Do chỗ Tử vi được tạo lập như thế nào mà ta có thể tìm hiểu để biết được thật chất của khoa đoán số mạng này chăng ? Dứt khoát là khoa Tử vi đẩu số Đông Phương cũng như các môn dịch lý số khác ở Á Đông ta (Tử Bình, Nhâm Độn, Kỳ môn độn giáp, Tướng, Mai hoa, Dịch số, v.v..) được thành lập trên nền tảng căn bản của Dịch Lý học
Dịch lý là khoa học tối cổ ở Á Đông, phát xuất từ Trung Hoa (theo giáo sư Lê Chí Thiệp, tác giả sách Kinh Dịch Nguyên Thủy, chứng minh rằng Kinh Dịch phát xuất từ Việt Thương, mà tổ tiên Việt Nam vào khoảng 3000 năm trước Tây lịch, là người nước Việt Thương, phía nam sông Dương Tử, vùng Hổ Động đình và Phiên Dương, và trung tâm điểm là thành Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngày nay) để nói lên lẽ chuyển biến của trời đất, lẽ thiên địa tuần hoàn, sự kiện nhận thấy trong vũ trụ, trong thiên nhiên (lẽ thành, trụ, hoại, không của muôn vật, sự vận chuyển năm tháng, bốn mùa, ngày và đêm), áp dụng vào sinh hoạt của một quốc gia, dân tộc và áp dụng vào cuộc sống của mỗi con người nữa
Thoạt đầu là Thái Cực, phân ra Lưỡng nghi Âm Dương, rồi tứ tượng, Bát quái, rồi 64 trùng quái, những trùng quái này cứ xoay vần, nối tiếp nhau, và cứ theo thứ tự mà diễn biến mãi vô tận. Mỗi nhịp của thời tiết, tùy theo từng đợt dài ngắn, là một ngày hay một năm, hay 60 năm tức là thời gian trung bình của một đời người. Một ngày thì có 12 canh giờ, một năm bốn mùa hay 12 tháng. Một kỷ 60 năm chia thành từng giáp 10 năm. Lịch sử đời người phân ra từng hội Giáp Tý, Giáp Tuất, Giáp Thân, Giáp Ngọ, Giáp Thìn, Giáp Dần, Giáp là mộc, Tý, Tuất, Thân, Ngọ, Thìn, Dần theo thứ tự là Thủy, Thổ, Kim, Hỏa, Thổ, Mộc
Hàng Can chỉ về chính quyền , vua chúa, hàng chi chỉ về dân chúng, cứ can sinh chi là vua chúa thương dân, can khắc chi là vua chúa độc tài, chi khắc can là dân chúng nổi lên làm cách mạng cướp chính quyền, chi sinh can là sự hòa đồng, v.v... Xét ra từ thời vua Nghiêu, vua Thuấn đến nay, các hội nối tiếp nhau diễn biến rất đúng theo quy tắc đã kể, nối hợp lại có 12 kỷ tức 60x12=720 năm
Sự vận chuyển bốn mùa, hết đông sang xuân, là hết bỉ đến thái, qua thái phải sang bỉ, hết hạ phải vào thu diễn tiến vô tận vô cùng...
