Tổ Gia bước lại gần chiếc hòm được đóng bằng gỗ dày, cậu dùng thanh cời lò đâm vào mép gỗ trên nắp, nạy thật mạnh mở tung được chiếc hòm. Bên trong có hai người bị trói chặt. Những kẻ bắt cóc có kỹ thuật trói rất đặc biệt. Hai tay, hai chân bị trói lại với nhau, một sợi dây thừng ở giữa trói tay chân chụm lại. Như vậy cả thân người bị trói cuộn tròn giống như con tôm vậy, nằm trong hòm không thể cựa quậy gì được.
Tổ Gia móc nắm giẻ trong miệng hai người này ra. Sau một hồi ho sặc sụa, họ mới cất được lời cảm ơn rối rít: “Cám ơn cậu em đã cứu mạng!” Nhờ có ánh đèn, Tổ Gia nhìn thấy rõ hai người này. Đó là một người khoảng 50 tuổi, dưới cằm có một chòm râu dê. Còn người kia khoảng 60, 70 tuổi, trên mặt đầy những nếp nhăn, nhưng tuyệt nhiên không có sợi râu nào.
Tổ Gia liền cởi trói giúp họ, nhưng nút thắt rất chặt, dù dùng răng cắn cũng không sao mở được. Cuối cùng người lớn tuổi hơn nói: “Cậu em, cậu hãy mở chao đèn ra, sau đó dùng đèn đốt dây trói.”
Tổ Gia vỗ tay lên trán một cái rồi nói: “Đúng rồi! Sao mình lại không nghĩ ra nhỉ?” Nói xong vội vàng lấy chiếc đèn xuống, cùng với sự phối hợp của hai người đó, dây trói nhanh chóng bị đốt cháy đứt rời ra. Bỗng một cảm giác rùng mình chạy dọc sống lưng Tổ Gia. Giọng của ông già này tại sao không giống với người bình thường chút nào? Hơn nữa nó lại mang âm điệu vô cùng kỳ quái như vậy?
Lúc này người khoảng 50 tuổi nói: “Cậu em, xin hỏi cậu là người ở đâu đến vậy? Tại sao lại đến đây cứu chúng ta?”
Câu hỏi của ông ta khiến Tổ Gia ngây người, cậu nghĩ: mình vốn đi tìm manh mối kẻ thù, không ngờ lại cứu được hai người này, biết nói thế nào đây? Hay là nói thật với họ? Không được! Chưa biết chừng chúng cùng một bọn, không khéo lại chuốc thêm phiền phức!
Những biến cố đã tác động rất lớn đến Tổ Gia khiến cậu không còn tin tưởng vào bất kỳ ai nữa. Tổ Gia cười nói: “Tôi… thực chất là một kẻ phiêu bạt giang hồ, năm ngoái vì chuyện nộp địa tô mà gia đình tôi có xung đột với bọn địa bảo 5 . Trong lúc tức giận, tôi đã đánh lại hai tên địa bảo tâm địa xấu xa, từ đó phải rời bỏ quê quán, lang thang phiêu bạt chân trời góc biển. Đúng lúc ngang qua đây, tôi nhìn thấy mấy người khiêng chiếc hòm đi vào ngôi nhà này. Ngờ có chuyện chẳng lành, tôi liền bám theo. Quả nhiên, tôi thấy trong hòm có tiếng người kêu khẽ, lại nghe được cuộc trò chuyện của hai kẻ bắt cóc xấu xa. Con người tôi thích can thiệp vào những chuyện bất bình, huống hồ Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp. Vì không nhẫn nhịn được nên tôi đành mạo hiểm xông vào cứu các ông. Kỳ thực cũng chẳng có gì to tát cả, giữa đường gặp chuyện bất bình rút dao tương trợ, anh hùng hảo hán trên giang hồ đều làm như vậy cả.”
Hai người đó sau khi nghe xong, đưa mắt nhìn nhau, một lúc lâu mới nói: “Cậu em, cậu còn trẻ mà đã có lòng dũng cảm và có tâm trượng nghĩa như vậy. Thật bội phục!”
Người khoảng 50 tuổi chắp tay lại nói: “Ta là Chu Chấn Long.” Sau đó chỉ vào người kia nói: “Vị này là sư phụ của ta, Trương Đan Thành. Xin hỏi cậu em quý tính đại danh là gì?”
