương, hoặc cả hai tự tử vì tình.

Một khi con người để lộ ra ba nhược điểm này, A Bảo tất sẽ có cơ hội ra tay