Ở con người, đời người được chia ra từng đại vận 10 năm, đến Thái (Tam hợp Thái Tuế) là lúc lên đỉnh cao nhất, nhưng vượt quá cái Thái vào phải hỏng, nên tam hợp Thiếu Dương đúng chơ vơ, thiên không chủ trì suy thoái. Cuộc đời nói nét chính vận hành với các bộ tam hợp trong vòng thái tuế, tức là tam hợp Thái tuế, rồi tam hợp Thiếu Dương, tam hợp Tuế Phá, rồi tam hợp Thiếu Âm hay dở trong đại cương cứ thế mà tiếp nối vô tận cùng
Phải chăng đó là một nét chính đầu tiên trong khoa Tử vi Đẩu số đoán mạng của Đông Phương? Nhưng thử hỏi lấy gì mà khởi phát ra những sự so sánh ấy? Xin thưa là lấy giờ, lấy ngày, lấy tháng lấy năm sinh ra đời, để so sánh với giờ, ngày, tháng và năm của vận. Mọi yếu tố đó đều có một danh xưng, hay một nạp âm có can và chi, mỗi danh xưng đó mang một trong hai ý niệm Âm và Dương, và một trong năm ý niệm ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Nhưng làm cách nào để an định một nạp âm cho một năm? Xét ra, ngũ hành đã không phải là cái chất mà chỉ là cái khí. Thì người xưa phải có sự quan sát thiên nhiên rất tinh tế để có được những an định chính xác mà khoa học tiến bộ ngày nay phải thừa nhận là đúng
Như năm nào nóng nhiều, nắng nhiều (tương đối) phải năm Hỏa, năm nào mưa nhiều, lụt lội nhiều phải là năm Thủy, năm nào cây cỏ phát triển nhiều phải là năm Mộc. Quan sát, an định rồi còn phải nghiệm lý theo dõi sự diễn tiến ấy ra sao rồi mới xác định hẳn. Và cuối cùng, người ta có những năm như Kỷ Mùi, Kỷ Sửu, Bính Thân là Hỏa và những người sinh ra đời vào các năm ấy phải có mạng hỏa,...
Các tên sao trong khoa Tử vi Đẩu số Đông Phương cũng dứt khoát không phải là tên sao, mà là những tên lấy trong dịch lý, hay những tên có ý nghĩa về Phúc, Họa, Giàu, Nghèo, Sang, Hèn trong cuộc đời con người mà thôi ! Và như thế kể cả các chính tinh, trung tinh tốt và hung tinh (vì sự quen dùng, xin đành phải gọi là sao hay tinh, tinh đẩu, mặc dù nó chỉ tên gọi lên một ý nghĩa trong cuộc đời mà thôi)
Các sao trong Tử vi có tất 128 sao (2 lần 64 quẻ) chữ Hán gọi là Tinh, là Tú, là Diệu. Các sách về chữ Hán, chữ Nôm của tiền nhân ta để lại thường là các bản chép tay như Tử vi đẩu số, Tử vi đẩu số giải âm, Tử vi giải, Tử vi đồ quái pháp, Tử vi hà lạc Nhâm Thìn số, Tử vi lập pháp, Tử vi số, Tử vi thập nhi cung đoán pháp và Tử vi đại toàn. Sách Tử vi đại toàn bản chép tay bằng chữ Hán của gia đình tôi đã được dịch ra Việt Ngữ trích đăng một phần trong nội san nghiên cứu Nho Y Lý Số và dùng làm tài liệu trích giảng trong khóa Tử vi Giảng Minh Motreal Québec, từ năm 1984 đến nay
Nhưng cho đến nay sách vở Tử vi quốc ngữ sao dịch từ các sách Hán Nôm, chỉ thấy khoảng 111 sao là thông dụng thôi xin liệt ra dưới dây
Tên sao | Nghĩa đen | Nghĩa cuộc đời |
---|---|---|