Tổ Gia chắp tay lại đáp lễ: “Không dám. Tôi họ Vương, tên Nhất Hành, lấy ý là chuyên tâm tu hành.”
Trương Đan Thành gật gù: “Chà. Tên rất hay, tên rất hay.”
Lại một lần nữa Tổ Gia dựng tóc gáy, nổi da gà. Giọng nói của lão già này quả thật vô cùng đặc biệt, âm điệu the thé, giống như dê kêu, khiến cho người nghe toàn thân toát mồ hôi lạnh
Thực chất, Tổ Gia đang nói dối. Từ sau khi cha đắc tội với bọn quân phiệt mà gặp họa diệt môn, cậu cũng không dám để lộ tên thật của mình. Vừa rồi là nghĩ bừa ra một cái tên, ý nghĩa cũng chỉ có Tổ Gia mới hiểu: Nhất Hành, tức một người cô độc lẻ loi đi trên đường đời
Chu Chấn Long nói: “Nơi này không thể ở lại lâu, chúng ta đi tìm chỗ khác nói chuyện.”
Tổ Gia vốn không muốn đi theo bọn họ, nhưng lại nghĩ hai người này chắc chắn có khúc mắc gì đó với mấy tên khốn kiếp kia, có hai khả năng, hoặc họ là kẻ thù, hoặc là đồng bọn. Tóm lại là có quan hệ với nhau. Tại sao không nhân cơ hội này thăm dò một chút? Hôm đó, ở trên phố, tổng cộng là có ba tên giăng bẫy lừa anh em Tổ Gia, hiện nay hai tên đã chết, còn một tên đeo kính vẫn chưa thấy đâu cả.
Dưới ánh trăng vằng vặc, ba người liền nhanh chóng rời khỏi căn nhà đó. Đi qua một con sông nhỏ, xuyên qua mấy ngõ hẻm, đến trước một ngôi nhà, Chu Chấn Long lấy ra một chùm chìa khóa mở cửa, lúc này trời đã tờ mờ sáng. Sau khi ba người vào nhà, Chu Chấn Long không vồn vã mời mọi người ngồi, mà đi đến bên chiếc giường đất, lật chiếu lên, để lộ ra bên dưới là một tấm gỗ, rồi lật tiếp tấm gỗ lên. Đó là một cái hầm, có thang để đi xuống. Chu Chấn Long nói với Trương Đan Thành: “Sư phụ! Chúng ta xuống hầm đi.”
Trương Đan Thành gật đầu, Chu Chấn Long đỡ ông ta đi xuống. Sau đó quay lạ nói với Tổ Gia: “Vương lão đệ! Mời!”
Tổ Gia sửng sốt nhìn căn hầm lớn bên dưới chiếc giường đất, ngây người đắn đo một lúc rồi cúi người đi xuống. Chu Chấn Long là người xuống cuối cùng. Ông ta với tay kéo tấm gỗ lại vị trí cũ che cửa hầm lại.
Sau khi Chu Chấn Long thắp đèn dầu lên, Tổ Gia mới nhìn rõ cảnh vật xung quanh. Căn hầm được thiết kế có bốn trụ đỡ, ở giữa có đặt một bàn trà nhỏ, bên phải có một cái lỗ đen chạy sâu vào trong, không biết là thông đến nơi nào
Sau khi ba người ngồi xuống, Trương Đan Thành bắt đầu mở lời vẫn bằng cái giọng âm u đó: “Ơn cứu mạng của cậu Vương đây, lão không biết phải đền đáp thế nào. Đại Bá đầu à, lát nữa ngươi lấy một chút vàng bạc. Mong cậu Vương vui vẻ nhận cho.
Đây là lần đầu tiên Tổ Gia nghe thấy hai từ “Bá đầu”. Trong lòng Tổ Gia lúc này chỉ quan tâm đến việc tìm manh mối và báo thù. Bản thân cậu vốn nghĩ rằng có thể moi được chút tin tức từ hai người này nên không quá để tâm đến vàng bạc, liền nói: “Đại trượng phu sống trong thiên hạ, luôn đối đãi chân thành với nhau. Trương tiên sinh làm như vậy, tức là xem thường tôi rồi.”
