Tổ Gia thất kinh

Chu Chấn Long cũng ngơ ngác không hiểu: “Sư phụ! Tại sao vậy? Cậu ta là ân nhân cứu mạng của chúng ta mà.”

Trương Đan Thành vẫn hét lớn: “Trói nó lại!”

Chu Chấn Long không dám trái lệnh, cùng với hai tên tay chân nữa nhất tề xông lên, trói nghiến Tổ Gia lại.

Trương Đan Thành cười nhạt, nói với Tổ Gia: “Chúng ta không thân không thích, ngươi lại liều mạng ứng cứu. Ngươi và Tứ Bá đầu không thù không oán nhưng ngươi lại muốn dùng hình phạt thắp đèn trời. Ngươi không thấy rất kỳ lạ sao?”

Trương Đan Thành đi một vòng quanh Tổ Gia lúc này đã bị trói quặt tay ra sau lưng, bỗng nhiên chỉ tay vào đầu Tổ Gia nói: “Ngươi chính là tên tiểu tử chạy thoát đó!”

Chu Chấn Long giật mình lùi lại hai bước, ngạc nhiên nói: “Là… là tên tiểu tử lọt lưới mà Tứ Bá đầu nói đến sao?”

Tổ Gia nhắm hai mắt lại, trong đầu nghĩ: xong rồi, xong rồi. Nhưng cậu vẫn ung dung nói: “Đã bị các ngươi nhận ra rồi. Hãy ra tay nhanh đi! Ta cũng đã có thể đoàn tụ với gia đình được rồi.”

Trương Đan Thành thở dài một tiếng nói: “Có ân không báo, không đáng mặt quân tử, tất sẽ để lại tiếng xấu thiên cổ. Trương Đan Thành ta hành tẩu giang hồ mấy chục năm, thành danh đều nhờ vào chữ nghĩa, ngươi đã cứu mạng ta, ta giết ngươi hóa chẳng phải kẻ bất nhân bất nghĩa sao, ta không giết ngươi, nhưng… cũng không thể thả ngươi ra được.”

Trương Đan Thành biết rằng đứa trẻ đứng trước mặt mình đây có lòng hận thù quá nặng, lại vô cùng tàn độc. Thả nó ra chẳng khác nào thả hổ về rừng nên hắn ta quyết định bắt giam lại

Hậu viện của Đường khẩu có một nhà lao bí mật, chuyên dùng để giam cầm A Bảo phạm lỗi. Tuần thứ hai sau khi bị bắt giam, Trương Đan Thành cử một ông già què khoảng 50 tuổi tới canh giữ Tổ Gia. Tổ Gia thật không thể hiểu nổi, Đường khẩu nhiều A Bảo chân tay lành lặn như vậy, mà tại sao Trương Đan Thành lại cử một ông già què đến canh giữ.

Sau này, Tổ Gia mới biết, ông già què này không phải là một người tầm thường, ông ta đã đi theo Trương Đan Thành mấy chục năm. Khi Tứ Bá đầu tạo phản, ông ta không có ở bên cạnh Trương Đan Thành. Sau khi được mấy tên tay chân chạy đến báo tin, liền lập tức quay về Đường khẩu, nhưng đã quá muộn, thân cô thế cô, không thể địch lại được số đông. Sau khi hạ gục mấy tên A Bảo, nhân tình thế hỗn loạn, phóng qua tường trốn đi. Sau này, khi Trương Đan Thành lấy lại Đường khẩu, ông ta lại quay về