Tử vi | Sao vua, lành hiền | Cao cả nhưng cần phò tá |
Thiên cơ | Bộ máy trời | Tháo vác thiên về cơ khí |
Thái Dương | Dương lớn, mặt trời | Công danh |
Thái Âm | Âm lớn, mặt trăng | Sáng ban đêm, công danh |
Vũ khúc | Sao võ | Công danh, võ nghiệp |
Thiên Đồng | Hòa vui trên trời | Lành, tu hành |
Liêm trinh | Liêm khiết và trinh khiết | Ngay thẳng |
Thiên phủ | Phủ trời, tể tướng | Chức lớn, lành |
Tham lang | Chứng tham | Công danh nhưng vẫn còn tham |
Cự môn | Cửa nhà giàu | Giàu có |
Thiên tướng | Tướng nhà trời | Công danh tháo vác |
Thất sát | Sát phạt | Công danh, sát phạt |
Phá quân | Vua phá phách | Công danh dối lập |
Thái tuế | Sao vua | Ban hành, ngay thẳng |
Thiếu dương | Dương nhỏ | Thông minh |
Tang môn | Của tang | Buồn hay lo |
Thiếu âm | Âm nhỏ | Có lúc lầm lẫn |
Quan phù | Cửa nổi | Làm có suy nghĩ |
Tử phù | Nổi trôi | Suy vị |
Tuế phá | Đối nghịch, phá | Phá phách, đối đầu |
Long đức | Đức rồng | Được phúc |
Điếu khách | Khách điếu tang | Chuyện buồn |
Trực phù | Nổi trôi | Suy vị |
Đẩu quân | Vua tinh đẩu | Việc tốt |
Thiên không | Số không của nhà trời | Tan vỡ hết |
Lộc tồn | Can lộc trời | Được lộc phát |
Bác sỹ | Giỏi giang biết nhiều | Thông minh, giỏi giang |
Lực sĩ | Người khỏe | Có lực |
Thanh Long | Rồng xanh | Các việc mau chóng |
Tiểu hao | Hao nhỏ | Hao tổn nhỏ |
Tướng quân | Ông tướng | Công danh, võ |
Tấu thư | Sách vở | Công danh, văn |
Phi liêm | Bay bổng | Việc nhanh chóng |
Hỉ thần | Thần vui vẻ | Việc vui mừng |
Bệnh phù | Bệnh | Bệnh, đau ốm |
Đại hao | Hao lớn | Có sự hao tổn lớn |
Phục binh | Binh mai phục | Có kẻ rình rập làm hại |
Quan phủ | Phủ quan | Có việc đến cửa công |
Kình dương | Sao hung (Kình đà) | Có bị nạn, hoạn nạn |
Đà la | Sao hung (Câm) | Có bị nạn |
Quốc Ấn | Ấn nước | Công danh |
Đường phù | Nhà nổi | Không vững chắc |
Tràng sinh | Sống lâu dài | Sống lâu, thọ |
Mộc dục | Lòng dục | Ước muốn, ham muốn |
Quan đới | Học làm quan | Học hành |
Lâm quan | Làm quan | Có địa vị, chức vị |
Đế vượng | Vượng nhất | Thụ hưởng cả đời |
Suy | Suy giảm | Suy vi, thoái hóa |
Bệnh | Bệnh | Đau ốm, bệnh hoạn |
Tử | Chết | Xuống |
Mộ | Yên dưới mồ | Yên dưới mồ |
Tuyệt | Tuyệt diệu | Tuyệt tịch |
Thai | Thai nghén lại | Thai nghén |
Dưỡng | Nuôi dưỡng trong bụng mẹ | Nuôi dưỡng |
Triệt lộ không vong | Triệt cản đường | Bị can ngăn |
Tuần trung không vong | Tuần cản đường | Bị ngăn cản |
Địa không | Thành số không | Mất tiêu, mất hết |
Địa kiếp | Kiếp nạn | Mất tiêu, mất sạch |
Hỏa tinh | Sao hỏa | Bị hạn |
Linh tinh | Sao hỏa | Bị hạn |
Cô thần | Thần cô đơn | Đơn độc, tan |
Quả tú | Thần quả | Cô quả, tang |
Kiếp sát | Kiếp hạn giết | Hạn phá |
Phá toái | Kiếp hạn giết | Hạn phá |
Thiên hư | Làm hư | Hạn cản, buồn |
Thiên khốc | Làm khóc | Hạn cản, buồn |