Trương Đan Thành và Chu Chấn Long lại quay ra nhìn nhau, bọn họ bị cậu bé trước mặt làm cho choáng váng. “Vậy… cậu… bọn ta phải báo đáp người anh em thế nào đây?”
Tổ Gia mỉm cười nói: “Tôi có thể gặp được hai vị tiên sinh đây, cũng coi như có duyên phận. Nói cách khác, số mạng của hai vị chưa đến hồi tuyệt, người tốt tất sẽ được trời giúp để tai qua nạn khỏi. Tôi chỉ là kẻ đóng vai người cứu mạng, hai vị tiên sinh muốn cảm tạ, hãy cảm tạ ông trời đi.”
Hai người ngây ra, rồi bật cười ha hả, cười đến nỗi chảy cả nước mắt, họ cảm thấy tên tiểu tử đang ngồi trước mặt thật đáng yêu.
Tiếng cười the thé, mảnh như sợi tơ đó lại khiến Tổ Gia nổi hết cả da gà.
Ông không đợi được nữa, nói: “Hai vị tiên sinh nguyên cớ làm sao lại bị bọn trộm cướp đó bắt trói vậy? Lẽ nào đã đắc tội gì với bọn chúng?”
Hai thầy trò Chu Chấn Long cười như đưa đám, Chu Chấn Long nói: “Hưởng hương rồi!”
Tổ Gia không hiểu: “Cái gì hương cơ?”
Chu Chấn Long nhìn Trương Đan Thành, ý muốn hỏi có nên nói tiếp hay không. Trương Đan Thành gật gật đầu rồi nói: “Cậu Vương là ân nhân cứu mạng, hai mạng của chúng ta nhờ cậu ta mà giữ lại được. Nói-đi-đừng-ngại!”
Âm thanh bốn chữ cuối Trương Đan Thành kéo dài ra. Tổ Gia nhíu mày. Cái giọng nói như từ chốn âm linh vọng lại này quả thật chói tai khiến cậu chỉ muốn bịt tai lại
Trương Đan Thành phát hiện ra sự khó chịu của Tổ Gia, mỉm cười nói: “Cậu em, phải chăng cậu ghét giọng ta nói khó nghe? Người không ra người, quỷ không ra quỷ?”
Tổ Gia chợt thấy mình phản ứng quá lộ liễu, cười xòa nói: “Không phải, không phải. Chỉ là tiểu nhân nghe không quen.”
Trương Đan Thành nói: “Cậu là ân nhân cứu mạng của ta, nếu đổi là người khác, ta đã cho một vả vào miệng rồi! Hừ.” Trầm ngâm một lát, rồi ông ta hỏi: “Cậu em, cậu biết vì sao giọng nói của ta u ám, nam không ra nam, nữ không ra nữ không?”
Tổ Gia trả lời: “Không biết.”
Trương Đan Thành nói: “Vì ta là quả trứng thối.”
Tổ Gia nghe mà thấy như sấm nổ bên tai, “quả trứng thối” là lời nói dùng để mắng chửi của người nơi này. Vị lão tiên sinh này tại sao lại nói bản thân mình như vậy?
Theo lời kể của Trương Đan Thành, Tổ Gia mới dần hiểu được ngọn ngành. Hóa ra họ là một phường lừa đảo, được gọi là phái Giang Tướng. Trương Đan Thành là ông trùm ở vùng này, cũng chính là Đại Sư bá. Trước đây vì một cuộc dàn cục lớn để lừa một vị Bối lặc trong cung, Trương Đan Thành đã phải mất ba năm liền để bố trí. Vị Bối lặc đó luôn coi ông ta là bằng hữu nên không hề đề phòng. Đến khi thu lưới, có kẻ tham lam, tạo phản, kết quả bị lộ cục. Sau khi vị Bối lặc kia bắt được, Trương Đan Thành tưởng rằng đã cầm chắc cái chết. Không ngờ vị Bối lặc đó niệm tình cũ, nói: “Tội chết có thể miễn, nhưng tội sống thì không thể tha. Cái gan của ngươi to như vậy, Bối lặc ta sẽ dập tắt cái nhuệ khí đó của ngươi.”