Chân què, nhưng kỹ thuật của ông ta không què quặt chút nào. Ông ta cũng có thể coi là một sát thủ đệ nhất của Đường khẩu. Sở dĩ ông ta bị què là vì bảo vệ Trương Đan Thành trong cuộc xung đột với Hắc bang năm xưa, tuyệt kỹ lợi hại nhất của ông ta chính là phi đinh. Vận toàn lực vào tay, ông ta có thể phi đinh sắt cắm sâu vào cây gỗ đến mấy tấc ở khoảng cách ngoài mười mấy mét. Nghe nói, môn kỹ thuật này bắt nguồn từ “Yến Tử môn” ở Trung Nguyên. Sau này, có nhiều tin đồn cho rằng kỹ thuật phi đinh được phát triển thành phi dao vô cùng ngoạn mục và lợi hại. Thực ra, thời đó chỉ là phi rìu chứ chưa biết đến phi dao, mặt khác không phải cứ muốn là có thể phi dao được. Trước cuộc Cách mạng công nghiệp, chưa hề có kỹ thuật cắt và cán mỏng lưỡi dao, do đó lưỡi dao đều được mài theo cách thủ công. Muốn làm ra được lưỡi dao mỏng như cánh chuồn, phải tốn rất nhiều thời gian và công sức, cho dù có chế được đúng theo ý mình thì khi lâm trận cũng không thực sự đắc dụng. Vì dao một khi đã phóng ra là khó có thể thu về được, nhiều nhất cũng chỉ giết được một vài người, sau đó chỉ còn cách chịu trận đợi kẻ khác đến giết. Hơn nữa, phi dao phần nhiều là lén lút, phi xong liền bỏ chạy, trúng đích thì không nói làm gì, không trúng kể như mất toi vài chiếc mà phải tốn thời gian mười mấy ngày mới chế được một chiếc. Chỉ một trận là chẳng còn lưỡi dao nào, lần hành động sau lại phải mài lưỡi mới.

Ngược lại, đinh lại chế tạo rất dễ dàng, nhưng đinh khi đó cũng không giống như đinh tây bây giờ, đều là sản phẩm của nước ngoài, giống như diêm và dầu hỏa. Đinh thời xưa khá to, do thợ rèn tự chế, đường kính gấp ba đến bốn lần đinh bây giờ. Lượng cung ứng đinh cũng rất lớn, mỗi lần có thể mang theo mấy chục chiếc. Với một cao thủ công lực thâm hậu, bách phát bách trúng, một trận quyết chiến, chí ít có thể giết được mấy chục người. Lần sau hành động, cũng không phải lo lắng về vấn đề thiếu đinh.

Tổ Gia nói với tôi: “Nếu không tận mắt nhìn thấy, sẽ không tin trên thế gian này có một cao nhân như vậy. Ông già què đó vung tay một cái, đinh sắt bay ‘vút’ ra, ‘phập’ một tiếng, cắm ngay vào cây gỗ trên cánh cửa nhà lao.” Tổ Gia bị một phen kinh sợ, đồng thời cũng đã hiểu vì sao Trương Đan Thành cử một người như vậy đến canh giữ mình

“Sư phụ nói, ngươi là ân nhân cứu mạng của ông ấy, cũng là kẻ thù không đội trời chung, dặn ta tuyệt đối không được khinh thường, càng không được tin ngươi.” Ngày đầu tiên gặp mặt, ông già què đó đã nói với Tổ Gia như vậy.

Ban đầu hai người luôn đề phòng lẫn nhau, một trong nhà lao, một ngoài cửa nhà lao, không hề nói với nhau câu nào, sau này quen rồi, dần bắt đầu trò chuyện.

Ông già què này tên gọi là Đồ Nhất Minh, là hàng đệ tử đầu tiên sau khi Trương Đan Thành xuất đạo. Sau khi bị gãy chân, về cơ bản Trương Đan Thành không sắp xếp cho ông ta làm việc bên ngoài. Chân ông ta gãy là vì Trương Đan Thành, trước mặt anh em Đường khẩu Trương Đan Thành thề rằng sẽ chăm sóc ông ta cả đời. Kỳ thực Đồ Nhất Minh làm việc nhiều năm ở Đường khẩu, tiền bạc cũng tích lũy được một món kha khá, như vậy, ông ta không thiếu tiền, không cần phải nhờ người khác nuôi.

Tổ Gia hỏi ông ta vì sao không nhân cơ hội rời khỏi Đường khẩu, tìm một nơi mà mai danh ẩn tích. Đồ Nhất Minh cười lớn nói: “Ngươi không hiểu rồi. Một người đã lăn lộn ở Đường khẩu mấy chục năm trời thì Đường khẩu chính là nhà, dù có mang tiền ra đuổi cũng không đi. Sống là người của Đường khẩu, chết làm ma của Đường khẩu. Từ lâu, ta đã quen với ngày tháng sống cùng anh em huynh đệ. Sau khi ta bị tàn phế, tuy không phải ra ngoài dàn cục, nhưng vẫn là người không thể thiếu trong việc bàn tính kế sách. Ta là người không chịu được sự nhàn rỗi, càng không muốn ăn không ngồi rồi, đúng lúc ngươi xuất hiện, sư phụ muốn ta đến canh giữ ngươi và nói rằng tên tiểu tử nhà ngươi là kẻ vô cùng nguy hiểm.”