Thiên Đức | Đức trời | Có đức thì được hưởng |
Nguyệt đức | Đức nguyệt | Đức thì hưởng |
Thiên thọ | Thọ trời | Bị tắc giảm |
Thiên tài | Cân che của trời | Bị tài giảm |
Long trì | Ao rồng | Công danh |
Phượng các | Gác phượng | Công danh |
Giải thần | Thần giải hạn | Giải hạn |
Tả phụ | Bên trái đỡ | Được người giúp đỡ |
Hữu bật | Bên phải đỡ | Được người giúp đỡ |
Văn Khúc | Khúc văn | Công danh |
Văn Xương | Thần văn | Công danh |
Tam thai | Ba danh | Công danh, thành công |
Bát tọa | Tám vựa | Công danh, thanh có uy |
Ân quang | Ân sáng | Được phúc |
Thiên quý | Ân trời | Được phúc trời |
Thai phụ | Danh | Công danh |
Phong cáo | Danh | Công danh |
Lưu hà | Sông lớn chảy | hạn sông nước |
Thiên trù | Vua ăn mặc của trời | Được phúc ăn mặc |
Thiên phúc | Phúc trời | Được phúc trời |
Thiên quan | Cửa trời | Công danh |
Thiên khôi | Trời sáng | Công danh |
Thiên việt | Vượt trời | Công danh |
Thiên riêu | Trời mông lung | Rộng bao la, mông lung |
Thiên y | Thầy thuốc của trời | Biết và làm về ngành y học |
Hóa lộc | Hóa giải lộc | Có lộc giải hạn |
Hóa quyền | Hóa quyền hành | Có quyền |
Hóa khoa | Hóa khoa cử | Có danh tiếng hay giải hạn |
Hóa kỵ | Hóa ra thứ không ham | Bị ganh ghét, hạn |
Đào hoa | Hoa dào | Công danh ngắn |
Thiên mã | Ngựa trời | Việc thay đổi |
Hoa cái | Hoa đầu | Công danh |
Hồng loan | Xe hồng loan | Công danh, việc vui vẻ |
Thiên hỉ | Trời vui | Công danh, việc vui vẻ |
Thiên hình | Hình của trời | Tù tội, việc công |
Lưu niên văn tinh | Phúc trải qua năm tháng | Phúc được hưởng |
Thiên thương | Trời tổn | Hạn |
Thiên sứ | Sứ nhà trời | Hạn |
Một vài bằng chứng để nói lên cái ý nghĩa tên sao không phải là tên sao đó là:
- Thiên la địa võng là lưới trời, lúc nào cũng ở hai cung Thìn, Tuất và được coi là sao hay là một ý nghĩa kìm hãm dều được
- Thái dương, Thái âm được coi là mặt trời và mặt trăng thật ra không thể so sánh với nhau chẳng qua là những trên trong bộ tứ tượng: Thái dương, Thiếu dương, Thái âm, thiếu âm
- Những sao đức cùng với Thiên Phúc, hiển nhiên để nêu lên mặt hưởng phúc đức vậy
- Văn khúc văn xương nêu lên con đường văn nghiệp, sự nghiệp văn chương
- Vũ khúc nên lên con đường võ nghiệp, sự nghiệp võ biền
- Hóa lộc, Hóa quyền, Hóa khoa nêu lên đường tốt có tiền bạc, có quyền hành, có danh vọng, công danh vinh hiển
- Đào hoa chỉ cái đẹp của hoa đào, hay cái hồng ửng xinh đẹp của cô gái 18 đôi mươi
- Thiên hỉ, Hỉ thần là việc vui mừng, hiển nhiên là những cái ý, không phải là tên tinh đẩu gì đâu
Sự kiện này rất quan trọng vì nó nói lên chúng ta không chịu số mạng từ các sao và sự thật là chúng ta có số một mạng sẵn, mà người ta đi tìm bằng cách đặt ra những tên hay hoặc dở để tìm cách đặt vào cho đúng chỗ ở cung mạng trong lá số Tử vi.