Kết quả Trương Đan Thành bị mấy tên lính đè nghiến xuống. Một tên tiểu thái giám dùng một con dao sắc cắt phăng một quả ngọc hành của ông ta, khi đó máu chảy lênh láng, đau đớn vô cùng. Từ đó Trương Đan Thành biến thành kẻ “một quả trứng” theo đúng nghĩa của nó. Giọng nói cũng dần trở nên kỳ quái dị hợm. Khi đó thiên hạ vẫn là của nhà Đại Thanh, ông chẳng có cách nào khác, đành phải về quê sống mai danh ẩn tích. Sau Cách mạng Tân Hợi, triều đình Mãn Thanh bị lật đổ, Trương Đan Thành lại có cơ hội nhảy ra. Ông đốt pháo ăn mừng ba ngày liền, sau đó tập hợp lại anh em thân tín, tiếp tục hành nghề lừa đảo
Đội ngũ của Trương Đan Thành không lớn, trong tay có 4 Bá đầu, Chu Chấn Long là Đại Bá đầu, luôn sát cánh hành động cùng Trương Đan Thành, còn lại ba tên Bá đầu kia sau này dần được phát hiện và bồi dưỡng. Lần này ba tên Bá đầu đó liên thủ với nhau trèo lên hưởng hương. Trương Đan Thành không phải không đánh hơi thấy được nguy hiểm, mà chỉ do trở tay không kịp.
Theo miêu tả của Trương Đan Thành và Chu Chấn Long, trong ba tên Bá đầu đó. Tên cầm đầu chủ ý tạo phản là Tứ Bá đầu, tên tiểu tử này từ lâu đã không phục ông ta, luôn bất mãn vì Trương Đan Thành ra tay thiếu quyết đoán, đồng thời hậm hực vì ngân lượng kiếm được của Đường khẩu ngày càng ít đi, năm ngoái hắn ta bắt đầu đề xuất Trương Đan Thành sát phú.
Sát phú là đại kỵ trong giới A Bảo, phạm vào quy tắc hành nghề này tất sẽ bị toàn giới A Bảo truy sát. Cái gọi là sát phú chính là khi dàn cục, tự ý xuống tay “cắt cổ” con gà béo, rồi cướp trắng toàn bộ số tiền
Hành nghề A Bảo không giống như kẻ cướp giật, trộm cắp. Họ luôn coi trọng sự kiên trì nhẫn nại, nếu không Đường khẩu sẽ đứt đoạn mạch tài lộc, tức dù là kẻ thù không đội trời chung, nếu không thỉnh thị trước mà tự ý “cắt cổ”, cũng sẽ phải chịu hình phạt vô cùng nghiêm khắc. Do đó, nếu không đến hồi vạn bất đắc dĩ, tuyệt đối không thể sát phú.
Trương Đan Thành hiểu, lý do “vì nghĩ đến lợi ích Đường khẩu” của Tứ Bá đầu đưa ra để sát phú chỉ là kiếm cớ ngụy biện. Nói cho cùng vẫn là sắc nhục làm tâm khiếu mê muội. Hắn ta là kẻ tâm địa gian xảo, Trương Đan Thành từ lâu đã biết rõ. Năm ngoái khi đến điều hòa phong thủy cho một nhà giàu lắm tiền nhiều của, hắn sinh lòng thèm khát người vợ xinh đẹp của gia chủ. Dù nghĩ tới nghĩ lui, tìm đủ mọi cách mà vẫn không giành được người đẹp, hắn lấy cớ tiền bạc của Đường khẩu hạn hẹp, nhiều lần đưa ra yêu cầu sát phú. Giết được ông chủ kia, hắn ta sẽ có cơ hội chạm tay đến người đẹp.2
Thời gian gần đây, Trương Đan Thành cảm thấy Tứ Bá đầu ngày càng có vấn đề. Trong lúc ông cùng với Chu Chấn Long tìm đối sách, không ngờ hắn ta liên thủ với hai tên Bá đầu kia, ra tay trước. Hắn nói: “Ta bắt trói ông lại, trước tiên chưa cần giết vội, để ông chống mắt lên xem ta chiếm hữu mỹ nhân, ngồi vào chính vị, để ông chết trong sự nhục nhã, ta mới cảm thấy vui sướng.”