Tổ Gia cười gượng trong lòng. Một thời gian sau, cuộc sống giam hãm của Tổ Gia cũng thoải mái hơn ít nhiều. Mỗi ngày ba bữa đều có thịt, gặp hôm mùng một, ngày rằm còn được uống vài ba ngụm rượu. Chiêu này của Trương Đan Thành quả thật cao tay. Thời gian có thể mài mòn đi tất cả, cũng vì thế lửa hận thù và sự ức chế trong lòng Tổ Gia bắt đầu dần nguội đi. Đêm đến, cậu thường độc thoại, nhắc nhở bản thân phải khắc sâu mối thù hận: em trai, em gái tuy không phải do Trương Đan Thành tự tay giết chết, nhưng ông ta là kẻ cầm đầu Đường khẩu… ban đầu nếu như ta không cứu bọn chúng… nhưng giờ đây ông ta cũng không giết mình… Hàng đêm, khi nút thắt trong tư tưởng này vẫn còn chưa cởi ra được, Tổ Gia đã chìm sâu vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, cậu thường thấy những ngày tháng trước đây, được trở về bên cạnh cha mẹ, cả nhà lại rộn rã tiếng cười. Khi tỉnh dậy trong căn phòng giam lạnh lẽo, trở lại với hiện thực, cậu đờ đẫn ngồi ngây ra một hồi lâu.

Tổ Gia cũng từng nghĩ đến việc đâm đầu vào góc tường tự sát, nhưng lại không thể hiểu nổi vì sao mình muốn chết? Gia bại nhân vong, bản thân không muốn kế tục hương hỏa sao? Cậu cũng từng nghĩ đến việc tuyệt thực, nhưng cơm của kẻ thù không thể ăn được sao? Ăn no rồi mới có thể tiếp tục sống, sống mới có cơ hội ra ngoài, ra được ngoài rồi thì mới có thể trả thù, không những phải ăn, mà còn phải ăn thật ngon lành

Cứ cách dăm bữa nửa tháng, Tổ Gia được ra ngoài hóng gió với một cái xích to dưới chân. Đồ Nhất Minh ngồi trong sân theo dõi cậu, trong tay áo luôn giấu sẵn đinh sắt. Có lúc Tổ Gia nói với ông ta: “Ông không cần phải căng thẳng như vậy, tôi không chạy được đâu mà lo.”

Những lúc như vậy, Đồ Nhất Minh mỉm cười nói: “Người khác thì không thể, nhưng ngươi thì có thể, 15 tuổi dám giết hai mạng người, thắp đèn trời một người. Nếu không cẩn thận, chính ta đây cũng không biết mình sẽ chết như thế nào.”

Thực ra, Đồ Nhất Minh đã sớm có cảm tình với Tổ Gia. Ông ta thường nói với cậu rằng: “Nhóc con, nếu ngươi không phải là kẻ thù của chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ trở thành anh em tốt. Ngươi cũng chớ nên cả ngày nghĩ đến việc trả thù. Nói một câu công bằng, khi đó sư phụ ta dàn cục không hề biết đó là em trai và em gái của ngươi, khi Tứ Bá đầu la cà trên phố, đúng lúc gặp được các ngươi…”

“Ông chớ có nhắc lại chuyện này nữa!” Tổ Gia ngắt lời ông ta.

“Không cho ta cũng cứ nhắc đấy. Ta nói cho ngươi biết, sư phụ ta đã cử người đến ngôi miếu đó đem tượng đất tro cốt của hai em ngươi về, mua hai chiếc quan tài, rồi cho chôn cất cẩn thận, hơn nữa còn lập bia, hàng tháng đều cử người đến thắp hương, đốt tiền vàng. Hiện nay anh em trong Đường khẩu đều muốn giết ngươi, nhưng sư phụ ta không đồng ý…”

“Đừng nói nữa! Đồ què cụt!” Tổ Gia ngắt lời.