Chúng ta có thể tưởng tượng cách tạo lập , khoa Tử vi có sơ lúc đầu của người xưa như sau:
Thời kỳ tối thượng cổ, đàn ông đi săn, đánh cá, đàn bà đi làm vườn và các cụ già ở nhà trông nôm trẻ nhỏ. Được võ trang bằng khoa lý dịch các ông tạo ra những danh từ chính tinh, cung, vòng Thái tuế, và đặt vào địa bàn 12 cung để nêu lên cái mạng của người và là biến thái của vận hạn từng 10 năm theo dịch lý, hết Thái thì phải Bỉ, Bỉ mãi rồi phải Thái (vật cùng tắc biến, biến tắc thông) và qua những giai đoạn chính của 64 trùng quái, như Thủy Hóa Ký Tế, Hỏa Thủy Vị Tế v.v.. Những đại vận 10 năm của con người nói lên cả lẽ bĩ thái luân chuyển, cho nên thái đừng kiêu căng, bỉ đừng buồn chán, thất vọng
14 Chính tinh đặt trong 12 cung số lại có một thần diệu. Không những chúng nêu lên từng ý nghĩa, chúng còn cho nhứng lời khuyên thực tế. Chúng có 12 cách sắp xếp tùy theo Tử vi đứng trong cung từ Tý đến Hợi, và đây là lời khuyên đặc sắc. Ta hãy chú ý nhìn vào 12 thế đứng của chính tinh ở các hình vẽ, và nhìn vào thế nhị hợp của những chính tinh ở các cung Dương được các chính tinh ở cung Âm nhị hợp cho mình. Ta sẽ thấy cá sao Tử vi, Thiên tướng, Thất sát, Cự môn không hề có nhị hợp ở cá 12 thế, khi chúng ở cung Dương. Trái lại các chính tinh khác trong thế nào ở cung Dương, cũng có nhị hợp như sau:
- Thiên tướng có Liêm trinh nhị hợp
- Phá quân có Thiên có nhị hợp
- Vũ khúc có Thái Âm nhị hợp
- Tham lang có Thiên Đồng nhị hợp
Và ý nghĩa của cá nhị hợp đó như sau:
- Đã là người hiền lương thì liêm khiết mới hay
- Đã là thiên tướng lành thì phải sáng láng mới hay
- Đã là đối kháng phải tháo vác, sành sỏi như thiên cơ
- Đã là Tướng võ thì phải sáng suốt âm tịnh như mặt trời
- Đã là tính tham phải biết tu tĩnh (Thiên Đồng)
Những lời khuyên đó nói cho ta thấy một nét chính khác của Tử vi: Tử vi không chỉ nêu lên số mạng mà còn thêm những lời khuyên để hoàn thành số mạng cho tốt đẹp. Tức là khoa Tử vi còn mách nước chỉ đường cho con người cải đổi số mệnh nữa. Ta sẽ thấy sự chỉ đường ấy còn tinh tế hơn nhiều. Chỉ đường tốt thì phải chịu số mạng xấu. Đường tốt, số mạng tốt, đường xấu, số mạng xấu, đều có ở mỗi cung số Tử vi. Trong cùng quan điểm này tôi đã viết mấy bài "Người có thể cải sửa được mệnh trời" VNTP số 211 và "Tử vi Đông Phương và cải nghiệp của Đạo Phật" Nội san nghiên cứu Nho Y Lý số Xuân Ất Sửu 1985.
Bây giờ xin nói tiếp đến sự tạo lập của khoa Tử vi đẩu số Đông Phương. Thoạt đầu là các chính tinh, các hung tinh tốt đưa vào, kèm theo một số trung tinh. Thấy trong đại thể, tạm đúng nhưng còn đối với một số người, lại thấy không đúng. Đại khái, số (thô sơ) tướng tốt, mà lại xấu, hay tướng xấu mà lại tốt.