Nói tới đây, Trương Đan Thành tức giận đến nỗi nghiến răng ken két rồi luôn mồm chửi thề.
Lúc này Tổ Gia mới hiểu ngọn ngành, hóa ra là đấu đá nội bộ. Ông bèn hỏi: “Vậy mấy hôm trước việc Tiên đồng báo mộng, thi thể trôi ngược dòng…”
Chu Chấn Long cười lớn: “Cái gì mà Tiên đồng báo mộng chứ? Đó đều là giả, là trận cục do chúng ta dàn ra và Tứ Bá đầu là người thực hiện. Đây cũng là kế che mắt của hắn ta. Trước khi tạo phản, hắn ta thể hiện rất tốt khiến ta và sư phụ đều mất cảnh giác.”
Toàn thân Tổ Gia chấn động bàng hoàng, nỗi đau đớn trong lòng lại buốt nhói, nhưng ngay lập tức cậu lấy lại bình tĩnh. Manh mối đã xuất hiện, Trương Đan Thành chính là kẻ chủ mưu, trong mấy tên Bá đầu tạo phản, chắc chắn có hung thủ sát hại hai em của cậu. Trương Đan Thành và Chu Chấn Long tuy không đích thân ra tay, nhưng cũng có phần trong đó. Hàng loạt ý nghĩ xuất hiện trong đầu Tổ Gia. Lẽ nào lại giết hai kẻ mà mình vừa mới cứu? Hơn nữa hiện nay trong tay không một tấc sắt, e rằng đánh không lại bọn chúng… Không được manh động! Mà nếu có giết được chúng sẽ không thể tìm được tên Bá đầu hại chết hai em mình. Trước tiên phải mượn tay bọn chúng, giết tên Bá đầu đó, sau đó giải quyết chúng cũng không muộn.
Một loạt tính toán giống như sao băng lướt trong đầu Tổ Gia, cậu trầm ngâm suy nghĩ một hồi
Trương Đan Thành nhìn thấy Tổ Gia ngẩn người ra như vậy liền hỏi: “Cậu em làm sao vậy?”
Tổ Gia vội vàng đáp lời: “Cái tên… cái tên Tứ Bá đầu đúng thật không ra gì! Tôi căm phẫn thay cho hai vị.”
Trương Đan Thành và Chu Chấn Long quay sang nhìn nhau. Trương Đan Thành nói: “Cậu em à! Cứu người thì cứu cho trót, đưa Phật thì đưa đến tận Tây Trúc. Hiện nay hai người chúng tôi không thể lộ diện, phần lớn anh em Đường khẩu đều bị xúi giục tạo phản. Chỉ dựa vào bản thân chúng tôi chẳng khác nào tự đi tìm chỗ chết. Ta sẽ viết ngay một bức thư, nhờ cậu xuống phà đi Thượng Hải một chuyến, giao bức thư này cho một người tên là Cửu gia. Địa chỉ cụ thể ta sẽ nói cho cậu biết, Cửu gia sẽ giúp đỡ ta. Cảm phiền cậu!”
Khi đó Tổ Gia vẫn chưa biết Cửu gia là ai. Mãi sau này lịch sử mới trả lời cho ông. Cửu gia chính là đại hiệp Giang Hoài uy danh thiên hạ Vương Á Tiều. Ba ngày sau, lần đầu tiên Tổ Gia gặp mặt Vương Á Tiều. Năm đó Tổ Gia mới 15 tuổi, Vương Á Tiều 31 tuổi. Vương Á Tiều xoa xoa đầu Tổ Gia, nói: “Cậu bé, tuổi trẻ gan dạ sáng suốt, có khí phách.”
Vương Á Tiều là bạn thâm giao của Trương Đan Thành, là người trọng nghĩa khí giang hồ, ngay lập tức ông ta cử mười mấy thuộc hạ mang súng theo Tổ Gia trở về. Sau khi những sát thủ này bàn bạc kế hoạch bí mật với Trương Đan Thành và Chu Chấn Long, họ quyết định tối hôm Tứ Bá đầu “đăng cơ” sẽ tổng tấn công Đường khẩu.