Đồ Nhất Minh cười ha hả nói: “Tên tiểu tử này, nếu ngoài phố có kẻ nào mắng ta như vậy, lão gia đây sẽ cho một phi tiêu vào họng.”

Tổ Gia không đôi co lại nữa liền nói: “Trương Đan Thành định giam ta bao lâu?”

Đồ Nhất Minh lắc đầu: “Việc này không biết chắc được, có lẽ là mấy năm, cũng có thể là mười mấy năm, biết đâu lại đến mấy chục năm. Chỉ cần sư phụ ta còn sống thì ngươi còn bị giam ở đây, trừ phi ông ấy chết, mà có chết ông ấy cũng chưa chắc sẽ thả ngươi đâu. Ngươi là kẻ địch của cả Đường khẩu, thả ngươi ra, nghĩa là chúng ta chẳng muốn sống nữa. Vì thế, ta đồ rằng ngươi sẽ chết già ở trong này, mà điều này chẳng phải rất tốt sao? Được ăn được uống, đợi ngươi lớn lên chút nữa, không biết chừng sư phụ ta còn tìm cho ngươi một cô vợ cũng nên… ha ha…”

Tổ Gia bỗng trở lên hoang mang, lẽ nào cả đời này phải như vậy sao?

Mỗi ngày trôi qua, Tổ Gia đã dần củng cố quyết tâm phải tiếp tục sống, hàng ngày ăn xong duỗi tay duỗi chân trong phòng giam, có lúc còn trồng cây chuối, rèn luyện thể lực và sức chịu đựng. Mỗi khi buồn chán, Đồ Nhất Minh lại đứng lên đi lại, ra sân ngồi, chơi trò phóng phi tiêu vào thân cây, sau đó đi cà nhắc đến nhổ ra, rồi lại cà nhắc quay lại, rồi phóng tiếp, cứ như thế, phóng rồi nhổ, nhổ rồi phóng.

Có một lần, Tổ Gia nói với Đồ Nhất Minh: “Ê, hay là ông dạy tôi phi đinh sắt đi?”

Đồ Nhất Minh hấp háy đôi mắt, cười nói: “Ngươi nghĩ ta già nên lú lẫn rồi sao? Ta dạy ngươi rồi, không biết chừng một ngày nào đó ngươi chẳng phóng một đinh vào đầu ta à? Chẳng phải như thế là ta đang tự tìm cái chết sao?”

Tổ Gia cũng cười nói: “Lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử.”

Con người là loài động vật cảm tính, gần nhau, tiếp xúc một thời gian dài sẽ sinh tình cảm, cảm giác đề phòng lẫn nhau cũng sẽ giảm bớt đi. Một lần sau khi Đồ Nhất Minh đến, ngồi trầm ngâm thở dài, Tổ Gia thấy vậy liền hỏi: “Ông làm sao vậy?”

Đồ Nhất Minh nói: “Sư phụ lại cáu giận rồi! Suýt chút nữa là lộ cục! Một lũ tạp chủng, quá tham lam!”

Tổ Gia mỉm cười: “Ông kể đi.”

Đồ Nhất Minh liếc nhìn Tổ Gia một cái. Tổ Gia lại cười: “Tôi cũng có thể được coi là người của Đường khẩu, hơn nữa lại không chạy đi đâu được, có nghe biết được chuyện gì chăng nữa cũng chỉ để trong bụng. Ông đâu cần phải căng thẳng như vậy chứ?”

Đồ Nhất Minh thở dài thườn thượt nói: “Cũng được. A Bảo bây giờ không giống như trước đây nữa rồi…”

Tổ Gia hỏi lại: “Thế nào là không giống, chẳng phải vẫn đều là phường lừa đảo sao?”

Đồ Nhất Minh lắc đầu: “Mất đạo rồi, mất đạo rồi.”

Tổ Gia hỏi vặn lại: “Phường lừa đảo thì có đạo gì chứ?”