Tiền nhân ta lại mò mẫm và nhận ra
Có những sao ở cung này thì xấu mà ở cung khác thì tốt, tức là cho miếu địa, đắc địa, hoặc lạc hãm. Và không nhất thiết là so sánh hành các sao và hành cung mà thấy miếu đắc hay hãm. Miếu đắc hay hãm là do kinh nghiệm, đó là lý do tại sao ta không thể giải thích sự miếu đắc của một chính tinh ở một cung số mà đáng lẽ phải hãm. Ta cứ tạm thời phải chấp nhận thế thôi
Với một số người khác, phải giải thích sự tốt hay bớt xấu bằng một sao cản hãm, do đó xuất hiện Tuần và Triệt, với chỗ dùng của nó, cũng phải do sự mò mẫm tìm ra. Với một số người có sự xấu bất thường, (ngoài thiên không) phải đặt ra những sao mới cho đúng ý nghĩa và tìm ra cho đúng trong cung số. Như Thiên hình tính từ cung Dậu, theo tháng, như Không Kiếp tính từ cung Hợi theo giờ. Có người hỏi tại sao lại tính theo tháng, từ cung Dậu là sao? Tại sao lại tính theo giờ từ cung Hợi là sao? Xin thưa là không vì lý do nào, hoàn toàn là do kinh nghiệm, và đã có kiểm lại cung theo kinh nghiệm và thấy đúng nên chấp nhận. Phải chăng sự kiện đó là dó số mạng và như thế là có số mạng thật
Nhưng rồi lại cũng nhưng người có số mạng như nhau, cũng bị hạn nặng Thiên Hình hay Không Kiếp, mà có người bị hạn, có người lại không bị. Tìm tòi nữa ra những người không bị hạn mặc dù gặp Thiên Hình, Không hay Kiếp có thể là vì họ hành mạng tốt, hay vì họ được năm tốt, vận tốt, hay vì họ được tuần , triệt cản hãm tai nạn, hay khác hơn nữa họ đã hành động cải số mạng có hiệu quả. Ở đây, có yếu tố cuối cùng của số mạng mà các nhà sáng tạo Tử vi tìm ra và kiểm nghiệm. Người nào được cung Phúc Đức tốt, thì các phúc tốt đó được phát cho tất cả các cung, các vận, cung nào và vận nào mà xấu thì cung phúc đến giải cứu ngay. Ngoài ra, là ảnh hưởng của các sao thuộc bộ tứ đức (Long Đức, Thiên Đức, Nguyệt Đúc, Phúc Đức) không phải hiện diện để giải cứu suông mà chỉ giải cứu cho những ai có nhứng hành động phúc đức thật tốt. Khoa Tử vi lẫm liệt ở chỗ nào? Nó đưa ra một con đường tốt để cải đổi số mạng cho những người biết làm việc phúc đức mà thôi
Vai trò Thiên thọ, Thiên tài, Thiên phúc, Thiên quan cũng tương tự. Thiên tài và Thiên phúc đóng trọn gói giải hạn cho những ai làm việc phúc ở Thiên thọ và Thiên phúc. Biết rõ điều này, hẳn là vì người xưa đã quan sát, chiêm nghiệm đầy đủ về những trường hợp làm việc phúc rồi được hưởng phúc, được giải họa....