Suy cho cùng bọn A Bảo đó không thể sánh được với những sát thủ chuyên nghiệp. Đường khẩu lại chỉ có vài khẩu súng được chính phủ nhà Thanh chế tạo mô phỏng theo loại súng trường Mauser 1989 của Đức. Báng súng cái hỏng cái còn, hơn nữa luôn bị kẹt đạn. Mười mấy tên sát thủ tay lăm lăm súng lục, vượt tường xông vào. Chưa đầy nửa tiếng sau khi nổ súng, bọn A Bảo kẻ bị chết, kẻ bị thương. Tất cả những tên còn lại đều ôm đầu ngồi xổm úp mặt vào chân tường
Trước khi xuất phát, Trương Đan Thành có dặn mấy tên sát thủ: “Nhất định phải bắt sống mấy tên Bá đầu đó.” Ông ta muốn tự tay cắt cổ mấy tên tạp chủng này.
Kết quả ngoại trừ Nhị Bá đầu thoạt nhìn thấy sự việc không hay đã cắt cổ tự tử, còn Tam Bá đầu và Tứ Bá đầu đều bị bắt sống, trói nghiến vào cột nhà.
Tổ Gia nấp sau đám sát thủ, ngầm quan sát, chợt nhận ra ngay tên Tứ Bá đầu chính là kẻ lừa ba anh em mình trên phố hôm đó. Tuy tối hôm nay hắn ta không đeo kính, nhưng dáng người, cái cằm, đặc biệt nốt ruồi đen nơi khóe miệng, dù có hóa thành tro Tổ Gia cũng vẫn nhận ra.
Tổ Gia nghiến răng ken két, nhưng không dám manh động, cậu sợ tên Tứ Bá đầu này nhận ra mình. Tuy chúng đang đấu đá lẫn nhau, nhưng suy cho cùng vẫn là đồng đảng, bản thân Tổ Gia chỉ là người ngoài, ngộ nhỡ hắn ta hô to: “Đây chính là tên tiểu tạp chủng đã chạy thoát!” thì chẳng ai có thể biết trước sự việc sẽ như thế nào.
Trương Đan Thành ngồi giữa sân Đường khẩu, hỏi Tứ Bá đầu: “Ngươi đã biết tội chưa?”
Tứ Bá đầu ngửa mặt lên trời cười lớn nói: “Tên hoạn nhà ngươi, muốn giết thì giết đi.”
Trương Đan Thành nghe xong vô cùng tức giận bởi ông ta vẫn còn một quả ngọc hành, suy cho cùng vẫn không thể gọi là thái giám. Ông ta kỵ nhất nghe hai từ “tên hoạn” này. Kỳ thực Tứ Bá đầu tạo phản thành công cũng là do hắn luôn ngầm kích động: “Bản thân lão ta là ‘tên hoạn’, nên mới ngăn cản anh em trong Đường khẩu đi tìm gái.” Bọn A Bảo phần đông là những kẻ hám lợi, phóng túng, dâm dục, nghe Tứ Bá đầu xúi bẩy như vậy thì nhất tề nghe theo.
Trương Đan Thành vẫy tay một cái nói: “Đại Bá đầu! Cắt cái lưỡi chó của hắn cho ta!”
Chu Chấn Long dạ lên một tiếng rồi cầm dao tiến lên. Kỳ thực, cắt lưỡi một người là việc vô cùng khó. Nó không giống như việc cắt lưỡi lợn bởi lưỡi lợn vừa to vừa dài. Trước khi bị đồ tể giết, lợn đều kêu eng éc. Sau khi bị chọc tiết xong, mõm lợn vẫn hơi há ra, tay đồ tể chỉ việc cậy hàm ra, một tay cầm lưỡi lợn, tay kia cầm dao cắt một nhát là được. Còn đối với con người, đâu thể há mồm ra cho người ta cắt lưỡi của mình được. Dù hai tên tay chân làm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể cạy mồm Tứ Bá đầu được. Cuối cùng Chu Chấn Long giật lấy một cây côn sắt, đánh thẳng vào miệng Tứ Bá đầu, khiến cho toàn bộ răng cửa của hắn gãy hết. Sau đó, một tên A Bảo cạy hàm trên, một tên khác cạy hàm dưới, lúc này Chu Chấn Long mới dễ dàng cắt phăng được lưỡi của Tứ Bá đầu. Mồm miệng đầy máu me, nhưng Tứ Bá đầu vẫn gân cổ mắng chửi dù những âm thanh đã không còn nghe được rõ tiếng nữa
Trương Đan Thành cười nhạt rồi nói: “Ngươi có phục hay không?”