Đồ Nhất Minh sầm mặt lại: “Nhà ngươi thì hiểu gì chứ? Phái Giang Tướng chúng ta, một bái trời làm cha, hai bái đất làm mẹ, có tình có nghĩa. Vô tình vô nghĩa tất sẽ chết dưới muôn đao. Lấy việc cướp của người giàu chia cho người nghèo làm tôn chỉ hành động, tham tài tham sắc tất sẽ bị trời báo ứng. Ngươi hỏi phường lừa đảo thì có đạo gì ư? Sư phụ biết rõ ngươi muốn giết ông, nhưng ông lại không giết ngươi, ngược lại vẫn nuôi ngươi. Đó chính là đạo.”

Tổ Gia ngẩn người ra một lát rồi lập tức nói: “Giết người cũng là đạo sao?”

Đồ Nhất Minh trả lời: “Giết kẻ xấu là đạo, giết người tốt là thất đạo.”

Tổ Gia trầm tư một lúc: “Vậy còn giết những đứa trẻ bất hạnh thì sao?”

Đồ Nhất Minh biết Tổ Gia lại nhớ đến hai em của mình, cúi gằm mặt trong chốc lát rồi nói: “Đó là thất đạo. Con người nhiều lúc rất khó để khống chế được bản thân, vì lợi ích của Đường khẩu, nhiều khi không thể quản được nhiều như vậy…”

Tổ Gia nghe vậy tức giận nói: “Không quản được sao? Không quản được thì lạm sát người vô tội ư? Đó chỉ là những đứa trẻ con chưa hiểu biết sự đời, không thù không oán với các ngươi đó.”

Đồ Nhất Minh cũng tức giận đáp lại: “Ai biết được đó là hai em của ngươi? Ngươi thử nhìn xem trên đường đầy rẫy kẻ ăn mày, không chết vì đói cũng chết vì rét, sớm muộn gì cũng phải chết. Giờ đây, ngay chính đêm nay, có biết bao nhiêu kẻ ăn mày phải chết vì đói rét, ngươi có biết không, ngươi có quản hết được không? Đây là thế giới ăn thịt người. Bọn chúng không bị A Bảo ăn thịt, cũng sẽ bị cái thế giới này nuốt chửng.”

Tổ Gia nói một cách lạnh lùng: “Đó chính là đạo của các ngươi sao?”

Đồ Nhất Minh thở dài nói: “Ngươi cho rằng sư phụ ta không hối hận sao? Ngươi có biết mỗi năm Đường khẩu bỏ ra bao nhiêu tiền cứu tế người nghèo không? Ngươi có biết sư phụ ta hàng năm làm phúc bao nhiêu bát thuốc không? Ngươi có biết người dân ở các thôn trong vòng mười dặm quanh đây đều coi sư phụ ta là Bồ Tát sống không? Đem mạng của mấy tên ăn mày để đổi lấy sự no ấm của hàng trăm hàng nghìn người, không đáng sao?”

Tổ Gia nói: “Nếu người bị chết là con cái của ngươi thì sao?”

Đồ Nhất Minh ngỡ ngàng im lặng không nói.

Tổ Gia nói tiếp: “Đều là cha sinh mẹ dưỡng, là núm ruột của cha mẹ.”

Đồ Nhất Minh nói: “Ngươi không biết đó thôi, sư phụ là người tốt, ngươi thử nhìn xem mấy Đường khẩu quanh đây, đều trở thành những kẻ như thế nào rồi? Lừa tiền lừa sắc, giết người cướp của, hãm hiếp phụ nữ, không điều ác nào không dám làm, đúng là một lũ súc sinh.”

Tổ Gia đế theo: “Các ngươi cũng chẳng khác gì một lũ súc sinh.”

Đồ Nhất Minh giơ tay phải lên cao, tức giận nói: “Ngươi…”

Tổ Gia nói: “Muốn giết ta sao? Súc sinh! Các ngươi là lũ súc sinh. Súc sinh!”

Đồ Nhất Minh nhìn thẳng vào Tổ Gia, thu đinh sắt lại vào trong ống tay áo: “Ta với ngươi có cách nghĩ hoàn toàn khác nhau.”