Tóm lại những sao trong khoa Tử vi đẩu số Đông phương có thể được sắp xếp loại như sau:
- Sao về hình tướng, tính nết, công danh, việc làm, thọ yểu: các chính tinh, vòng thái tuế, vòng tràng sinh
- Sao về học hành, công danh và việc tốt: Tướng, Ấn, Long, Phượng, Tả, Hữu, Xương, Khúc, Thai, Tọa, Phụ, Cáo, Khôi, Việt, Khoa, Quyền, Lộc, Đào, Hồng, Thiên Mã
- Sao hung, gây họa: Không, Kiếp, Kình, Đà, Linh, Hỏa, Song Hao, Cô Quả, Kiếp Sát, Phá toái, Lưu Hà, Hư, Hóa kỵ, Thiên hình, Đường phù
- Sao cản phá: Tuần, Triệt, Tài, Thọ
- Sao giải họa: Thiên phúc, Thiên quan, Thọ, Tài, Khôi, Việt, Hóa Khoa, Hóa Lộc, Giải Thần, Thiên Giải, Địa Giải, Lộc Tồn, Lưu Niên Văn Tinh
- Sao ban phúc: Thiên Tài, Thiên Quan, Long Đức, Phúc Đức, Thiên Đức, Nguyệt Đức, Lộc Tồn, Lưu Niên Văn Tinh, Ân Quang Thiên Quý, Thiên Trù
Đó chỉ là sự sắp xếp đại cương ngoài ra có nhưng sao, và những thế sao có ảnh hưởng khác. Các trường hợp lệch lạc trong Tử vi đã được thêm bớt bởi yếu tố mới, để trở thành chính xác mà trong các yếu tố làm việc phúc rất quan trọng. Người ta thường nói Đức năng thắng số, điều đó không ngoa. Cái lẽ Đức năng thắng số ghi trong lá số đem lại không biết bao nhiêu là hi vọng cho những người muốn cải đổi số mạng của mình bằng những hành động tốt, khác với đạo Phật đặt vấn đề cải cái nghiệp của mình bằng sư tu hành. Nhưng nghĩ cho cùng thì hài đàng cũng là một. Hành động tốt cũng là tu hành và tu hành cũng là hành động tốt. Cải số hay cải nghiệp cũng như nhau
Xét cho rộng ra, cải nghiệp hay cải số không phải chỉ bằng bộ sao tứ đức hay tài, thọ, quan, phúc mà thôi, mà còn cho bằng mọi trường hợp trrong lá số nữa. Bởi vì từng vận, từng cung lá số luôn đưa ra những trường hợp khác nhau, không phải để đoán cho bất kỳ ai. Những thầy Tử vi phải gián đoạn nhiều khi miễn cưỡng, mà người ta bảo là đoán dựa ! Thật ra không phải đoán dựa mà là gặp trường hợp Tử vi để ra mấy con đường tùy ý lựa chọn mà người giải đoán không thể biết tâm trạng, tính tình để mà giải đoán, cho nên phải đoán lưỡng, đoán hai chiều
Cái câu "Nếu lấy chồng sớm phải mắc họa, phải lấy chồng trễ thì mới tốt" câu đoán đó thật chứ không đoán dựa đâu. Cũng như câu đoán "Nếu bà có nhiều tiền, bà sẽ bị nạn lớn. Bà phải nghèo không có tài lộc gì, mới thoát nạn này". Những lời giải đoán đó không chính xác bằng một lời khuyên "Cô nên lấy chồng trễ để khỏi mắc họa" hay "Bà nên giữ phận nghèo để thoát nạn, ai cho tiền cũng đừng lấy, thấy gói tiền ngoài đường hay gói vàng ngoài đường cũng không thèm lượm mới được". Người ta quen coi khoa Tử vi là khoa đoán số mạng thuần túy, mà quên mất thực chất của Tử vi, phân nửa đoán số mạng, phân nửa đưa ra lời khuyên để cải số, nên các thầy Tử vi cũng ít khí dám nêu lên lời khuyên, để mang tiếng là bá láp. hàm hồ. Trong thực tế khoa Tử vi xây dựng trên Dịch lý và trên sự quan sát thực nghiệm cả mấy nghìn năm nay rồi, phải được coi là khoa cải số mới đúng với thực chất của khoa Tử vi đẩu số Đông phương
Nguồn bài viết: Câu chuyện tử vi - GS. Thiên Phúc