Tứ Bá đầu ngoẹo đầu, máu chảy không ngừng, nhưng vẫn ương ngạnh không phục.
Trương Đan Thành đùng đùng nổi giận, đứng bật dậy, chộp lấy một khẩu súng, nhằm thẳng vào đầu hắn ta. Tổ Gia chăm chú theo dõi tất cả từ đầu chí cuối, trong lòng thầm nghĩ thời khắc báo thù cuối cùng đã đến. Cậu nói với Trương Đan Thành: “Một phát súng thì thật quá dễ dàng cho hắn! Bây giờ hắn ta đang muốn chết, nên chỉ mong sao ông sớm nổ súng!”
Trương Đan Thành ngây người: “Cậu em, nói vậy là có ý gì?”
Lúc này trong đầu Tổ Gia tràn ngập hình ảnh hai em của mình. Câu im lặng một lát, sau đó bật ra ba chữ đầy căm hận: “Đốt… đèn… trời!”
Ba tiếng này vừa thốt ra, khiến cho Trương Đan Thành giật mình. Tên tiểu tử này sao lại độc ác như vậy? Nhưng ông ta đâu biết ngọn lửa hận thù đang bừng bừng trong lòng Tổ Gia.
Lúc này, Tứ Bá đầu đã nhận ra Tổ Gia, hắn muốn nói gì đó, nhưng lưỡi đã bị cắt, mồm miệng lại đầy máu, không nói được tiếng nào rõ ràng. Cuối cùng, hắn lắc lắc đầu, cười lên một tiếng rồi gục xuống.
Thắp đèn trời và lăng trì là hai hình phạt thảm khốc nhất thời cổ đại. Lăng trì là cắt từng miếng thịt trên cơ thể. Thắp đèn trời là đem thả người vào trong vại dầu, sau đó vớt lên, trói vào một cây cột, đầu hướng xuống đất, chân chổng lên trời, rồi đốt cháy từ chân. Người bị hình phạt này có thể nhìn thấy ngọn lửa cháy từ gót chân mình, ngửi thấy mùi khét lẹt của da thịt, cảm nhận được những giọt mỡ của chính mình rỏ xuống mặt, cuối cùng chết trong sự đau đớn và kinh hoàng.
Tổ Gia muốn thắp đèn trời bởi hắn ta chính là kẻ đích thân hại chết em trai và em gái của mình, lại còn hỏa thiêu, đem tro cốt nhào với đất, nặn thành tượng. Đây chính là thời khắc báo ứng của hắn, hắn ta phải trả giá không kém một ly nào.
Tứ Bá đầu lập tức bị lột trần, toàn thân được tưới đẫm dầu, trói lộn ngược vào một cây cột. Do bị mất máu quá nhiều nên ý thức của hắn đã trở lên mơ hồ. Tổ Gia lấy một ngọn đuốc, châm lửa vào chân Tứ Bá đầu. Ngọn lửa phút chốc bùng lên, kèm theo đó là tiếng lửa cháy lách tách và da thịt bắt đầu sùi lên những bong bóng mỡ. Tứ Bá đầu cất tiếng cười ha hả, sau đó phát ra âm thanh “khùng khục”, dáng vẻ rất sảng khoái, cứ như thể kẻ bị thiêu không phải là hắn ta vậy.
Tất cả mọi người đều ghê sợ đến độ ngây người ra, Tổ Gia nhìn chằm chằm vào ngọn lửa. Đột nhiên, ông cầm một khẩu súng, đoàng một tiếng, bắn chết Tứ Bá đầu. Quả thực, ông không thể nhìn tiếp cảnh tượng đó được nữa.
Hạ súng xuống, Tổ Gia ngửa mặt lên trời, thở dài một tiếng, thầm nói: “Hai em hãy yên lòng nhắm mắt. Anh không thể giết được tất cả bọn chúng.”
Đột nhiên, Trương Đan Thành chỉ vào Tổ Gia hét lên: “Bắt tên tiểu tử này lại cho ta!