Hai người im lặng không nói, một lúc lâu sau, Đồ Nhất Minh mới mở miệng trước: “Ngươi muốn hận cứ hận, nhưng ta nói cho ngươi biết, A Bảo chân chính không phải kẻ súc sinh. Năm đó khi Tổ sư gia Phương Chiếu Dư, một trong Ngũ tổ Hồng Môn sáng lập phái Giang Tướng, hô hào anh hùng hảo hán trong thiên hạ, hành hiệp trượng nghĩa, cướp của người giàu chia cho người nghèo, “Phản Thanh phục Minh”, lê dân bách tính vô cùng cảm kích. Sau khi Tổ sư gia quy tiên, đệ tử của bốn nhánh Càn, Khôn, Khảm, Ly vẫn luôn tuân theo lời dạy của ngài, tâm hoài thiện niệm, không tham tài, không tham sắc, thưởng thiện phạt ác, cướp của người giàu chia cho người nghèo.”

Tổ Gia trầm ngâm, những lời ông ta nói đều là sự thật, vì tổ tiên của Tổ Gia cũng là người của Thiên Địa hội. Thiên Địa hội chính là Hồng Môn. Hồi nhỏ Tổ Gia thường được nghe ông nội kể những câu chuyện về “Phản Thanh phục Minh” của Thiên Địa hội. Chỉ có điều nhánh phái Giang Tướng này ngày càng xa rời Thiên Địa hội nên ông nội ông rất ít đề cập đến.

Đồ Nhất Minh thấy Tổ Gia im lặng, không hiểu cậu đang nghĩ gì liền hỏi: “Sao ngươi lại không nói gì vậy?”

Tổ Gia trầm tư một lúc lâu, tâm trạng nặng trĩu nói: “Thực ra… tổ tiên của ta cũng thuộc Thiên Địa hội…”

Câu nói đó chẳng khác nào sấm nổ giữa trời quang, khiến cho toàn thân Đồ Nhất Minh chấn động. Trong mắt ông ta, Tổ Gia chỉ là một tên ăn mày không rõ lai lịch. Trước đó, Trương Đan Thành cũng từng sai ông hỏi tên họ thật và thân thế của Tổ Gia, nhưng Tổ Gia không nói. Họ cũng chẳng có cách nào, sau đó không hỏi đến nữa. Không ngờ lại là người một nhà

Xã hội phong kiến rất coi trọng nhận tổ quy tông. Đồ Nhất Minh vội vàng hỏi tường tận. Tổ Gia kể một cách mạch lạc cho ông ta nghe, kể đến năm đó tổ tiên mình “Phản Thanh phục Minh” ra sao, sau này lại gia nhập quân Thái Bình như thế nào… duy có chuyện cha mình bị hại là không nói.

Bấy nhiêu thôi đã đủ khiến cho Đồ Nhất Minh tròn mắt ngạc nhiên, ông ta run run hỏi: “Nhóc con, ngươi có biết đến đời ngươi là thuộc hàng chữ gì không? Hoặc ngươi có biết cha ngươi đứng hàng chữ gì không?”

Đó là một chữ cố định nằm trong tên gọi của mỗi người trong gia phả dòng tộc thời phong kiến. Thông thường chỉ chữ ở giữa, phản ánh trực tiếp vai vế của một người. Những chữ này là do lão tổ tông đặt cho, mục đích để thiết lập nên vai vế, đời này truyền sang đời khác. Ví dụ một người họ Trương, đến đời của anh ta thuộc hàng chữ “Vân”, vậy anh ta và anh em của mình đều được đặt tên là Trương Vân, như Trương Vân Sơn, Trương Vân Đằng, Trương Vân Liệt… Đời sau nếu là chữ “Khánh”, vậy trong tên của con cháu đều mang chữ “Khánh”, ví dụ Trương Khánh Văn, Trương Khánh Tài… Người cùng họ thoạt nhìn tên là biết ngay thân phận ai lớn, ai nhỏ.

Vai vế là nền tảng của luân lý cương thường. Tam cương, ngũ thường chính là nền tảng tư duy của xã hội phong kiến, do đó vai vế hỗn loạn là đại nghịch bất đạo. Mắng chửi, giết hại, thông gian hãm hại trưởng bối đều là trọng tội không thể dung thứ.

Tổ Gia nhớ rất rõ cậu đứng hàng chữ “Quán”, cha đứng hàng chữ “Lâm”, Tổ Gia trả lời một cách thật thà, lời vừa thốt ra, hai chân Đồ Nhất Minh như muốn quỵ xuống, liền vội vàng bò lên trên đi báo tin